Công khai công thức thiết kế của mình là WnW (tức Wind and Water – Gió và Nước), anh đã tạo nên những đặc sản nào để góp phần tạo dựng một “Đô thị của gió và ánh sáng” trong tương lai không chỉ cho Việt Nam mà cả thế giới?
Gió và nước có nghĩa là phong thủy, mà phong thủy có nghĩa là khoa học sống với thiên nhiên, sống với những gì là trí huệ như gió, nước, ánh sáng và cây xanh. Như những ngày vừa qua, Hà Nội nóng liên miên lên đến 40, 41 độ C, ngày nào cũng là những ngày nóng nhất trong lịch sử, chính vì vậy mà những sản phẩm hòa thuận với thiên nhiên là điều tất yếu để giảm bớt việc tiêu hao năng lượng, giảm bớt sự phá hủy môi trường.
Công ty kiến trúc của anh đã và luôn nỗ lực làm ra các công trình thuận với tự nhiên, hòa thuận với thiên nhiên, không phân biệt vùng miền và tất nhiên là ưu tiên các công trình tại Việt Nam để góp phần tạo nên một “Đô thị của gió và ánh sáng” (yếu tố cây xanh là tuyệt đối quan trọng cho các đô thị như Sài Gòn và Hà Nội bây giờ). Làm thế nào để anh có thể tạo dựng một không gian mang lại cảm giác như resort giữa thiên nhiên cho những căn nhà ống chật hẹp của Hà Nội và Sài Gòn?
Hà Nội và Sài Gòn nhìn vào là các đô thị chật chội, ít cây xanh, nhiều mái tôn, nhiều người và ô nhiễm. Tuy nhiên, Hà Nội và Sài Gòn lại có những ưu điểm như lắm nắng, nhiều mưa nên việc trồng cây xanh rất dễ, có thể trồng trên mái nhà, trồng ngoài mặt tiền, trồng mọi nơi trong và ngoài nhà. Như các công trình công ty chúng tôi từng thực hiện, chỉ với 50m2, ngoài mặt tiền và trên mái nhà đã trồng mười mấy cây cổ thụ với đường kính 20cm, mật độ cây xanh cao hơn cả cây trong rừng. Như vậy, chỉ cần xin ít nắng, xin ít mưa để trồng cây là ngôi nhà đã có thể trở thành resort giữa thiên nhiên.
Nhìn lại những tác phẩm của mình, công trình nào anh yêu thích nhất? Những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất đã tạo nên cảm xúc của anh khi sáng tạo công trình này?
Thực ra lúc mà mình tĩnh lặng là lúc những ý tưởng được sinh ra mạnh nhất và tự nhiên nhất vì khi có quá nhiều suy nghĩ thì những ý tưởng đó sẽ không tự nhiên và có toan tính.
Phải chăng đó cũng là những tiêu chí cốt lõi nhất của kiến trúc thế kỷ 21?
Tiêu chí của thế kỷ 21 rõ ràng là hòa thuận với thiên nhiên vì xã hội hiện nay đang theo thiên hướng vật chất, có nghĩa là làm ra càng nhiều để hưởng thụ, làm môi trường bị phá hoại, biến đổi khí hậu và con người luôn luôn bận rộn, căng thẳng với sự phát triển và các toan tính đó. Do vậy con người cần phải quay về với thiên nhiên để sống hòa thuận với thiên nhiên, xa rời mọi vật chất.
Anh từng đưa ra ý kiến rằng kiến trúc phương Tây đã lỗi thời trước sự giản dị, trong sáng của kiến trúc Nhật Bản? Phải chăng người Nhật đã đi trước một bước so với thế giới về nhiều mặt, trong đó có cả lĩnh vực kiến trúc?
Kiến trúc phương Tây một thời là phong cách chạm trổ phức tạp ngoài mặt tiền, tuy nhiên bây giờ là xã hội công nghiệp, cái gì cũng cần nhanh, đẹp, thêm việc nhân công đắt đỏ nên việc tối giản là xu hướng tất yếu. Rõ ràng về kiến trúc tối giản thì người Nhật rất giỏi. Vậy vì sao họ lại giỏi? Có thể là do sự phát triển thiền định của họ, do điều kiện thiên nhiên động đất, sóng thần nên họ buộc phải làm mọi thứ đơn giản nhất. Chính điều đó, họ đã đi trước châu Âu từ rất xa và bây giờ châu Âu mới quay lại phát triển theo lối tối giản này.
Người ta gọi anh là “Kiến trúc sư của thế kỷ 21”, điều gì đã giúp anh luôn “đi trước một bước” so với nhiều đối thủ, để giành được những hợp đồng giá trị? Điều đó đòi hỏi bản lĩnh như thế nào của một kiến trúc sư?
Thực sự, mình không nghĩ là mình sẽ đi trước ai, chỉ là làm việc tốt nhất trong khả năng của mình để tạo dựng một hệ thống tốt. Điều đó tạo nên một tiền đề để các kết quả tốt cứ tự đến với mình. Và bản lĩnh ở đây chính là bản lĩnh vượt qua chính mình, vượt qua các cám dỗ, qua các hận thù, ghen ghét để tập trung làm việc của mình.
Anh luôn bị ám ảnh bởi một tuổi thơ dữ dội? Một tâm hồn Việt và những kỹ năng của người Nhật dường như đã hòa quyện trong anh, để tạo nên sự khác biệt, luôn luôn mới?
Ai đã từng đi qua những khó khăn trong cuộc đời đều nhận được cơ hội để rèn luyện ý chí và nhân cách. Vì khi mình vất vả, mình sẽ thực sự hiểu những người công nhân ngoài công trường họ khổ như thế nào, nhân viên của mình vất vả như thế nào. Nói thẳng ra, nếu đã từng vất vả và khó khăn thì đó là sự may mắn để rèn luyện tính kiên nhẫn. Một tâm hồn Việt và phương pháp tư duy của người Nhật, cách người ta sống hết mình với mục tiêu của mình, bất luận xung quanh như thế nào chính là điều mình học được trong suốt 10 năm học tại Nhật Bản.
Đó có phải cũng là một áp lực với anh?
Không, không có áp lực gì cả bởi mình đã sống hết mình vì công việc và vì bản thân.
Các công trình của anh nhận được những đánh giá rất tích cực bởi sự uyển chuyển, mềm dẻo và mang đậm sự khác biệt. Vậy nhưng con người anh lại đầy cá tính và “thẳng tưng”, khiến cho nhiều người vừa nể, vừa… ghét?
Mình có cá tính khá thẳng thắn và dễ hiểu, không mất thời gian vào các toan tính mình làm gì, mình nói gì. Chính cá tính thẳng thắn đó tạo ra cách nhìn thẳng thắn với thiên nhiên để tạo ra công trình mềm dẻo, uyển chuyển hòa với thiên nhiên.
Ba từ Kiến Trúc Xanh đã trở thành vấn đề nóng hổi mang tính thời sự, anh đã cụ thể hóa nó như thế nào trong các công trình của mình? Theo anh, làm thế nào để lan tỏa điều này tới toàn xã hội?
Xanh hóa những mái nhà là một mục tiêu lớn, không thể nào thực hiện được trong một, hai năm nhưng nếu thành phố có quy định nhà xây mới hoặc sửa nhà phải có mái xanh mới được cấp phép xây dựng và hoàn công thì chỉ trong một thời gian ngắn dân cư thành phố sẽ là những người được hưởng lợi ích nhiều nhất. Thiết kế công trình theo kiến trúc xanh kết hợp với sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc đưa quy chế “xanh hóa những mái nhà” tại các đô thị không chỉ giúp cho kiến trúc Việt Nam phát triển cùng với thế giới mà còn giúp cho cuộc sống của người dân Việt Nam ngày một tốt đẹp hơn.
Với vai trò là một kiến trúc sư tiên phong, anh muốn đóng góp điều gì cho giới làm nghề và cho không gian sống của người Việt nói riêng và con người nói chung?
Mình cứ đi theo cách của mình, mình cứ làm tốt việc của mình thì tự khắc sẽ có chia sẻ từ xung quanh, mình chia sẻ bằng chính các công trình, bằng ngôn ngữ, chất liệu của công trình.
Tư duy kiến trúc của anh ảnh hưởng lớn từ những người thầy nào? Điều gì về người thầy ấy mà anh ghi nhớ nhất?
Khi qua Nhật Bản học, mình có ấn tượng nhất đó là những vị giáo sư. Họ định dạy mình những điều mà họ thậm chí còn chưa biết. Ví dụ như họ bảo mình học về khí động học đi, dù họ có giỏi về vấn đề đó không, họ có tính toán được không, hiểu gì về các công thức đó không? Họ để cho mình tự tìm tòi nghiên cứu và điều quan trọng là họ chỉ ra cho mình con đường mình phải đi.
Mục tiêu tối thượng trong nghề nghiệp của anh là gì?
Thực ra là qua sự vất vả trong công việc để mình tu tập được tốt hơn, đó mới là mục tiêu chính, do vậy, mình làm việc suốt mà vẫn thấy vui vẻ.
Anh có buồn nhiều không khi những công trình của mình được vinh danh trên thế giới, nhưng lại gặp không ít các phản ứng trái chiều ngay tại quê hương?
Có nhiều phản ứng trái chiều không có gì lạ cả. Ở châu Âu nền kiến trúc của họ khác với nền kiến trúc châu Á do vậy có sự khác nhau về nhìn nhận là không có gì lạ cả.
Anh nghĩ gì về những được mất, thành bại trong cuộc đời? Bài học nghề nghiệp và bài học sống nào mà anh muốn chia sẻ.
Được mất, thành bại trong cuộc đời là chuyện bình thường. Có được, có mất, có thành, có bại.
Trong những lúc tuyệt vọng nhất, điều gì giúp anh lấy lại được niềm tin?
Mình có một niềm tin bất biến là mọi thứ đều chuyển biến từng giờ, từng phút, từng giây. Có nghĩa là, khi tuyệt vọng sẽ thì sẽ đến lúc hết tuyệt vọng, trầm tĩnh đón nhận mọi việc đang xảy ra là cách tốt nhất để bắt đầu hạnh phúc, để có chiều sâu của sự bình an.
Để giữ được sự trong sáng, lãng mạn ở thời buổi quá thực dụng này với anh có khó không? Vai trò của một doanh nhân có làm ảnh hưởng nhiều đến công việc của một kiến trúc sư?
Ở thời buổi này càng phải có được sự trong sáng, càng trong sáng, càng tĩnh tâm, mình càng tìm ra được quy luật để giúp công ty vượt qua khó khăn. Khi cả hai vai trò doanh nhân và kiến trúc sư khi cùng hướng tới một mục tiêu là cống hiến cho xã hội tốt đẹp hơn thì không có gì mâu thuẫn với nhau cả.
Điều hành một công ty có rất nhiều kiến trúc sư giỏi của thế giới, các quản trị của anh có gì khác biệt?
Đối với mình, thiết kế một công trình đã khó thì thiết kế một hệ thống đảm bảo mọi công trình có chất lượng cao, không thua lỗ trong dự án đó là khó hơn nhiều. Do đó, hệ thống cần phải được thay đổi hàng ngày, hàng giờ để mọi người trong công ty đều tiến bộ, đều có đam mê, thể hiện được mình và cống hiến hết mình.
Tâm sự của riêng anh về thời cuộc và vị thế của người kiến trúc sư?
Trong khó khăn luôn luôn có cơ hội. Ví dụ như khủng hoảng chính là cơ hội để sống khiêm tốn, sống đúng với bản thân mình hơn, để nhìn lại mình và thoát khỏi ảo tưởng về bản thân, về quyền lực hào nhoáng.
Cảm ơn anh rất nhiều vì những chia sẻ trên.
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Kim Yến