Trong năm 2013, sự kiện này đã diễn ra từ ngày 6 đến 10/9. Hội chợ thu hút 3.000 hãng trưng bày (trong đó 55% công ty Pháp, còn lại là thương hiệu quốc tế), quần tụ trong khu vực rộng đến 130.000 mét vuông, chia làm 8 sảnh lớn với các chủ đề khác nhau, tại khu phức hợp triển lãm Paris-Nord Villepinte, kế bên sân bay quốc tế Charles de Gaulle. Chỉ trong 5 ngày, hội chợ đã thu hút 85.000 lượt khách tham quan (với một nửa là khách nước ngoài).
Các công ty có trụ sở ở Paris tham gia rất tích cực. Naga Dionisio, với nhà sáng lập Alain Dionisio vốn là người say mê vẻ đẹp tự nhiên ở Đông Nam Á, bày bán các sản phẩm chuyên về gỗ và giả gỗ. Atmosphere d’Ailleurs chú trọng vào không gian phòng tổng thể và trưng bày các đồ vật mang phảng phất nét “ngoại lai” châu Á. Thierry Grundman, nhà sáng lập và điều hành công ty, cho biết: “Tôi nhìn vào từng đồ vật trong ánh sáng tự nhiên ban ngày, và xem xét mọi góc cạnh bề mặt của chúng. Chúng tôi sẽ lưu lại và chế tác những chi tiết bất biến với thời gian của đồ vật”.
Trong số những tác phẩm về gỗ, nổi bật có Bertrand Lacourt, một thợ thủ công chuyên về gỗ khoanh và làm tủ ở miền Bắc Burgundy. Ông làm thủ công các sản phẩm trong mọi công đoạn: từ chọn và đốn cây trong rừng Burgundy đến giai đoạn đánh bóng thành phẩm. Trong số đó có chiếc ghế Monoxyle, được tạc từ một khối gỗ thân cây duy nhất. Ngoài ra, còn có nhà thiết kế người Israel – Dor Carmon – tạc con vịt Ducky for Normann bằng gỗ sồi để làm đồ chơi cho cô con gái mới sinh, một tác phẩm điêu khắc trang trí đầy cuốn hút. Hội chợ còn là cuộc phô diễn các sản phẩm và giải pháp chiếu sáng. Chẳng hạn chiếc đèn dầu bằng bóng đèn dây tóc TAE-1879, sản phẩm của Opossum Design, làm bằng kính borosilicatl, do chính Heike và Uwe Sinnig – hai nhà đồng sáng lập công ty – thiết kế để tưởng nhớ Thomas Alva Edison, nhà bác học sáng chế ra bóng đèn dây tóc đầu tiên vào năm 1879.
Trên tất cả những con số về quy mô, Maison&Objet mang lại cho người xem ấn tượng chung nhất về hơi thở của ngành thiết kế đương đại. Có người nói hội chợ này là biểu hiện của sức mạnh chủ nghĩa cá nhân. Có người cho rằng nơi đây thể hiện rõ ràng nhất sự hòa nhập của các trào lưu. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ! Maison&Objet thể hiện hài hòa cả hai mặt: bên trong và bên ngoài. Những vật dụng được đặt bên trong không gian nhà, chịu sự bó buộc của diện tích xung quanh, tương sinh hoặc tương khắc với các vật dụng khác và với tổng thể căn phòng. Còn đặt ra ngoài triển lãm, chúng được bày ra để người ta nhìn ngắm. Để hợp với tính thị trường, chúng phải tựa như những bộ quần áo Unisex (phi giới tính): hợp với nhiều thị hiếu, nhưng vẫn cần phải có gu.
Maison&Objet do SAFI, một chi nhánh của hội nghề nghiệp Ateliers d’Art de France (nơi quy tụ 5.400 nghệ sĩ, thợ thủ công và nhà sản xuất nghệ thuật khắp nước Pháp), và nhà tổ chức sự kiện Reed Expositions France đồng tổ chức. Lần đầu ra mắt vào năm 1995, hội chợ này thu hút 1.250 hãng trưng bày và 38.000 lượt khách. Những năm 1999 và 2000 mang đến cho hội chợ một sắc màu khác, khi văn hóa tiêu dùng cũng như cuộc sống đô thị được chọn làm điểm nhấn, với nét chủ đạo “Now! Design à Vivre”, tức “Hãy thiết kế cho cuộc sống”. Đến năm 2003, các nhà tổ chức bắt đầu năng động hơn trong việc đón nhận và kết hợp với các xu hướng thời trang, đầu tư nhiều hơn cho việc chuẩn bị và quảng bá các bộ sưu tập, biến Maison&Objet dần trở thành một sự kiện mang tính “lễ hội” của giới thiết kế nội thất châu Âu, và mang tính lan tỏa từ Paris, thành phố mang biệt danh Capitale de la Création (“Kinh đô của sáng tạo”).
Các năm sau đó, ban tổ chức mở ra thêm các show trưng bày theo chủ đề: Maison&Objet | projets, Planète Meuble, Maison&Objet Musées… Nhân năm kỷ niệm quan hệ Pháp-Nga, Maison&Objet lần đầu tiên tổ chức cuộc triển lãm ở Moscow (Nga) tháng 10/2010 mang tên Art de Vivre À la Française với 160 hãng nội thất Pháp bày bán sản phẩm đồ đạc và đồ trang trí. Năm 2011 đánh dấu một sự kiện có tính biểu tượng ngang với “Tuần lễ thời trang” danh tiếng. Maison&Objet lần đầu tiên tổ chức “Tuần lễ thiết kế Paris” từ 12-18/9, mang đến cho công chúng những xu hướng thiết kế mới, các sản phẩm độc đáo của các nhãn hàng khắp thế giới với thông điệp chung “Art de Vivre.”
Maison&Objet được xem là hội chợ-triển lãm đầu tiên ở châu Âu về “phong cách sống”. Khác với Milan Furniture Fair, hội chợ nội thất lớn nhất thế giới xuất hiện từ năm 1961, điểm khác biệt của sự kiện ở Paris-Nord Villepinte là tính dung hòa giữa nhiều dòng chảy. Cho đến nay, có lẽ chưa có hội chợ nội thất nào vượt qua được tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Maison&Objet bởi đây là nơi phô diễn những màu sắc, chất liệu và ý tưởng của cả thiết kế và kiến trúc. Tất cả dòng chảy của thiết kế nội thất đương thời và tương lai đều hội tụ về kề bên dòng sông Seine, nơi thành phố của ánh sáng.
Maison&Objet Asia sẽ tới châu Á vào ngày 10-13/03/2014 tại
Trung tâm Triển lãm – Hội nghị Marina Bay Sands, Singapore.
Nhóm thực hiện
Bài: Quốc Tân Ảnh: Tư liệu