Được biết đến là một người phụ nữ có gu nghệ thuật, chị Chu Thị Hồng Anh thể hiện chúng rất nhuần nhuyễn qua các trang phục, trang sức tự thiết kế cũng như chủ động bài trí các không gian nhà ở và làm việc của mình theo phong cách rất riêng và không quên gửi gắm niềm đam mê vẽ tranh, sưu tầm tranh của các họa sĩ nổi tiếng đặt để vào không gian sống của mình.
Nếu như ngôi nhà nhỏ ấm cúng của chị từng được ELLE Décoration giới thiệu cách đây vài năm trước như một “Góc trầm giữa phố” với điểm nhấn cầu kỳ trong việc kết hợp hài hòa giữa nét cổ điển vào không gian hiện đại thì tại biệt thự 7 tầng trên tuyến đường Lê Văn Sỹ và Đặng Văn Ngữ cũng được đích thân chị lên bản vẽ thiết kế và décor trang trí theo phong cách kiến trúc Đông Dương biến tấu.
Dạo một vòng các tầng nhà trên chiếc thang máy cổ độc đáo mà chị sưu tầm và phục chế hoàn toàn bằng khối sắt đặc 100% cho thấy sự cầu kỳ của nữ chủ nhân ngôi nhà trong việc gìn giữ giá trị nguyên bản của các đồ vật từng là biểu tượng trong các công trình cổ xưa.
Chị Hồng Anh cho biết ở Việt Nam hiện nay khó tìm thấy chiếc thang máy cổ tương tự bởi để hoàn thành chiếc thang máy này, chị mất hàng tháng trời tìm kiếm và làm ra từng khối sắt đặc do đó mà trông nó cứng cáp, không đúc rỗng như chúng ta vẫn thường thấy trong các dạng công trình khác.
Mặc dù vậy, chị vẫn không quá khắt khe với trường phái cổ điển truyền thống mà theo chị, để những món đồ cổ trở nên hữu dụng trong cuộc sống hiện đại thì cũng cần phải biến tấu cho phù hợp. Và thật thoải mái khi sử dụng bảng nút điều khiển thang máy để di chuyển một cách nhanh chóng và êm ái trên chiếc thang máy cổ có một không hai này.
Ngôi nhà tràn ngập ánh sáng mặt trời xuyên qua các ô cửa chớp 2 lớp kính dọc bờ tường tạo cảnh quan thông thoáng cho tầm mắt. Có thể nhận thấy đã có sự biến tấu hình thái cửa sổ nguyên bản theo lối kiến trúc Đông Dương thành cửa chớp với 2 lớp kính để phù hợp hơn với mục đích sử dụng ngày nay.
Ngay cả trong các công trình nguyên bản, cửa chớp vẫn khá đơn giản để hứng nắng gió thiên nhiên, do vậy, để tạo ra nét chấm phá cho cửa sổ mà vẫn không phá vỡ nét đặc thù riêng của lối kiến trúc này, chị Hồng Anh đã đầu tư thêm lớp cửa kính rất đặc sắc này.
Bao quát từ bên ngoài, hàng ô cửa sổ dọc bờ tường với những lan can nhỏ bao quanh được đúc nhiều hình dáng hoa văn bằng sắt đặc cho thấy sự am tường trong cách phối ngẫu giữa phong cách cổ điển và lối chấm phá hiện đại rất riêng. Công trình toát lên vẻ đẹp uy nghi, bề thế như những viện bảo tàng, văn phòng chính phủ hay những công trình nhà cổ… thời kỳ Pháp thuộc.
Không bỏ qua các chi tiết căn bản thể hiện sự thông thoáng trong lối kiến trúc Đông Dương với tường cao, cửa rộng, do vậy mà khi ngồi ở đâu cũng được hít thở khí trời, tận hưởng làn gió mát tự nhiên mà không cần đến điều hòa. Chị Hồng Anh thích thú ngồi gặp gỡ bạn bè, đối tác dưới tầng trệt thay vì phải gò bó trong phòng họp kín như các văn phòng làm việc truyền thống hiện nay. “Sẽ càng thú vị hơn khi ngồi đây dưới trời mưa” chị Hồng Anh chia sẻ cảm giác thi vị rất riêng tư của ngày xưa mà khó tìm lại được đâu đó trong nhịp sống hối hả ngày nay.
Xem thêm:
Kiến trúc nhà đẹp: Khi tinh thần tôn giáo hòa quyện trong thiết kế
Kiến trúc Đông Dương – Giữ bước thời gian
Biệt thự Liên Hoa – Nét Á Đông thuần khiết
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Lam Vy - Ảnh: Nam Bùi (Tạp chí Phái Đẹp ELLE)