Một khung cảnh hoang tàn, có phần đổ nát và thậm chí còn ẩm thấp. Thế mà, điều gì đặc biệt lại khiến nó làm “điên đảo” giới trẻ đến vậy, lôi cuốn những người cùng chí hướng nghệ thuật đến thế. Đừng ngạc nhiên, bởi chính vẻ hoang tàn, hoài niệm, lưu giữ quá khứ một thời của khu đất rộng gần 12.000m2 với 5 tòa nhà này đã khiến nó trở nên thật đặc biệt.
Tôi đã gặp Nguyệt Ca Enci – người quản lý fanpage của Zone 9 và kết nối “cộng đồng” những anh chị em đang kinh doanh trên khu đất này – để khám phá nhiều điều hay ho về tổ hợp ăn chơi có một không hai này.
Zone 9 – cái tên chỉ đơn giản là khu vực số 9 đường Trần Thánh Tông, nhưng nó cũng mang ý nghĩa của một khu vực tách biệt khỏi thế giới ồn ã bên ngoài, một khu biệt lập, một tổ hợp không gian nghệ thuật, một hợp tác xã của những “xã viên” yêu nghệ thuật.
Trước đây rất lâu, khu nhà là một bệnh viện thời Pháp, sau đó là Xí nghiệp Dược phẩm TƯ 2, và cách đây vài năm còn có cả một dự án xây dựng cao ốc tại khu đất này mà không thành. Một đặc điểm chung nhất trong lối kiến trúc khu nhà này mà ta có thể dễ dàng nhận thấy đó là phong cách kiến trúc của Pháp với các dãy nhà tường vôi vàng, mái ngói đỏ và phong cách kiến trúc của Liên Xô với các khối nhà hình hộp nặng nề. Từ “phế tích” này, khu Zone 9 đã được hình thành và lấp đầy chỉ sau một vài tháng nhờ ý tưởng táo bạo của một nhóm bạn làm nghệ thuật, kiến trúc sư, đồ họa. Họ nhanh chóng thuê lại khu đất bỏ hoang, chọn lựa cho mình những góc, những không gian ưng ý và biến chúng thành nơi chốn thỏa sức với tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật của mình.
Chính vì mỗi người mang một cá tính riêng biệt nên “đứa con tinh thần” của họ cũng mang một phong cách riêng biệt. Và điều đó tạo nên một phong cách nội thất đa dạng của từng cửa tiệm trong khu Zone 9. Không cải tạo quá nhiều phần bên ngoài, vẫn các mảng tường lở vôi, gạch đỏ sứt mẻ… Zone 9 thật sự tạo phong cách bởi chính không gian của từng cửa tiệm khi bạn bước chân vào bên trong.
Đường đọng những vũng nước mưa, mùi xi măng, gạch ngói cũ ẩm mốc, tiếng khoan, tiếng búa của những cửa tiệm đang được sửa chữa… nhưng khi bước chân vào trong một cửa tiệm bất kỳ nào đó bạn sẽ cảm nhận sự khác biệt rõ rệt. Bỏ ngoài kia sự ồn ã, hoang tàn ẩn tích, bạn có thể nhâm nhi một ly cà phê đen đá, chọn một cuốn sách để đọc trong không gian gần gũi như “ở nhà” tại Enci Library, hay ghé tiệm thời trang Double Dose, hay sôi động tại Barbetta với các mảng tường vẽ tranh cổ động của các chiến sĩ Liên Xô vào những buổi tối… Bạn cũng có thể ghé các tiệm cà phê được thiết kế theo phong cách của thời bao cấp, những cửa hàng như thời tem phiếu rất độc đáo… để cảm nhận một Hà Nội trong hoài niệm thanh bình, và mọi người sống với nhau cởi mở, thân tình.
Zone 9 đang có tới 40 cửa tiệm là những quán cà phê, ảnh trường, thư viện công, nhà hàng, bar, tiệm thời trang, tiệm nội thất, quán âm nhạc, quán rượu, tổ chức sự kiện… và sắp tới sẽ được lấp đầy lên tới 45 cửa tiệm. Một khu riêng biệt nơi bạn có thể tìm thấy đủ mọi nhu cầu từ ăn uống, mua sắm, tới thư giãn nghe nhạc, đọc sách hay sôi động cùng những điệu nhạc mạnh về đêm ở bar… Mỗi cửa tiệm lại cho ta một cảm giác, lúc hoài niệm, lúc thư thái, lúc lại như thổi bùng cá tính muốn nổi loạn của tuổi trẻ.
Nguyệt Ca Enci gọi đây là Khu Hợp tác xã Đồng Nát của những xã viên thời đại đồng nát – tôi thấy đúng như vậy đấy. Cá tính nghệ sĩ, sự sáng tạo đôi khi biến những thứ tưởng chừng chẳng có tác dụng gì trở thành một món đồ vật mang lại thật nhiều cảm hứng, mang lại giá trị nghệ thuật. Và khu “đồng nát” này có giá trị riêng của nó, nó khiến những con người từ trẻ đến không trẻ xích lại gần nhau, khoe những “đứa con tinh thần” của mình, truyền cảm hứng cho các khách hàng cùng chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật, và sống chan hòa như tinh thần của một khu tập thể rất Hà Nội những ngày trước.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Anh - Ảnh: Ngô Nhật Hoàng