Avant-garde mùa Thu Đông 2014

Đăng ngày:

Trong thế giới thời trang nam giới, luôn có một dòng chảy ngầm tồn tại song song với những BST “chính thống” mang tính thương mại cao. Ở nơi đó, những nhà thiết kế thả trí sáng tạo bay rất xa, biến tấu những mẫu quần áo thành các tác phẩm nghệ thuật đầy mê hoặc, mang các thông điệp nhiều lớp lang về nhân sinh quan, văn hóa, nghệ thuật, xã hội. Họ được gọi là những nhà thiết kế “Avantgarde”, những người có khả năng thay đổi cục diện của ngành công nghiệp thời trang nam giới và khiến chúng ta không bao giờ nhàm chán!

Phương Đông phá cách

Nhắc đến các nhà thiết kế Avant-garde nhất, người ta không thể không tìm tới Nhật Bản và Yohji Yamamoto là cái tên đáng ngưỡng mộ nhất của thời trang nơi đây. Từ thập niên 1980, ông đã “chống đối” thời trang truyền thống bằng một kiểu thời trang mới, độc bản, do ông sáng tạo ra.

Thời trang của Yohji, đa phần chỉ mang hai màu đen trắng, và vẻ đẹp của nó thường đối chọi với vẻ-đẹp-chuẩn-bình-thường, được đánh giá là không hoàn thiện, có phần hỗn độn và nhiều người không ngần ngại nói rõ, với họ, đó là sự xấu xí! Thế nhưng, Yohji coi đó mới là “vẻ đẹp thật sự” của thời trang, và ông vẫn tiếp tục cho ra đời những BST với tiêu chí ấy.

Trong BST Thu-Đông 2014 mới nhất, ông đã phá vỡ quy luật màu sắc của chính mình để hòa thêm vào những gam màu mới nổi loạn hơn như đỏ, tím, vàng, xanh lá cây, xám… và thật nhiều họa tiết. Nguồn cảm hứng để ông “mở cửa” cho các sắc màu hỗn loạn ngập tràn trong BST đến từ bức tranh Hell Courtesan của Kawanabe Kyosai, danh họa thời Edo. Hình ảnh người phụ nữ Nhật được quấn phủ bằng một tấm vải đỏ đang chống tay say ngủ, cô đang mơ một giấc mơ mà trong đó có những bộ xương người nhảy múa, đánh đàn và uống rượu… Tất cả được Yohji truyền tải lên các thiết kế của mình qua kỹ thuật in lụa hoặc thêu trên vải: Những chiếc đầu lâu ngậm hoa ẩn hiện đằng sau thiết kế nhiều lớp, chiếc áo khoác dài bằng vải dệt jacquard thêu hoa mang dáng dấp của những tà áo kimono. Yohji thể hiện sự thử nghiệm quen thuộc bằng cách sử dụng nhiều dây kéo, nút bấm trên các bộ suit, cho người mẫu nam mặc áo khoác bằng da đi chung với chân váy dài in hình thù kỳ dị.

BST dù hướng tới các sản phẩm may mặc cách tân, với nhiều màu sắc rực rỡ nhưng tinh thần thực sự của nó lại nhuốm đầy vẻ bạo lực, lụi tàn như bức họa của Kyosai.

 

ellevn bst thu dong yohji yamamoto

BST Thu-Đông 2014 của Yohji Yamamoto lấy cảm hứng từ bức họa cổ thời Edo của Nhật Bản

Một cái tên khác cũng đến từ Nhật Bản, vừa là “đối thủ”, cũng là bạn đồng môn với Yohji Yamamoto là Rei Kawakubo – nhà thiết kế của thương hiệu Comme des Garcons. BST Thu-Đông 2014 gợi nhắc về khoảnh khắc show diễn đầu tiên của hãng vào năm 1981. Lúc đó Rei đã ra chào khán giả với một chiếc áo len đầy lỗ trên bề mặt. Các mẫu thiết kế dành cho nam mùa này của bà cũng mang đầy những lỗ khoét.

Những chiếc áo suit được khoét ngay đúng hai bên túi bằng dây kéo mở, để hở chiếc áo sơmi trắng bên trong, hay những mẫu áo len tay dài được đục lỗ thô và chỉ bo tròn viền lại. Rei không quên đục luôn cả những chiếc giày và viền quanh bằng nhung. Cuộc chơi chất liệu không dừng tại đó khi bà cắt xẻ những phần trên một chiếc áo suit bình thường và thay thế vào đó phần tương tự bằng vải len xù hay vải tartan. Để hoàn chỉnh hơn, bà nhờ tới nhà tạo mẫu tóc danh tiếng Julien d’Ys tạo nên kiểu tóc ôm sát mặt và kéo dài xuống. Julien đã tiết lộ rằng kiểu tóc này lấy cảm hứng từ vị thần đầu voi Ganesha trong tín ngưỡng của Ấn Độ giáo.

 

ellevn comme des garcons

BST Thu-Đông 2014 của Comme des Garcons gợi nhớ đến show diễn đầu tiên với những lỗ khoét tròn trên áo

Phương Tây trẻ trung 

Thế nhưng, Rei không phải là người duy nhất đưa hình tượng voi lên sàn diễn trong mùa này! BST Thu-Đông của nhà thiết kế Thom Browne còn có phần hấp dẫn hơn khi ông dựng cả một khu rừng với đầy đủ muông thú trên catwalk. Các người mẫu được chia làm hai nhóm: Một nhóm với những chiếc mũ thông thường (thợ săn) và một nhóm đội những chiếc mũ mang hình động vật, gắn tai thỏ, nón lưỡi trai đính mắt ếch hay đội hình đầu voi… (thú săn). Tất cả những chiếc mũ này do nghệ sĩ Stephen Jones làm bằng vải flannel xám. Chất liệu chính của các thiết kế trang phục cũng là vải flannel, vải tweed và len sọc vuông Scốtlen.

 

ellevn khu vuon mua dong thom browne

Người mẫu xuất hiện trong
khu vườn mùa Đông kỳ bí của Thom Browne

Qua BST này, Thom Browne muốn kể về cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên: Thợ săn đối đầu với Thú săn. Các người mẫu ra xen kẽ lần lượt, như trong một vở nhạc kịch mà quần áo là lời thoại. Ở cuối show diễn, Thom sử dụng họa tiết camouflage (rằn ri, ngụy trang) cổ điển ngay trên… mặt của người mẫu, đồng nhất với các họa tiết trên trang phục.

Với vô số chi tiết nghệ thuật và nhiều ẩn ý, bộ sưu tập Thu-Đông của Thom Browne có thể được xem là bộ sưu tập đồ nam giới tuyệt vời nhất trong mùa này!

 

ellevn bst thu dong thom browne

Thợ săn và các con thú đối đầu trong BST Thu Đông 2014/15 của Thom Browne

Dòng Avant-garde ở phương Tây tiếp tục chảy với những gương mặt trẻ hơn cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Tiêu biểu có thể kể tới Yusuke Takahashi (thương hiệu Issey Miyake Men) và Jonathan Anderson (thương hiệu J.W.Anderson).

Yusuke là một cái tên mới trong thế giới thời trang và anh đã tiếp nhận tinh thần Avant-garde một cách tươi sáng hơn. Chuyến đi du lịch tới đất nước Iceland đã để lại cho Yusuke ấn tượng mạnh mẽ, được anh ứng dụng ngay vào BST của mình. Dòng ánh sáng cực quang đã giúp anh tạo nên chất liệu vải da dập quả trám ánh sắc màu neon cực kỳ đẹp mắt. Những bộ suit được in chồng lớp như hình ảnh kính vạn hoa đủ màu sắc của những mẫu đá mà nhà thiết kế đã thu thập được tại Iceland.

 

ellevn bst thu dong 2014 yusuke

BST Thu-Đông 2014 của Yusuke Takahashi cho Issey Miyake Men lấy cảm hứng từ vùng đất Iceland

Còn Jonathan Anderson, dù chỉ mới gia nhập làng thời trang từ năm 2011, nhưng các BST cả nam lẫn nữ của anh đều được giới chuyên môn khen ngợi hết lời bởi những ý tưởng táo bạo, chất liệu mới lạ. Trong BST Thu-Đông 2014 cho nam, Jonathan đã cho xử lý chất liệu thun bình thường thành chất liệu dập nổi 3D, phối hợp với loại lưới mắt cá nhỏ. Cách anh xử lý các mảng bèo trên vải simili đen cũng thể hiện sự khéo tay hiếm thấy đến từ một nhà thiết kế. Và điểm nhấn không thể quên còn phải kể đến những “đôi giày Oxford đế cao” dành cho nam cực lạ lẫm.

 

ellevn bst thu dong anderson

Những thiết kế với cách xử lý chất liệu mới mẻ của thương hiệu J.W.Anderson

Guồng quay thời trang vẫn luôn đào thải không thương tiếc những gì xưa cũ, và các nhà thiết kế luôn phải vươn lên để không bị loại bỏ khỏi thế giới đầy hào quang nhưng cũng vô cùng lạnh lùng này. Những nhà thiết kế được nói tới trên đây đã chọn cách tạo sự khác biệt bằng nhiều con đường riêng, ở đó họ đặt lên hàng đầu tôn chỉ nghệ thuật Avant-garde. Họ dũng cảm vì đã luôn đứng lên để xóa tan sự nhàm chán của xu hướng và mang tới thế giới thời trang những góc cạnh tinh túy nhất, mới lạ nhất!

Nhóm thực hiện

Bài: Wan Winters – Ảnh: Imaxtree

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more