Cuộc trò chuyện của ELLE và ngài Armani (theo cách mà ông muốn được gọi) diễn ra tại Bắc Kinh vào cuối tháng 5 khi ông tổ chức show diễn thời trang đình đám mang tên Giorgio Armani – One Night Only tại sânkhấu New Tank, đặc khu của giới nghệ sĩ Bắc Kinh. Đã 6 năm trôi qua kể từ lần cuối cùng Armani đến Trung Quốc và ông quyết định phải làm một điều gì đó thật đặc biệt, gây ấn tượng và thỏa được bản ngã to lớn của mình. Thế là, ngài Armani mang tới cho người xem 15 mẫu thiết kế couture của Armani Privé đặc biệt chỉ dành riêng cho buổi trình diễn ở Trung Quốc lần này, BST Emporio Armani Thu-Đông 2012 và 70 siêu mẫu! Hệ thống giao thông tai tiếng của Bắc Kinh đã khiến các khách mời đếnvới sân khấu New Tank hôm đó bị kẹt cứng hàng tiếng đồng hồ trong những chiếc xe Audi sang trọng. Nhưng như thế vẫn chẳng hề gì với những tín đồ của Giorgio Armani. Ngôi sao lừng lẫy một thời Tina Turner còn bay nửa vòng Trái đất đến đây, chỉ để tự hào nói “Tôi mặc Armani”. Phạm Băng Băng, một fashion icon mới của làng thời trang thế giới (vừa được tạp chí Vanity Fair chọn làm “Người mặc đẹp nhất 2012”) cũng tới từ rất sớm trong chiếc váy couture Armani Privé lấy cảm hứng Trung Hoa.
Giorgio Armani là NTK phương Tây đầu tiên mở cửa hàng ở Trung Quốc vào năm 1998. Trong chuyến thăm Trung Quốc lần gần đây nhất (năm 2006), Giorgio Armani đến trường đại học Tsinghua để giới thiệu một chương trình mang tên “Nghiên cứu về Thời trang và Thiết kế Dệt may trong bối cảnh Toàn cầu hóa”.6 sinh viên xuất sắc của chương trình được chọn để tới thực tập ở trụ sở của hãng tại Milan. Vì thế, với sự kiện đình đám One Night Only, có vẻ như Giorgio Armani đang quyết giành lại ngôi đế vương ở Trung Hoa đại lục, cùng lúc với việc hàng chục thương hiệu lớn nhất thế giới đang đổ vô số tiền của vào thị trường này.
Vị vua của thế giới thời trang không mang vương miện, chỉ có mái tóc bạc trắng nổi bật trên khuôn mặt rám nắng. Ông bước chậm nhưng vững chãi vào phòng phỏng vấn. Cơ thể rắn chắc làm người đối diện hoài nghi về tuổi 78 của ông. Ông vận áo sơ-mi dài tay bên trong áo len cashmere cổ tròn màu xanh navy, quần màu đen thẫm và đi giày sneaker Adidas. Món phụ kiện duy nhất ông hoàng thời trang ấy vận là chiếc đồng hồ da cá sấu.
Dưới bầu trời phương Đông, ông làm ta nghĩ đến cựu Thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu: người đàn ông quyền uy, luôn lan tỏa năng lượng và cảm hứng bất tận cho những người xung quanh, cha đẻ của nhiều cải cách kinh tế có tính lịch sử. Nếu như Lý Quang Diệu kiến tạo nên một Singapore hiện đại thì Armani cùng với thương hiệu được thành lập từ năm 1975 của mình cũng đã xây dựng lại thế giới của sản phẩm và dịch vụ xa hoa theo một cách nào đó. Ngoài các BST thời trang, dòng nước hoa, ngài Armani còn sở hữu một hệ thống khách sạn, căn hộ mang tên Armani Casa ở Dubai và Milan. Nếu sống trong thế giới của ông, bạn sẽ thức giấc trên chiếc giường Armani, ăn bữa sáng đặt trong những món đồ sứ Armani, diện đồ Armani và đi nghỉ trong những resort Armani. Thậm chí, nếu muốn làm từ thiện, bạn có thể đóng góp cho tổ chức Armani Red và tham dự Olympics trong trang phục thi đấu Armani. Tuy nhiên, có một điều Giorgio Armani khác với thủ tướng Lý Quang Diệu đó là Lý Quang Diệu đã từ nhiệm để nghỉ hưu năm 2011. Cònvới Giorgio Armani, ở tuổi 78, ông vẫn giữ ngôi vị tối cao trong thế giới thời trang thế giới.
Bản ngã là quyền uy
Bất kỳ ai may mắn được gặp Giorgio Armani sẽ lập tức ấn tượng vì cái Tôi mạnh mẽ của ông. Có rất nhiều điều lý giải cho sự thành công của Giorgio Armani: gu thẩm mỹ tuyệt vời ông được thừa hưởng từ người mẹ thanh lịch, duy mỹ (như lời kể với NTK StellaMc Cartney trên tờ The Independent 2006) hay thời gian làm việc ở cửa hàng La Rinascente (phỏng vấn với tạp chí Time năm 2009). Nhưng có lẽ, chính bản ngã lớn tới mức đáng sợ của Giorgio Armani mới chính là điều làm nên đế chế ngày hôm nay.
“Tôi hi sinh toàn bộ cuộc sống của mình cho công việc ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào thế giới!”, Giorgio Armani nói về hơn 40 năm trong nghề của mình. “Đến giờ, thậm chí tôi còn cống hiến nhiều hơn. Điều đó đôi khi thật đáng buồn, vì hi sinh cuộc sống nghĩa là hi sinh tình bạn, tình yêu”. Ngay cả khi đã gắn đời mình trong 55 năm ở Milan, Giorgio vẫn thú thật rằng ông không biết gì mấy về thành phố này.Thế nên, xin hãy thôi nói: nghề thời trang đã chọn ông (như cách các ngôi sao hay nói về sự nghiệp của mình) mà chính ông chọn thời trang và chiến đấu cả đời để giành được vinh quang.
Giorgio Armani thể hiện quyền uy và cái Tôi nhiều nhất trên những sáng tạo của mình. Khi bị chê trách là nhàm chán trong thiết kế, ông trả lời đơn giản: “Tôi không bao giờ làm thứ thời trang do báo chí hay trào lưu chung tạo ra. Khách hàng đến với tôi và trở lại mùa này qua mùa khác vì tinh thần của chính Tôi. Không ai phủ nhận được điều đó!”.
Khi phóng viên ELLE hỏi “Do đâu ông quyết định giữ 100% cổ phần của công ty?”, Giorgio Armani đáp trả không chút do dự: “Vì cái Tôi! Trong công việc thiết kế thời trang này, ai cũng cần có một cái Tôi lớn hơn người khác và đó là một trong những lý do tôi luôn giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát của mình. Tôi không khoan nhượng bất kỳ ai, bất kỳ điều gì”. Ông trở thành nhà thiết kế hiếm hoi giữ 100% cổ phần của công ty Giorgio Armani SpA và đưa khoản tài sản cá nhân lên tới 7 tỷ đôla.
Cuộc viễn chinh cuối cùng?
Năm 2009, theo hãng tin Reuters, trong chuyến đi đến Nga, Giorgio Armani tỏ rõ nhiều dấu hiệu mệt mỏi. Trò chuyện với các phóng viên, Giorgio Armani (lúc đó 75 tuổi) có hé lộ đôi chút về kế hoạch nghỉ hưu: “Tôi thực sự đang tạo đội ngũ kế cận”. Dù là “vua” đi chăng nữa,ông cũng là một người bình thường. “Đương nhiên, tôi không bất tử. Sẽ có lúc, bạn phải trao cơ nghiệp cho người khác”. Một tháng trước đó, Giorgio Armani tổ chức lại nhân sự và giảm bớt khối lượng công việc mà ông đang đảm nhiệm.
Đầu năm nay, tin đồn lại rộ lên rằng Giorgio Armani có thể về nghỉ và chuyến đi Trung Quốc hồi tháng 5 là chuyến viễn chinh cuối cùng của ông. Trong cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh với ELLE, ông tuyên bố chả hay ho gì nếu một nhà thiết kế vẫn tiếp tục làm việc ở tuổi 85 và úp mở:“Tôi hi vọng Armani có thể tồn tại khi không có tôi”.
Giorgio Armani không mua thêm cũng như bán đi bất kỳ thương hiệu nào ông đang sở hữu. Sự thật này đã dấy lên trong dư luận chủ đề bàn cãi sôi nổi rằng thương hiệu này sẽ về đâu sau khi ông thoái vị? Còn vị vua này có lấncấn nhiều về điều đó? Không ai rõ. Ta chỉ có thể hồ đoán rằng cái Tôi sẽ cho ngài Armani biết lúc nào ông cần ra đi, ngạo nghễ đúng như cách ông đã và đang cầm quyền!
Tổng hợp Kim Ngân – Ảnh imagine china /hendrik ballhau sen/ mark ralston/ francois dischinger
—
Xem thêm:
EMPORIO ARMANI – Bộ sưu tập thời trang Xuân-Hè 2016 cho nam
Con đường trở thành nhà thiết kế thời trang
Những nhà thiết kế thời trang lấn sân sang lĩnh vực làm đẹp
Nhóm thực hiện