Đứng lại là đầu hàng

(Phái đẹp - ELLE) Bàn về thời gian với người có hơn 20 năm làm việc trong môn nghệ thuật đặt chuyển động cơ thẻ trong không gian như biên đạo Nguyễn Phúc Hùng là một cơ hội khá thú vị với người viết.

-019

Không cà phê sáng, chẳng thuốc lá thơm như cách nay 3 năm, lúc Phúc Hùng còn là diễn viên của nhà hát Gotra Ballet (Hà Lan), nhưng câu chuyện vẫn rôm rả ngay từ đầu.

“Vở ballet Kẹp hạt dẻ (Nutcracker – do biên đạo người Na Uy Johanne Jakhelln Constant dàn dựng riêng cho HBSO) sẽ được trình diễn hai đêm 12-13/11″ – Tổng đạo diễn của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Tp.HCM (HBSO) vui mừng thông báo.

Thêm thời gian, thêm cơ hội

Với múa, một cơ thể trẻ trung, cơ bắp khỏe khoắn hẳn nhiên là đẹp hơn. Liệu đó có phải lý do anh không múa nữa, tập trung vào công việc biên đạo? Phúc Hùng từ tốn: “Tôi không quá già để múa nhưng đã đến lúc lật sang một trang khác. Hai mươi năm đứng trên sân khấu là quá đủ. Giờ đây tôi muốn dành thời gian cho việc phát triển các ý tưởng và thực hiện chương trình”. Anh không nhớ nghề sao? “Nếu biết sắp xếp điểm dừng để chuẩn bị tâm lý thoải mái thì mọi thứ ổn cả”, Hùng cười lớn và giải thích thêm: “Múa buộc người làm nghề nếu chạy thì phải chạy đều, phù hợp với chuyển động chung, nếu đứng lại thì chắc chắn đầu hàng. Nghề khác dừng lại có thể để tạo đà bật lên, còn múa, dừng lại là nghí hưu”.

Biên đạo phải làm chủ thời gian

Biết mình muốn gì, biết chọn thời điểm để tao bước ngoặt trong sự nghiệp, nhưng Phúc Hùng không chịu nhân mình tỉnh táo, Bởi anh vẫn cần một chút dung dưỡng của cảm tính để đầu óc được thoải mái và cảm hứng, ý tưởng dễ dàng đến hơn. “Làm việc sáng tạo, không thể ép nhau phải làm cái này hay cái kia trong thời gian bao lâu. Sự giới hạn về thời gian sẽ đóng khung, bó buộc tinh thần lẫn trí óc, làm giảm khả năng sáng tạo. Làm các dự án theo đơn đặt hàng thì đơn giản hơn nhiều vì mình thừa kỹ năng, kiến thức để tạo ra một sản phẩm không đến nỗi tồi, có thể làm mình cảm hấy thỏa mãn, khách hàng hài lòng. Nhưng còn với các chương trình tạo điểm nhấn trong sự nghiệp, tôi và các cộng sự cần có đầy đủ các điều kiện và không bị quá gò bó về thời gian để sáng tạo và mang đến một tác phẩm tốt”. Muốn khán giả ngồi đến khi tấm màn nhung kéo lại, biên đạo phải biết cách tính toán nhằm dẫn dắt cảm xúc khán giả. Thời lượng của một tiết mục múa quan trọng không kém ý tưởng của biên đạo, kỹ thuật, cảm xúc mà diễn viên mang lại cho khán giả. Nếu quá ngắn, khán giả sẽ cảm thấy hụt hẫng, ngược lại, nếu dài dòng sẽ gây nhàm chán. Để có sự vừa đủ cần thiết, trước đêm công diễn, mỗi buổi tối là khoảng thời gian Phúc Hùng xem lại băng tập. Đây là lúc anh đặt mình vào vị trí khán giả để tìm thấy chỗ cần cắt gọt cho cô đọng hơn hoặc cần kéo dài thời lượng ra. Kiểm soát được thời lượng của từng phần trong tác phẩm, biên đạo mới có thể điều khiển được cảm xúc của khán giả. Và cùng với việc kiểm soát thời lượng của một tác phẩm cùng với các yếu tố khác như ánh sáng, âm nhạc, thiết kế sân khấu… biên đạo sẽ chinh phục được khán giả của mình.

Thời gian là dòng chảy luôn tiếp diễn

Với một biên đạo, thời gian rất quan trọng nhưng vị tổng đạo diễn sắp bước sang tuổi 35 này không hề bị ám ảnh bởi những chiếc đồng hồ trong cuộc sống. Anh luôn đặt hoạt động của mình song hành với sự thay đổi của xã hội, sử dụng “tài  khoản 24 giờ/ ngày” một cách tốt nhất. Phúc Hùng từng hòa mình với nhịp sống công nghiệp ở Hà Lan, xoay trần làm việc từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối. “Thu nhập có thể cao hơn so với mức sống trong nước, nhưng cơ hội hưởng thụ cuộc sống thì chắc chắn thấp hơn”, nhưng anh thích quãng thời gian đó vì học được nhiều điều thú vị và cần thiết. Mỗi nền văn hóa đều có cái hay riêng, chỉ khác, ta chọn nhịp thời gian nào cho mình và ở thời điểm nào trong cuộc đời.

Giờ đây, khi đã chọn quê hương, với một vị trí khác trong nghề múa, thời gian biểu của anh, về cơ bản vẫn không mấy xáo trộn. Bởi do đặc thù của nghề múa, thời gian với Hùng có lúc như đồng hồ chết, lại có khi chạy như phi mã. Bạn đừng ngạc nhiên nếu biết, có ngày Phúc Hùng không ra khỏi nhà, nằm lì trên giường. Cũng có hôm, anh cà phê, tán gẫu cùng bạn bè từ sáng đến tối và nhiều ý tưởng ra đời từ những câu chuyện phiếm đó. Và không ít ngày anh “cắm mặt cày như trâu”. Tuy nhiên, thời gian biểu của người đàn ông độc thân nay đã có gia đình thì ít nhiều thay đổi. Bố mẹ anh không còn phải lên lịch hẹn ăn cơm cùng con trai vì cậu út nay đã dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ việc nhà, chăm sóc gia đình…

Thực hiện: An Hội

Phái đẹp – ELLE

ELLE.VN

Nhóm thực hiện

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)