Lưu Quang Minh: “Chúng tôi muốn gợi hứng cho những ý tưởng dấn thân”
Tôi gặp Lưu Quang Minh lần đầu cách đây khoảng 3 năm, khi đó Rhapsody Philharmonic còn là một cái tên rất mới. Minh còn đang là sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và chúng tôi trò chuyện với cốc trà đá trong căng-tin trường. Giờ đây, Rhapsody Philharmonic đã là một dàn nhạc trẻ nổi tiếng của Hà Nội còn thủ lĩnh Lưu Quang Minh cũng đã trở thành một thạc sĩ âm nhạc, một nhạc sĩ trẻ nhiều hoài bão.
Từ một thử nghiệm mang tính tự phát của một nhóm sinh viên Nhạc viện, giờ Rhapsody Philharmonic đã trở thành một dàn nhạc thực sự và khá đắt show. Nhìn lại chặng đường ba năm qua, Minh cảm thấy thế nào?
Nói thật là khi bắt đầu xây dựng dàn nhạc, tôi cũng như mọi người không có một kế hoạch gì cụ thể, cũng không dám kỳ vọng và đặt ra dàn nhạc sẽ hoạt động được trong bao lâu. Và đến bây giờ, khi dàn nhạc đã bước sang năm hoạt động thứ tư thì đó cũng là một điều kỳ diệu. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng để duy trì tới cái mốc 5 năm hay xa hơn như 10 năm chẳng hạn là bất khả thi…
Vì sao? Tôi thấy hơn một năm qua dàn nhạc liên tục được mời tham gia các show diễn, các dự án ghi âm… Thế thì phải thấy rằng dàn nhạc đang phát triển chứ sao lại bi quan vậy?
Không phải bi quan mà tôi nghĩ đó là thực tế! Trước hết phải nói tới cách tổ chức hoạt động của chúng tôi. Hiện nay, mặc dù tự hào là dàn nhạc độc lập có thể nói là đầu tiên của Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn làm việc theo hình thức khi có việc thì gọi anh em lại tập và đi diễn rồi chia thù lao theo vị trí từng người. Chúng tôi không trả lương hàng tháng cho mọi người được vì cũng không có kinh phí. Như vậy, tính chất ràng buộc chưa chắc chắn và rõ ràng chưa thể gọi là chuyên nghiệp.
Một lý do khác do cá nhân tôi suy nghĩ thôi. Một vài năm nữa, lớp nhạc công đang cùng nhau xây dựng Rhapsody Philharmonics sẽ tốt nghiệp, sẽ phải có những lựa chọn nghề nghiệp khác nhau như đi học nước ngoài, vào các đoàn biểu diễn, làm giảng dạy… Sẽ rất khó để tiếp tục duy trì dàn nhạc như hiện nay.
Tôi nghĩ lý do thứ hai có vẻ không thực tế lắm vì dường như sự kế thừa lại chính là thế mạnh của các bạn khi Rhapsody Philharmonics là một dàn nhạc trẻ?
Vâng, chắc chắn sẽ vẫn có những lớp nhạc công mới muốn bước chân vào dàn nhạc. Và thực tế là luôn có. Thế nhưng, liệu họ có chia sẻ được những khó khăn như những gì đội ngũ đầu tiên đã cùng nhau vượt qua? Hay đơn giản chỉ là “vui thì ở, chán thì đi”? Với một dàn nhạc độc lập, chưa có nguồn kinh phí hoạt động ổn định, sự gắn kết về tinh thần rất quan trọng.
Hãy trở lại với những ngày đầu thành lập Rhapsody Philharmonics. Lý do gì khiến Minh “liều” vậy? Dám tự thành lập một dàn nhạc mới toanh.
Những ngày học trong Học viện Âm nhạc quốc gia tôi nhận ra một điều: Sinh viên trường nhạc rất khác sinh viên các trường đại học khác. Ví dụ sinh viên Đại học Bách khoa, người học cơ khí kẻ học điện tử, cũng khó tìm điểm chung. Nhưng sinh viên trường nhạc thì ngược lại. Anh chơi violin, tôi chơi piano, bạn kia sáng tác… tất cả có thể cùng nhau lập nên một ban nhạc rồi lớn hơn là một dàn nhạc để cùng chơi nhạc, cùng sáng tạo. Điều đó rất hiển nhiên nhưng dường như nhiều năm qua các bạn không để ý điều đó. Sinh viên trường nhạc vẫn chỉ tập nhạc, đến lớp trả bài và đi về. Vui thì lê la căng-tin bốc phét. Đó là một sự phí phạm! Vì thế Rhapsody Philharmonics ra đời.
Không khó để nhận ra hai điều Rhapsody Philharmonics có thể đem lại cho các thành viên trẻ của dàn nhạc: cơ hội chơi trong dàn nhạc từ sớm và một khoản thu nhập nhất định. Ngoài ra theo Minh còn điều gì khác?
Tôi nghĩ có hai điều quan trọng hơn nữa: sự công nhận và cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Bước vào dàn nhạc này các bạn không sợ bị chê là đánh dở, chơi kém hay chơi sai. Nhưng các bạn vẫn có sự kích thích cạnh tranh lành mạnh về chuyên môn với nhau. Sự tự tin là một yếu tố rất quan trọng, đặc biệt với các nhạc công trẻ.
Điều thứ hai chắc anh cũng biết, hơn một năm vừa rồi chúng tôi có cơ hội làm việc với những nhà sản xuất và nghệ sĩ chuyên nghiệp. Họ định vị cho chúng tôi hiểu rằng thế nào là làm việc và thế nào là chuyên nghiệp, từ chuyện tác phong, kỷ luật làm việc cho tới cách ngồi, trang phục…
Tôi muốn trở lại với lo lắng của Minh trong phần đầu. Tại sao các bạn không tìm kiếm những nguồn tài trợ lâu dài để duy trì sự gắn kết giúp dàn nhạc vững chắc hơn?
Điều đó không phải chúng tôi không nghĩ tới và cũng đã tiếp xúc một số đơn vị, nhưng chúng tôi chưa tìm được tiếng nói chung giữa hai bên. Rhapsody Philharmonics là một đơn vị độc lập, chúng tôi sẵn sàng đứng cạnh những thương hiệu của doanh nghiệp nhưng chúng tôi không thể thuộc về họ.
Bạn đã bao giờ hình dung ra viễn cảnh một ngày dàn nhạc sẽ thực sự ngừng hoạt động?
Có chứ. Chắc chắn sẽ buồn nhưng ít nhất chúng tôi đã làm được một điều gì đó để tự hào. Và tôi tin rằng nếu Rhapsody Philhamonics không thể tiếp tục duy trì nó cũng sẽ gợi hứng cho những ý tưởng thú vị khác có thể đang thiếu những kẻ dấn thân để được hiện thực hóa.
Tôi cũng có một mơ ước mà nếu làm được, và dàn nhạc có phải ngừng hoạt động, cũng sẽ cảm thấy thỏa lòng hơn. Đó là thực hiện một tour diễn xuyên Việt!
Rhapsody PhilhaRmonics thành lập vào cuối tháng 10/2010. Ban đầu dàn nhạc tổ chức những buổi diễn kết hợp nhạc điện tử và dàn nhạc giao hưởng với quy mô nhỏ tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau 3 năm hoạt động, dàn nhạc đã có được 8 buổi diễn các chương trình với chủ đề riêng và được mời tham dự nhiều chương trình lớn như liveshow của nhạc sĩ Đỗ Bảo, ca sĩ Bằng Kiều, ca sĩ Tùng Dương và thực hiện một số album và MV. Rhapsody Philharmonics quy tụ những nghệ sĩ trẻ tài năng như Lưu Quang Minh (nhạc trưởng/sáng tác), Dj SlimV, Đào Hồng Nhung (giải Nhất Concour Violon Việt Nam, thành viên dàn nhạc Đông Nam Á, dàn nhạc châu Á, tham gia Liên hoan Âm nhạc Nauy), Nguyễn Thiện Minh (giải Nhất Concour Violon Việt Nam, giải Nhất Liên hoan Âm nhạc Indonesia)…
Phỏng vấn: Độc Cầm – Hình ảnh: Giang Huy