HỌA SĨ TRẦN TRUNG LĨNH: ĐÃ LÀM THÌ LÀM CHO TỚI
Trần Trung Lĩnh đã từng xuất hiện trên ELLE Man trong vai trò thành viên của một đoàn xe motor phượt với mục đích từ thiện. Trong số này, anh trở lại với tư cách khác: một họa sĩ (thiết kế bối cảnh) cho những bộ phim điện ảnh. Anh có vẻ ngoài “điển hình” của một chàng nghệ sĩ phong trần nhưng bên trong lại là tinh thần làm việc chặt chẽ, nghiêm túc.
Trước đây anh nổi tiếng với các tác phẩm Pop-art, vậy từ khi nào anh mới chuyển qua làm họa sĩ thiết kế cho phim?
Ừ, tôi là họa sĩ mà. Phim chỉ là chơi thôi. Tôi bắt đầu vẽ storyboard cho Charlie Nguyễn. Rồi tới Để mai tính, ngồi với nhà sản xuất tôi đùa đùa thật thật rằng, tôi có thể làm tốt hơn những gì đang diễn ra. Vậy là Charlie giao cho tôi công việc đầu tiên với tư cách họa sĩ thiết kế trong phim Long Ruồi.
Vậy là anh chuyển luôn sang thiết kế bối cảnh, chẳng cần bước chuyển?
Từ tư cách cá nhân là một người học Mỹ thuật cùng đội ngũ có xuất thân tương tự, tôi không nghĩ chuyện có một bước chuyển là cần thiết. Hồi đó, đội của tôi là đội đầu tiên ở Sài Gòn có năm thằng tốt nghiệp đại học Mỹ thuật (cười). Phần nữa, trước đây với một nền điện ảnh phát triển khá thô sơ, vị trí thiết kế trong phim bị coi nhẹ. Đoàn phim thường quen tay quen việc, thuê thợ mộc hay… thợ gì đó vào cày thôi. Tôi nghĩ chuyện đó rất nguy hiểm, không phải bởi chuyện người ta xuất thân từ đâu, nhưng mỗi cá nhân trong đội nên ít nhất phải có một cảm nhận về cái Đẹp khác với người bình thường.
Theo anh, với lợi thế của mình, một họa sĩ tốt nghiệp đại học Mỹ thuật, là gì?
Đó không hẳn là lợi thế của tôi. Việc tôi xem nhiều phim từ khi còn ở trường đại học và để ý cách từng chi tiết đó thay đổi cục diện bộ phim như thế nào mới là lợi thế của tôi.
Bộ phim nào đã làm anh thay đổi thái độ từ coi phim sang xem phim?
Trainspotting của Danny Boyle. Lúc đó tôi đã xem rất nhiều phim rồi, nhưng khi xem phim đó tôi mới bắt đầu thấy hoang mang. Từ đó tôi vẽ tranh cũng khác. Trước đó tôi chỉ vẽ trừu tượng và biểu hiện. Từ khi xem xong tôi quyết định chuyển hẳn qua Pop-art.
Hoang mang anh gặp phải tại thời điểm đó là hoang mang gì?
Mình nhìn xung quanh thấy mọi thứ đều sai hết. Cái gì cũng sai. Nó đẩy mình vào trạng thái phi lý phải hai đến ba năm. Lúc đó tôi vẽ như điên. Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn xem lại. Nhiều khi cảm giác mạnh tới nỗi tôi muốn buồn nôn.
Và điều gì khiến anh tự tin theo đuổi nghề thiết kế suốt ba năm nay?
À câu chuyện của tôi thì hơi khác. Trước khi bấm máy, anh Charlie chỉ dặn: “Anh chỉ muốn em tổ chức team của em tốt thôi”. Chưa bao giờ Charlie có những câu hỏi về chuyên môn. Thế nên cứ vào là làm thôi. Tôi thấy có thể mọi thứ cũng bắt đầu từ niềm tin đó của Charlie dành cho mình.
Kỷ niệm nhớ nhất trong những phim anh làm là gì?
Là lần mới đây với phim Tèo em. Do rất kỹ tính và luôn có những suy nghĩ mới, Charlie luôn sửa kịch bản vào phút cuối. Như chiếc xe hơi ban đầu chỉ cho xuất hiện trong vài phút, rốt cuộc đạo diễn quyết định cho nó xuất hiện xuyên suốt bộ phim. Chi tiết nhỏ vậy thôi mà khiến chúng tôi cực nhọc trong 3, 4 tháng.
Anh có những dự định gì dài hơi hơn với điện ảnh không?
Tôi vừa hoàn thành phim ngắn Bướm với vai trò đạo diễn. Cực quá trời! Một người phải kiêm nhiều công việc khác nhau. Nhưng tôi biết đây là một bước chuyển chính đáng nếu sau này tôi muốn trở thành đạo diễn.
Trong những bộ phim anh đã làm, về mặt chuyên môn, anh thích nhất phim nào?
Tất nhiên làm Bụi đời Chợ Lớn là sướng nhất rồi. Vì quá cực, nó có nhiều thứ để mình lo, cộng với chất bụi bặm đường phố luôn là thứ gây cảm hứng cho tôi nhiều nhất. Có những phim mời tôi nhưng nói về những thứ phù phiếm xa hoa không thuộc về mình nên tôi cảm thấy không thoải mái khi nhận lời. Với lại tôi biết nhà sản xuất ở Việt Nam sẽ không chi tiền nhiều cho thiết kế nên sản phẩm không bao giờ kỹ càng đến từng chi tiết, điều mà tôi luôn cố gắng đạt được trong mỗi phim tôi làm.
Đạo diễn nào là người gây cảm hứng cho anh nhất?
Vương Gia Vệ và Kim Di Duk.
Hình như thể loại anh thích khác hẳn với thể loại anh chọn để làm
Cũng tùy làm phim với mục đích gì. Nếu để ra rạp, lấy lời cho nhà sản xuất, để có danh tiếng. Hoặc để làm một phim độc lập, dồn hết những ý niệm trong mình ra và đặt vào nó, thì cách tiếp cận sẽ rất khác nhau. Nhất là mối quan hệ của đạo diễn và sản xuất. Với phim độc lập, đạo diễn và nhà sản xuất sẽ đi thuyết phục người khác – mà ở đây là nhà đầu tư – thích sản phẩm của họ. Còn với phim để ra rạp thì sản xuất nhúng tay rất nhiều về chuyên môn của mình.
Vậy theo anh tại sao lại có một sự khác biệt lớn như vậy? Do kiến thức nền của khán giả thưởng thức văn hóa tại Việt Nam? Hay là do cách phát triển kỳ lạ của điện ảnh nước mình?
Cả hai. Nhưng tôi không đổ lỗi cho ai trong hai cộng đồng trên cả.
Anh đánh giá bộ phim Việt Nam nào cao nhất về mặt mỹ thuật?
Ngã ba Đồng Lộc, một phim đẹp về mặt tình cảm, và Thời xa vắng, tiểu thuyết đã hay rồi, kèm với hồi trước quay phim nhựa, từng góc, từng khung đều được canh kỹ càng. Còn về sau tôi thấy phim Việt Nam quá bị ảnh hưởng bởi những phim đạo diễn thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, những bộ phim mà tôi đã xem hơn chục năm trước, nên tôi chẳng ấn tượng với phim nào cả.
Nếu bây giờ cần có một lời khuyên cho các nhà làm phim trẻ, cả độc lập hay để chiếu rạp kiếm tiền, thì lời khuyên của anh là gì?
Đừng thỏa mãn về công việc của mình, nhưng một khi đã làm thì làm cho tới.
D.O.P NGUYỄN K’LINH
D.O.P (Director of Photography – Đạo diễn hình ảnh) là từ chuyên ngành chính xác nhất để nói về những người như K’Linh. Anh đã góp công làm nên nhiều bộ phim điện ảnh như Huyền thoại bất tử, Thiên mệnh anh hùng, Giao lộ định mệnh… và gần đây là Quả tim máu.
Tại sao anh lại chọn công việc này khi vừa ra trường? Nếu anh chọn con đường quay quảng cáo, truyền hình, MV ca nhạc… hẳn thu nhập của anh sẽ tốt hơn rất nhiều?
Hồi đó, mọi chuyện đến với tôi rất tự nhiên. Ở nhà không có ai làm nghề này hết, nhưng học rồi tôi lại thích, cảm thấy công việc rất hợp với mình. Cũng từ lúc này, tôi đã xác định mục tiêu mình học xong là để làm phim. Thành ra khi ra trường, dù có nhiều nơi gọi mình về làm nhưng tôi vẫn chọn TFS (Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh) để theo đúng con đường mình đã chọn. Vì tôi nghĩ nếu mình đi quá nhiều hướng như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến tư duy làm phim của mình. Bản thân đã xác định mục tiêu như vậy nên quyết định đến với tôi khá là dễ dàng, cũng không cảm thấy phải đánh đổi gì cả. Cũng nhờ những ngày tháng làm các công việc không tên đó, tôi mới tích lũy nhiều kinh nghiệm, kiến thức hỗ trợ cho mình sau này.
Những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của anh là gì?
Tôi nghĩ đời mình có hai cột mốc quan trọng. Đầu tiên là vào năm 1999. Lúc đó tôi đã được cầm máy quay chính cho nhiều MV, chương trình ca nhạc. Cuộc sống cũng rất ổn định nhưng vì đã đặt mục tiêu làm phim ngay từ đầu nên tôi vẫn quyết chí bỏ hết để xin vào TFS. Lúc đầu cũng rất sốc vì mình gần như phải làm lại từ đầu. Mọi người coi tôi như người mới, lại phải lon ton xách chân máy cho những người đi quay tin… dù tất cả những chuyện đó mình đã biết hết rồi. Nhưng vì đã quyết định mục tiêu cho mình nên tôi vẫn chấp nhận. Ngày đó nếu tôi vẫn cứ tiếp tục làm ca nhạc thì bây giờ khó có thể làm phim được.
Cột mốc thứ hai lại mang tính số phận. Vào đầu năm 2005, tôi có được suất học bổng đi Pháp hai năm nhưng họ yêu cầu phải biết tiếng Pháp. Khi đó tôi đã xin hãng phim cho mình nghỉ một năm không ăn lương để đi học ngoại ngữ nhưng không được. Thế là tôi nghỉ luôn để đi học. Thế nhưng mọi việc lại không thành vì tôi không rất dốt trong chuyện học ngoại ngữ (cười).
Vừa nghỉ việc, vừa mất học bổng, lại bỏ công việc ngoài thị trường 5-6 năm rồi nên giờ chẳng ai biết đến mình, thế là tôi phải bơi lại từ đầu, đi kiếm việc khắp nơi… May sao lúc đó Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn về nước làm phim. Tuấn có xem qua mấy phim truyền hình tôi quay và thích nên tìm gặp. Ngày đó tôi có nói với Tuấn rằng tôi chưa quay phim nhựa bao giờ cả nhưng nếu em dám giao thì anh dám làm. Thế là hai anh em cùng liều với nhau. Rồi từ đó tôi được chú ý và mời quay các phim điện ảnh tiếp theo. Tôi coi chuyện này là sự may mắn của số phận.
Vậy đối với anh, bộ phim nào là thử thách nhất?
Đối với tôi phim nào cũng là thử thách hết vì mỗi bộ phim là một lần tiếp cận hoàn toàn khác. Kể cả khi có cùng thể loại, cùng đạo diễn thì đó vẫn là kịch bản khác, nhân vật khác, câu chuyện khác… Và ta phải luôn xác định lần này phải hoàn toàn mới chứ không được làm như cái cũ. Thành ra tôi lại phải nghĩ ra cách thể hiện khác, làm lại góc máy, chuyển động máy mới để cho phù hợp với câu chuyện và không giống với những cái trước mình đã làm. Cho nên, phim thử thách nhất chắc là phim mới làm gần đây nhất.
Khi bắt đầu thực hiện một bộ phim, anh có đặt ra mục tiêu trước khi quay không?
Quay phim truyện có cái khó là ta chỉ được sáng tạo trong một khoảng nhất định. Đạo diễn giống như đầu tàu kéo cả đoàn chạy trên đường ray vậy. Người quay phim chỉ được sáng tạo trên cái đường ray đó giúp cho con tàu chạy tốt nhất có thể. Trong khu vực sáng tạo đó, ta phải làm sao đẩy tất cả mọi thứ lên bằng hình ảnh. Thành ra người quay phim thường không có mục tiêu, định hướng rõ ràng để làm việc ngay từ đầu. Mọi thứ chỉ hình thành sau khi các tổ làm việc với nhau chừng vài tháng và khi đó tôi mới biết mình cần làm gì và cứ thế mà theo thôi.
Vậy khi bộ phim đã hoàn thành, phần hình ảnh thế nào gọi là thành công?
Đối với tôi, không có bộ phim nào cảm thấy hài lòng cả vì phim nào xem lại cũng thấy mình có lỗi. Nhưng nếu sau khi xem phim, khán giả không nhắc gì về mình thì tôi nghĩ là mình thành công vì phần sáng tạo của bản thân đã quyện vào cảm xúc, nhân vật. Hình ảnh không bị bật ra quá khiến người xem phải chú ý ra ngoài câu chuyện. Nếu xem xong phim có ai đó khen “quay đẹp quá” thì tôi sẽ nghĩ “như vậy là mình có vấn đề”. Bởi vì tôi nghĩ bộ phim là sức lao động của cả đoàn. Nếu mỗi cái tôi trong đoàn không quyện với nhau về mặt tổng thể thì bộ phim sẽ bị phá hỏng mất. Cho nên mới có chuyện một đoàn phim toàn những người giỏi nhưng làm việc không hợp thì phim cũng không hay được.
Nhìn về phía các bạn trẻ, anh có suy nghĩ gì không?
Các bạn trẻ bây giờ cũng có những cách thể hiện rất mới. Nhưng tôi nghĩ cái khó khăn của họ bây giờ là thị trường rất dễ làm hư con người. Lứa chúng tôi ngày xưa được đi làm nghề là vui lắm rồi, không phải vì danh tiếng, tiền bạc gì cả. Bây giờ thị trường có rất nhiều công việc, công ty khác nhau mời gọi. Khi một người quay phim trẻ có được thành công nhỏ, họ rất dễ bị cuốn theo những công việc mời gọi đó và theo đuổi nhiều con đường khác. Điều đó sẽ làm phá đi cá tính, con mắt của người làm phim.
Tất nhiên chuyện này cũng khó nói vì thị trường mỗi lúc một khác. Để kiếm một người thực sự kiên trì trong thời này rất là khó. Tôi từng nói các bạn chỉ cần đi theo tôi một hay hai năm thôi, tôi sẵn sàng dạy hết những gì mình biết, nhưng họ lại thấy không được. Họ phải đi kiếm tiền, nhận show này kia. Tôi mong các bạn hiểu rằng nghề quay phim không giống như đạo diễn – chỉ cần có tài năng cũng có thể làm tốt.
Với nghề này, ngoài tài năng ra bạn bắt buộc phải đi học và tích lũy kinh nghiệm mới có thể trở thành quay phim giỏi được, bởi việc làm phim lúc nào cũng có trục trặc không lớn thì nhỏ. Nếu không đủ kiến thức, kinh nghiệm, bạn sẽ không thể nào xử lý được những chuyện chắc chắn luôn xảy ra trên đoàn phim!
Cảm ơn anh rất nhiều.
Nhóm thực hiện
Bài: Trọng Khôi, Thân Trọng Tuấn Anh Ảnh: Phi Long, Galaxy