Lifestyle / ELLE Voice

Nguyễn Hoàng Long (Manzi): Tự học là chìa khoá để tiếp cận nghệ thuật

Mở cửa chưa lâu, Manzi (Hà Nội) đã trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật. ELLE Man trò chuyện cùng Nguyễn Hoàng Long - một trong ba người sáng lập địa chỉ này.

ellevn manzi tram vu nguyen hoang long
Chị Trâm Vũ và Nguyễn Hoàng Long – người sáng lập không gian Manzi

Vừa là một không gian nghệ thuật, vừa là quán café/bar mở cửa cho mọi người, theo anh, Manzi có điểm gì khác với các không gian nghệ thuật bình thường?

Mô hình café/bar của Manzi, với không gian thoải mái và thư giãn, thu hút được lượng khán giả rộng hơn so với các không gian nghệ thuật thuần túy, vốn thường là những không gian đóng, mà số người tìm đến chỉ là một vòng tròn các nghệ sĩ với nhau hoặc những người có sự quan tâm đặc biệt đến nghệ thuật.

Manzi là một mô hình mở, cho phép mọi người tìm đến và giao tiếp với nhau. Là một quán café nên chúng tôi thu hút cả khách hàng là những người không quan tâm đến nghệ thuật. Thế nhưng tôi vẫn nghĩ, nếu có sự tò mò, biết đâu họ sẽ còn tìm đến lần hai không chỉ vì nhu cầu cà phê mà còn vì nghệ thuật nữa.

Manzi chú trọng nhất đến nghệ thuật thị giác, chúng tôi tạo ra không gian để các nghệ sĩ trưng bày các tác phẩm của mình. Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức các chương trình về âm nhạc, văn học và các cuộc đối thoại mở với nghệ sĩ.

Khó khăn là chúng tôi quá tham lam nên Manzi có quá nhiều chức năng. Hiện nay Manzi vừa là một không gian nghệ thuật (art space), vừa là một nơi bán các tác phẩm (art shop) và một quán café. Chúng tôi phải làm sao có sự cân bằng giữa một quán café và một không gian nghệ thuật – điều này khá là khó, và yêu cầu sự thỏa hiệp nhất định vì không gian vẫn còn hạn chế.

Hơn nữa, chúng tôi thường chỉ làm việc với các nghệ sĩ hơi “indie” một chút, những người nằm ngoài “dòng chính thống” (mainstream) với những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật nhất định và phục vụ đối tượng người xem nhỏ, vì thế có những tháng làm chương trình chúng tôi phải chịu sự thiếu hụt về lợi nhuận, hoặc thậm chí không có lợi nhuận.

Những người tìm đến với không gian nghệ thuật của Manzi là những đối tượng như thế nào?

Manzi luôn muốn tạo được sự cân bằng, và điều tốt là giữa tôi và chị Trâm (Vũ Ngọc Trâm, đồng chủ quán Manzi, người từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí Giám đốc Nghệ thuật – Art Manager – cho Hội đồng Anh) có một sự đối nghịch khi Trâm là người hoài cổ, mê opera, thích những gì mang tính truyền thống một chút, còn tôi thì lại mê sự ngỗ nghịch và phá cách. Do đó, các chương trình của Manzi có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, sự giao hòa giữa cổ điển và sự phá cách hay những tác phẩm mang tính thời sự. Công chúng tìm đến với Manzi vì thế rất đa dạng. Không chỉ có những người trẻ tuổi mà còn có người cao tuổi nữa. Tôi thấy thú vị khi hai đối tượng này cùng tìm đến với Manzi, và biết đâu đấy, họ còn tìm gặp được nhau để trao đổi và học hỏi nữa.

 

ellevn manzi
Không gian của Manzi là kết
hợp giữa cà phê và phòng trưng bày, kinh doanh tác phẩm

Theo anh, điều gì ảnh hưởng đến sự đón nhận của khán giả đối với các tác phẩm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật đương đại mang tính thử nghiệm?

Tôi nghĩ có hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất là nền giáo dục tự học, tức là nền giáo dục khuyến khích người ta tự giáo dục mình. Ở Việt Nam, đây không phải là thói quen của số đông công chúng. Bên nước ngoài khi đi học người ta phải nghiên cứu, tự học và phản biện rất nhiều, còn kiểu học của Việt Nam lại thiên về “chống chế.”

Để khán giả đón nhận nghệ thuật thì tôi nghĩ họ phải tiếp cận được nhiều nguồn thông tin khác nhau, phải làm sao để khán giả không bị đóng khung vào những quan điểm sẵn có. Giáo dục nghệ thuật phải làm sao cho khán giả có được nhiều điểm nhìn khác nhau từ đó họ mới tiếp cận nghệ thuật được tốt hơn.

Thứ hai là bản thân người nghệ sĩ cũng phải đón nhận công chúng. Khi làm nghệ thuật họ phải tự hỏi họ đang làm sản phẩm cho nhóm công chúng nào, họ có thể phá cách và tự do trong sáng tác nhưng vẫn phải “giải trình” được những sản phẩm của mình, phải cho khán giả “công cụ” để hiểu được tác phẩm của họ. Đây là điều mà các nghệ sĩ Việt Nam vẫn còn thiếu. Có người nghĩ rằng công chúng không thông minh, nhưng tôi nghĩ không phải vậy. Công chúng sẽ đón nhận tác phẩm nếu có sự giải trình hợp lý từ người nghệ sĩ.

Để giúp tạo ra sự kết nối tốt hơn giữa nghệ sĩ và công chúng, Manzi tổ chức những buổi nói chuyện trong đó công chúng có thể “chất vấn” các nghệ sĩ về tác phẩm của họ.

Vậy sự đón nhận của công chúng đối với không gian nghệ thuật của Manzi có làm anh hài lòng?

Tạm thời hài lòng vì các chương trình của chúng tôi đã thu hút được nhiều đối tượng quần chúng khác nhau. Thế nhưng đó mới chỉ là bề nổi. Về bề sâu, chưa thể biết được họ có thực sự quan tâm hay không. Cần phải có thời gian và để trả lời chính xác câu hỏi này có lẽ ta cần phải làm một cuộc khảo sát.

Có điều gì anh muốn làm cho các nghệ sĩ mà chưa thực hiện đuợc?

Tôi muốn tham gia vào việc đào tạo các nghệ sĩ. Hiện nay không gian của Manzi còn hạn chế nên chưa thể thực hiện được. Tôi muốn có một không gian kiểu studio mà các nghệ sĩ có thể tìm đến trực tiếp thực hành chứ không chỉ mang tác phẩm đến trưng bày sau khi chúng đã được hoàn thành. Thậm chí, có thể sẽ có những “phiên phản biện” (critical session), các buổi phê bình trong đó các chuyên gia tìm đến phê bình tác phẩm từ nhiều góc nhìn khác nhau. Hiện nay, tôi thấy nhiều nghệ sĩ thường tự thu mình lại, họ chỉ hiểu tác phẩm của mình với tư cách người sáng tạo ra chúng mà không học được cách nhìn vào chúng từ những góc độ khác.

Anh đánh giá thế nào về các hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam?

Thú thật là tôi thấy cái gì ta cũng thiếu. Thiếu sự đào tạo dành cho nghệ sĩ và thiếu sự hỗ trợ đối với họ. Tuy nhiên, tôi thấy Sài Gòn đang làm tốt hơn việc thúc đẩy hoạt động nghệ thuật. Chẳng hạn như họ có Sàn Art với bộ máy làm việc rất chuyên nghiệp, họ mời những nghệ sĩ nổi tiếng từ nước ngoài về thuyết trình và nói chuyện với các nghệ sĩ Việt Nam.

Ở Hà Nội hiện nay có những nơi như Nhà Sàn Studio, hay dự án Doclab dành cho thử nghiệm về nghệ thuật video, nhưng tôi thấy hoạt động nghệ thuật ở Hà Nội vẫn còn thiếu chuyên nghiệp dù vẫn đang duy trì được tần suất hoạt động các chương trình khá đều đặn với các trung tâm như L’espace hay Viện Goethe. Chúng ta cũng thiếu móc xích giữa nghệ sĩ và khán giả, đó là các nhà phê bình nghệ thuật. Tôi cảm thấy họ quá chú trọng vào việc sử dụng ngôn từ “cao siêu” mà chưa làm được việc giải trình mạch lạc về các tác phẩm nghệ thuật. Giải trình ở đây không có nghĩa là họ đơn giản hóa tác phẩm, mà người viết phải có sự nghiên cứu đầy đủ, làm sao để đem đến cho công chúng thông tin đầy đủ hơn.

Ngoài ra, tôi nghĩ cũng rất cần sự kết nối và đối thoại tốt hơn giữa giới nghệ sĩ và các đơn vị làm nghệ thuật với chính quyền để tranh thủ được tốt hơn sự ủng hộ từ bên trên, điều mà tôi thấy nhiều đơn vị ở Sài Gòn đã làm được còn chúng tôi ở Hà Nội vẫn gặp khó khăn.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ này.

 

Nhóm thực hiện

Phỏng vấn: Minh Thi - Ảnh Bình Đặng

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)