
Vẫn giữ nguyên những cảm xúc vẹn nguyên khi kể lại hành trình lên ý tưởng, chuẩn bị và từng khoảnh khắc trên sân khấu của show trình diễn trang điểm tổ chức tại Nhà hát Opera, Úc, nghệ sĩ trang điểm Trí Trần không chỉ mang đến những giây phút thăng hoa của nghệ thuật trang điểm, mà còn gửi gắm những thông điệp cá nhân, những suy tư trăn trở của người làm nghệ thuật.
Trí Trần sinh ra, lớn lên và bắt đầu sự nghiệp trang điểm tại Việt Nam, nhưng thành danh tại Úc. Với 15 năm làm việc trong lĩnh vực trang điểm và hóa trang, 10 năm giảng dạy, Trí Trần đã tham gia vô số các dự án thời trang, phim ảnh lớn nhỏ, đồng hành cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. The SENSORY Shows là dự án nghệ thuật được Trí Trần ấp ủ sau nhiều năm làm nghề với mong muốn làm nổi bật nghệ thuật trang điểm, kết hợp với thời trang, âm nhạc và biểu diễn để tạo nên trải nghiệm cảm giác. SENSORY. MAKEUP. THE ART là show diễn đầu tiên thuộc dự án, được tổ chức tại Nhà hát Opera Sydney.
Chúc mừng Trí đã có một show diễn nghệ thuật trang điểm vô cùng thành công, nhận được sự tán thán của giới chuyên môn tại Úc, cũng như các nghệ sĩ. Ý tưởng của show diễn đã được Trí ấp ủ từ khi nào?
Lúc còn ở Việt Nam, Trí từng có cơ hội làm việc với nhãn hàng Shu Uemura và được trực tiếp theo dõi show trình diễn trang điểm do nghệ sĩ trang điểm Thanh Phước của Shu Uemura Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, show diễn khi ấy chỉ phục vụ nội bộ cho nhãn hàng. Từ đó, Trí bắt đầu tự mày mò, học hỏi và tìm hiểu thêm về hình thức này.
Khi sang Úc để theo đuổi công việc, Trí đặt ra mục tiêu phải chinh phục lĩnh vực làm đẹp tại đây – một môi trường khắc nghiệt, nơi người ta chỉ làm việc với những gương mặt quen và gần như không có chỗ cho người nước ngoài. Trí từng làm trợ lý cho Rae Morris – tượng đài của ngành làm đẹp tại Úc và cũng từ đó, Trí hiểu rằng muốn đi xa hơn, cần chủ động tạo ra một vòng tròn quan hệ mới, không chỉ cho bản thân mà còn cho những nghệ sĩ trẻ, những người đang bền bỉ theo đuổi đam mê.
Từ suy nghĩ ấy, Trí hình dung ra một bối cảnh nơi trang điểm được đưa lên sân khấu như một hình thức biểu diễn nghệ thuật thực thụ, kết nối với âm nhạc, thời trang gắn liền với những không gian mang tính biểu tượng. Từ đó The SENSORY Shows ra đời.
Được biết The SENSORY Shows: SENSORY. MAKEUP. THE ART gồm 5 phần để chuyển tải những thông điệp khác nhau. Trí có thể chia sẻ cụ thể về từng phần được không?
Khi lên ý tưởng cho show diễn, Trí đã rất trăn trở làm sao để thể hiện được giá trị nghề nghiệp của mình cùng các đồng nghiệp, cho thấy sự kết nối mạnh mẽ giữa nghệ thuật trang điểm và các bộ môn nghệ thuật khác. Song song, vẫn phải đảm bảo được tất cả đều nằm trong dòng chảy văn hóa Việt – Úc.
Màn đầu tiên với tên gọi Her Day. Her Way. tập trung vào hình ảnh các cô dâu nhưng không theo hình ảnh mà chúng ta vẫn thường thấy. Trí muốn cho mọi người thấy hình ảnh tân nương lộng lẫy mà không phải là những bản sao chép. Mỗi cô dâu là một cá tính và sở hữu màu sắc riêng. Cây cọ của Trí chỉ là công cụ để giúp các cô dâu thể hiện được thông điệp đó.
Màn hai và ba của chương trình là sự giao thoa giữa văn hóa đặc trưng của Úc với tư duy thời trang và nghệ thuật đương đại. Nếu như màn 2 Vogue Vandal – Nghệ sĩ đường phố là lời tôn vinh dành cho nghệ thuật đường phố, thì màn 3 Fierce and Free – Drag Queen lại là bản ngợi ca tự do và cá tính của các nghệ sĩ trình diễn. Trong cả hai màn, phần trình diễn makeup của Trí hòa quyện cùng thời trang, âm nhạc, múa và sân khấu để làm nổi bật mối liên kết giữa nghệ thuật trang điểm với các loại hình biểu đạt khác.
Màn 4 Symphonique với sự xuất hiện của diva Hà Trần và nghệ sĩ piano Vân Anh Nguyễn là niềm tự hào của Trí với dòng máu Việt. Trên nền nhạc piano, tác phẩm Ra ngõ tụng kinh và Black and White của Michael Jackson được làm mới với tiếng kèn Didgeridoo, nhạc cụ truyền thống của Úc như một lời tôn vinh đến hai quốc gia nơi Trí sinh ra lớn lên và sinh sống, làm việc.
Khép lại đêm diễn là màn thứ năm mang tên Monochrome Mayhem – Trắng và Đen. Trong phần trình diễn này, Trí thực hiện live makeup ngay trên sân khấu, chỉ với hai gam màu tối giản: trắng và đen. Trước mắt khán giả, từng đường cọ, cách phối sắc độ, thao tác chuyển đổi layout được phô diễn đầy bản lĩnh. Đây không chỉ là màn kết giàu cảm xúc, mà còn là lời tri ân sâu sắc Trí gửi đến nghề, cùng thông điệp dành cho những người đồng hành: đừng bao giờ xem nhẹ nghề trang điểm, vì đó là cả một nghệ thuật.
Chắc chắn mọi khoảnh khắc tại SENSORY. MAKEUP. THE ART đều vô cùng đáng nhớ, nhưng nếu được chọn một, Trí sẽ chọn khoảnh khắc nào khiến Trí “nổi da gà” nhất?
Đó là màn 5. Với màn này, Trí chỉ có 5 phút nhưng phải mang đến thông điệp biến hóa khôn lường trên cùng một gương mặt (tác phẩm). Tính ra, Trí chỉ có khoảng 30 giây cho mỗi layout makeup. Điều đó khiến cả khán phòng gần như vỡ òa vì không thể tin vào tốc độ chuyển đổi quá nhanh.
Có một điều đến giờ Trí mới chia sẻ: dù đã phác thảo hàng trăm bản nháp, Trí vẫn chưa thật sự hài lòng. Mãi đến 4 tiếng trước khi chương trình bắt đầu, Trí mới hoàn tất bản phác thảo cuối cùng.
Thế nhưng khi bước lên sân khấu, vì bị trễ nhịp so với các nghệ sĩ múa, Trí buộc phải ứng biến. Cuối cùng, Trí vẫn kịp hoàn thành hai layout makeup đúng thời gian và truyền tải trọn vẹn thông điệp. Đến giờ nghĩ lại, Trí vẫn còn thấy run.
Cái tên The SENSORY Shows cho thấy không chỉ dừng lại ở SENSORY. MAKEUP. THE ART? Kế hoạch tiếp theo của Trí là gì?
Khi lên ý tưởng cho The SENSORY Shows, Trí đã mong muốn nó sẽ là một chuỗi các show chứ không chỉ dừng lại một show diễn tại Úc, đó là lý do chữ Show có “s” phía sau. SENSORY. MAKEUP. THE ART chính là một sự khởi đầu. Mong muốn tiếp theo của Trí là mang show diễn này đến các quốc gia khác như Mỹ, Pháp… và phải được tổ chức ở những địa điểm mang tính biểu tượng của quốc gia đó. Trí rất thích được kết hợp với các nghệ sĩ nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, những người có cái tôi làm nghề đặc trưng trên thế giới.
Cảm ơn Trí! Một lần nữa chúc mừng bạn đã có một show diễn trang điểm thành công trên nước Úc và chúc bạn có thêm những The SENSORY Shows khác ấn tượng hơn, độc đáo hơn.
Nhóm thực hiện