Ai cần tình yêu lý tưởng?
Tình yêu chắc đã, sẽ và mãi mãi là lý do cho những hành động anh hùng, cao cả và những hành vi điên rồ; là đề tài gây tranh cãi, là bí ẩn mà loài người khao khát khám phá và cũng là nguồn cảm hứng bất tận của văn chương nghệ thuật.
Thế nhưng, bạn có biết điều gì tương đồng trong những tác phẩm vĩ đại nhất về tình yêu không? Đó là sự lý tưởng hóa, là việc đặt tình yêu lên cao hơn tất cả những vấn đề, những cản trở, là việc cho rằng tình yêu xứng đáng để chúng ta chết vì nó, hoặc chết bởi nó. Ấy là vì thực ra trong phần lớn chúng ta đều khao khát rằng mình có một tình yêu lý tưởng như thế, một tình yêu xứng đáng để nếu cần, ta có thể liều thân, có thể làm những điều điên rồ nhất, có thể từ bỏ mọi thứ vì nó.
Tuy nhiên, về mặt khoa học, cái gì cũng cần có chừng mực, khi một ai đó quá lý tưởng hóa đến mức ám ảnh về tình yêu, các bác sĩ sẽ cho rằng anh/cô ta có vấn đề tâm thần. Họ có cái lý của họ, vì những kẻ yêu đến ám ảnh thường là những người có nguy cơ gây hại cho người khác khi muốn bảo vệ tình yêu. Tình yêu, dù tuyệt vời trong văn chương tới đâu rồi cũng chỉ là một phần giản dị trong đời thực, bởi vì mỗi cá nhân chúng ta có nhiều ràng buộc và mối quan hệ chồng chéo. Yêu một người là điều tuyệt vời, nhưng chúng ta còn có sự nghiệp, bè bạn, gia đình, có những mối quan tâm và sở thích của bản thân.
Chính vì một con người có nhiều ràng buộc tới thế, nên cái gọi là tình yêu lý tưởng, yêu từ cái nhìn đầu tiên, cái gọi là tình yêu bất chấp không tồn tại nhiều tới vậy, dù là ở thời đại nào. Người ta cứ cho rằng mình không thể chọn người để yêu, điều ấy hẳn là đúng. Thế nhưng, chúng ta có thể chọn người để là bạn trai, bạn gái, là chồng, là vợ. Sự lựa chọn ấy, với người càng trưởng thành, càng trở nên rõ ràng và đúng đắn hơn. Bàn cân của học vấn, thu nhập, tôn giáo, sắc tộc, của ưu điểm và khuyết điểm, quan điểm sống, định hướng tương lai và cả chuyện tình dục đều có thể trở thành một yếu tố góp phần vào quyết định: Tôi có muốn yêu và gắn bó với người này không.
Tuy nhiên, dù ràng buộc xã hội nhiều thế nào đi nữa, vẫn có ở đó một tiêu chí về tình yêu, thứ yếu tố có thể đánh bại nhiều yếu tố khác. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thực ra chúng ta không đi tìm một người cụ thể để yêu, chúng ta đi tìm một dạng đặc điểm, tính cách cụ thể để yêu. Có những người phụ nữ cho rằng đàn ông chỉ tốt nếu họ có chí tiến thủ, có trách nhiệm. Có những người khác lại muốn đàn ông phải sáng tạo, phải lãng mạn một chút, phải ưa mạo hiểm một chút. Có những người khác nữa thì muốn một người đàn ông hiền lành, đơn giản, nghe lời mình. Có thể trong tâm trí họ, những tính cách này không được gọi thành tên, nhưng rồi một lúc nào đó, người ta nhìn lại và thấy: “Ơ, sao tôi yêu toàn những người tương tự nhau thế này”.
Một cặp đôi lý tưởng mà chúng ta vẫn thấy chính là những cặp đôi may mắn tìm thấy ở nhau những thứ họ muốn tìm và chấp nhận những thiếu sót. Họ cho người ngoài cảm thấy được sự hòa hợp, làm những thứ giống nhau, thấu hiểu nhau, ủng hộ nhau, bênh vực cho nhau. Còn những cặp đôi lục đục thì sao, vì nhiều lý do: Bạn không hiểu rõ mình muốn gì ở người mình muốn yêu, bạn ngộ nhận rằng người kia có những phẩm chất mà bạn tìm kiếm mà thực ra không phải, bạn không chấp nhận nổi các thiếu sót của họ, hoặc, đơn giản hơn, bạn lớn lên và bạn thay đổi.
Đó là điều đáng mừng và đáng buồn nhất ở con người: Chúng ta thay đổi. Một người vợ có thể đồng cam cộng khổ với chồng trong những ngày đầu khởi nghiệp, rồi đến khi thành công anh ta lại bỏ cô ấy theo người khác. Nghe thật bạc bẽo, phải không? Nhưng thực ra, chuyện ấy cũng không khác gì một người phụ nữ sau cả thập kỷ chăm sóc, vun vén cho chồng, bỗng nhiên quyết định ly dị và yêu người đàn ông mới. Vì ở từng thời điểm, cái mà chúng ta mong muốn ở người mình yêu, người bạn đời, khác đi.
Thế nên, rốt cuộc phần lớn chúng ta chẳng thể có được một tình yêu lý tưởng hay một người yêu lý tưởng. Nhưng tình yêu lý tưởng có quan trọng tới thế hay không? Có thể là không. Những khoảnh khắc hạnh phúc, những chia sẻ và lắng nghe, những mong muốn và chấp nhận, những tiếng cười và nước mắt hay cả những tranh luận và cãi vã, đó là những thứ định hình nên một mối quan hệ gắn bó giữa hai người. Cách chúng ta đón nhận ra và sống với từng khoảnh khắc ấy quan trọng hơn nhiều ước vọng về một tình yêu, một người yêu lý tưởng.
—
Xem thêm: