Chào Anna, liệu chị có thể chia sẻ với độc giả câu chuyện phía sau việc thành lập The New Savvy được không?
Có khá nhiều lý do khiến tôi muốn thành lập The New Savvy. Trước hết, đó là khao khát cháy bỏng của tôi. Tôi muốn thành lập nên nền tảng này từ năm 2010, và dù làm nhiều công việc khác nhau, mong muốn ấy vẫn trở đi trở lại trong tâm trí. Tôi luôn muốn giúp đỡ mọi người và biết rằng quản lý tài chính là điều tốt nhất mình có thể làm. Bên cạnh đó, phụ nữ và trẻ em là những người tôi muốn hỗ trợ nhiều nhất. Tôi thực sự rất đam mê với công việc nâng cao hiểu biết về quản lý tài chính và muốn dùng kiến thức đó để thay đổi cuộc sống. Đó là “thức ăn” cho tâm hồn của tôi, những gì tôi nhận được từ công việc này không thể đo đếm được. Có thể nói, tôi đang hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Việc thành lập The New Savvy đến từ hai nguồn cảm hứng trực tiếp. Thứ nhất là gia đình tôi đã từng sống qua cảnh lần hồi và căng thẳng vì tiền bạc, tôi luôn hứng thú với những quy luật vận hành của tài chính. Tôi hiểu là mình phải chăm sóc cho bản thân và gia đình. Việc nhận ra điều ấy đã bắt đầu hành trình xây dựng cơ nghiệp của tôi. Ý nghĩ phải dùng tiền sao cho thật hiệu quả khiến tôi vô cùng thích thú. Tôi bỏ thời gian ra đọc rất nhiều sách về tài chính, và ở độ tuổi 21, khi vẫn chưa phải là chuyên gia, tôi đã quen mặt rõ tên các sản phẩm quản lý tài chính và xây dựng một hồ sơ nghề nghiệp rất tốt cho bản thân. Thứ hai là khi còn đi học, tôi đã trở thành tình nguyện viên cho nhiều hoạt động và nhận ra có rất nhiều phụ nữ bị mắc kẹt trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc chỉ vì họ không có khả năng làm ra tiền. Từ quan sát này, tôi thấy điều quan trọng là phải bảo vệ bản thân về phương diện tài chính để tránh rơi vào bi kịch đó. Và nếu tôi làm được, những phụ nữ khác cũng sẽ làm được. Thế là, The New Savvy đã ra đời.
Cho đến nay, tổ chức của chị đã hiện diện tại nhiều quốc gia và lãnh thổ, chị có thể chia sẻ với ELLE điều gì từ kinh nghiệm làm việc với phụ nữ ở nhiều vùng văn hóa?
Phải nói rằng, dù ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng các vấn đề mà phụ nữ ở nhiều đất nước gặp phải vẫn rất giống nhau. Trong các năm qua, nhiều phụ nữ đã tìm đến tôi để yêu cầu tư vấn cách đầu tư, làm sao để mở ra một tài khoản đảm bảo, loại khoản cho vay nào hiệu quả, sự khác biệt giữa trái phiếu và quỹ đầu tư trái phiếu… Sự thật là dù đã được đào tạo trong ngành tài chính, tôi cũng không muốn ngồi đọc hết cả một bảng phân tích chứng khoán hay thông tin kỹ thuật nào cả. Là phụ nữ, tôi biết quản lý tài chính thông minh sẽ tác động đến cuộc sống của mình thế nào và việc ấy liên quan gì đến những nhu cầu của tôi. Tôi muốn điều gì gần gũi với mình, điều gì đó có thể tạo cảm hứng và động lực cho tôi.
Từ nghiên cứu và quan sát của chị, đâu là những rào cản mà phụ nữ thường gặp phải trong vấn đề quản lý tài chính?
Trước hết, tôi thấy phụ nữ thời đại này kiếm tiền nhiều hơn, tiết kiệm tiền nhiều hơn, nhưng không có nghĩa họ đầu tư hay quản lý tiền bạc của mình tốt hơn. Hầu hết phụ nữ là người giữ tiền kiểu tiết kiệm hoặc để bạn đời của họ quản lý tiền bạc trong nhà. Tôi nghĩ việc phụ nữ quản lý tài chính của mình là cực kỳ quan trọng. Có 6 phương diện trong việc quản lý tài chính: Quản lý ngân sách mình có, quản lý rủi ro, lên kế hoạch đầu tư, kế hoạch nghỉ hưu, lên kế hoạch cho thuế và bất động sản.
Phụ nữ cần đảm bảo là họ chăm sóc được cho bản thân và được đảm bảo an sinh trong những hoàn cảnh không may, bất ngờ. Chẳng may bạn ly dị, bị mất khả năng lao động, hoặc tồi tệ nhất là qua đời, thì sao? Với phụ nữ, chúng ta không quá quan tâm đến việc cạnh tranh để sinh lời, nhưng chúng ta cần có những quyết định đúng đắn với đầy đủ thông tin. Khi đầu tư, chúng ta muốn bảo vệ bản thân, chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, bảo vệ và chăm sóc cho những người ta yêu thương như cha mẹ, chồng con. Và, hơn tất cả, đảm bảo được về mặt tài chính sẽ giúp phụ nữ làm chủ cuộc đời, giúp họ thêm tự tin và lòng tin vào bản thân.
Có một sự thật là phần lớn các vị trí quản lý cấp cao tại các công ty và tập đoàn đều do nam giới đảm nhiệm. Làm sao để những phụ nữ có hoài bão lớn có thể vươn lên tầm lãnh đạo cao hơn?
Tôi nghĩ để dẹp bỏ định kiến giới trong vị trí lãnh đạo, chúng ta phải gọi tên những định kiến đó ra. Người ta vẫn cho rằng phụ nữ chỉ có thể lãnh đạo hiệu quả nếu họ cư xử như đàn ông, bớt xúc cảm và dữ dằn hơn. Cựu lãnh đạo của Yahoo Marissa Mayer từng bị chỉ trích vì không nghỉ sinh đủ lâu, nhưng Mark Zuckerberg lại được khen ngợi vì đã nghỉ làm khi vợ sinh con. Cái chính là nếu Zuckerberg không nghỉ cũng sẽ chẳng ai trách anh ấy cả. Marissa thì ngược lại, với lựa chọn đó của mình, cô đã phá vỡ định kiến về giới và đưa ra một lựa chọn rất cá nhân. Thế nên, nếu muốn tiến bước trên bậc thang lãnh đạo, tôi nghĩ người ta phải bỏ qua những kỳ vọng về vai trò giới và là chính mình. Bạn cần hiểu rõ năng lực bản thân và khẳng định quyền được “có mặt” trong những quyết định quan trọng.
BÀI LIÊN QUAN
Vậy còn về phương diện cá nhân, tại sao chị nghĩ phụ nữ cần có hiểu biết tốt hơn về quản lý tài chính trong gia đình?
Thường thì trong gia đình, nếu một người làm ra nhiều tiền hơn sẽ là người đưa ra các quyết định cho toàn bộ gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có hiểu biết toàn diện về quản lý tài chính, và điều đó có thể dẫn đến việc giảm mất các cơ hội lên kế hoạch cho tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, tôi muốn khuyến khích phụ nữ chủ động học về cách quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt là khi họ thường là người chăm lo cho chi tiêu trong gia đình. Biết cách quản lý chi tiêu trong nhà, phụ nữ có thể dễ dàng lên kế hoạch tài chính cho cả gia đình và tuổi nghỉ hưu.
Hơn thế nữa, tiền bạc thường là chủ đề gây bất đồng giữa các cặp đôi, nhất là trong những trường hợp phụ nữ không đi làm. Một điều tra của SunTrust Bank năm 2015 đã cho thấy các vấn đề tiền bạc và bất đồng trong quản lý tài chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các khủng hoảng trong hôn nhân. Tôi nghĩ nếu phụ nữ có năng lực quản lý tài chính như bạn đời của họ, những mâu thuẫn như thế có thể sẽ giảm bớt. Ngay cả khi chỉ có một người đi làm trong nhà, tôi cũng khuyên các cặp đôi nên làm việc cùng nhau, trò chuyện và phân chia vai trò, trách nhiệm. Hãy tập thói quen tham khảo ý kiến của nhau trước khi đưa ra những quyết định tài chính lớn.
Anna Haotanto
• CEO và nhà sáng lập của The New Savvy
• Thành viên của hội đồng sáng lập Singapore FinTech Association và là lãnh đạo Women In FinTech and Partnership Committee.
• Nhà đầu tư của nhiều công ty startups.
• Thành viên Hội đồng quản lý Singapore Chinese Chamber of Commerce và Industry Career Women’s Group.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Huyên Ảnh: NVCC Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE