Thảo Nguyễn, 34 tuổi – Nhân viên văn phòng
Vào những ngày làm việc trong tuần, nếu điện thoại vang lên vào khoảng 2-3 giờ chiều, và dãy số hiện lên là từ trường mẫu giáo con bạn đang theo học, rất nhiều khả năng đó là thông báo bé đang bị sốt, mẹ vui lòng đến đón bé về nhà. Lúc đó, dù đang bận rộn công việc đến chừng nào, bạn biết rằng mình sẽ phải tạm dừng hết lại, thu xếp để chạy về với con.
Câu chuyện trên nghe chừng quen thuộc đối với những “working-mom” có con đang trong độ tuổi mẫu giáo. Có lẽ bạn đã ít nhất một lần trải qua những cảm giác lo lắng, hồi hộp khi phải xin sếp để được về sớm. Và đó chỉ là một trong vô vàn những thử thách mà phụ nữ phải đối mặt khi vừa đảm đương việc làm mẹ, vừa miệt mài theo đuổi sự nghiệp.
Những áp lực bạn phải vượt qua mỗi ngày không chỉ đến từ gia đình, từ công sở, từ xã hội, mà còn từ chính bản thân mình. Có một lời giải thích tôi đọc được trên một tạp chí nước ngoài từ khá lâu và cảm thấy thực sự cảm kích, với đại ý rằng: Bản thân người phụ nữ không phải không có tham vọng như nam giới, hay không đủ khả năng để theo đuổi sự nghiệp rồi vươn đến chức vụ cao và nhiều trọng trách. Sự khác biệt chính là vì đa số phụ nữ đều có sẵn bản năng là chăm sóc, nuôi dưỡng và hy sinh. Vì thế, việc sẵn sàng bỏ dở công việc vì con cái, gia đình có thể là một quyết định hết sức hiển nhiên với đa số phụ nữ.
Trong chặng đường sự nghiệp của mình, tôi đã từng nghĩ rằng việc là một “working-mom”, có con nhỏ là một “điểm yếu” của mình so với những đồng nghiệp khác, đặc biệt là nam giới. Bạn không thể đến sớm, về trễ như đồng nghiệp. Những sự kiện buổi tối luôn phải cân nhắc để sắp xếp tham dự và rất nhiều lần phải từ chối. Cho dù rất nhiều công ty có chính sách hỗ trợ khá tốt cho nhân viên nữ khi sinh con và làm mẹ, nhưng đôi lần bạn vẫn nhận thấy sự khó chịu từ cấp trên khi xin nghỉ phép đột xuất vì con bệnh, hay gia đình có việc cần giải quyết… Bạn không khỏi thắc mắc rằng nếu là nam giới, liệu bạn có cảm thấy khó xử, phải phân vân đến thế trước những lựa chọn giữa bổn phận, gia đình và công việc không?
Nhưng tôi nhận ra rằng đó cũng chính là một suy nghĩ sai lầm. Vì sao phải chấp nhận một điều hiển nhiên và tự nhiên như “bản năng làm mẹ” là một điểm yếu, mà không phải là một “đặc điểm” cần được thấu hiểu, tôn trọng và hỗ trợ? Với riêng cá nhân tôi, “bình đẳng giới” không chỉ là khi phụ nữ được trả lương công bằng, có những cơ hội tương xứng để chứng tỏ khả năng và thăng tiến, mà còn là khi phụ nữ được tạo điều kiện thông qua những chính sách đủ cảm thông về quản lý nhân sự để tất cả có thể an tâm hoàn thành công việc, chứng tỏ khả năng trong chuyên môn, đồng thời vẫn có thể tin tưởng thuận theo bản năng của chính mình. Và thay đổi đó cần bắt đầu từ sự chủ động ở chính mỗi chúng ta. Hãy thẳng thắn trao đổi cùng cấp trên hay phòng nhân sự về những dự định, thay đổi sắp tới của bạn nếu điều đó có thể ảnh hưởng đến công việc. Hãy đưa ra và bàn bạc về những giải pháp để bạn vẫn có thể bảo đảm hiệu quả trong công việc. Bằng khả năng thực thụ, bằng sự chân thành và tự tin, tôi tin rằng mỗi người phụ nữ đều xứng đáng có cơ hội thành công và tỏa sáng ở gia đình, công sở và trong xã hội.
BÀI LIÊN QUAN
[ELLE Voice] Gian nan như ngày đầu làm mẹ
Alex N., 38 tuổi – Kinh doanh
Tôi vốn là một người lạc quan và tinh thần khá mạnh mẽ. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, và còn là trầm cảm kéo dài đến tận cả năm trời kể từ khi sinh con. Với phụ nữ, việc sinh con đồng hành với nhiều áp lực tâm lý. Với tôi, áp lực đó còn tăng gấp đôi, gấp ba khi phải chăm con một mình nơi xứ người.
Sinh con đau đớn thật, chăm con vất vả thật, nhưng cũng không là gì so với nỗi cô đơn gặm nhấm và dần rút cạn sức khỏe tinh thần mỗi ngày. Cô đơn vì không có sự chia sẻ, không có sự chăm sóc, đỡ đần và càng không có tình yêu thương. Càng buồn hơn với những lời nói không biết là vô tình hay hữu ý của người khác như xát muối vào vết thương mãi không lành.
Tôi đã bối rối đến lạc bước và đôi khi không hiểu mình đang làm gì. Có những lúc tiếng con khóc như búa đập vào đầu khiến tôi không chịu nổi, chỉ muốn biến mất khỏi cuộc đời này. Tâm trạng tôi lên xuống thất thường, khi vui, khi buồn, ngày hôm trước cảm thấy mình đã đủ sức vượt qua nỗi đau nhưng hôm sau đã lại gục ngã. Đang cười nói vui vẻ nhưng khi có ai đó hỏi thăm “bạn có ổn không”, là bỗng dưng nước mắt tuôn trào.
Thoạt đầu tôi không nghĩ mình trầm cảm, tôi chỉ nghĩ mình buồn vì chuyện gia đình, nhưng một ngày nọ, cô của tôi đến thăm và khuyên tôi nên quan tâm đến bản thân vì tôi có dấu hiệu của trầm cảm. Tôi bắt đầu đọc thêm nhiều tài liệu nghiên cứu và xác định mình phải tìm mọi cách vực dậy tinh thần. Tôi áp dụng “emotional detachment”, tách rời với trạng thái cảm xúc. Nói nôm na là giữ một cái đầu lạnh và cả trái tim lạnh. Vẫn đối mặt với những chuyện xảy ra hàng ngày, với những tác nhân gây căng thẳng, nhưng tôi đặt ra giới hạn, không để cảm xúc chi phối tâm lý. Cũng tương tự như việc nếu một số người trên mạng xã hội khiến bạn buồn lòng, thì bạn có thể “unfriend”, “unfollow” hoặc “block” để không còn biết đến người ta nghĩ gì về bạn nữa. Trong cuộc sống cũng vậy, bạn vẫn có thể đối mặt bằng cách tránh bị tổn thương. Trong một số trường hợp, “emotional detachment” có thể khiến chúng ta không sống thật với cảm xúc dẫn đến những biến đổi tính cách hoặc tâm lý, nhưng thực tế nếu áp dụng đúng và có mục đích, sẽ phần nào bảo vệ được chính mình trước những lo âu và buồn khổ. Mỗi khi cảm xúc có phần lấn lướt, tôi lại hít một hơi thật sâu, tự nhủ rằng liệu có đáng để mất tự chủ hay không. Tôi tìm một việc gì khác để làm, xác định ưu tiên đầu tiên chính là tận hưởng từng ngày niềm vui được làm mẹ. Tình yêu vô tận dành cho con chính là liều thuốc chữa lành vết thương hiệu quả nhất của một người mẹ.
Nhóm thực hiện
Bài: Hương Tôn
Nguồn: Phái đẹp ELLE