Lifestyle / ELLE Voice

Bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội với giới trẻ Việt

[Tạp chí ELLE - 12/2016] Một nhà báo từng hỏi tôi về tác hại của mạng xã hội đến giới trẻ Việt Nam. Tôi nói: Mạng xã hội cũng là một xã hội, và nó có ở đó muôn mặt của thế giới chúng ta.

Một mong muốn có thể mang tới điều tốt và điều xấu. Nó không có hại hay có lợi, chỉ là cách nhìn vào đấy thế nào thôi.

Hashtag #vietnamnoilalam (Việt Nam nói là làm) khởi đầu từ những cá nhân hay những nhóm bạn trẻ muốn tìm kiếm sự khích lệ từ đám đông mạng xã hội để làm những điều khác thường. Nó cũng được sử dụng bởi những người chia sẻ lại bài đăng nhằm mục đích ủng hộ hoặc thúc đẩy chủ nhân của lời phát ngôn thực hiện điều đã hứa. Ví dụ nhiều người biết nhất là chuyện cô bé tuyên bố sẽ đốt trường nếu có đủ 1.000 “like” và sau đó bị chính những kẻ đã “like” cưỡng ép thực hiện.

MC Phan ANh đi cứu trợ vùng lũ
MC Phan ANh đi cứu trợ vùng lũ

 

Thú vị thay, sau đó hashtag này lại xuất hiện khi MC Phan Anh kêu gọi hỗ trợ nhân dân Quảng Bình sau lũ. Nếu trong một bối cảnh khác, có lẽ khó mà liên kết việc một cô bé đòi đốt trường và một MC biến lòng nhân ái thành hành động. Điểm chung duy nhất của họ chính là dòng hashtag. Nó cho thấy một vấn đề rộng lớn hơn là việc quyên tiền từ thiện hay dám làm một điều bất thường, kỳ quặc, đồng thời chứng minh thế giới ảo không còn là chuyện mơ hồ. Đã tới lúc phải chuẩn bị để hoặc là khiếp sợ nó, hoặc là tận dụng nó. Người Việt từ xưa đến nay không phải là những người nổi tiếng về việc giữ lời hứa hay uy tín. Trong khi ở nhiều nước châu Á phát triển, việc một cửa hàng tồn tại hàng trăm năm qua các thế hệ là chuyện bình thường, thì tại Việt Nam tìm đỏ mắt mới ra một vài nơi như vậy. Một cửa hàng có thể cực kỳ thành công lúc ban đầu, nhưng khi đủ nổi tiếng, chẳng mấy chốc hàng hóa trở nên kém chất lượng. Chúng ta có thể liệt kê hàng loạt chuyện “hứa lèo” của người làm từ thiện, dịch vụ công cộng, các tổ chức, thậm chí là trường học. Việc mạnh miệng hứa hẹn rồi quên mất đã trở thành một chuyện bình thường, đến nỗi chẳng mấy ai còn thấy hậm hực vì nó nữa. Chính đặc tính ấy khiến những người như Phan Anh trở nên đặc biệt, lời nói của anh trở nên vô cùng ý nghĩa và được tin cậy trên thế giới ảo. Họ ủng hộ anh vì họ thấy anh thực hiện điều anh đang kêu gọi. Họ ủng hộ anh, vì muốn thấy điều họ mong muốn trở thành hiện thực.

Những người ủng hộ Phan Anh hết mình không khác gì những người “like” hết mình cho cô bé đốt trường, hay chàng trai nhảy cầu hoặc tắm với chất thải. Họ đều mong muốn thấy một điều bất thường xảy ra, một lời hứa hẹn được thực hiện. Họ có thể ủng hộ cho một hành động điên rồ, một chuyện tầm phào nhảm nhí, nhưng rốt cuộc, họ vẫn là những người cho rằng đã nói thì phải làm. Và sự đổi chác của họ, là việc “like” ấy. Họ là những người Việt cần được nhìn thấy điều tốt nhiều hơn điều xấu, cần phải thấy những tuyên bố
được trở thành hiện thực. Xét cho cùng, đó chẳng phải là nhu cầu của nhân loại hay sao? Còn những người đưa ra tuyên bố, dù hành động điên rồ thế nào đi nữa cũng khó đánh giá họ dựa trên hành động ấy rồi bi quan hay lạc quan về giới trẻ và người Việt. Vì sự nổi loạn, vì nhu cầu làm những việc không giống ai, không phân biệt quốc tịch.

Bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội với giới trẻ Việt
Đạo diễn Joko Anwar đã phải trần truồng đi vào Circle K sau khi đưa ra thách thức trên mạng xã hội

 

Tôi sẽ kể cho bạn câu chuyện xảy ra ở một quốc gia khác. Năm ngoái, tôi có gặp Joko Anwar, đạo diễn người Indonesia tại LHP Busan, Hàn Quốc. Joko hiện đang là một trong những đạo diễn châu Á đáng chú ý nhất, với 10 phim truyện cả ngắn lẫn dài, được mời xuất hiện tại nhiều LHP danh tiếng. Tuy nhiên, năm 2009, Joko còn nổi tiếng hơn tất cả các bộ phim của anh nhờ việc tuyên bố nếu số người follow trên Twitter vượt quá 3.000 trong một đêm, anh sẽ trần truồng đi vào một cửa hàng tiện lợi Circle K. Trong một vài tiếng, số người theo dõi lên tới 6.000 người và anh đạo diễn, dĩ nhiên đã phải khỏa thân đi mua sắm dưới sự theo dõi của nhiều nhân chứng. Khi chúng tôi nhắc về chuyện đó, Joko chỉ cười và coi đó là trải nghiệm thú vị của cuộc đời anh.

Bạn có thể đánh giá Joko về điều đó, đánh giá những người trẻ khác vì những tuyên bố kỳ quặc của họ, cứ việc. Chỉ cần nhớ rằng dù trên mạng xã hội hay ngoài đời thực, cuộc đời mỗi người là một hành trình chứ không nằm ở một vài hành động ngông cuồng hay vẻ vang khi họ trẻ. Và một người biết giữ lời hứa, dù sao vẫn tốt hơn một người chỉ hứa suông.

Xem thêm

Mạng xã hội đã thay đổi con người như thế nào?

Tình yêu trên mạng xã hội: Chuyện của nhiều người

Văn hóa chỉ trích, nói xấu nhau trên mạng xã hội

Nhóm thực hiện

Phương Thủy (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)