Lifestyle / ELLE Voice

Birgitta Tennander: Sống bền vững – Cần hành động & đi đường dài

[Tạp chí Phái đẹp ELLE - số tháng 6/2018] Mời bạn cùng ELLE Việt Nam tìm hiểu về nguồn gốc của chiến dịch 7 ngày thách thức.

Theo báo cáo “Ngăn chặn xu hướng: Chiến lược vì một đại dương không có chất thải nhựa” của Ocean Conservancy và trung tâm Kinh doanh và Môi trường McKinsey, số lượng rác thải nhựa không qua xử lý đổ vào đại dương đã ở mức khủng hoảng. Với đà hiện nay, tổng lượng rác thải nhựa vào đại dương sẽ tăng gần gấp đôi, lên đến 250 triệu tấn vào năm 2025. Đáng báo động, hơn nửa số rác thải nhựa vào đại dương đến từ 5 nước: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Kể từ đây, chiến dịch 7 ngày thách thức được bắt đầu.

Trước tình hình đó, rất nhiều quốc gia đã có sáng kiến và tổ chức các chiến dịch nhằm kêu gọi công dân toàn cầu chung tay bảo vệ Trái đất. Vừa qua, 7 Ngày thách thức lần đầu tiên được phát động tại Việt Nam với chủ đề “Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa” dưới sự hợp tác của ĐSQ Thụy Điển, Liên Hợp Quốc và Live & Learn. Chương trình này đã được thực hiện thành công ở Kenya, Brazil, Ấn Độ, Indonesia và nhiều nước khác.

7 ngày thách thức 1
Bà Birgitta Tennander duy trì thói quen đạp xe hàng ngày để vận động và bảo vệ môi trường.

ELLE Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với bà Birgitta Tennander – Quản lý Dự án của Viện Thụy Điển và là người khởi xướng, đứng sau ý tưởng 7 Ngày thách thức tại Thụy Điển.

Ý tưởng “7 Ngày thách thức” xuất phát từ đâu và điều đặc biệt của nó là gì, thưa bà?

Tốc độ đô thị hóa ngày càng cao gây ra những tác động tiêu cực đến Trái đất. Trong vai trò của mình tại Viện Thụy Điển, tôi được giao làm về các chủ đề bền vững. Một trong những dự án đó là Smart Living Challenge (Thử Thách Sống Thông Minh), đã thu hút rất nhiều tài năng từ mọi lĩnh vực tham gia các buổi hội thảo cùng bàn về cách tiêu dùng, sống, di chuyển một cách thông minh hơn. 30 quốc gia trên 5 châu lục đã phản hồi rất tích cực và chúng tôi tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể thu hút những người chưa cam kết bên ngoài các hội thảo này, nhằm giải quyết tính bền vững một cách thú vị hơn và mang tính tương tác cao hơn trong các cộng đồng? Từ đây, 7 ngày thách thức chính thức được hình thành.

Ý tưởng cho 7 Ngày thách thức đã chính thức khởi nguồn như vậy thông qua một dự án hợp tác giữa Thụy Điển và Kenya. Dự án khi đó rất cần một chủ đề xanh xuyên suốt – một nhiệm vụ không dễ dàng ở một đất nước mà tính bền vững có mức độ ưu tiên thấp. Nhưng chính năng lượng, sự sáng tạo cũng như sự cởi mở và mong muốn thử thách của giới doanh nhân và các bạn trẻ ở đó đã thôi thúc tôi. Tôi đã trình bày ý tưởng trong cuộc họp tại văn phòng UNEP (chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc) ở Nairobi cách đây 2 năm. Nhận được phản hồi tốt, chúng tôi tiếp tục thảo luận với các đối tác Kenya – tổ chức Green Teams Initiative và quyết định phát triển một bộ công cụ: hướng dẫn từng bước về cách thức thu hút, mời gọi sự tham gia, công tác chuẩn bị, các buổi hội thảo tư vấn, chứng chỉ tham dự, lễ trao giải… Tất cả đều tập trung vào Ăn uống, Di chuyển và Sống Thông minh.

Chiến dịch này được thực hiện như thế nào ở các quốc gia đã tham gia? Với những kết quả đạt được, có thể thu được bài học gì cho Việt Nam?

Như ở các nước khác, chuyển biến từ nhận thức đến hành động cần có thời gian cũng như ý chí thay đổi phải đến từ tất cả mọi người. Và bằng cách cung cấp một bộ cẩm nang hướng dẫn và định hướng, chúng tôi giúp những người tham gia có thể vượt qua thử thách 7 ngày thách thức dễ dàng hơn. Tại Việt Nam, đã có hơn 250 lượt đăng ký tham gia thử thách trong những tuần đầu tiên, điều này thật tuyệt vời. Nhưng đối với một sự thay đổi bền vững lâu dài, các cơ quan chính phủ cũng cần phải hành động, ví dụ bằng cách phát triển và thực hiện một hệ thống quản lý chất thải bền vững.

Và chiến dịch sẽ không kết thúc sau 7 ngày. Đối tác của chúng tôi là Live & Learn sẽ tiếp tục nối tiếp các hoạt động trong suốt năm với nhiều chương trình khác nhau trong Mạng lưới Thế hệ Xanh. Bên cạnh đó, Đại sứ quán Thụy Điển cũng dự kiến tổ chức một cuộc triển lãm vào mùa Thu gồm những câu chuyện truyền cảm hứng và những bức ảnh từ các cá nhân đã hoàn thành 7 Ngày thách thức trong sự kiện Diễn đàn Internet Việt Nam 2018.

7 ngày thách thức 2
Thụy Điển – Người đi xe đạp chiếm 63,7%. Trung bình cứ mỗi 0,7km, ta lại bắt gặp một người đi xe đạp.

Thập niên 60, 70 Thụy Điển đã đối mặt với nhiều thách thức về môi trường nhưng giờ là quốc gia hàng đầu thế giới về lối sống bền vững, có điều gì cần ghi nhận?

Thụy Điển là quốc gia rất quan tâm về môi trường và là quốc gia dẫn đầu theo dữ liệu từ bảng xếp hạng các quốc gia xuất sắc nhất năm 2017 – trong cuộc khảo sát của hơn 21.000 công dân toàn cầu. Đối với hầu hết người Thụy Điển ngày nay, bền vững là một cách sống. Phần lớn nguồn cung cấp năng lượng đến từ năng lượng tái tạo và Thụy Điển đứng đầu trong Liên minh châu Âu (EU) về tiêu thụ các loại thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ.

Nhận thức môi trường được trang bị cho các công dân từ cấp mầm non và tại những nơi công cộng và chúng tôi có ý thức sớm trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường như là một phần tự nhiên của lối sống thường ngày. Sẽ có tác động rất tốt với môi trường thậm chí từ những việc nhỏ nhặt như nhặt rác, bất kể bạn ở đâu. Ở Thụy Điển, chúng tôi có một phong trào mới gọi là “plogging” – nơi những người chạy bộ vừa tập thể dục vừa nhặt rác trên đường. Ý tưởng này đã được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội và nhận được rất nhiều sự quan tâm. Tôi cũng được biết sẽ sớm có một buổi plogging tại Hà Nội do các bạn trẻ lĩnh xướng.

7 ngày thách thức 3
Xe đạp đã trở thành vật dụng thiết yếu trong gia đình, được so sánh ngang hàng với tivi tại Thụy Điển (theo Euro-Ebike).

Tuy nhiên, chúng tôi có những thách thức lớn khi nói đến tiêu thụ, việc đi lại; chất thải từ thực phẩm và rất cần phải tiếp tục chú tâm, đẩy mạnh, kêu gọi sự tham gia ngay tại Thụy Điển.

Việt Nam đã bắt đầu đưa các chương trình giáo dục môi trường vào các cấp phổ thông. Để các chương trình này có kết quả và lâu dài, cần chú ý những điều gì?

Điều này chắc chắn rất tốt để tích hợp giáo dục môi trường trong chương trình giảng dạy của trường học và giúp thế hệ trẻ chất vấn ngược lại với người lớn. Tất cả đóng góp đều quan trọng. Công dân được giáo dục đầy đủ về môi trường và tích cực tham gia sẽ là một khởi đầu tốt, nhưng chưa đủ. Như đã đề cập, để Việt Nam thành công trong tương lai dài hạn, bạn cũng cần những cơ quan công quyền quan tâm đến tính bền vững.

Xin cảm ơn những chia sẻ quý báu của bà!

Bà Birgitta Tennander sinh năm 1954, làm việc tại Viện Thụy Điển với tư cách Quản đốc dự án có tính thách thức cao. Bà đã biến một số ý tưởng về tính bền vững thành hiện thực và được yêu cầu trình bày một trong những dự án của bà tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc COP 21 ở Paris. Hiện bà đang làm việc với các họa sĩ vẽ tranh biếm họa Thụy Điển và quốc tế trong “Đối mặt với vấn đề khí hậu”. Dự án cho đến nay đã đi một vòng qua 30 quốc gia.

Thụy Điển ưu tiên đầu tư vào công nghệ xanh và giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Những “ngôi nhà thông minh” được sưởi ấm thông qua việc sử dụng chính nhiệt độ cơ thể, tận dụng tản nhiệt của các thiết bị điện, nước trong các tòa nhà cũng như năng lượng mặt trời.

Xem thêm:

Vivienne Westwood & 60 nghệ sĩ với chiến dịch bảo vệ môi trường

Ecomia Fashion Show 2015 hưởng ứng bảo vệ môi trường

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Ngọc Anh Biên dịch: Tùng Lâm Ảnh: Tùng Lâm, SQ Thụy Điển, Maria Kron Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)