Lifestyle / ELLE Voice

Ứng dụng liệu pháp chữa lành bằng thảo dược để sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn

Từ ngàn xưa, ẩm thực và dược liệu đã được sử dụng để chữa lành các bệnh lý về thể chất và tinh thần. Ẩn đằng sau phương thức lâu đời này là những triết lý sâu sắc mà con người hiện đại thường dễ bỏ qua.

“Healing” không chỉ là chữa bệnh về cơ thể vật lý mà còn mang hàm ý sâu xa hơn, đó là tìm về căn nguyên của căn bệnh, từ đó có những phương pháp và công cụ phù hợp để chữa lành những tổn thương. Có ai đó từng nói, chữa lành là một nghệ thuật, đòi hỏi thời gian, thực hành và cả tình yêu. Qua các nghiên cứu về y học và tâm linh từ hàng nghìn năm nay, từ Đông sang Tây, có nhiều liệu pháp chữa lành khác nhau như liệu pháp mùi hương, liệu pháp bằng thảo mộc, chuyển động cơ thể, thiền định, yoga, reiki (năng lượng sống của vũ trụ)… Các liệu pháp này đôi khi được kết hợp và hỗ trợ nhau, để hòa hợp Thân và Tâm thành một thể thống nhất và toàn vẹn, giúp giải phóng năng lượng xấu, cân bằng cảm xúc, mang lại một cơ thể lành mạnh và tâm trí thông suốt hơn.

chữa lành cho tâm lý

Ăn uống để chữa lành

Thầy thuốc, triết gia Hy Lạp Hippocrates có một câu nói rất nổi tiếng: “Hãy để thức ăn làm thuốc và thuốc cũng là thức ăn”. Từ ngàn xưa, ẩm thực và dược liệu đã được sử dụng để chữa lành các bệnh lý về thể chất và tinh thần. Ẩn đằng sau phương thức lâu đời này là những triết lý sâu sắc mà con người hiện đại thường dễ bỏ qua.

Có lẽ đại dịch COVID-19 đã thay đổi thế giới quan của nhiều người. Chưa bao giờ chúng ta nhận thức rõ sự mong manh của nhân loại đến thế. “Sức khỏe là vàng” được hiểu đúng nghĩa đen và giá trị của việc nghỉ ngơi dần được nhìn nhận công bằng hơn. Chúng ta nhận ra mình đã phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể trong thời gian dài chỉ vì mải chạy theo guồng quay của cuộc sống hiện đại. Trớ trêu thay, cuộc sống càng hiện đại, tỷ lệ mắc các bệnh lối sống càng cao. Các bệnh lý về thể chất và tinh thần ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp hơn. Bên cạnh yoga hay thiền định, không nhiều người biết rằng thực phẩm và thảo mộc cũng có thể sử dụng để chữa lành thể chất và tinh thần một cách an toàn, hiệu quả.

“Hãy để thức ăn làm thuốc và thuốc cũng là thức ăn” – Hippocrates.

 

Phương pháp thảo dược học

Việc sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe và chữa lành đã xuất hiện hàng ngàn năm trên thế giới. Từ thời xa xưa, thực vật là nguồn dược liệu chính của con người, sau này chúng ta gọi là phương pháp thảo dược học hay phương pháp chữa lành tự nhiên. Thảo dược là những thực vật được công nhận về đặc tính chữa bệnh và trị liệu, một trong những trọng tâm của y học vi lượng đồng căn (homeopathic medicine).

“Các thảo dược thông dụng được sử dụng phổ biến tại Ấn Độ trong chế độ ăn uống hằng ngày, và chúng có khả năng cải thiện một số chức năng sinh lý quan trọng như tiêu hóa, đồng hóa, hấp thụ chất, tái tạo mô” – Giáo sư Nivingitha Srinivasamurthy, chuyên gia tư vấn về Ayurveda, cho biết. Nền y học Ayurveda cổ đại của Ấn Độ đã tồn tại 5.000 năm nay, trong đó ghi chép cách dùng cây cỏ để tăng cường sức khỏe và chữa bệnh, cho tới nay vẫn là kiến thức được tin dùng như kim chỉ nam cho lối sống và chăm sóc sức khỏe tự nhiên.

Vào năm 400 Trước Công nguyên, Hippocrates đã nhận ra rằng thực phẩm tác động đến cơ thể và tâm trí của con người có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật cũng như duy trì sức khỏe. Nhờ thuyết bốn thể dịch của Hippocrates, người Hy Lạp và La Mã cổ đại hiểu rằng bệnh tật chính là sự mất cân bằng về thể chất (chứ không phải do thánh thần hay ma quỷ gây nên), đồng thời xem phòng ngừa quan trọng hơn chữa bệnh, mà trung tâm là thực phẩm và chế độ ăn uống. Việc ăn thực phẩm cân bằng và chính xác chiếm phần lớn trong điều trị phòng ngừa cũng như khôi phục lại sự hài hòa cho cơ thể sau khi gặp phải bệnh.

chữa lành tâm lý bằng thực phẩm

Nền y học cổ truyền Trung Quốc với các nghiên cứu dày công và phức tạp cũng đặt trọng tâm vào việc sử dụng các loại cây cỏ làm dược liệu. Chế độ ăn thực dưỡng nổi tiếng Nhật Bản do Ohsawa dày công nghiên cứu và chứng minh, hay bữa ăn bapsang truyền thống của Hàn Quốc đều tập trung vào khả năng chữa lành của phytochemical – các hóa chất tự nhiên có trong thực vật, mang ý nghĩa dược lý đối với sức khỏe con người.

Ngày nay, con người đang quan tâm nhiều hơn đến khả năng chữa lành bệnh của các loại thực phẩm, thảo dược và “thời kỳ phục hưng của thảo dược” đang diễn ra trên khắp thế giới.

Sức khỏe bắt nguồn từ gian bếp

Melanie Angelis, tác giả sách và chủ sở hữu của trung tâm chăm sóc toàn diện The Grecian Garden, cho biết, những loại thảo dược ít gây khô miệng, buồn ngủ, ít yếu tố gây nghiện và dị ứng, cũng như có chi phí thấp hơn thuốc Tây y.

Trung tâm của cô sử dụng thảo mộc để chữa trị: pha trộn các loại tinh dầu để làm thông đường mũi trước khi gây mê, tinh chế chiết xuất cây cơm cháy (elderberry) để hỗ trợ điều trị. Cây cơm cháy là một loại thảo dược được sử dụng để ngăn ngừa cúm, tăng cường hệ miễn dịch và điều trị xoang, đau lưng và chân (đau thần kinh tọa), đau dây thần kinh và hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS). Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Y học Quốc tế (Journal of International Medicine Research) đã xác nhận rằng một lượng nhỏ chiết xuất eldberry làm giảm các triệu chứng cúm nhanh hơn bốn ngày so với các loại thuốc khác.

Angelis cũng cho biết thực phẩm lên men rất có lợi cho sức khỏe. Các loại thực phẩm lên men (như dưa cải bắp, kim chi, sữa chua, kombucha) rất giàu men vi sinh, giúp tăng cường miễn dịch và hỗ trợ tiêu hóa. Nghiên cứu của cô cho thấy sự kết nối của sức khỏe đường ruột và rối loạn nhận thức (lưỡng cực, trầm cảm…), vì vậy, thực phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe thể chất mà còn thực sự có thể cải thiện trạng thái tinh thần.

chữa lành tâm lý bằng thảo dược

Chị Phạm Vi, người sáng lập V’s HOME Eco Store & Refill Station, cho rằng sức khỏe con người là một bức tranh tổng thể mà mỗi dấu hiệu bệnh lý là biểu hiện cho sự mất cân bằng trong cơ thể. Trạng thái cân bằng (khỏe mạnh và hạnh phúc) của con người phải là sự tổng hòa của thể chất và tinh thần. “Sức khỏe bắt nguồn từ gian bếp. Điều này đúng ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tức là chúng ta phải ăn uống đủ dinh dưỡng để có được sức khỏe, nhưng đồng thời trong gian bếp cũng có rất nhiều bài thuốc, dược liệu tự nhiên giúp chúng ta sống lành mạnh hơn. Mỗi bữa ăn đều là một vũ điệu đẹp đẽ với các tặng phẩm của thiên nhiên. Chúng ta chỉ cần có ý thức bổ sung các loại thảo dược và gia vị để tăng thêm dược tính cho các bữa ăn”, chị Vi chia sẻ.

Mỗi bữa ăn đều là một vũ điệu đẹp đẽ với các tặng phẩm của thiên nhiên. Chúng ta chỉ cần có ý thức bổ sung các loại thảo dược và gia vị để tăng thêm dược tính cho các bữa ăn.

chữa lành các loại gia vị

Những thảo dược có lợi toàn diện cho sức khỏe con người lại là các gia vị quen thuộc nhất trong gian bếp. Nghệ có tác dụng chống viêm. Gừng làm giảm cảm giác buồn nôn, điều trị rối loạn tiêu hóa. Cây hương thảo chống dị ứng theo mùa, giảm nghẹt mũi, ngăn ngừa tổn thương mạch máu và hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Rau mùi tây giúp giảm huyết áp. Quế có đặc tính kháng sinh và chống viêm, giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Hẹ, tỏi chống ung thư. Cây tầm ma trị đau khớp. Rau mùi giúp giảm cholesterol. Lá nguyệt quế trị xoang…

chữa lành tâm hồn

Đối với chị Phạm Vi, sử dụng thực phẩm và thảo mộc “không chỉ là một hình thức trị liệu mà còn là phong cách sống đầy cảm hứng, giúp bạn tái kết nối với thiên nhiên một cách sâu sắc hơn”. Hiểu được giá trị của thực phẩm và thảo mộc, chị Vi cũng hiểu được lợi ích của lối sống thuận tự nhiên về mặt thể chất, sức khỏe tinh thần và môi trường. Trong đó đặt việc sử dụng thực vật, rau củ quả, thảo mộc làm trọng tâm, không sử dụng nhiều hóa chất và sản phẩm từ động vật.

Điều quan trọng là chúng ta phải biết thực phẩm mình ăn có còn năng lượng sống hay không. Sinh mệnh chỉ có trong các loại thực vật hay động vật được nuôi trồng tự nhiên, còn các sản phẩm có nguồn gốc chế biến do con người tạo ra thường kèm theo nhiều phụ gia hóa chất, do đó không còn chứa nhiều sinh mệnh sống nữa. Cách tốt nhất là chọn thức phẩm theo mùa và được trồng ở gần nơi chúng ta sinh sống, vì việc vận chuyển thực phẩm từ xa tới vừa làm mất đi năng lượng sống trong thực phẩm, vừa làm tiêu hao nhiều năng lượng để vận chuyển nó (hệ thống phân phối), tăng lượng khí thải CO² và rác vô cơ ra môi trường… Ăn toàn phần, không ăn đồ đã tinh chế, tinh luyện, chiết xuất cũng là cách để tận hưởng những ưu đãi hào phóng của tự nhiên.

Sinh mệnh chỉ có trong các loại thực vật hay động vật được nuôi trồng tự nhiên, còn các sản phẩm có nguồn gốc chế biến do con người tạo ra thường kèm theo nhiều phụ gia hóa chất, do đó không còn chứa nhiều sinh mệnh sống nữa.

chữa lành tâm lý bằng gia vị

Ngoài ra, chúng ta thường chỉ quan tâm nguồn năng lượng đến từ thức ăn – năng lượng thô (secondary food), mà quên mất rằng nguồn năng lượng quan trọng nhất lại không đến từ đây. Nguồn năng lượng cao cấp, vi tế (primary food) đến từ các trạng thái tinh thần của chúng ta nhiều hơn – khi bạn ăn một bữa ăn trong niềm biết ơn trân quý vạn vật, khi bạn cống hiến, giúp đỡ người khác và cảm thấy có ích, khi bạn có một mối quan hệ lành mạnh, kết nối với tự nhiên, khi bạn có một niềm tin, đức tin nào đó (thực hành tâm linh) và vận động thể chất đều đặn… Kết hợp nguồn năng lượng tự nhiên từ ẩm thực và thảo mộc với nguồn năng lượng tự thân, chúng ta có thể hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, thanh thản hơn.

Nhóm thực hiện

Bài: Đông Quân Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)