BẤT BÌNH ĐẲNG TỪ TRÊN
Theo Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC – International Olympic Committee), trong số gần 11.000 vận động viên đến Tokyo năm nay có gần 49% là nữ, tăng từ 45,6% tại Olympic Rio de Janeiro 2016 và 44,2% tại Olympic London 2012. (IOC không có dữ liệu về số lượng vận động viên phi nhị giới tại các Thế vận hội này). Đạt được con số đó là nhờ nhiều quốc gia có những bước tiến trong việc thay đổi chính sách rộng rãi, bao gồm việc tăng cường tài trợ và quảng bá các vận động viên nữ trên các phương tiện truyền thông chính thống. Thế nhưng, đối với các quốc gia khác, sự bình đẳng vẫn còn xa vời: Nam giới được hưởng nhiều nguồn tài trợ, được đưa tin và có nhiều cơ hội hơn so với nữ giới.
Điều đáng nói là bất chấp những thành công mà nữ giới đạt được trong thi đấu, việc này dường như không làm thay đổi cán cân quyền lực trong IOC. Chính xác hơn, tỷ lệ phái nữ trong ban điều hành chỉ chiếm 33,3% và 37,5% số thành viên ủy ban là nữ so với nam giới.
BÀI LIÊN QUAN
[ELLE Voice] Phụ nữ & Thể thao
Thú vị là IOC trong những tháng gần đây đã phải đau đầu với một loạt sai lầm liên quan đến vấn đề giới tính trước công chúng. Cuối tháng 7 vừa qua, John Coates, một Phó Chủ tịch IOC và là Chủ tịch Ủy ban Olympic Australia đã có những lời lẽ căng thẳng với Annastacia Palaszczuk, thủ hiến bang Queensland của Úc. Lý do là ông nói như ra lệnh bà Palaszczuk phải tham dự lễ khai mạc Olympic, mặc dù bà đã nói rằng là không.
Bên cạnh đấy, trong khi IOC ca ngợi các sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới, các vận động viên đang nuôi con nhỏ lại phàn nàn về những hạn chế liên quan đến COVID-19 ở Tokyo, theo đó các vận động viên không được đưa con đến Thế vận hội và đây rõ ràng là một thách thức đối với những người phải chăm con. Rất may, IOC đã đảo ngược quyết định của mình vào cuối tháng 6, cho phép các bà mẹ cho con bú được đưa con theo cùng. Tuy nhiên, một số vận động viên, trong đó có vận động viên bơi lội người Tây Ban Nha Ona Carbonell, cho rằng những quy định phòng dịch tại chỗ khiến việc sinh hoạt của họ không được thoải mái.
Đỉnh điểm là việc Chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế vận hội Tokyo và cũng là cựu thủ tướng Nhật Bản đã bị thay thế sau khi ông cho rằng các thành viên nữ trong Ủy ban Olympic Nhật Bản nói quá nhiều trong những cuộc họp. Hay hồi tháng 3, Giám đốc sáng tạo của lễ khai mạc buộc phải từ chức vì những nhận xét mang tính xúc phạm về ngoại hình của Naomi Watanabe, một nhà thiết kế thời trang ngoại cỡ.
Mặc dù vậy cũng đã có những tiến bộ ổn định, dù không đồng đều, trong việc thể hiện giới tính của các vận động viên. Theo bà Nicole M. LaVoi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về trẻ em gái và phụ nữ trong thể thao tại Đại học Minnesota (Mỹ): “Khi bạn có các chính sách và nguồn lực dành riêng cho trẻ em gái và phụ nữ trong thể thao, bạn sẽ đạt được tỷ lệ cân bằng giới và thành tích cao. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã nhận thấy thực hiện điều này là rất khó khăn“.
VẪN CÒN TRỌNG NAM, KHINH NỮ
Từ quan điểm của bà LaVoi, chúng ta hãy xem xét lại điểm xuất phát. Nói vậy vì người sáng lập IOC, Nam tước Pierre de Coubertin, đã cấm phụ nữ thi đấu tại Thế vận hội đầu tiên năm 1896. Đến năm 1900, chỉ có 22 phụ nữ được chào đón tham gia thi đấu trong 5 môn thể thao dành cho nữ, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 975 vận động viên ở các môn từ điền kinh đến chèo thuyền.
Cho đến năm 1952, tỷ lệ nữ chiếm không quá 10% số vận động viên tham gia Olympic và chỉ tăng dần sau đó. Cũng vậy, phụ nữ không được phép thi đấu ở mọi môn thể thao cho đến năm 2012 và mãi đến năm 2014, IOC mới đưa ra mục tiêu “đạt được tỉ lệ 50% nữ giới tham gia Thế vận hội Olympic”.
Điều tuyệt vời là trước lễ khai mạc Olympic 2020 ngày 23/7 vừa qua, nhiều quốc gia, trong đó có những cường quốc thể thao như Mỹ, Australia, Anh, Canada và Trung Quốc, thông báo danh sách vận động viên của họ có nhiều nữ hơn nam tại Tokyo. Không có gì ngạc nhiên về thực tế này nếu biết rằng, tại Mỹ, Tiêu đề IX trong bộ luật năm 1972, được xem là một cột mốc quan trọng trong sự tiến bộ của quyền phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là thể thao ở trường trung học và đại học, đã thúc đẩy phụ nữ lên các cấp độ cao hơn với tốc độ mà chỉ có rất ít quốc gia có thể đuổi kịp. Đây cũng là Thế vận hội mùa Hè đầu tiên nước Anh có nhiều vận động viên nữ (201) hơn vận động viên nam (175), hay Trung Quốc phá kỷ lục với số vận động viên nữ chiếm tới 69% trong danh sách 433 người.
Đồng thời, IOC tiếp tục có những hành động mang tính biểu tượng cho sự bình đẳng, ở một quốc gia đứng thứ 121 trong 153 nước trong báo cáo bình đẳng giới toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Chẳng hạn như lần đầu tiên, IOC khuyến khích mỗi quốc gia tham gia Olympic cử một vận động viên nam và một vận động viên nữ cầm cờ trong lễ khai mạc. Đối với một số nước như Trung Quốc và Mông Cổ, điều này đồng nghĩa là lần đầu tiên một phụ nữ sẽ là người cầm cờ.
BÀI LIÊN QUAN
Cũng tại Tokyo chúng ta được chứng kiến sự xuất hiện của các môn thể thao mới: bóng chày, bóng mềm, karate, trượt ván, thể thao leo núi và lướt sóng và tất cả đều có các nội dung dành cho nam và nữ. Tính ra có tổng cộng 18 môn dành cho cả nam và nữ đã được tổ chức. Thế nhưng, một số nội dung vẫn loại trừ phụ nữ như 10 môn phối hợp – một chuỗi 10 nội dung điền kinh – hay nội dung đi bộ 50km chỉ dành cho nam giới.
Bất chấp tất cả, bảng danh sách những ngôi sao lớn nhất của Thế vận hội luôn có những bóng hồng. Chẳng hạn như tại Tokyo, Elaine Thompson- Herah, vận động viên Jamaica thống trị ở đường chạy 100m và 200m; là Emma McKeon, Ariame Titmus của Australia trên đường bơi xanh; là An San của Hàn Quốc ở nội dung bắn cung…
“Điểm mấu chốt ở đây là bạn thấy phụ nữ ở một số quốc gia – chủ yếu là người da trắng, các nước phương Tây – thực sự vượt trội hơn các đồng đội nam của họ, mặc dù thực tế là họ nhận được ít nguồn lực hơn, ít được hỗ trợ hơn, ít hơn mọi thứ”, bà LaVoi nói. “Tuy nhiên, chỉ khi định kiến về giới bị xóa bỏ, điều đó mới không cản trở chúng ta theo đuổi sự bình đẳng giới thực sự”.
Ở Việt Nam, sự bất bình đẳng trong thể thao thể hiện ở việc trong khi nhiều doanh nghiệp, cá nhân sẵn sàng đầu tư vào bóng đá nam, bóng đá nữ lại ít nhận được sự quan tâm như vậy. Chẳng hạn như ở SEA Games 2019, đằng sau số tiền thưởng 22 tỷ đồng cho huy chương vàng của đội tuyển bóng đá nữ là mức lương công nhân của mỗi cầu thủ khi họ trở về thi đấu ở giải vô địch quốc gia hằng năm. Nghĩa là nếu không có SEA Games, thật khó để họ sống được bằng nghề, khi tổng số trận đấu mỗi năm của bóng đá nữ chỉ có khoảng 20 trận. Vì thế, dù bóng đá nữ Việt Nam đang giữ vị trí số 1 khu vực Đông Nam Á, với 6 huy chương vàng SEA Games và 3 lần vô địch AFF Cup, chúng ta vẫn chưa một lần tham dự World Cup. Như vậy có thể thấy rằng, nếu cuộc sống của cầu thủ nữ vẫn còn khó khăn, thật không dễ để Việt Nam cải thiện chất lượng thi đấu và đạt thành tích tốt hơn ngoài khu vực.
Nhóm thực hiện
Bài: Mạnh Hào Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE