Anh Vũ: Từ căn bếp thực dưỡng đến góc nhìn môi trường

Đăng ngày:

Anh Vũ, sinh năm 1988, là cây bút của trang “Bếp Thực Dưỡng” với slogan “ăn có ý thức, nấu có trách nhiệm”, thường xuyên chia sẻ về thực dưỡng hiện đại và những món ăn thuần thực vật (plant-based). Từ một phương pháp ăn uống bình dị, Anh Vũ đã mở ra nhiều suy ngẫm về môi trường, thiên nhiên quanh mình.

Anh bắt đầu với ăn thực dưỡng như thế nào?

Trong một lần đi kiểm tra sức khỏe, mình phát hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng. Có lẽ do trước đây, mình quá ôm đồm công việc nên dẫn đến bệnh tật. Rồi vô tình mình biết đến ăn chay, ăn thực dưỡng, thế là mình lao vào ngấu nghiến sách vở, tài liệu. Ban đầu, đó là lựa chọn bắt buộc vì bệnh tật, nhưng dần dà, nó trở thành niềm yêu thích của mình. Không chỉ sức khỏe và tinh thần ổn định hơn, mình còn tìm thấy cả những thú vui, niềm đam mê mới trong cuộc sống nữa.

Khái niệm “thực dưỡng” có thể mới mẻ với một số độc giả. Anh giới thiệu thêm về lối ăn này nhé.

Nấu ăn theo kiểu thực dưỡng – macrobiotic – có nguồn gốc từ Nhật Bản do tiên sinh George Ohsawa khởi xướng. Đây là lối ăn tập trung sử dụng những nguyên liệu tự nhiên, không qua chế biến công nghiệp, hóa chất, hạn chế tối đa sản phẩm động vật, chú trọng sự hòa hợp với thời tiết và địa phương.

Ở Việt Nam, nhiều người thường gọi và hiểu một cách hạn hẹp là phương pháp gạo lứt muối mè, phương pháp ăn số 7 và phần nhiều mang tính chữa bệnh. Mục đích của thực dưỡng không chỉ là để chữa bệnh cho con người, nó còn hướng tới giúp con người đạt được sự hài hòa về thể xác lẫn tinh thần, hòa nhập cùng cuộc sống của tự nhiên. Cơ thể được hình thành từ các tế bào, các tế bào được nuôi dưỡng bởi máu và thực phẩm là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng của máu huyết. Do đó, chúng ta cần ăn đúng để có dòng máu khỏe, cơ thể sẽ tự chống chọi với tất cả bệnh tật, tinh thần an vui.

thực dưỡng bếp của anh vũ

Về tổng thể, các thực phẩm thường được khuyên dùng là: ngũ cốc nguyên cám, rau củ quả địa phương thuận mùa, đậu và rong biển, thực phẩm lên men…

Vậy khi nào thì bepthucduong.com xuất hiện?

Từ năm 2012, sau khi nghiền ngẫm và áp dụng thực dưỡng được một năm, mình có nhu cầu được chia sẻ những thứ mình biết với mọi người.

Ban đầu, Bếp Thực Dưỡng (BTD) giống như một trang blog, một cuốn sổ tay để lưu lại những gì mình chiêm nghiệm được. Sau đó, có nhiều bạn biết đến và chia sẻ rằng, nhờ theo dõi BTD mà bạn thấy những món ăn chay trở nên thú vị, đẹp mắt, ngon lành hơn. Được những người xung quanh truyền cảm hứng và động viên nhiều, mình mới dám dấn thân vào làm một thứ mới mẻ như BTD.

Điều gì khiến anh kiên trì với lối ăn chay thực dưỡng đến vậy?

Có lẽ là từ cảm nhận thực tế về tác dụng của lối ăn chay thực dưỡng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, rộng hơn là tác động đến thiên nhiên môi trường.

Đúng là theo đuổi lối ăn chay thực dưỡng không phải điều dễ dàng. Mình phải có tính kiên nhẫn, ham học hỏi và khả năng thích nghi với những điểm khác biệt. Chẳng hạn, việc nấu một nồi cơm gạo lứt, ninh hầm một nồi canh chậm cũng cần nhiều thời gian và kiến thức khác với những gì mình đã biết trước đây. Nhai và tiêu hóa ngũ cốc cũng cần sự chậm rãi. Với cuộc sống hiện đại bây giờ, để mọi người có thể ngồi yên, chú tâm vào chuyện nhai thức ăn mà không xem điện thoại, tivi, laptop cũng đã rất khó khăn rồi. Nhưng khó không có nghĩa là ta dừng lại không học và sửa những nề nếp cũ của mình. Lần đầu mình ngồi ăn thật chậm, nhai thật chậm một muỗng cơm gạo lứt, đó có lẽ là miếng cơm ngon nhất trong cuộc đời mình.

Còn nhiều bài học lớn mà mình học được trong quá trình thực hành, điều chỉnh lối ăn, lối sống. Như là biết quý và tôn trọng thức ăn ta có, biết xử lý thực phẩm, biết nấu đúng cách… Đó đều là những thứ mới mẻ phải học lại, làm quen lại so với cách ăn uống theo lối công nghiệp, nhanh chóng như trước đây.

Ăn chay ở thành phố, theo anh là khó hay dễ?

Thật ra là vừa dễ vừa khó. Dễ là, mình có thể tìm mua đủ các thứ rau củ quả, gia vị… vì cái gì ở thành phố cũng có. Đặc biệt, mình đang ở miền Nam – nơi có nguồn lúa gạo, rau củ quả trù phú, và xu hướng ăn chay cũng đã rất thịnh hành tại đây. Bạn có thể thấy là ở TP.HCM hoặc các tỉnh phía Nam nói chung, mọi người ăn chay rất nhiều.

Tuy nhiên, cái khó là, để tìm thấy những thứ rau củ quả sạch lành, hay có “tri thức về thực vật” là không dễ dàng. Những hiểu biết, kinh nghiệm từ thời cha ông như mùa nào nên ăn gì, ăn như thế nào, nấu nướng ra sao… đều là những điều đâu đó dần mai một qua các thế hệ. Ở thành phố, mình cũng sống khá tách rời với Đất Mẹ, nên hiểu theo nghĩa nào đó thì cũng thiếu thốn lắm.

thực dưỡng thực đơn trong ngày

Vậy anh đã cân bằng sự thiếu thốn đó bằng cách nào?

Mình tự tìm hiểu bằng sách vở, hỏi han các anh chị đi trước và học qua chính những bữa ăn hằng ngày ở nhà; ưu tiên dùng những sản phẩm ở địa phương gần mình, mùa nào thức nấy. Mình là kiểu người rất thực tế, nên khi bắt đầu ăn chay, mình cũng bắt đầu trồng rau ở nhà. Ban đầu, mình chỉ tự trồng để có rau ăn, nhưng rồi, quá trình trồng rau cũng dạy cho mình nhiều điều thú vị, như là phải để ý nắng, gió, lượng nước, dùng đất gì, ủ phân gì, khi nào thu hái…

Đời sống của cây cối cũng giống như con người vậy. Cây rau được trồng lên hoàn toàn tự nhiên bằng đất thịt, ủ phân chuồng, có đủ thời gian sinh trường… thì hương vị cũng rất khác và ít bị sâu bệnh. Khi ăn, mình có thể cảm nhận được. Đó vừa là câu chuyện của hương vị, vừa là sự cảm kích và trân trọng đối với thiên nhiên.

thực dưỡng bầu luộc mắm ruốc

Nhìn rộng ra, ăn chay thực dưỡng còn là câu chuyện của việc tiết giảm nhu cầu sống, thấy vui và biết đủ với những gì mình có. Có gì ăn nấy, mùa nào dùng thức nấy.

Nhắc đến thiên nhiên, có lẽ không thể bỏ qua “biến đổi khí hậu”. Theo anh, lối ăn, lối sống có tác động như thế nào trong thời đại biến đổi khí hậu này?

Biến đổi khí hậu bây giờ không còn là câu chuyện của thì tương lai mà đã sát sườn ngay bên mình rồi. Ở miền Nam, mình thấy rất rõ chuyện đó, ví dụ như hiện tượng xâm nhập mặn ở miền Tây Nam Bộ đã đến mức báo động. Thiếu nước, thiếu lương thực là chuyện thấy ngay chứ không phải xa xôi nữa.

Thế nên, nhìn rộng ra, ăn chay thực dưỡng còn là câu chuyện của việc tiết giảm nhu cầu sống, thấy vui và biết đủ với những gì mình có. Có gì ăn nấy, mùa nào dùng thức nấy. Càng mua đồ ăn từ xa lại càng thêm dấu chân carbon. Miền Nam khá dồi dào rau củ quả như chuối, mít non, sake, đu đủ… có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, lành. Ta nương theo những gì có ở bản địa để thích nghi là tốt, lâu lâu “văn nghệ” thêm tí cho vui thôi…

Anh có suy nghĩ thế nào về chuyện “bảo vệ môi trường”?

Thật lòng, mình nghĩ môi trường không cần bảo vệ. Nếu con người có làm gì đó, thì ấy là chúng ta đang cố tự bảo vệ mình. Chúng ta như những con ếch đang ngồi trong nồi nước được đun dần lên. Thoạt đầu, ta thấy mọi thứ vẫn ổn và chẳng muốn làm gì cả. Nhưng rồi, khi nước ngày càng nóng dần lên, ta mới nhận ra và tìm cách hành động. Có khi hành động vẫn còn kịp, có khi đã quá muộn. Nhưng chỉ cần nhớ là, tất cả những thứ chúng ta đang làm là để bảo vệ chính bản thân mình, chứ không phải vì môi trường nào cả.

Nhóm thực hiện

Bài: Nhược Lạc

Hình ảnh: NVCC

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more