Lifestyle / ELLE Voice

Catherine Karnow chụp chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng với các chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa quay lại Việt Nam. Mối quan hệ của cô và đất nước này giống như giữa hai người bạn kỳ lạ, khiến Catherine luôn muốn quay lại đây để tìm những điều kỳ diệu không ai có thể ngờ tới.

Catherine Karnow
Catherine Karnow

25 năm với rất nhiều bộ hình ở rất nhiều địa điểm trên khắp Việt Nam, cô có thấy mình gặp khó khăn gì khi làm việc với người Việt Nam không?

Tôi thực sự không gặp khó khăn gì cả. Trên thực tế, mỗi lần tôi tới Việt Nam, thực tế là mỗi ngày luôn, thậm chí không cần phải rời khỏi khách sạn, tôi vẫn luôn gặp được những điều kỳ diệu. Mới hôm qua thôi, tôi nói chuyện với người thiết kế catalog cho buổi triển lãm và cậu ấy hỏi tôi về tấm ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tấm ảnh này thì có gì đặc biệt mà người ta cứ tán tụng mãi thế?”. Đây là lần đầu tiên trong đời có người hỏi tôi câu đấy. Và dù đã nhìn vào tấm ảnh do chính tay mình chụp cả triệu lần, đây cũng là lần đầu tiên tôi thực sự nghiên cứu nó để có câu trả lời thỏa đáng cho cậu ấy.

Và quả thật là tôi phải hao tâm tổn sức lắm để tìm ra cách giải thích chuyện tại sao tác phẩm của tôi lại xuất sắc. Và đây, tôi đã chọn cách này: Nếu bạn lần lượt che nửa mặt trái phải của đại tướng trong tấm ảnh, bạn sẽ nhìn thấy hai con người khác nhau bên trong ông. Một nửa thì rất dịu dàng, ấm áp, một nửa thì rất dữ dội, quyết liệt. Việc chụp ra được một tấm chân dung không hề có bối cảnh xung quanh, không hề có một chi tiết nào khác mà lại có thể nói lên cả câu chuyện về con người đó. Người ta vẫn bảo một tấm chân dung có thể kể lại cả một câu chuyện, nhưng trong phần lớn trường hợp, đó chỉ là một tấm ảnh chụp sát mặt nhân vật mà thôi.

 

Các nữ học viên tại học viện hàng không của Vietnam Airlines
Các nữ học viên tại học viện hàng không của Vietnam Airlines

Cô được biết đến nhiều nhất với những tấm chân dung của tướng Giáp. Cơ duyên của cô và tướng Giáp bắt đầu như thế nào vậy?

Lịch sử mối quan hệ của tôi và Việt Nam liên quan trực tiếp tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã luôn hiện diện ở đó trong từng ấy năm qua. Năm 1990, cha mẹ tôi đến đây để thực hiện một bài báo về tướng Giáp cho New York Times. Đi cùng cha mẹ tôi là một nữ nhiếp ảnh gia của New York Times và sau buổi nói chuyện với tướng Giáp, trở về nhà, mẹ bảo tôi: “Này, con nên là một nhiếp ảnh gia đi!”. Bà nổi cáu vì tôi không phải người đến để chụp ảnh. Và khi ấy, tôi cũng đáp: “Tại sao lại không nhỉ?”. Sau đó, khi tôi đang thực hiện một phóng sự ảnh về người châu Á tại Sydney, tôi đã tình cờ gặp một người Việt Nam di cư. Cô nói với tôi: “Tôi chỉ mong được trở lại quê nhà”.

 

Tấm chân dung nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Catherine chụp
Tấm chân dung nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Catherine chụp

Vào thời điểm thập niên 1990 đó, chẳng ai đã rời đi mà lại muốn quay trở lại Việt Nam cả. Lời của cô khiến tôi rất muốn quay lại nơi đây. Tôi đến Việt Nam lần đầu vào tháng 7/1990, và từ đó đến nay, gần như năm nào tôi cũng quay lại đây một lần. Tôi cũng thường ghé thăm nhà tướng Giáp mỗi dịp quay lại Việt Nam như vậy.

Cô đã chụp Việt Nam trong suốt 25 năm qua. Vậy cô nghĩ gì khi thấy những thay đổi của xã hội Việt Nam gần đây?

Thật khó để nói chính xác xúc cảm của tôi. Tôi thấy mừng vì đất nước này thay đổi. Việt Nam rõ ràng là đã phát triển hơn rất nhiều so với khi tôi mới đến đây lần đầu. Khi đó, người Việt Nam rất gầy. Và rồi, vài năm sau, tôi thấy người ta không còn gầy như thế nữa. Tôi bắt đầu thấy những đứa trẻ mũm mĩm chạy quanh những ông bố bà mẹ tỏ ra rất tự hào.

Thế nhưng, cũng thật buồn khi những gì thân quen đối với tôi đã dần dần mất đi. Tất cả mọi thứ ở đây đều tràn ngập kỷ niệm. Đây là nơi cha tôi đã từng ngồi để viết các bài báo của ông, kia là nơi tôi đã từng đi dạo… Bạn bè của tôi có ở đây rất nhiều. Sài Gòn đã mất đi cảm giác ấm áp thân thương trước đây. Tôi vẫn không thể tin nổi Hermès hay Dior có mặt tại Việt Nam. Cha tôi mỗi lần nhìn vào các tấm ảnh chụp Việt Nam mới lại thốt lên: “Có tin nổi không cơ chứ?”.

 

Những người Sài Gòn chờ phà để từ trung tâm trở về khu vùng ven
Những người Sài Gòn chờ phà để từ trung tâm trở về khu vùng ven
Cocacola đổ bộ vào Việt Nam (1994)
Cocacola đổ bộ vào Việt Nam (1994)
Người mẫu đang chuẩn bị cho show của NTK Đỗ Mạnh Cường
Người mẫu đang chuẩn bị cho show của NTK Đỗ Mạnh Cường

Tuy nhiên, tôi thấy điều này không thay đổi nhiều lắm mối quan hệ tinh thần giữa tôi và Việt Nam. Tôi thấy đất nước này sống động. Cách đây ít lâu, một người nói với tôi rằng tôi với Việt Nam là trường hợp “gặp duyên”. Ở đây, tôi đã gặp rất nhiều điều kỳ diệu. Ví dụ, tôi đã từng chụp một người phụ nữ trên chuyến tàu Thống nhất. Tấm ảnh này sau đó đã được chọn làm bìa của Lonely Planet, ấn bản về Việt Nam trong nhiều năm. Thế rồi gần đây, có một cô gái đã liên hệ với tôi và nói rằng: “Người phụ nữ trong ảnh của cô chính là mẹ cháu đấy!”.

Hoặc vào năm 1999, tôi chụp một tấm ảnh đứa con lai giữa một cựu binh Mỹ và người vợ Việt Nam. Sau chiến tranh, người cha đã trở về quê hương, bỏ rơi người vợ và đứa con. Thế rồi, 20 năm sau đó, khi tôi đang có mặt tại một sự kiện tại Dallas, Mỹ, một người thanh niên bước đến trước mặt tôi. Và ngay khi nhìn thấy anh, tôi nhận ra ngay đó chính là cậu bé tôi từng chụp ảnh ngày nào. Đó quả là những điều kỳ diệu không thể lý giải.

Để nói ngắn gọn lại, tình cảm của tôi với Việt Nam như là tình mẫu tử. Khi bạn mới có con, bạn thấy tình yêu đó thật mới mẻ. Thế rồi một năm, hai năm, hai mươi năm trôi qua và bạn nhận thấy mình đã quá hiểu về đứa con này, bạn đã có nhiều câu chuyện về đứa con này. Đến khi ấy, bạn không còn nhu cầu có thêm một đứa con nào khác. Tôi không còn sẵn sàng để bắt đầu một mối quan hệ nào khác.

Cô sắp “kể” những câu chuyện kỳ diệu đó trong triển lãm sắp tới?

Chúng tôi sẽ có một đợt triển lãm lớn tại Hà Nội vào đầu tháng 3. Sau khi tìm được một địa điểm ở Hà Nội, tôi thấy triển lãm ở Sài Gòn cũng không cần phải quá lớn. Tôi chỉ muốn tìm một không gian nhỏ, ấm áp – giới thiệu tác phẩm của tôi theo một cách khác. Và một ngày kia, tôi bỗng nhận được một cú điện thoại bảo rằng: “Tôi thích tác phẩm của cô đấy, hãy tới đây ký hợp đồng đi nhé”. Tôi chợt nhận thấy là nếu mình thư giãn một chút, thì điều mình cần sẽ tới, chúng ta không cần phải cố gắng quá sức. Hoặc ngược lại, nếu bạn thực sự cố gắng, sẽ có ai đó nhận ra rằng: “Bạn đã vất vả rồi, vậy hãy nhận lấy kết quả đi nhé”.

Triển lãm Vietnam: 25 Years of Change giới thiệu các tấm ảnh của Catherine Karnow chụp Việt Nam trong suốt 25 năm qua đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày 10/4/2015 tại Art Vietnam Gallery (24 Lý Quốc Sư).

Tại Sài Gòn, triển lãm sẽ diễn ra tại trung tâm Sao La (01 Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1 – trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Thành Phố) vào ngày 17/7/2015 và tại Bảo tàng Mỹ thuật vào tháng 10/2015.

Xem thêm các bài viết khác mục PV nhanh nhân vật của ELLE tại đây

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Thủy
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)