[ELLE Voice] Cherry, Birdy và hành trình của giác quan
Cuối tháng 2, ngay khi tình hình dịch bệnh ổn định, Hương Tôn quyết định đi dọc Việt Nam trên chiếc xe tay ga mang tên Cherry với người bạn đồng hành là nàng vẹt Birdy. Đến hiện tại, chị đã đi qua 20 tỉnh thành và vẫn chưa dừng lại. Hương Tôn từng là BTV Văn hóa của tạp chí ELLE Việt Nam, nhưng trên hết, chị còn là một người lữ hành thực thụ với tình yêu nghiêm túc dành cho du lịch suốt 20 năm qua.
Điều gì thôi thúc chị thực hiện chuyến đi đặc biệt này?
Lúc đó, tình hình dịch bệnh chỉ vừa tạm ổn nên mọi thứ vẫn còn khá rẻ. Hơn nữa, vì ngành du lịch tại Việt Nam đã bị đóng băng suốt hai năm qua, tôi muốn nhân cơ hội này để vừa trải nghiệm, vừa tìm hiểu xem ngành du lịch bản địa hoạt động như thế nào sau đại dịch. Tôi chủ đích chọn điểm đến là các homestay, farmstay vùng sâu vùng xa của người dân địa phương, xem như một cách ủng hộ du lịch nội địa, đồng thời cũng đảm bảo an toàn vì những nơi này đều rất vắng người.
Ngoài ra, chuyến hành trình này còn khá đặc biệt vì tôi vừa bước qua tuổi 40. Những năm 20, 30 tuổi, tôi từng ấp ủ giấc mơ xuyên Việt bằng xe máy nhưng vẫn chưa thực hiện được, bởi tôi nghĩ đây là một chuyến đi dài, cần phải chuẩn bị kỹ càng về thời gian và tiền bạc. Thế nhưng, tôi cứ bị cuốn vào guồng quay của công việc và cuộc sống, khi có cơ hội lại tranh thủ đến các quốc gia khác như Nepal, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á… Rồi đại dịch khiến mọi thứ dừng lại. Đau lòng nhất là chứng kiến nhiều người, trong đó có những người bạn cùng thời với mình, đột ngột ra đi khi ước mơ còn dang dở, tôi thấy cuộc sống sao vô thường quá. Tôi cứ nghĩ mãi, thấy mình may mắn hơn họ. Tôi còn sức khỏe, còn thời gian và cơ hội, vậy còn chần chừ gì mà không làm những điều mình muốn để sau này không phải hối tiếc. Nhân thời điểm phù hợp, tôi quyết định sắp xếp lại cuộc sống và lên đường.
Chuyến đi này mang lại cho chị trải nghiệm khác biệt như thế nào so với trước kia?
Ở mỗi độ tuổi, chúng ta sẽ có những góc nhìn và tư duy khác nhau về cuộc sống. Thực ra, về hình thức, tôi thấy mình cũng không thay đổi là mấy, vẫn là một người phụ nữ độc hành mải mê khám phá các vùng đất mới. Những năm 20, tôi lên đường với năng lượng tuổi trẻ, háo hức muốn thể hiện bản thân, không ngại xông pha, mạo hiểm. Những năm 30, có đôi lần tôi lên đường khi trong lòng đầy chông chênh và lạc lối, tổn thương bởi những cuộc tình không trọn vẹn. Tôi cũng không tránh được những lúc chỉ quan tâm đến bề nổi, tìm hiểu một cách tương đối hời hợt và tập trung quá nhiều vào bản thân mà ít để ý đến cảm xúc của người khác. Bây giờ, tôi đi “chậm” hơn, nhìn ngắm vạn vật theo chiều sâu với tâm thế rất thoải mái, nhẹ nhàng. Tôi học được cách thấu hiểu và đồng cảm. Tâm trí tôi luôn khai mở và sẵn sàng đón nhận mọi điều mới mẻ. Có thể nói rằng, những chuyến đi từ tuổi 20 cho đến tận bây giờ đều đã dạy cho tôi cách học làm người trưởng thành.
Vả lại, tôi đã đi nhiều nơi, cả trong nước và quốc tế, mỗi nơi lại mang một vẻ đẹp riêng, nhưng giờ đây tôi mới cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của đất nước mình. Đi bằng xe máy, tôi có thể tận mắt quan sát và trải nghiệm rất rõ sự biến chuyển của cảnh sắc bên đường; nhà cửa, con người, ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực không ngừng thay đổi… Từ những đô thị chi chít nhà cao tầng, khói bụi xám xịt cho đến núi rừng xanh thẫm, mặt biển xanh trong; từ nơi lúa còn xanh non đến nơi lúa trổ đòng đòng, lúa chín vàng rực… tôi đi qua những mùa vụ, đi qua không gian và thời gian một cách chậm rãi, từ tốn. Tấm lòng của những con người tôi gặp trên chuyến hành trình ấm áp và nhiệt thành, giúp tôi thêm vững tin về tình yêu thương và sự tử tế giữa người với người.
Nhưng điều tôi ấn tượng nhất là sự thay đổi về mùi hương. Đắk Nông thơm nồng mùi tiêu xanh tiêu đỏ phơi dưới nắng Hè. Buôn Ma Thuột thơm nức mùi cà phê mới xay. Những con đường đèo ngào ngạt mùi lúa nếp nương của người đồng bào. Ngửi thấy mùi cá xa xa là biết sắp tới biển. Rồi khi đi qua đường mòn Hồ Chí Minh, băng rừng Trường Sơn, mùi cây cối, cỏ hoa ven đường thơm vô cùng mà rất dễ chịu, đôi khi khiến tôi sững sờ xúc động. Suốt mấy tháng trời, tôi không cần nghe nhạc. Buổi sáng tinh mơ ngắm mây bay ngoài cửa sổ, chim hót líu lo, tối ngắm đom đóm, nghe tiếng gió lùa lá rừng xào xạc, tiếng mưa rơi bên hiên nhà, tiếng ve râm ran những trưa Hè, thấy mọi thứ trong thiên nhiên đều đáng quý. Khi đi với tất cả giác quan đều rộng mở và đón nhận mọi vẻ đẹp của tự nhiên, tôi thấy mình thật hạnh phúc. Thiên nhiên chính là liều thuốc kỳ diệu nhất để vỗ về và chữa lành tâm hồn.
Xem thêm
• 7 lời khuyên giúp bạn bảo vệ thông tin cá nhân khi đi du lịch
• 6 mẹo đóng gói đồ hữu ích cho chuyến du lịch thêm gọn nhẹ và tiện lợi
• Tương lai của du lịch sau đại dịch
Chị có lập kế hoạch cho chuyến đi không?
Tôi không lên kế hoạch chi tiết cho cả hành trình. Tôi chỉ xác định đây là chuyến đi gần gũi với thiên nhiên nhất có thể nên sẽ tìm homestay, eco-farmstay tại các vùng sâu vùng xa như khu bảo tồn, rừng quốc gia, bản làng trên núi, làng chài ven biển, những nơi mà tôi chưa từng đến, rồi cứ thế đi theo Google Map. Nơi nào tôi cảm thấy thích không gian, con người ở đó thì sẽ lưu lại lâu hơn một chút, để chiêm nghiệm nhiều hơn và để sống như một người bản địa.
Dường như, phải có rất nhiều thời gian và tiền bạc thì mới đi được như chị.
Đúng rồi, vậy nên đến tận 40 tuổi, tôi mới có đủ điều kiện cần cho chuyến hành trình này. Mình vừa phải chuẩn bị ngân sách dành riêng cho chuyến đi, vừa phải có một khoản tiết kiệm nhỏ để lỡ có vấn đề gì thì vẫn xoay sở được. Tùy vào cách đi của mỗi người mà mức độ chi tiêu sẽ khác nhau. Tôi chỉ tốn tiền lưu trú chứ không tốn nhiều tiền xăng vì có những nơi tôi ở lại đến vài tuần, không phải di chuyển nhiều. Các homestay, farmstay tôi ở đều rất mộc mạc, gần gũi, thuận tự nhiên nên không quá đắt đỏ, lại giảm giá do dịch. Tôi ăn uống cũng đơn giản nên không tốn kém mấy. Đi như vậy, có khi tôi thấy mình lại tiết kiệm được nhiều hơn so với lúc ở thành phố.
Tại sao chị lại chọn đi bằng xe tay ga?
Cherry là tên chiếc xe tay ga SCR đã gắn bó với tôi 14 năm qua. Sở dĩ tôi đặt tên Cherry là bởi trên thân xe có một vết xước rất sâu, ba tôi đã lấy sticker hình quả cherry dán đè lên vì nghĩ nó dễ thương. Trong chuyến đi này, tôi còn có người bạn đồng hành là cô vẹt Birdy. Birdy là vẹt ngực hồng được tôi nuôi từ lúc còn bé tí xíu đến nay đã được 2 tuổi rưỡi. Tất nhiên, trước chuyến đi, tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều thông tin về việc đi đường trường bằng xe tay ga, cả cách chăm sóc vẹt khi đi du lịch và luôn chuẩn bị phương án cho những trường hợp xấu nhất. Đi xuyên Việt với một chiếc xe đã rất quen thuộc và được bảo dưỡng cẩn thận, tôi vừa tiết kiệm được nhiều chi phí lại vừa chủ động trong việc di chuyển giữa các địa điểm. Người bạn đồng hành lại vô cùng dễ thương và thông minh nên tôi cảm thấy rất tự tin. Trộm vía, cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn an toàn sau khi đi qua rất nhiều núi đồi, đèo dốc, mưa nắng mà chưa có trường hợp nào xấu hay ngoài tầm kiểm soát xảy ra cả.
Xem thêm
• 6 bộ phim Hàn khiến bạn chỉ muốn đi du lịch ngay và luôn
• 9 mẹo xếp vali của người nổi tiếng để chuyến du lịch thong thả hơn
• 15 thành phố xinh đẹp không thể bỏ qua khi du lịch châu Âu
Đi du lịch với một cô vẹt, chị có gặp khó khăn gì không?
Vì tôi nuôi Birdy từ nhỏ ở Sài Gòn, vốn khí hậu nóng, nên không biết nó có chịu được khí hậu lạnh ở các vùng cao hay không. Ban đầu, tôi chuẩn bị cho Birdy khá nhiều thứ, đặc biệt là đèn sưởi. Tuy nhiên, đi rồi mới biết nó chịu lạnh rất tốt và dễ thích nghi nên về sau tôi không cần dùng đến những thứ này nữa.
Thật lòng mà nói, Birdy còn khiến cho chuyến hành trình của tôi trở nên thuận lợi hơn. Nó giống như cầu nối vậy. Đi đến đâu, người địa phương, đặc biệt là trẻ con, cũng đến hỏi chuyện về Birdy, nhờ vậy mà tôi dễ gần với họ hơn. Người Việt Nam vốn quen với việc nuôi nhốt, xem chim là vật làm cảnh chứ chẳng ai xem như con hay như một người bạn. Khi mọi người nhìn thấy cách tôi nói chuyện, đối xử, chăm sóc Birdy như một con người, họ cảm thấy vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Nhiều đứa trẻ như được mở ra một góc nhìn mới về loài chim nói riêng và vật nuôi nói chung, học được cách đối xử, yêu thương động vật và khơi gợi trí tò mò. Đây là điều tôi cảm thấy rất ý nghĩa trong chuyến đi lần này.
Trong suốt thời gian đại dịch không đi đâu được, chị nghĩ gì về giá trị của dịch chuyển?
Từng là một người theo chủ nghĩa xê dịch nhưng suốt hai năm vừa qua, tôi lại không gặp vấn đề gì với việc chỉ ở trong nhà hoặc loanh quanh trong thành phố. Tôi là người dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh, có thể tự tìm thấy niềm vui, tận hưởng cuộc sống dù bị giãn cách. Nhưng về bản chất, tôi vẫn là một người ham học hỏi, luôn muốn khám phá những điều mới mẻ. Tôi không ngại phải bắt đầu lại nếu đó là cơ hội tốt để trau dồi bản thân mình.
Khi mọi thứ bình thường trở lại, tôi cảm thấy rất biết ơn bởi gia đình và bản thân vẫn mạnh khỏe. Đối với tôi, đây chính là cơ hội tốt để tiếp tục lên đường nhìn ngắm thế giới, mở mang tầm mắt. Du hành là một cách để trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu và bổ sung kiến thức từ thực tế. Thiên nhiên và những người bạn mới gặp trên đường đều là những người thầy tuyệt vời của tôi.
Chuyến đi này có ý nghĩa như thế nào đối với chị?
Nhiều khi, cả thời gian dài tôi chỉ ở một chỗ, đọc sách, vẽ tranh, đi dạo xung quanh, chuyện trò với vài người rồi ngắm cảnh đẹp chứ không có mục đích gì rõ ràng. Chuyến hành trình này giống như một món quà tôi tự thưởng cho bản thân để nghỉ ngơi sau nhiều năm bôn ba. Đây là cơ hội để mình nuôi dưỡng sức khỏe, cả về tâm trí lẫn cơ thể. Tôi gặp những bạn trẻ Gen Z rất giỏi giang và nhiệt huyết, truyền cho tôi nhiều năng lượng tích cực. Ở các homestay, farmstay canh tác hữu cơ và thuận tự nhiên, tôi ăn chay nhiều hơn, dậy sớm hơn, thấy tâm hồn thư thái và bình yên hơn rất nhiều.
Tôi nghĩ rằng, để có một hành trình trọn vẹn, mình phải thật tự do trong suy nghĩ, không nên giới hạn bản thân trong một khuôn khổ nhất định. Đừng áp đặt bất kỳ định nghĩa hay ràng buộc nào cho chuyến hành trình của mình. Hãy giải phóng bản thân và rồi bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa thật sự trên những cung đường.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị. Chúc chị tiếp tục lên đường với thật nhiều niềm vui.
Bài: Đoàn Trúc
Hình ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE