Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Voice] Chi Nguyễn: “Đối với sáng tạo, kỷ luật là tự do”

Chi Nguyễn hiện là Tiến sĩ Giáo dục tại Mỹ đồng thời là người sáng tạo nội dung của kênh "The Present Writer" được đông đảo khán giả Việt Nam biết đến. Dù đang ở thời điểm bận rộn nhưng Chi sẵn sàng dành thời gian chia sẻ những trải nghiệm thú vị về sáng tạo trong các lĩnh vực mà cô theo đuổi.

Chào Chi. Vừa giảng dạy nghiên cứu, vừa thực hiện nội dung cho The Present Writer (TPW), Chi đã sắp xếp thời gian như thế nào?

Có một thời gian tôi cứ đắn đo, sao phải làm nhiều việc một lúc mà không tập trung vào một thứ thôi? Nhưng quả thật, tôi đã làm việc hiệu quả hơn khi thực hiện cùng lúc hai công việc. Công việc ở trường đòi hỏi học thuật và nghiên cứu, còn với TPW, tôi bắt buộc phải không ngừng sáng tạo để có những nội dung hay và mới mẻ. Nhưng cũng vì vậy mà thời gian rất sít sao, nhất là khi làm mẹ. Trước đây chỉ có một mình tôi làm tất tần tật từ A đến Z, nhưng dạo này, tôi nhận thấy rằng mình không thể duy trì được như vậy nữa. Tôi quyết định tuyển thêm một số bạn hỗ trợ phần kỹ thuật nhưng đồng thời cũng tự học thêm để nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình.

Chi có gặp áp lực khi phải hoàn thành mọi công việc một cách tốt nhất không?

Tôi là một người cầu toàn và kỹ tính. Bởi công việc nghiên cứu và giảng dạy có yêu cầu rất cao, đặc biệt ở Mỹ, việc cạnh tranh học thuật rất khó nên mọi thứ đòi hỏi phải tiểu tiết và tuyệt đối không nửa vời. Còn phát triển nội dung trên TPW hiện vẫn được xem là nghề tay trái, bản thân tôi thấy vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Chẳng hạn như góc quay, âm thanh… không quá trau chuốt. Dù được khán giả thông cảm và đón nhận, tôi vẫn muốn cố gắng để ngày càng hoàn thiện. Cho đến hiện tại, thu nhập từ các nội dung hoặc do bạn đọc ủng hộ, tôi đều đầu tư trở lại cho TPW để mua thiết bị tốt, thuê studio, tuyển nhân viên…

Nếu như việc sáng tạo nội dung không mang lại khoản thu nhập hay lợi nhuận nào, vậy mỗi khi gặp áp lực lớn, Chi có suy nghĩ về việc từ bỏ?

Vâng. Rất nhiều lần. Bởi có nhiều người không hiểu cho mình. Họ nghĩ rằng khi TPW nổi tiếng, tôi kiếm được rất nhiều tiền, và mục đích xây dựng kênh của tôi có nhiều vụ lợi. Họ đâu biết rằng mỗi đồng tiền kiếm được tôi đều đầu tư trở lại cho kênh. Tôi cũng thường tổ chức các khóa học, workshop hoàn toàn miễn phí. Thật sự, thu nhập từ công việc sáng tạo nội dung không thể sánh bằng với công việc chính, nhưng bù lại, tôi nghĩ rằng mình không thể sống được nếu không sáng tạo. TPW là đam mê của tôi.

Bên cạnh đó, vẫn có nhiều người hiểu tôi và nhận ra được giá trị từ các nội dung tôi đã thực hiện. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục cố gắng.

sáng tạo nội dung The Present Writer

Chi có gặp áp lực trong việc liên tục sáng tạo để làm ra các nội dung mới phù hợp với thời đại hơn?

Không, bởi tôi luôn có nhiều ý tưởng. Tôi chỉ muốn mình có thêm thời gian để có thể viết ra hết những suy nghĩ trong đầu. Tuy nhiên, tôi lại gặp áp lực về cách thức phát triển bởi bản thân không phải là một người chạy theo xu hướng. Có lẽ, tôi cần nhiều thời gian để tìm hiểu và thử nghiệm thêm.

Nói về sáng tạo, không chỉ dừng lại ở nghệ thuật mà giáo dục và những ngành tưởng chừng như khô khan khác như khoa học cũng cần đến khả năng sáng tạo. Chi nghĩ đúng không?

Tôi nghĩ, trong bất kỳ ngành nghề nào cũng cần đến khả năng sáng tạo. Lấy ví dụ như trong giáo dục, đâu chỉ với trẻ nhỏ, khi giảng dạy cho bậc Đại học hay Cao học cũng cần phải vừa sáng tạo, vừa tinh tế, bài giảng mang nhiều màu sắc và ý nghĩa chứ không thể lặp lại, sáo rỗng và dễ gây nhàm chán.

Mỗi người sẽ có phương pháp riêng nhưng đấy mới chỉ là phần khung, quan trọng vẫn là dựa vào kinh nghiệm của học viên. Mình có trách nhiệm giới thiệu cho họ phương pháp và đi cùng họ nửa chặng đường, nhưng để đi đến cuối con đường, họ phải tự tìm cách để áp dụng. Bởi thế, học viên cũng cần có tư duy luôn luôn thay đổi, luôn luôn vận động.

Ngoài chủ đề tối giản và cuộc sống thường nhật, Chi còn thực hiện nhiều nội dung về học thuật, bí quyết thi cử… gần đây nhất là video nói về tư duy phản biện. Theo Chi, tư duy phản biện có cần khả năng sáng tạo không?

Chắn chắn là có. Người trẻ hiện nay phụ thuộc phần lớn vào Internet, và ở đó các bạn nghĩ cuộc đời chỉ có trắng và đen, xấu và tốt. Tư duy đám đông khiến chúng ta khó có thể suy xét mọi chuyện được rõ ràng. Sáng tạo ở chỗ mình phải mềm dẻo, linh hoạt để nhìn thấy được cả hai mặt của cuộc đối thoại. Người thông minh sẽ luôn chừa cho mình một con đường để quay lại, chứ không bao giờ nói rằng là mình đúng hoàn toàn.

Vậy TPW có phải là một phần bổ trợ cho các nghiên cứu của Chi?

Đây cũng là một câu hỏi mà chuyên gia tâm lý từng hỏi tôi. Tôi từng rất căng thẳng bởi hai công việc cùng một lúc, cô ấy đã hỏi rằng “Liệu có thể nghĩ hai việc này là một không?”

Lúc đầu, tôi đã nghĩ đây là hai thực thể tách rời và không thể nhập làm một. Tôi có thể đem một số học thuật, nghiên cứu qua làm nội dung cho TPW, như tư duy phản biện chẳng hạn, nhưng để nói TPW có giúp gì cho việc nghiên cứu thì không. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình cần suy nghĩ theo hướng tích cực hơn trong tương lai. Tôi thấy tự hào về các nội dung sáng tạo mà tôi thực hiện. Tôi sẽ cố gắng để TPW trở thành một phần của công việc nghiên cứu. Hơn nữa, tôi nghĩ điều này sẽ tốt cho sức khỏe tinh thần của tôi.

sáng tạo nội dung phần mềm

Chi nói rằng mình chưa bao giờ bí ý tưởng, nhưng bạn nghĩ gì về hội chứng “writer’s block” (là một khái niệm mô tả về việc bị tạm ngưng hoặc mất ý tưởng sáng tác trong viết lách)?

Trong thời gian viết bài luận, tôi từng cho rằng mình chỉ có thể viết được khi có hứng. Nhưng đó là một suy nghĩ không bền vững bởi nếu là người có trách nhiệm, bạn phải có deadline. Từ năm 25 tuổi, tôi đã quyết định “writer’s block” chỉ là một cách nghĩ. Nếu như tôi tin không có thật thì nó sẽ không có thật, đó chỉ là một cái cớ. Một người viết chuyên nghiệp luôn biết cách tạo ra không gian và thời gian để mình thúc đẩy bản thân mình viết.

Chưa hết, đó còn là bài học của sự sáng tạo. Rất nhiều người nghĩ rằng sáng tạo nghĩa là không có kỷ luật nhưng đối với sáng tạo, kỷ luật là tự do. Khi chúng ta ở trong một khuôn khổ và tuân thủ những kỷ luật riêng, chúng ta sẽ chủ động được trong mọi việc và thoải mái theo đuổi các ý tưởng sáng tạo trong khuôn khổ đó. Tôi nghĩ đây là một khía cạnh thú vị của sáng tạo.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng viết lách là một cách trị liệu tâm lý hiệu quả. Chi hãy chia sẻ thêm trải nghiệm của mình.

Tôi đã từng đối mặt với trầm cảm, rối loạn lo âu, cũng đã từng đi điều trị tâm lý và kéo dài đến hiện nay. Và đối với tôi, viết là sự sống còn. Tôi theo hướng viết tự do tức là không viết theo một cái ý tưởng nào có sẵn mà để tư duy mình dẫn lối. Khi viết, tôi được chữa lành và nảy sinh nhiều ý tưởng mới. Thời điểm tệ nhất, tôi ngồi lại và viết nhật ký, viết về lòng biết ơn. Mỗi một ngày tôi viết ra 3 điều mà tôi cảm ơn sâu sắc tự trái tim mình. Đôi khi viết ra rồi, tôi mới nhận ra cuộc sống này còn nhiều điều thú vị lắm chứ không hẳn tệ như tôi từng nghĩ. Nó thực sự có ý nghĩa với tôi.

sáng tạo và ý tưởng

Thời nay, công nghệ phát triển mạnh cũng như con dao hai lưỡi, vừa giúp mình tiếp cận nhiều ý tưởng nhưng cũng khiến mình lười biếng hơn bởi “mâm cỗ” đã được bày sẵn. Chi nghĩ Internet ảnh hưởng đến sự sáng tạo của thế hệ chúng ta như thế nào?

Tôi cho rằng sự phổ biến của Internet cho mình nhiều ý tưởng để vay mượn hơn. Có cuốn sách rất hay về sáng tạo có tên Steal like an artist, có nghĩa là ăn cắp như là một người nghệ sĩ. Các ý tưởng đó không hẳn là nguyên bản mà luôn là người này vay mượn của người kia, có thể xuất phát từ lịch sử hay thời cổ đại. Chúng ta có thể học hỏi và phát triển các ý tưởng đó theo định hướng, phong cách riêng của mình.

Còn về bản thân thôi, thành thật mà nói tôi không bao giờ đọc những bài viết về cùng một chủ đề tôi thực hiện. Bởi vì tôi luôn muốn sáng tạo theo cách riêng và cố gắng là một người tiên phong trong lĩnh vực của mình. Tôi là người đầu tiên viết về chủ nghĩa tối giản, cũng là người đầu tiên viết về trào lưu độc lập tài chính từ sớm tại Việt Nam ở mức độ chuyên sâu.

Sắp tới, Chi sẽ tập trung phát triển TPW hay có những dự án mới?

Đây là lần đầu tiên tôi đề cập đến chuyện này. Tôi nghĩ mình sẽ chủ động phát triển chậm lại, vì suy cho cùng, sức tôi chỉ có thế, không đủ tiềm lực để đi quá nhanh. Và cũng bởi tôi là một người cầu toàn nên mọi thứ tôi đều muốn phải chạm tay vào. Trong tương lai tôi sẽ chỉ phát triển theo chiều sâu còn con số theo dõi, lượt view không mang ý nghĩa quá lớn. Nếu cứ mải miết chạy theo số lượng, sẽ đến lúc tôi cảm thấy mình kiệt sức, để rồi khó mà giữ được bản sắc của mình như ngày hôm nay.

Tôi vẫn giữ kết nối với những người thật sự yêu mến nội dung tôi làm và không ngừng nỗ lực hoàn thành các dự án mà tôi đã từng hứa với họ. Hiện nay, TPW đang phát triển gấp hai lần còn tôi thì hụt hơi. Cho đến khi tôi vẫn còn chạy theo nó có nghĩa tôi vẫn không phải là người đi trên con đường của chính mình. Sau tất cả cần nhất là phải biết cách cân bằng, để hai vị trí Tiến sĩ giáo dục và Người sáng tạo nội dung có thể đồng hành và nhập trở thành một. Nếu có thể thực hiện giấc mơ này, có lẽ tôi sẽ trở thành người hạnh phúc nhất.

Nhóm thực hiện

Bài: Hương Tôn Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)