BÀI LIÊN QUAN
Tôi quyết định liên lạc và gặp gỡ Sandy Bích Ngọc cùng Lê Vân, cũng là nạn nhân bị xâm hại tình dục và đã từng công khai câu chuyện của họ trên truyền thông. Trước khi đến gặp hai cô, tôi đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều, bởi tôi biết, bên trong họ là hai tâm hồn mong manh đã từng chịu nhiều tổn thương trong quá khứ. Tôi không muốn vô tình khơi dậy nỗi đau ấy lên một lần nữa. May mắn thay, Sandy và Vân đã tin tưởng và chia sẻ rất nhiều về suy nghĩ, quan điểm với tôi. Bởi vậy, bên cạnh tiếng nói mạnh mẽ của chị Hoài Anh, tôi muốn được viết thêm khía cạnh khác về cuộc sống, tâm tư của những người trong cuộc. Qua đó, không chỉ riêng tôi mà cả Sandy và Lê Vân đều hy vọng rằng, những ai đã từng trải qua khoảnh khắc khó khăn này sẽ tìm thấy sự đồng cảm. Còn đối với những người ngoài cuộc, họ sẽ có một cái nhìn thấu hiểu và sẻ chia đúng cách, đúng thời điểm. Bởi đây không chỉ là nỗi đau về thể chất, nó còn là vết thương tâm lý mà họ sẽ mang theo suốt cuộc đời này.
LÊ VÂN
Vân sinh ra trong một gia đình có điều kiện khá giả. Thế rồi, chuyện đau lòng đã xảy ra khi cô mới chỉ 8 tuổi. Suốt bao năm giấu bí mật trong lòng và trưởng thành sau nhiều biến cố, cô quyết định công khai sự thật, hy vọng sẽ là một phần nhỏ giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Vân chia sẻ, cho đến giờ, cô thấy như được giải thoát, nhưng chưa hoàn toàn vượt qua. Vân vẫn cố gắng mỗi ngày để sống, để yêu như bao cô gái khác. Và nụ cười cô lấp lánh khi nói về những ước mơ.
BÀI LIÊN QUAN
“Tôi không thể hiểu nổi tại sao lại là tôi, một cô bé mới 8 tuổi còn chưa kịp lớn. Tôi đã gặm nhấm nỗi đau một mình với mặc cảm to lớn như thể chính tôi đã gây ra tội lỗi và trở thành mầm bệnh của xã hội. Tôi đã từng là một cô bé sống trong gia đình khá giả. Nhưng rồi, sóng gió cuộc đời khiến tôi rẽ sang một con đường ngược lại hoàn toàn. Có những lúc chẳng có cơm ăn, tôi phải làm rất nhiều việc để kiếm sống, để phụ giúp gia đình. Năm tháng giúp tôi mạnh mẽ và trưởng thành hơn, nhưng vết thương ngày xưa thì vẫn còn mãi. Tôi gặp ác mộng hàng đêm. Tôi từng tự hỏi tại sao cuộc đời lại bất công đến vậy. Tôi thậm chí đã từng nghĩ đến cái chết để kết thúc mọi muộn phiền.
Và rồi, tôi gặp Sandy Bích Ngọc, một cô gái đồng trang lứa và cùng cảnh ngộ. Tôi trân quý Sandy vì cô ấy dám đứng lên nói sự thật và hết mình tham gia các hoạt động xã hội để bảo vệ cộng đồng là những người như chúng tôi. Sandy đã truyền sức mạnh và cảm hứng cho tôi rất nhiều, để tôi có thêm động lực được chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi tham gia đồng hành cùng Sandy trong một số hoạt động, vừa để giúp đỡ các bạn khác, vừa là để giúp đỡ chính mình.
Tuy vậy, cuộc sống của tôi từ đó cũng có nhiều xáo trộn. Tôi biết ơn bởi nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ, nhưng bên cạnh đó, có những lời nói vô tình làm tôi tổn thương thêm một lần nữa.
Lê Vân trong một buổi cắt tóc từ thiện cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Thật ra, vấn nạn này không hề mới, nó đã dấy lên một thời gian, sau đó lắng xuống, đến khi có vài người nổi tiếng công khai, sự việc lại được khơi mào và khai thác một cách ồn ào như một trào lưu xã hội. Hôm nay, báo chí không ngừng đưa tin về em bé này ở địa phương nào đó bị xâm hại, cháu gái kia bị người thân cưỡng hiếp… Ngày hôm sau, báo lại đưa tin về thủ phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật hoặc không bị trừng trị một cách thích đáng. Mỗi lần đọc được tin như vậy, tôi lại cảm thấy sợ hãi. Quá khứ khủng khiếp lại ùa về như bóp trái tim tôi nghẹt thở. Không biết bao lần tôi tự nhốt mình trong bóng tối, không thiết tha gì nữa, cảm thấy mọi thứ dường như đã kết thúc. Tôi như cánh chim chấp chới trong giông bão, lạc mất phương hướng, không biết phải đi đâu, về đâu.
Khi một góc sâu thẳm trong tôi được phơi bày ra ánh sáng, tôi đã nhận được sự quan tâm và động viên từ người thân và bạn bè rất nhiều. Tôi biết họ yêu thương tôi và đau lòng bởi những gì tôi từng trải qua. Thế nhưng, chính sự quan tâm thái quá, ánh mắt họ nhìn chúng tôi như những người có “hoàn cảnh đặc biệt” lại khiến chúng tôi cảm thấy bị cô lập và tủi thân. Đó không khác sự kỳ thị là mấy. Đi đâu, làm gì, chúng tôi cũng cảm thấy mọi người đang soi mói và đánh giá mọi hành động của chúng tôi. Nói thẳng ra, đó chẳng khác sự “hiếp dâm lần 2” là mấy.
Họ phải hiểu là, chúng tôi cần được cư xử bình thường, được đối xử công bằng như bao người khác. Chúng tôi cần phải bước về phía trước và giở sang chương mới của cuộc đời, nơi chúng tôi kỳ vọng mọi chuyện sẽ tươi sáng hơn. Hơn hết, chúng tôi không cần họ nhắc đi nhắc lại rằng chúng tôi đã từng là nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Những lời hỏi thăm động viên tối kỵ nhất mà chúng tôi thường gặp phải từ người ngoài là: “Không sao đâu, mọi việc rồi sẽ qua thôi. Sẽ quên thôi!”. Làm sao quên được? Nỗi đau này sẽ không bao giờ mất đi, nó sẽ ám ảnh chúng tôi suốt đời. Người từng hại tôi vẫn ở ngoài kia, vẫn sống đường hoàng như một người đạo mạo vô tội. Vết thương này chỉ nằm yên đó và có thể nứt toác ra bất cứ lúc nào nếu vô tình chạm đến. Và cũng chính vì thế, rất ít người trong chúng tôi chịu lên tiếng. Chúng tôi chỉ muốn bảo vệ bản thân và gia đình trước dư luận và định kiến mà thôi. Đôi khi, chúng tôi cảm thấy chẳng ai giúp được mình, chỉ có thể tự mình đứng lên và bước qua bóng tối.”
SANDY BÍCH NGỌC
“Tôi biết khi đứng lên, tôi sẽ phải trả giá bằng nhiều cách, nhưng tôi muốn chứng tỏ cho họ thấy rằng, chỉ có tôi mới có quyền quyết định số phận của chính mình chứ không phải ai khác”.
Sandy Bích Ngọc có vẻ ngoài nhỏ nhắn và hoạt bát, khác với vẻ trầm tĩnh và nội tâm của Lê Vân. Ở Sandy, tôi cảm thấy cô gái này có một nội lực rất mạnh và tràn đầy nhiệt huyết. Chính nội lực đó đã giúp Sandy vượt qua bão táp cuộc đời, trở thành nhà hoạt động xã hội có tiếng nói trong cộng đồng của cô, một người truyền cảm hứng và là chỗ dựa tin cậy cho những người từng trải qua quá khứ giống như cô.
“Năm vừa rồi, khi quyết tâm công khai bóng tối của quá khứ, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Đó quả là một quyết định khó khăn, và tôi không thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra, bởi xã hội này chưa có nhiều sự cởi mở dành cho phụ nữ. Thế nhưng, có lẽ đã đến thời điểm, tôi không muốn tiếp tục chôn sâu nó trong lòng nữa. Bởi mỗi ngày, khi đọc được tin tức về những đứa trẻ bị xâm hại, tôi không thể cầm lòng. Tôi nghĩ rằng, sứ mệnh của tôi là phải đứng lên để bảo vệ những đứa trẻ đó. Cuộc đời tôi đã trải qua nhiều bi kịch, tôi chẳng còn gì để mất, và tôi cần làm điều gì đó có ý nghĩa cho những người xung quanh tôi, cho chính bản thân tôi.
Quả thật, sau thời gian đó, tôi nghiệm ra rằng, có những điều không dễ sẻ chia, có những câu chuyện không phải ai cũng thấu cảm được. Mặt trái của sự công khai như một cái tát giáng thẳng vào mặt khi những người từng thân thiết quay sang nghi ngờ, trách móc, phán xét. Họ cho rằng tôi bị điên. Tôi tổn thương vì quá khứ một, nhưng đau vì sự vô cảm của con người gấp mười.
Suốt bao năm tháng qua, tôi luôn bị dằn vặt và mắc chứng trầm cảm một thời gian dài. Tôi bị mất ngủ và sợ bóng tối. Mỗi khi tắt đèn, tôi lại tưởng tượng có ai đó sẽ nhảy xổ ra lao vào mình. Quá khứ ấy không bao giờ ngủ yên, người từng hại tôi vẫn như bóng ma ám ảnh và không muốn buông tha tôi cho đến hiện tại. Họ tự cho mình cái quyền có thể biến tôi thành con người mà họ muốn.
Tôi không còn oán giận họ, bởi vì điều đó chỉ làm cho trái tim tôi thêm nặng nề và buồn đau hơn. Nhưng tôi không thể im lặng được nữa, bởi im lặng là thừa nhận quyền lực của họ, im lặng đồng nghĩa với việc tiếp tay cho họ làm điều ác. Tôi biết khi đứng lên, tôi sẽ phải trả giá bằng nhiều cách, nhưng tôi muốn chứng tỏ cho họ thấy rằng, chỉ có tôi mới có quyền quyết định số phận của chính mình chứ không phải ai khác.
Tôi may mắn bởi suốt những năm qua, nhóm bảo vệ quyền trẻ em, hỗ trợ các em bị xâm hại, bạo hành do tôi lập ra được hợp pháp hóa thành Chi Hội Tình Nguyện Bảo Vệ Quyền Trẻ Em thuộc Hội Bảo Vệ Quyền Trẻ Em TP. HCM và nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người. Tôi cũng từng có nhiều giấc mơ đẹp, trở thành người này người kia như một người phụ nữ bình thường khác. Nhưng, kể từ giây phút tôi bước ra khỏi vùng tối tăm đó, cuộc đời tôi rẽ sang một hướng khác và đã tạo ra tôi của ngày hôm nay. Có những lúc tôi muốn tìm lối thoát để tránh sự cô đơn và nỗi đau giằng xé nhưng giờ tôi chọn cách sống vui vẻ, khoẻ mạnh để chiến đấu lại những điều tồi tệ đó. Đây chính là lựa chọn đúng đắn nhất mà tôi sẽ không bao giờ cảm thấy hối hận. Nhất là khi tôi đã tạo được sự tin tưởng, trở thành cầu nối, là bờ vai để những người có cùng hoàn cảnh tìm đến sẻ chia và chung tay giúp đỡ cộng đồng.
Suốt hơn một năm qua, thực hiện nhiều dự án xã hội góp phần lên tiếng và đẩy mạnh chiến dịch chống xâm hại tình dục, có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn gái từ em nhỏ cho đến vị thành niên, tôi đã học được nhiều thứ. Cho đến thời điểm hiện tại, tôi quyết định sẽ thay đổi hướng đi. Thật ra, xã hội đã phổ biến rất nhiều về vấn nạn này, chúng ta không cần phải ra rả nói thêm về nó nữa. Giờ là lúc chúng ta cần chuyển sang một giai đoạn khác, giai đoạn giáo dục cộng đồng, giúp các nạn nhân bình ổn tâm lý và tái hòa nhập với xã hội. Bởi sang chấn tâm lý là vô cùng quan trọng, nó có thể phá hoại một cuộc đời đến chết dần, chết mòn và để lại nhiều hậu quả vô cùng đáng tiếc. Những người thân xung quanh là yếu tố vô cùng quan trọng giúp họ vượt qua cú sốc này. Chẳng hạn, tôi từng gặp một trường hợp, đó là một cô bé mới 14 tuổi vừa bị chính người ruột thịt xâm hại. Cô bé không thiết ăn, uống, chỉ biết giam mình trong phòng và không muốn tiếp xúc với ai. Bạn bè, thầy cô đến tìm an ủi, động viên nhưng khi gặp chỉ nhìn cô và khóc, rồi nói “Tội nghiệp”, “Ráng lên, ai cũng có lúc như vậy, không có gì đâu”… Đây là những hành động và lời nói tối kỵ đối với người vừa trải qua sự việc khủng khiếp này, làm cho nỗi đau đó tăng thêm gấp nhiều lần. Chúng tôi sẽ nghiễm nhiên cho rằng chúng tôi là những kẻ đáng thương hại, tâm lý lại càng bất ổn.
Hình ảnh trong chiến dịch “Nói Không Với Nạn Xâm Hại Tình Dục Trẻ Em” do Sandy phát động.
Chúng tôi có thể hiểu nếu họ không ở trong hoàn cảnh đó, không trải qua nỗi đau đó, sự thấu hiểu quả thật rất khó khăn, bày tỏ như thế nào lại càng khó khăn hơn nữa. Nó làm tôi nhớ đến câu nói của ai đó: “Nếu không thể nói những điều tốt đẹp, tốt nhất là đừng nên nói gì cả!”
Tôi biết Lê Vân cũng qua truyền thông, khi bạn công khai câu chuyện đời mình. Tôi thương Vân vì thấy cô sao giống mình quá. Giữa chúng tôi như có một sợi dây vô hình gắn kết hai tâm hồn đổ vỡ, hiểu nhau đến nỗi nhiều khi chẳng cần nói ra. Hơn ai hết, tôi cũng muốn Vân thoát khỏi quá khứ dù biết cô vẫn đang tìm con đường riêng cho mình. Dường như trước mắt Vân luôn có một bức tường vô hình khiến cô loay hoay, đôi khi nản bước. Thật tốt vì lần này Vân cũng nhận lời cùng ngồi đây và chia sẻ, bởi đối diện sẽ chạm vào vết thương, nhưng nếu không dũng cảm đối diện, vết thương sẽ không bao giờ lành.
Tôi muốn cảm ơn Vân, cảm ơn những người bạn đồng hành đã tiếp thêm sức mạnh và luôn ở bên tôi những lúc khó khăn. Sắp tới, chúng tôi dự kiến sẽ kết hợp với nhiều họa sĩ để tổ chức một buổi triển lãm tranh về tâm lý nhân vật cũng như cộng đồng nạn nhân bị xâm hại tình dục. Chúng tôi chỉ mong rằng buổi triển lãm này sẽ truyền tải được thông điệp từ đáy lòng của chúng tôi đến xã hội, để những người thật sự quan tâm có một cái nhìn thấu hiểu hơn và để những bạn có cùng cảnh ngộ không còn cô đơn. Đó không hẳn là cách chữa lành nỗi đau tâm hồn ngay lập tức, nhưng đó lại là cách tốt nhất để những người như chúng tôi thấy rằng, xã hội này không thật sự vô cảm mà vẫn còn đó rất nhiều sự yêu thương.”
Sandy Bích Ngọc trong những hoạt động xã hội giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
………………………………………………………….
Suốt buổi chiều hôm đó, tôi đã không đặt ra câu hỏi nào với Vân hay với Sandy, mà để họ tự trải lòng và chia sẻ mong muốn của họ. Tôi biết Vân và Sandy vẫn chưa thể vượt qua hẳn nỗi đau nhưng ít nhất, trong lúc này có hơn một người không cùng hoàn cảnh nhưng vẫn có thể hiểu và chia sẻ cùng họ. Đối với Vân, cuộc sống giờ đã ổn hơn, Vân có nhiều hoài bão. Cô có hy vọng sẽ mang thương hiệu trà sữa “Bà Nhà Quê” của mình “Ra thành phố”. Ngoài ra, Vân còn có đam mê viết nhạc, bởi với cô, nỗi buồn hóa thành những nốt nhạc khiến cô vơi đi niềm đau và thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Còn với Sandy, ngoài những kế hoạch hoạt động xã hội, cô vừa được trao nhận học bổng nhỏ sang Tây Ban Nha với chuyên ngành Chăm sóc trẻ em. Cùng với sự giúp đỡ của mạnh thường quân, cô dự định sau khi hoàn thành khóa học sẽ quay về xây một trường đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ và tạo việc làm cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Hai cô đang cố gắng rất nhiều để đến gần với giấc mơ, và tôi thật lòng chúc cho những giấc mơ tuyệt vời đó trở thành sự thật.
Nhóm thực hiện
Bài: Hương Tôn - Ảnh: NVCC (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)