Thưa chị, LGBT có phải là bệnh không? Tại sao một số người vẫn xem đây là một căn bệnh?
Không, đồng tính, song tính hay chuyển giới đều không phải là bệnh. Năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi Phân loại Quốc tế về Bệnh tật (International Classification of Diseases), đồng thời tuyên bố rằng đó là một biến thể tự nhiên và phi bệnh lý của tính dục con người.
Việc phân loại bệnh lý cho cộng đồng LGBT, ví dụ như ghi nhãn họ bị bệnh hoặc rối loạn trên cơ sở xu hướng tính dục, sự biểu hiện/nhận dạng hoặc đặc điểm giới tính của họ, là một trong những nguyên nhân gốc rễ của bạo lực, phân biệt đối xử và kỳ thị mà họ đang phải đối mặt. Liên Hợp Quốc đã kêu gọi chấm dứt việc điều trị và đối xử cưỡng chế đối với người LGBT, đặc biệt là người chuyển giới trưởng thành và trẻ em.
Những quan niệm sai lầm phổ biến về cộng đồng LGBT là gì?
Các nghiên cứu được thực hiện bởi iSEE (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường) ở Việt Nam cho thấy các quan niệm sai lầm phổ biến bao gồm niềm tin rằng đồng tính luyến ái và chuyển giới là một rối loạn tâm lý.
Đồng tính hoặc chuyển giới là một phần của sự đa dạng tự nhiên của con người, và sự khác biệt không nên bị xem là rối loạn.
Đa số những người được khảo sát trong nghiên cứu của iSEE cũng nghĩ rằng đồng tính luyến ái là một hiện tượng xã hội hoặc xu huớng, điều này là không đúng. Người LGBT luôn là một phần trong cộng đồng của chúng ta, trong mọi khoảng thời gian của lịch sử lẫn mọi khu vực trên thế giới. Ví dụ như các bức tranh đá thời tiền sử ở Nam Phi và Ai Cập, các văn bản y học của Ấn Độ thời cổ đại hay văn học Ottoman thời kỳ đầu. Nhiều xã hội mang tính truyền thống đã cởi mở hơn với cộng đồng LGBT, điển hình như một số khu vực ở châu Á đã công nhận giới tính thứ ba.
Ngoài ra, xu hướng tính dục của một người là do cá nhân tự xác định và đây là điều mà người khác không thể thay đổi được. Nỗ lực thay đổi xu hướng tính dục của một ai đó sẽ dẫn đến vi phạm quyền con người và có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng.
Áp lực thực sự của cộng đồng LGBT đến từ xã hội hay gia đình nhiều hơn?
Cộng đồng LGBT trên thế giới phải chịu sự kỳ thị từ xã hội, bị loại trừ và bất bình đẳng ở nơi làm việc, ở nhà, ở trường, ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe và trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Các tiêu chuẩn và định kiến xã hội như vậy thường khiến những người LGBT cảm thấy không an toàn, không thoải mái khi “come out” (bộc lộ) với chính người thân của mình. Cần nỗ lực hơn nữa để loại bỏ những định kiến tiêu cực về LGBT trong truyền thông hay ngành công nghiệp giải trí, đồng thời thúc đẩy truyền thông tích cực về cộng đồng LGBT.
BÀI LIÊN QUAN
Hôn nhân dị tính có thể bị ràng buộc bởi giấy đăng ký kết hôn còn hôn nhân đồng giới dựa trên sự tự nguyên và gắn bó tình cảm nhiều hơn. Vậy, đâu là khó khăn lớn nhất để duy trì một mối quan hệ đồng giới?
Trước hết, mỗi người đều nên có quyền được công nhận hợp pháp mối quan hệ của họ, bất kể xu hướng tính dục hay bản dạng giới, khi đã đạt đến độ tuổi tối thiểu theo quy định của pháp luật. Sự công nhận hợp pháp có thể đến từ nhiều hình thức khác nhau, từ “kết hợp dân sự” (chung sống có đăng ký cho các cặp đôi cùng giới, một hình thức tương tự như hôn nhân) cho đến kết hôn. Nó phụ thuộc vào hình thức công nhận của Nhà nước. Nhưng dù cho bất kỳ hình thức nào được chọn, cũng sẽ không có sự khác biệt trong việc đối xử giữa cặp đôi cùng giới hay khác giới.
Xâm hại tình dục là một vấn đề nhức nhối trong xã hội ngày nay. Cộng đồng LGBT có thêm rủi ro nào về bạo lực tình dục hay không? Có ai bảo vệ họ và họ nên làm gì để bảo vệ chính mình?
Bất kỳ ai cũng có thể bị bạo lực tình dục, bất kể giới tính, tuổi tác, xu hướng tính dục của bản dạng giới. Mặc dù vậy, vẫn có những yếu tố khiến một số cá nhân dễ bị tổn thương hơn đối với bạo lực tình dục. Những người LGBT gặp nhiều rủi ro hơn trong các hình thức bạo lực khác nhau.
Các cuộc tấn công nhắm vào một người chỉ vì xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của họ thường được thúc đẩy bởi mong muốn trừng phạt những người (có vẻ là) chống lại chuẩn mực về giới và được xem là một dạng bạo lực giới. Trên toàn cầu, bạo lực tình dục đối với người LGBT đã được báo cáo rộng rãi, bao gồm cái gọi là cưỡng hiếp để “trừng phạt” hoặc “sửa chữa”, trong đó, đàn ông hãm hiếp phụ nữ đồng tính với lý do cố gắng “chữa trị” cho nạn nhân. Người LGBT có thể phải đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu sau khi trải qua bạo lực vì có thể họ sợ các nhà cung cấp dịch vụ phân biệt đối xử và kỳ thị họ. Do đó, điều quan trọng là khung pháp lý bảo vệ cộng đồng LGBT khỏi tất cả các hình thức bạo lực, phân biệt đối xử và các dịch vụ nhạy cảm.
Trên toàn cầu, bạo lực tình dục đối với người LGBT đã được báo cáo rộng rãi, bao gồm cái gọi là cưỡng hiếp để “trừng phạt” hoặc “sửa chữa”, trong đó, đàn ông hãm hiếp phụ nữ đồng tính với lý do cố gắng “chữa trị” cho nạn nhân.
Có những biện pháp mà tất cả chúng ta đều có thể làm để ngăn chặn bất kỳ hình thức bạo lực nào, bao gồm cả bạo lực đối với người đồng tính hay người chuyển giới, ví dụ như nói chuyện với người thân, bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp tại nơi làm việc, tham gia những cuộc đối thoại mang tính xây dựng để tạo ra môi trường an toàn và hòa nhập cho tất cả mọi người.
Cảm ơn chị vì những thông tin bổ ích này!
—
LGBTI là viết tắt của Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (lưỡng tính), Transgender (chuyển giới) và Intersex (liên giới tính). Để hiểu thuật ngữ LGBTI, chúng ta cần hiểu xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Xu hướng tính dục đề cập đến sự hấp dẫn về cơ thể, lãng mạn hoặc cảm xúc của một người đối với một người khác. Mọi người đều có xu hướng tính dục, đó là yếu tố không thể thiếu trong nhân dạng của con người. Những người đồng tính nam và đồng tính nữ bị thu hút bởi người có cùng giới tính với họ. Những người dị tính (đôi khi được gọi là “thẳng”) bị thu hút bởi người có giới tính khác với họ. Những người lưỡng tính có thể bị thu hút bởi cả người giống hoặc khác giới tính với họ. Xu hướng tính dục không liên quan đến bản dạng giới.
Bản dạng giới phản ánh cảm giác sâu bên trong và sự tự nhận thức (thông qua trải nghiệm) của một người về giới tính của bản thân họ. Bản dạng giới của một người thường phù hợp với giới tính sinh học. Tuy nhiên, những người chuyển giới sẽ có sự mâu thuẫn giữa ý thức về giới tính của bản thân với giới tính được chỉ định khi họ chào đời. Trong một số trường hợp, ngoại hình, phong cách và các đặc điểm bên ngoài của họ có thể xung đột với những kỳ vọng xã hội về hành vi tiêu chuẩn về giới.
Người chuyển giới là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một loạt các nhận dạng, bao gồm những người chuyển đổi giới tính (qua giải phẫu sinh học), những người mặc trang phục khác phái (cross-dressers), những người thuộc giới tính thứ ba, những người có ngoại hình và tính cách thuộc về giới tính không điển hình.
Một người liên giới tính được sinh ra với cơ quan sinh dục, cơ quan sinh sản và/hoặc các mẫu nhiễm sắc thể không phù hợp với định nghĩa điển hình của nam hoặc nữ giới. Điều này có thể nhìn thấy rõ khi mới sinh hoặc xuất hiện muộn hơn trong cuộc sống. Một người liên giới tính có thể xác định là nam hay nữ hoặc không phải cả hai giới tính trên. Liên giới tính không phải là vấn đề về xu hướng tính dục hay bản dạng giới. Người liên giới tính trải nghiệm cùng lúc các xu hướng tính dục và bản dạng giới như những người không liên giới tính.
UN Women là Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ. Là cơ quan đi đầu về bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu, UN Women được thành lập với mục tiêu thúc đẩy các tiến độ nhằm đáp ứng các nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.
—
Xem thêm:
Điểm danh các bộ phim đồng tính hay nhất trong Liên hoan Phim BFI Flare
Những bộ phim Việt Nam nào đề cập tới chủ đề LGBT?
Nhóm thực hiện
Bài: Đoàn Trúc (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE) Ảnh: Unsplah