Khi công nghệ giải phóng con người
Mới đây, kênh Odisha TV của Ấn Độ đã khuấy đảo truyền thông nước này khi giới thiệu Lisa, người dẫn chương trình ảo bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Giám đốc kênh Jagi Mangat Panda gọi màn ra mắt của Lisa là “cột mốc trong phát thanh truyền hình và báo chí kỹ thuật số”. Nhưng Lisa không phải MC ảo đầu tiên của nước này, càng không phải MC ảo đầu tiên trên thế giới. Trước đó, kênh India Today cũng đã ra mắt MC ảo Sana, được Phó Chủ tịch Kalli Purie miêu tả là “tươi sáng, rực rỡ, không tuổi, không mệt mỏi”. Không mệt mỏi, học hỏi nhanh, biết nghe lời, ít mắc lỗi… đó cũng là những lý do khiến AI ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và giải phóng con người khỏi một số công việc đơn giản hằng ngày.
Theo một khảo sát công bố vào tháng 5/2023 của Hiệp hội Nhà xuất bản tin tức Thế giới, 49% phòng tin tức toàn cầu đang sử dụng các công cụ AI như ChatGPT để tối ưu hóa thời gian và hiệu suất công việc. Số liệu này khá tương ứng với dự báo xu hướng của McKinsey trong báo cáo ra mắt vào tháng 6/2023, cho rằng tới năm 2030, khoảng 30% công việc sẽ được tự động hóa hoàn toàn bởi AI. Báo cáo cũng cho biết, AI sẽ giúp giảm 75% thời gian xử lý công việc của nhân viên và có tiềm năng tạo ra 2,6 nghìn tỷ đến 4,4 nghìn tỷ USD trong các ngành công nghiệp.
Trước kia, “công nghệ mới” là thứ gì đó thuộc về bí mật kinh doanh, là sân chơi của các tập đoàn, công ty tiên phong hay những cá nhân có điều kiện tiếp cận với máy móc, công cụ tiên tiến. Nhưng giờ đây, công nghệ đang dần thâm nhập vào cuộc sống hằng ngày, trong những tác vụ đơn giản nhất. Chỉ cần một chiếc điện thoại hay máy tính, ngay cả những người bình thường cũng có thể tạo nên những điều không tưởng.
Nếu tham gia các nhóm thảo luận về AI hiện nay, bạn sẽ được cập nhật những tính năng mới mỗi ngày với một sự sôi nổi đáng ngạc nhiên, từ ứng dụng AI trong sáng tạo hình ảnh, âm nhạc, video cho đến viết nội dung tiếp thị, truyền thông, dịch thuật, thậm chí là thiết kế kiến trúc, nội thất và lập trình. ChatGPT, GitHub Copilot, Stable Diffusion và các ứng dụng khác đã thu hút sự chú ý của người dùng trên khắp thế giới nhờ tiện ích rộng lớn và khả năng trò chuyện chân thật, cho phép bất cứ ai cũng có thể sử dụng chúng để giao tiếp và sáng tạo trong mọi lĩnh vực.
Một thế giới của bình đẳng và tự do
AI sáng tạo có khả năng thay đổi cấu trúc công việc, nâng cao năng suất của người lao động bằng khả năng tự động hóa và cá nhân hóa các tác vụ hằng ngày, dẫn đến tốc độ chuyển đổi lực lượng lao động cũng tăng lên. Tuy nhiên, chính những kịch bản tái cấu trúc và phân phối lao động trong tương lai đã dẫn đến sự tranh luận về công nghệ ở hiện tại. Ở bất kỳ thời đại nào, đi cùng với niềm hân hoan và phấn khích trước các công cụ mới luôn là một nỗi e sợ bản năng của loài người. Liệu AI có thay thế con người? Bao nhiêu công việc sẽ mất đi? Công nghệ có dành cho tất cả mọi người, kể cả phụ nữ hay những người ít cơ hội nhất? Khi mọi thứ đều được tự động hóa và rút ngắn thời gian, liệu con người có bị phụ thuộc vào công nghệ hay không?… Rất nhiều viễn cảnh được đặt ra, và nếu nhìn kỹ lại, những nỗi lo này cũng không khác là mấy so với khi điện thoại và Internet ra đời, hay gần hơn là khi Blockchain, NFT, Metaverse xuất hiện.
Công nghệ tạo ra những thay đổi lớn trong xã hội và cũng mang đến nhiều cơ hội. AI có thể thay thế một số công việc nhưng rồi sẽ có nhiều công việc mới ra đời. Những gì lạ lùng hiện nay rồi sẽ sớm trở nên quen thuộc và hóa bình thường. Bàn về thái độ đón nhận công nghệ mới, Tần Lê – Founder và CEO của công ty Emotiv – chia sẻ với ELLE rằng, trí tuệ nhân tạo không phải là tương lai mà đang là hiện tại, và chúng ta “không có lựa chọn nào khác ngoài việc sống và phát triển cùng với nó, tận dụng và biến nó thành một công cụ hỗ trợ cuộc sống của mình”. Có cùng quan điểm, Mandy Nguyễn – Giám đốc Vận hành của Startup Vietnam Foundation – cho rằng, làn sóng AI cũng như các làn sóng công nghệ khác, chỉ có thể tiếp tục đi tới chứ không dừng lại, vậy nên, “tăng cường nhận thức về AI là cần thiết để chúng ta đối diện với vùng tối một cách bình tĩnh, sáng suốt chứ không rơi vào hai thái cực là hoảng sợ hoặc chủ quan”. Heyun Le – một họa sĩ minh họa sớm thành công trên thị trường NFT – cũng đồng ý với ý kiến trên: “Công nghệ chỉ thực sự đáng sợ khi bạn biết quá ít về nó. Liên tục cập nhật thông tin và trải nghiệm công cụ mới là cách để chúng ta thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong thời đại này”. Quan trọng hơn hết thảy, tất cả đều đồng ý rằng, con người mới thật sự là chủ nhân của công nghệ.
Ngoài ra, trái với nhận định rằng công nghệ không dành cho nữ giới, đây thực ra lại là miền đất hứa để phụ nữ được tự do thể hiện khả năng. Là người tiên phong trong lĩnh vực Blockchain và Metaverse, Xno Bùi – Founder của Ortho Fashion – tin rằng công nghệ, đặc biệt là Web3, đã phá vỡ mọi rào cản truyền thống, bao gồm cả rào cản về giới tính. “Trong không gian Web3, bạn là ai không quan trọng bằng việc bạn đã tạo ra cái gì. Phụ nữ có thể tự do sáng tạo, phát triển và tự thể hiện mình mà không bị phân biệt giới tính hay bất kỳ hạn chế nào khác”. CEO Tần Lê cũng cho biết, ở Emotiv, mặc dù số lượng kỹ sư nam rất đông, nhưng lãnh đạo lại là một phụ nữ – một người sở hữu những phẩm chất quan trọng trong môi trường làm việc nhóm. Trong khi đó, Mandy Nguyễn nhận định, có nhiều định kiến xã hội đang tạo ra lực cản cho sự phát triển của nữ giới trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật – công nghệ, nhưng lực cản quan trọng nhất lại là áp lực mà phụ nữ tự gây ra cho chính họ. Nhưng hãy nhìn mà xem, Tần Lê, Mandy Nguyễn, Xno Bùi và Heyun Le – những nhân vật của chuyên mục ELLE Voice số này – đều là minh chứng cho thấy phụ nữ hoàn toàn có sự nhạy bén và tầm nhìn xa để sớm nắm bắt sức mạnh của công nghệ, cũng như biết cách biến nó thành lợi thế để đạt được thành công trong sự nghiệp.
Nhóm thực hiện
Bài: Đông Quân
Ảnh: Tư liệu