Lifestyle / ELLE Voice

Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander & quyền bình đẳng giới

“Nếu chồng tôi đã không tích cực ủng hộ và chia sẻ, tôi đã không thể trở thành một Đại sứ giống như ngày hôm nay”.

BÌNH ĐẲNG BIẾN ĐỔI XÃ HỘI THỤY ĐIỂN

 

Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander
Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander

Có phải Thụy Điển thực sự là “thiên đường” dành cho phụ nữ? Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander chia sẻ với ELLE về một số góc nhìn thực tế. Bà cũng lý giải vì sao bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng một đất nước có trình độ phát triển cao, cũng như kinh nghiệm của Thụy Điển trong việc thay đổi cả hệ thống xã hội theo hướng bình đẳng hơn.

Thụy Điển đã và đang là một trong những quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. 100 năm trước đây, Thụy Điển là một nước nông nghiệp nghèo, nền dân chủ bị hạn chế và cùng với đó là một môi trường vô cùng khắc nghiệt đối với nhiều phụ nữ. Ngày nay, Thụy Điển được ghi nhận là hình mẫu thế giới về bình đẳng giới. Có thể nói, chúng tôi đã trải qua một hành trình dài, tôi xin chia sẻ một số cột mốc quan trọng đạt được đối với phụ nữ Thụy Điển: quyền được bỏ phiếu (1921), chấp nhận cho các học sinh nữ học đại học và cao học, giới thiệu các dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ để hỗ trợ các bà mẹ đi làm, hỗ trợ các biện pháp tránh thai để phụ nữ có thể sinh con theo ý muốn. Bắt đầu từ thập niên 70, Thụy Điển đã có nhiều tổ chức hoạt động về nữ quyền rất tích cực, họ bắt đầu đặt ra những vấn đề như quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử.

 

Ngày nay, Thụy Điển được ghi nhận là hình mẫu thế giới về bình đẳng giới.
Ngày nay, Thụy Điển được ghi nhận là hình mẫu thế giới về bình đẳng giới.

Quyền của phụ nữ chính là quyền con người. Tôi hoàn toàn tin như vậy. Trên hết, hoạt động hướng tới bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ chính là nhằm bảo vệ các quyền và cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ có tác động tích cực đối với việc phát triển kinh tế-xã hội. Đầu tư cho bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là việc làm cần thiết, đúng đắn và hiệu quả.

Chúng tôi rất tự hào về xã hội Thụy Điển, nơi bình đẳng đã có một nền tảng và chỗ đứng vững chắc. Tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo và bộ trưởng ngày càng gia tăng. Có đến hơn 50 phần trăm của các bộ trưởng trong nội các chính phủ chúng tôi là nữ. Thụy Điển cũng vinh dự được ghi nhận là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao nhất trên thế giới nơi các nữ nghị sỹ tham gia nghị trường; 50% các thành viên của nghị viện Thụy Điển là nữ giới.

Bình đẳng trong học đường

Nền giáo dục của Thụy Điển nổi tiếng với sự cởi mở và sáng tạo. Tôi đã rất may mắn và hạnh phúc khi được lớn lên, được dưỡng dục và trưởng thành trong hệ thống giáo dục đó.

Một cách khá lý tưởng, bình đẳng giới đã được thiết kế và lồng ghép trong tất cả các các bậc của hệ thống giáo dục Thụy Điển. Mục đích cuối cùng là để cung cấp cho trẻ những cơ hội giống nhau để thành công trong cuộc sống. Cùng với đó là việc không phân biệt đối xử dựa trên giới tính và cho phép mỗi trẻ phát triển để trở thành một nhân cách độc đáo và thành đạt . Các vấn đề về bình đẳng giới được đề cập liên tục trong môi trường tiểu học để chuẩn bị cho các em học sinh nhận thức đầy đủ về vấn đề giới trong khi học lên cao.

Ngày nay, phụ nữ Thụy Điển có học vấn thấm chí cao hơn so với nam giới, và nữ giới đang chiếm đa số hơn trong các trường đại học. Nữ sinh chiếm khoảng 60% tổng số sinh viên học đại học và khi kết thúc gần hai phần ba của tất cả các bằng cấp tốt nghiệp được trao cho những sinh viên tốt nghiệp là nữ.  Đối với các chương trình thạc sỹ và nghiên cứu sinh, phụ nữ và nam giới tham gia ở cấp độ này là tương đối đồng đều nhau.

 

Chúng tôi rất tự hào về xã hội Thụy Điển, nơi bình đẳng đã có một nền tảng và chỗ đứng vững chắc.
Chúng tôi rất tự hào về xã hội Thụy Điển, nơi bình đẳng đã có một nền tảng và chỗ đứng vững chắc.

Các ông bố cũng “nghỉ sinh”

Bạn biết không, cả các ông bố và bà mẹ đang có việc làm ở Thụy Điển được quyền nghỉ tối đa 480 ngày ở nhà mỗi khi có một bé được sinh ra hoặc được nhận làm con nuôi. Ngày hôm nay, bạn nhìn thấy ở trong công viên hoặc những nơi công cộng vô số những ông bố một tay bồng con và một tay uống cà phê, điều này đã không chỉ phổ biến, nó đã trở nên rất đời thường. Năm 1974, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thay thế nghỉ thai sản của mẹ bằng kỳ nghỉ của cả mẹ và cha. Theo các tiêu chuẩn quốc tế, có thể nói, tổng số ngày nghỉ như vậy là rất cao,  nhiều ngày, đem lại lợi ích cho người lao động và có lẽ cũng tạo ra những tranh cãi sôi nổi về việc Thụy Điển bên cạnh là thiên đường dành cho phụ nữ, còn là một đất nước vô cùng thân thiện với trẻ con.

Trong những ngày nghỉ, phụ huynh được hưởng 80% mức lương chính thức. Những người chưa có việc làm có quyền được nghỉ và hưởng phụ cấp nghỉ sinh con của nhà nước. Điều này giúp thay mô hình truyền thống đã ăn sâu và được coi là chuẩn mực của nhiều xã hội từ xa xưa, đó là phụ nữ đóng vai trò chủ chốt chăm sóc con cái và trách nhiệm của đàn ông là kiếm đủ bánh mỳ hoặc kiếm đủ lương thực nuôi gia đình.

Đối với gia đình nhỏ của chúng tôi, khi cặp song sinh của chúng tôi ra đời, tôi nghỉ sinh trong 8 tháng và cha của các bé cũng nghỉ 8 tháng được hưởng lương. Có lẽ bạn sẽ tự hỏi các đồng nghiệp của “ông xã”tôi đã phản ứng thế nào? Hoàn toàn không, họ cho đấy là việc bình thường và nên làm. Ngược lại, họ có thể bị sốc nếu ông xã tôi không sử dụng quyền  lợi của mình trong vai trò một người cha. Điều đó cho thấy việc bình đẳng giới là như vậy đã bắt rễ sâu trong xã hội Thụy Điển như thế nào.

 

Bạn biết không, cả các ông bố và bà mẹ đang có việc làm ở Thụy Điển được quyền nghỉ tối đa 480 ngày ở nhà mỗi khi có một bé được sinh ra hoặc được nhận làm con nuôi.
Bạn biết không, cả các ông bố và bà mẹ đang có việc làm ở Thụy Điển được quyền nghỉ tối đa 480 ngày ở nhà mỗi khi có một bé được sinh ra hoặc được nhận làm con nuôi.

Ở Việt Nam, các bạn có thể có ông bà ngoại hay ông bà nội hỗ trợ trong việc chăm sóc trẻ con khi cha mẹ của các em bắt đầu đi làm  trở lại. Ở Thụy Điển, chúng tôi không có văn hóa như vậy, nhưng chúng tôi có một hệ thống hỗ trợ quan trọng trong việc không làm gián đoạn sự nghiệp của phụ nữ, đó là: dịch vụ giữ trẻ với giá cả phải chăng, chất lượng cao và dễ dàng tiếp cận. Khi cả tôi và chồng tôi đều phải quay trở lại với công việc, chúng tôi gửi con vào trường mầm non, giống hệt như hầu hết trẻ em Thụy Điển trẻ khác. Chúng tôi cũng nhận được trợ cấp từ nhà nước, và khoản này gần như đủ để trang trải các chi phí trường mầm non. Chính sách tuyệt vời này giúp cả hai chúng tôi có thể cân bằng giữa thời gian dành cho công việc với cuộc sống gia đình.

Tôi nghĩ rằng Thụy Điển đang thực sự giành chiến thắng trong cuộc đua bình đẳng, không chỉ trên khía cạnh luật pháp, mà còn bằng cách thay đổi thái độ, nhận thức, hành vi đối với vấn đề làm cha mẹ. “Latte Papas”, đó là những nhóm ông bố tụ tập trong các quán cà phê bồng theo con nhỏ vào bất cứ ngày trong tuần đã trở thành biểu tượng ấn tượng nhất được công nhận. Có lẽ đây là kết quả của việc cho phép cả phụ nữ và nam giới nghỉ khi sinh con.

Ombudsman – hệ thống Thanh tra Nhân dân về bình đẳng

Có lẽ chúng ta cũng cần nhìn lại kinh nghiệm làm luật Thụy Điển. Năm 1980, Luật Bình đẳng về Cơ hội đã được thông qua để phòng ngừa những kỳ thị liên quan đến giới và cải thiện những điều kiện làm việc cho phụ nữ trong công sở. Một cơ quan có tên gọi lại Ombudsman theo tiếng Thụy Điển, đóng vai trò là Thanh tra Nhân dân về các vấn đề bình đẳng được thành lập (www.do.se). Cơ quan này có trách nhiệm thay mặt chính phủ giám sát việc tuân thủ các điều luật này và bảo vệ các  quyền và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi giới.

Ombudsman về bình đẳng thường xuyên đánh giá các trường hợp liên quan đến bình đẳng giới ở nơi làm việc, học đường và các môi trường khác. Ví dụ cơ quan này có trách nhiệm bảo đảm rằng các luật liên quan đến cha mẹ nghỉ sinh con được tuân thủ nghiêm túc và những phụ huynh này không bị ảnh hưởng hay đối xử bất lợi trong công việc trong hay sau khi nghỉ. Điều này là vô cùng quan trọng đối với sự tiến bộ của phụ nữ cũng sự nghiệp của họ đang theo đuổi.

Tạp chí ELLE cám ơn về sự trò chuyện này của Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander

Xem thêm

Emma Watson: “Bình đẳng giới cũng là vấn đề của phái nam”

Câu chuyện thành công của 8 NTK tài năng nhất thế giới

Những câu nói hay về sự thành công đáng suy ngẫm

Sự thành công & Những nguyên tắc mặc định

Nhóm thực hiện

Chuyển ngữ: Tùng Lâm 
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)