[ELLE Voice] Đàm Bích Thủy: Cuộc đời rất dài, sao không trải nghiệm nhiều hơn?
Chị Đàm Bích Thủy rất giản dị, từ tốn và có một nụ cười hiền lành. Khi mới xuất hiện, trông chị gần gũi tới nỗi tôi tưởng chị là phụ huynh của một em học sinh nào đó chứ không phải là chủ tịch trường Đại học Fulbright Việt Nam. Phong thái gần gũi của chị khiến cuộc trò chuyện diễn ra cởi mở và nhẹ nhàng. Có lẽ đây cũng là cách mà chị đối đãi với sứ mệnh giáo dục và với các em học sinh của mình.
Theo đuổi triết lý giáo dục khai phóng, với quan niệm trường đại học là nơi chuẩn bị hành trang để sinh viên có thể thích nghi với mọi lĩnh vực nghề nghiệp mà họ theo đuổi sau khi ra trường, chị Thủy mong rằng mỗi sinh viên Fulbright đều sẽ thay đổi ngành học ít nhất hai lần.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI – Bộ Công thương), mỗi năm cả nước có 38% sinh viên mới ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, 60% làm trái ngành. Chị nghĩ sao về những số liệu này?
Câu chuyện sinh viên ra trường làm đúng ngành hay trái ngành không phải là câu chuyện mới. Ngay từ thời của chúng tôi, mọi người khi mới ra trường có thể bắt đầu làm việc tại một cơ quan đúng với ngành học của mình, nhưng cũng sẽ chỉ dừng ở đó trong một thời gian ngắn rồi chuyển sang công việc khác. Đôi khi, không phải vì người ta muốn thay đổi mà bởi hoàn cảnh buộc họ phải tìm thêm một nơi có khả năng phát triển hoặc mức lương cao hơn. Bản thân tôi cũng là một người làm việc trái ngành. Tôi học Sư phạm Ngoại ngữ nhưng sau đó lại làm trong lĩnh vực đầu tư, ngân hàng, tài chính và bây giờ là giáo dục.
Thế nên, quay trở lại với câu hỏi của bạn, tôi cho rằng đây là lúc mà xã hội cần định nghĩa lại khái niệm “trái ngành”. Chúng ta đã nói rất nhiều về thế giới trước mắt, một thế giới bất định và không ngừng thay đổi. Có những ngành sẽ biến mất nhưng cũng có những ngành sẽ xuất hiện trong tương lai. Chưa kể, bản thân một ngành sẽ liên tục cập nhật trong thực tế, đến khi các em ra trường thì những kiến thức được học cũng đã có phần lạc hậu rồi. Khái niệm “trái ngành” có lẽ sẽ không còn đúng với cách mà chúng ta vẫn hiểu từ trước đến nay nữa. Cái chính là làm sao để sinh viên ra trường có thể thích nghi với nhiều ngành nghề, hoặc nếu phải tiếp cận với kiến thức mới thì cũng không gặp nhiều cản trở.
Nếu vậy, các trường đại học sẽ phải làm gì để giúp học sinh, sinh viên chuẩn bị khả năng thích ứng trước sự thay đổi liên tục của bối cảnh thời đại?
Thực ra đây không phải là vấn đề của riêng trường đại học mà còn cần nhìn lại cả hệ thống trung học phổ thông, nhất là câu chuyện “trường chuyên, lớp chọn”. Học sinh chuyên có xu hướng học rất sâu một số môn và bỏ đi một số môn nhất định. Điều này dẫn đến khái niệm “học lệch” và rồi sau đó các em chỉ có thể lựa chọn ngành học dựa trên môn chuyên chứ không có cơ hội khám phá nhiều lĩnh vực khác nhau để tìm ra thứ thực sự phù hợp với mình. Hơn nữa, sinh viên chỉ mới 18 tuổi mà bắt các em phải biết được mình muốn làm gì trong tương lai để đăng ký chọn ngành, như vậy là đang đặt lên vai các em một gánh nặng và những rủi ro mà thực ra các em không kiểm soát được. Nhiều khi còn do bố mẹ muốn các em học ngành đó chứ không phải mong muốn thật sự của các em.
Quay trở lại với trường đại học, tôi không thể nói rằng các trường hãy đi theo mô hình giáo dục khai phóng. Điều này rất khó và cũng có phần cực đoan. Cái tôi mong muốn là kể cả khi học sinh đã đăng ký chuyên ngành, nhà trường cũng không nên giới hạn nội dung giảng dạy trong các môn chuyên ngành mà cần tạo điều kiện để các em có cơ hội học chéo môn của những ngành khác mà các em quan tâm. Việc này có thể giúp các em mở rộng kiến thức và phát huy tính tò mò. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là giúp các em linh hoạt trong cách học và nắm bắt được kỹ năng tự học. Bên cạnh đó, cần trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng có thể chuyển đổi giữa ngành này và ngành khác.
Nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, giáo dục Việt Nam hiện nay cũng đang có những bước chuyển mình, dù âm thầm và chưa thấy được kết quả rõ rệt. Các trường đã cố gắng tiếp cận với xu hướng của thế giới và đang dần mở rộng theo hướng liên ngành, đa ngành, tạo điều kiện để sinh viên có những kiến thức và kỹ năng đa dạng, bổ trợ lẫn nhau.
Ông bà ta vẫn nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Nếu đẩy mạnh đào tạo theo chiều rộng, liệu có gây ra hạn chế trong việc phát triển nghề nghiệp chuyên sâu của các bạn sau này?
Quan niệm của ông bà ngày xưa nói về skill based (kỹ năng/tay nghề) và knowledge based (kiến thức) của một chuyên ngành. Nhưng rõ ràng, lúc nãy chúng ta đã nói đến một thế giới bất định và môi trường làm việc liên tục thay đổi. Bản thân ngành nghề cũng không hề đứng yên. Giờ đây, giáo dục cần trang bị cho sinh viên competency based (năng lực) và transferable skills (kỹ năng có thể chuyển đổi liên ngành) – những năng lực cốt lõi mà bất kì ngành nào cũng cần như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng tư duy…
Hơn nữa, thực tế cho thấy, cơ quan, tổ chức nào cũng có một chương trình đào tạo cho nhân viên mới. Ngay cả những nhân viên học đúng chuyên ngành cũng chưa chắc đã thành thạo những kỹ năng cụ thể mà tổ chức đó cần ngay từ đầu. Công ty có thể trang bị kỹ năng cứng và kiến thức nghề nghiệp chuyên sâu cho các bạn, thế nên, nhà trường phải là nơi trang bị cho các bạn tất cả những kỹ năng còn lại – cách bạn lắng nghe, cách bạn hợp tác, cách bạn đặt câu hỏi… Tại Fulbright, chúng tôi ưu tiên giúp cho sinh viên phát triển cách nghĩ, cách học và cuối cùng là cách sống.
Xem thêm
• [ELLE Voice] Đặc quyền của tuổi trẻ
• Lê Hà Trúc: Tuổi trẻ hãy sống hết mình, dũng cảm trong tình yêu
• 8 cuốn sách hay dành cho tuổi trẻ đầy trăn trở
Bên cạnh việc trang bị các kỹ năng trên, nhà trường còn có thể làm gì để giúp các bạn xác định được nghề nghiệp phù hợp với mình?
Nhà trường có thể tạo điều kiện để các bạn có cơ hội khám phá, tìm hiểu và tự phát hiện ra thứ mình thích, mình cảm thấy phù hợp. Ví dụ như ở đại học Fulbright, các bạn có 2 năm học trải rộng rất nhiều môn, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, khoa học nhân văn, nghệ thuật và kỹ thuật. Và thường thì trong khoảng thời gian 2 năm đó, các bạn sẽ biết mình thích ngành gì. Bên cạnh đó, các bạn cũng có nhiều cơ hội thực tập. Ví dụ như năm thứ nhất thực tập ở công ty công nghệ, năm thứ hai thực tập ở một tổ chức xã hội, năm thứ ba thực tập ở một tổ chức bán hàng tiêu dùng. Thông qua đó, các bạn có thể xác định bản thân phù hợp với công việc nào. Tôi muốn các bạn trong 4 năm học ở đại học Fulbright có thể thay đổi lựa chọn ngành nghề của mình từ 2 đến 3 lần, bởi vì điều đó chứng tỏ các bạn đã thử rất nhiều thứ và cân nhắc rất kỹ.
Tại Fulbright, xu hướng chọn ngành học của sinh viên thay đổi như thế nào trong những năm qua?
Một điều rất rõ và khiến tôi khá ngạc nhiên là có nhiều bạn chọn những ngành không phải “thời thượng” (theo định nghĩa ở Việt Nam) như Việt Nam học, lịch sử, tâm lý, nghệ thuật, văn học… và rất nghiêm túc, cam kết với lựa chọn của mình.
Nói về ngành “thời thượng”, việc phần lớn sinh viên tập trung vào một vài nhóm ngành có thể gây mất cân bằng về nhu cầu việc làm, trong khi đó, có những nhóm ngành thiết thực nhưng luôn thiếu nhân lực như ẩm thực, nông nghiệp, kỹ sư, thợ cơ khí, thợ thủ công… Theo chị, có cách nào để cải thiện tình trạng này hay không?
Điều này đòi hỏi sự kết hợp của cả chính phủ và xã hội. Bởi vì thứ nhất, chính sách đào tạo nghề hiện nay của nước ta còn rất yếu; thứ hai là xã hội vẫn nghĩ rằng “không đậu đại học mới phải đi học nghề”. Trong khi đó, nếu được đào tạo nghiêm túc và đúng đắn trong 2 đến 3 năm, bạn có thể dễ dàng tìm được việc làm sau khi ra trường, thậm chí có khi lương còn cao hơn so với bằng đại học. Có một tín hiệu thú vị là Gen Z không còn quá quan trọng chuyện bằng cấp như các thế hệ trước. Các bạn cởi mở hơn và sẵn sàng làm những công việc “không chính quy” như làm đầu bếp, làm nông, trồng hoa… Các bạn không những cá tính hơn, dám quyết định cho cuộc đời mình mà còn quan tâm đến mục đích sống. Nếu thế hệ trước chỉ cần đi làm, kiếm tiền là đủ thì thế hệ này còn tự hỏi rằng công việc này có ý nghĩa như thế nào, nó có mang lại hạnh phúc cho mình hay những người xung quanh không…
Theo chị thì sinh viên nên chọn ngành mà mình thích mặc dù có khả năng cạnh tranh cao và cơ hội nghề nghiệp không nhiều, hay chọn một ngành dễ tìm việc dù bản thân không thích lắm?
Tôi vẫn nghĩ rằng các bạn có cơ hội để làm cả hai. Giả sử bạn làm một công việc mà bản thân không thích lắm nhưng lại kiếm được rất nhiều tiền, thì khoảng 3-4 năm sau, khi bạn cảm thấy chán vì không tìm thấy ý nghĩa trong công việc đó, bạn vẫn có thể chuyển sang làm công việc khác. Hoặc ngược lại, bạn có thể bắt đầu với thứ mình thích nhưng đến một lúc, bạn cảm thấy công việc quá vất vả mà thu nhập lại chẳng bao nhiêu, bạn cũng có thể dành ra 3-4 năm để làm một việc khác làm ra nhiều tiền hơn. Tất nhiên, nếu có thể làm việc mình thích mà đồng thời cũng tạo ra thu nhập thì quá tốt, nhưng nếu không thì cũng đừng nghĩ rằng phải chọn cái này và bỏ cái kia. Cuộc đời rất dài và nó cho mình cơ hội làm được nhiều thứ hơn các bạn nghĩ đấy.
Với chị, đâu là yếu tố cốt lõi tạo nên một quá trình học tập hiệu quả để khi tự học, các bạn cũng vẫn có thể thành công?
Quan trọng nhất là các bạn phải duy trì được tính tò mò. Còn tò mò nghĩa là còn khả năng sáng tạo. Khi tò mò về một vấn đề gì đó, bạn sẽ tự nảy sinh mong muốn khám phá, tìm hiểu, rồi bạn sẽ tự chọn ra cách tiếp cận kiến thức phù hợp với mình, ví dụ như đọc sách hoặc lên mạng tra cứu thông tin. Đó chính là cốt lõi của tự học.
Xem thêm
• 22 điều bạn nên làm ở những năm tháng tuổi trẻ để có thể sống một cuộc đời không hối tiếc
• Tuổi trẻ của Châu Bùi – “Không sai, đừng cúi đầu”
• Chính những lời bào chữa sau đã ngăn bạn tận hưởng trọn vẹn tuổi trẻ của mình
Gần đây, có nhiều dự đoán rằng công nghệ kỹ thuật số và AI sẽ tước đi một số cơ hội việc làm trong tương lai. Theo chị, sinh viên nên chuẩn bị gì ngay từ trên ghế nhà trường để đối mặt với tình huống đó?
Đó là lý do vì sao giáo dục nên tập trung vào kỹ năng mềm và kỹ năng chuyển đổi. Bởi vì các kỹ năng cứng thì AI và robot có thể làm được, nhưng các kỹ năng liên quan đến con người như kỹ năng nói chuyện, kỹ năng thấu cảm, kỹ năng chia sẻ, hợp tác… thì AI không thể bắt chước được. Ví dụ như trong tương lai, AI có thể viết hợp đồng giỏi hơn luật sư vì nó có data và có thể học soạn thảo rất nhanh. Thế nhưng, để ngồi xuống với thân chủ, lắng nghe, trao đổi và hiểu được hoàn cảnh của họ, từ đó viết ra một hợp đồng riêng biệt thì chỉ có con người mới làm được. Khả năng thấu cảm cũng là một trong những điều cần phải đào tạo cho học sinh.
Thấu cảm và thích nghi linh hoạt là những đặc trưng của triết lý giáo dục khai phóng mà Fulbright đang theo đuổi. Tại sao ngay từ rất là sớm, chị đã nhận ra tầm quan trọng của giáo dục khai phóng?
Bởi vì ở Việt Nam thời điểm đó chưa có mô hình giáo dục này. Tôi chọn con đường này không phải với tâm thế tạo ra mô hình giáo dục duy nhất cho Việt Nam mà chỉ nghĩ rằng nó sẽ phù hợp với một số sinh viên nhất định. Tôi không biết mô hình này sẽ tốt hơn hay xấu hơn, có thể nó tốt với một số bạn nhưng sẽ không tốt đối với một số bạn khác. Quan trọng là các bạn có nhiều hơn một lựa chọn và biết đâu các bạn sẽ cảm thấy nó phù hợp với mình.
Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.
Bài & Ảnh: Đoàn Trúc
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE