[ELLE Voice] Thùy Bùi: “Đam mê đi liền với hạnh phúc”
Chị Bùi Thị Thu Thùy (Thùy Bùi) hiện đang là Giám đốc đại diện tại Việt Nam của thương hiệu vải Acacia Fabrics. Được mệnh danh là “người đam mê vải”, có thể nói, Thùy Bùi là một trong những người hiếm hoi có kiến thức chuyên sâu về vải nội ngoại thất tại Việt Nam. Tuy nhiên, chị không bắt đầu từ niềm yêu thích dành cho lĩnh vực này.
Trước khi bén duyên với vải, Thùy Bùi đã liên tục trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Vốn bỏ dở việc học tại trường Cao đẳng Marketing vì cảm thấy thiếu kinh nghiệm thực tế, chị bước vào lĩnh vực kinh doanh rất sớm, từ thiết kế quà Tết cho doanh nghiệp, kinh doanh quần áo, mở dịch vụ thuê xe cho người Hàn Quốc cho đến kinh doanh bất động sản cho thuê. Trong quá trình đó, chị liên tục bổ sung thêm kiến thức thông qua các khóa học ngắn hạn như kế toán thực hành, quản trị kinh doanh, xuất nhập khẩu, tốc ký, thư ký giám đốc, luật kinh tế… Đến khi Acacia Fabrics tìm đến, chị mới thực sự dừng chân.
Liên tục thay đổi công việc, có phải vì chị không xác định được điều mình thực sự mong muốn?
Đúng vậy. Cứ mỗi lần trải nghiệm, tôi lại cảm thấy đó chưa phải là đam mê thật sự của mình. Vì vậy nên tôi chẳng biết dừng chân là gì, cứ thay đổi liên tục cho đến khi tìm được công việc mà mình yêu thích.
Và đó là công việc hiện tại của chị?
Thực ra, khi bắt đầu, tôi hoàn toàn không có ý niệm hay một chút hiểu biết nào về lĩnh vực này. Thời điểm đó, đây là lĩnh vực còn rất mới mẻ ở thị trường Việt Nam, hiếm ai có kiến thức chuẩn về vải nội ngoại thất. Tôi từng trăn trở, mất ngủ nhiều đêm. Có những lúc mày mò đến 2-3 giờ sáng, tôi bật khóc, tự hỏi vì sao mình lại chọn một ngành khó như vậy. Rồi có những lúc công ty gặp khó khăn hay thị trường không được trong sạch, tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, bất mãn và gần như muốn bỏ cuộc.
Vậy tại sao chị không từ bỏ công việc này như những công việc trước đó? Điều gì khiến chị tiếp tục?
Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng, “thôi mình lỡ chọn rồi, cứ thử xem thế nào, không thể bỏ cuộc dễ dàng như vậy được”. Tôi bắt đầu định hướng lại, đi tìm hiểu, học hỏi từ bạn bè trong ngành xây dựng, từng chút một, tôi bắt đầu cảm thấy lĩnh vực này rất hay và yêu thích nó lúc nào không biết. Đến khoảng 4, 5 năm sau, tôi nhận ra đây thực sự là đam mê mà mình đang tìm kiếm. Đương nhiên, ai cũng đi làm vì tiền, nhưng công việc này cho tôi nhiều giá trị hơn thế. Tôi có một mục tiêu và từ đó cũng tìm thấy con đường dành riêng cho mình. Các đồng nghiệp trên thế giới gọi tôi là “người đam mê vải”. Tôi dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu các thông số kỹ thuật của vải, thường xuyên ghé thăm những triển lãm về vải trong các chuyến công tác nước ngoài rồi dần lấn sân sang lĩnh vực trang trí nội thất vải.
Khi chưa tìm thấy công việc này, chị có thường đặt câu hỏi rằng “đam mê của mình là gì” không?
Có chứ. Nhiều lúc tôi tự hỏi: “Tại sao mình đã làm rất nhiều việc mà vẫn chưa tìm được lý tưởng của mình. Trong khi bạn bè đã đến đích rồi mà mình vẫn còn lông bông thế này?”. Năm 28 tuổi, tôi vẫn chưa biết mình thích gì. Năm 32 tuổi, tôi mới xác định rằng mình thích công việc này và cho tới năm 35 tuổi, nó mới thực sự trở thành đam mê.
Làm việc với tâm thế có và không có đam mê khác nhau như thế nào?
Khác nhiều lắm. Trước kia, tôi chỉ làm việc vì thứ nhất là mình có khả năng, thứ hai là có tiền, chứ không nghĩ rằng mình sẽ đào sâu hoặc đi xa hơn với nó. Xong việc thì về, có tiền thì đi du lịch, như vậy là đủ. Còn với một việc mà mình yêu thích, mình sẽ có trách nhiệm nhiều hơn, chủ động và tự giác hơn. Nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Ví dụ, tôi rất yêu quý và trân trọng vải. Tôi sẽ giữ lại vải thừa và nghĩ xem có thể tái sử dụng vào những việc nào khác chứ không vứt đi, vì tôi dành tình cảm đặc biệt cho chúng. Có những việc cần phải làm, tôi có thể suy nghĩ suốt đêm cho đến khi tìm ra hướng giải quyết. Nếu không có đam mê, chắc tôi sẽ không bị công việc ám ảnh và mang chúng vào cả giấc mơ như vậy.
Xem thêm
• [ELLE Voice] Đừng theo đuổi đam mê, hãy phát triển nó
• [ELLE Voice] Bùi Việt Hà: “Quan trọng hơn cả đam mê chính là thái độ với công việc”
• 12 câu nói truyền động lực của sao Hàn giúp bạn yêu đời hơn
Theo chị, đam mê có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời mỗi người?
Đối với tôi, đam mê đi liền với hạnh phúc. Vì khi được làm việc, tôi cảm thấy rất vui. Tôi yêu công việc và các sản phẩm của mình. Nó giống như thứ gì đó chảy trong máu thịt của mình, nếu không suy nghĩ về nó 1-2 ngày là tôi không chịu được. Điều này khiến cho tôi có động lực để cố gắng, cải thiện và sáng tạo hơn. Càng tìm hiểu sâu, tôi càng thấy kiến thức thật rộng. Những kiến thức này không phổ biến ở Việt Nam. Thế nên, tôi có ước mơ sẽ hỗ trợ và chia sẻ những gì mình học được cho người khác, từ nhân viên, khách hàng cho đến các trường đại học. Con người không có đam mê thì vẫn sống và làm việc được, nhưng hạnh phúc cho những ai tìm thấy đam mê, vì họ sẽ thấy cuộc đời này đáng sống hơn, thậm chí có thể chia sẻ đam mê cho những người khác.
Vậy đam mê với sở thích có giống nhau không?
Khác nhau. Sở thích có thể thay đổi, nhưng đam mê thì không. Sở thích có thể dễ tìm thấy, nhưng đam mê thì cần nhiều thời gian hơn để xác định. Khi bạn đam mê một cái gì đó, bạn sẽ phải nghiên cứu, tìm tòi rất kỹ và không ngừng học hỏi để nâng cao hiểu biết về nó.
Khi bắt đầu một công việc, đam mê đến trước hay nhu cầu đến trước?
Với tôi thì nhu cầu đến trước. Nhu cầu sẽ gắn với mục đích, ví dụ như để trang trải cuộc sống, khẳng định giá trị hay đơn giản chỉ là trải nghiệm. Sau một thời gian, có thể mình sẽ tìm thấy đam mê trong công việc đó. Cho dù bạn có sớm tìm thấy đam mê nhưng nếu không có điều kiện kinh tế, đó cũng chỉ là ước mơ mà thôi.
Điều gì tạo nên thành công cho một công việc nếu nó không dựa trên nền tảng là sự yêu thích hay đam mê, theo chị?
Đó là tinh thần trách nhiệm.
Chị có lời khuyên nào cho những bạn chưa tìm thấy đam mê của mình không?
Nếu bạn chưa tìm thấy đam mê ở thời điểm hiện tại thì cũng không sao cả. Trong mỗi con người đều có đam mê, chỉ là chưa đến thời điểm họ khám phá ra đam mê của mình mà thôi. Tuy nhiên, bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn để đón nhận những thử thách mới. Khi thử những điều mới, biết đâu bạn sẽ phát hiện ra đam mê, nếu không, bạn cũng có thêm vốn liếng cho con đường sự nghiệp sau này.
Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.
Bài: Đoàn Trúc
Hình ảnh: NVCC
Minh họa: Dương Dương
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE