Ngô Thái Uyên vs. Lê Anh Thơ – Để biết yêu cái đẹp
NTK Ngô Thái Uyên, người đã tạo được phong cách riêng hơn 15 năm nay, khi đối thoại cùng Lê Anh Thơ – Giám đốc các dự án Nghệ thuật và Sáng tạo của Hội đồng Anh tại Việt Nam – nhận định: “Tư duy là cốt lõi của mọi vấn đề”.
Ngô Thái Uyên (NTU): Gặp Thơ vào thời điểm này Uyên nhớ những ngày bọn mình ở Anh quá! Được thưởng thức cái Đẹp từ bảo tàng đến sàn diễn thời trang, được hít thở không gian làm việc của dân sáng tạo, được nhìn quy trình tạo ra cái Đẹp ở khoảng cách gần. Quá nhiều thông tin thú vị, bổ ích khiến não bộ xử lý không kịp nên bị… đơ, lơ lửng mất 2 tuần! (Cười)
Uyên nghĩ dân sáng tạo cần những khóa học, hội thảo, qua đó tiếp cận được những mô hình, quy trình đang góp phần tạo nên ngành công nghiệp sáng tạo.
Lê Anh Thơ (LAT): Thơ có nhiều dịp quay lại Anh và luôn dành thời gian tham quan các bảo tàng. Lúc nào cũng thấy một nhóm học sinh sao chép tác phẩm chúng thích hoặc say mê ngắm nghía. Bảo tàng là nơi tiếp cận cái Đẹp dễ dàng nhất, trẻ con được học để biết thế nào là đẹp, tự tư duy trên sự phong phú của thực tế và kiến thức cơ bản trong sách vở.
NTU: Từ chỗ không bị áp đặt, trẻ con phát triển mà không bị hạn chế tư duy và được tự do phát huy khả năng sáng tạo, đồng thời không mặc cảm về những chuyện do cấu trúc cơ thể như thuận tay trái, vẽ không đẹp, chân ngắn…
LAT: Đúng quá! Tư duy mới là cốt lõi của mọi vấn đề. Việc hiện thực hóa ý tưởng đã có người khác lo,bởi vậy xã hội mới có phân công lao động. Thực tế cho thấy không phải ai cũng thích hoặc hiểu tác phẩm của các danh họa nổi tiếng thế giới nhưng chúng luôn được định giá rất cao.
Chắc chắn chúng được nhìn nhận không chỉ ở một vài yếu tố về kỹ thuật mà chủ yếu ở tư duy của tác giả và người xem. Để hiểu phải có kiến thức.Tư duy có thể khác nhau, không có cái nào hơn cái nào nhưng sự sáng tạo là khác biệt và chính điều đó tạo nên sự thú vị cho đời sống.
NTU: Nếu rập khuôn, đơn giản, một màu thì làm gì còn sáng tạo? Nghề sáng tạo hơn thua nhau ở chỗ tạo nên sự khác biệt xuất phát từ dám nghĩ dám làm những điều khác người. Còn công chúng cũng cần tư duy, cần có kiến thức để biết giá trị thẩm mỹ, để yêu cái đẹp không cảm tính. Bởi vậy, trẻ con rất cần được đào tạo từ bé để khi lớn lên chúng sẽ có đủ trình độ để hiểu, cảm và yêu cái Đẹp xung quanh.
LAT: Đó là lý do ngành công nghiệp sáng tạo tại vương quốc Anh là ngành chủ chốt và vẫn tăng trưởng đều trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hiện tại, ở Anh và châu Âu mọi người gọi là ngành kinh tế sáng tạo. Thơ đọc đâu đó rằng nhờ những hình ảnh sáng tạo, doanh số son môi bán ra của một hãng mỹ phẩm lớn vẫn tăng cao dù kinh tế sa sút.
NTU: Hợp lý mà! Kinh tế càng đi xuống, ta càng cần những giá trị giúp mình thoát khỏi đời sống thực tại. Khi bị căng thẳng, Uyên thường mua sắm, lúc đó mình chỉ quan tâm đến hình thức. Để khách hàng chịu móc ví, sản phẩm càng phải đa dạng về chủng loại, tinh tế về thẩm mỹ, mẫu mã phải bắt mắt. Đó là công việc và trách nhiệm của người làm sáng tạo.
Bài: An Hội – Ảnh Trọng Đức – Stylist Hoàng Yến – Trang phục Ly Boutique