[ELLE Voice] Đội cứu hộ Sasa – Tình yêu với đại dương

Đăng ngày:

thành lập từ năm 2017, trung tâm cứu hộ sinh vật biển Sasa là một tổ chức phi lợi nhuận, được hình thành từ những trái tim có cùng một sứ mệnh chung: khắc phục những thiệt hại con người gây ra cho biển và bảo vệ những điều kỳ diệu của đại dương.

Các bạn có thể chia sẻ về Sasa team không? Điều gì đã gắn kết các bạn với nhau và bền vững đến hiện tại?

Tình yêu với đại dương là chất keo mạnh nhất gắn bó tất cả chúng tôi. Cũng có người đam mê thể thao lặn biển, có người thực hành và nghiên cứu khoa học, nhưng tất cả chúng tôi đều muốn được làm việc và cống hiến cho đại đương.

đội cứu hộ sasa bảo vệ đại dương

SaSa được đặt theo tên của chú cá heo đã mất mà anh Chiến Lê – người sáng lập trung tâm – cứu hộ vào tháng 6/2018.

Một tổ chức hoạt động độc lập về môi trường biển có lẽ phải trải qua nhiều khó khăn mới có thể duy trì lâu dài. Những trăn trở và các kế hoạch của nhóm trong tương lai là gì?

Là một tổ chức hoạt động độc lập về môi trường biển nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện làm việc, trang thiết bị, con người cũng như tài chính. Đây là một công việc rất phức tạp. Từ việc cứu hộ rùa biển, cá heo, cá voi đòi hỏi rất nhiều kiến thức về sinh vật biển, thú y, thuốc men và sinh thái học của từng loài; đến việc cứu hộ, tái tạo rạn san hô, thảm cỏ biển đều đòi hỏi không chỉ những kỹ năng cứng như bơi, lặn, thi công dưới nước mà còn phải có kiến thức chuyên sâu về hải dương học và sinh vật học đại dương. Với chúng tôi mọi khó khăn đều như nhau, chỉ là bước đệm để chúng tôi vượt qua. Kế hoạch lâu dài của team là thành lập 10 trạm cứu hộ biển tại các khu bảo tồn biển tại Việt Nam, song song là xây dựng các trung tâm giáo dục về môi trường biển không chỉ tại các khu bảo tồn mà còn tại các thành phố ven biển. Tất nhiên mục tiêu cao nhất vẫn là bảo tồn và tái tạo các rạn san hô tại Việt Nam.

tình yêu đại dương

Các bạn có thể chia sẻ về ý nghĩa thông điệp của chiến dịch mới nhất không?

Chiến dịch mới của chúng tôi là một thử thách nói không với nhựa dùng một lần trong 7 ngày, với 1.000 người tham gia chúng tôi sẽ trồng 1.000 cành san hô. Người tham gia có thể đặt tên cho cành san hô đó và sẽ được cập nhật về tình trạng, hình ảnh của san hô hàng tháng. Chúng tôi muốn thông qua chiến dịch này gây dựng sự kết nối của con người với đại dương, nhắn nhủ các bạn rằng từng việc nhỏ nhất đều có tác động đến môi trường biển. Và chừng nào các bạn còn sử dụng nhựa dùng một lần thì công việc tái tạo không chỉ của chúng tôi mà còn của tất cả các tổ chức trên thế giới không thể thành công được.

Môi trường biển bị tổn hại một phần nguyên do là từ ý thức dân địa phương, khách du lịch… Chúng ta không thể cứ mãi dọn trong khi người khác vẫn cứ xả rác. Những hoạt động mà nhóm Sasa từng thực hiện đã ảnh hưởng đến nhận thức người dân như thế nào trong suốt những năm qua?

Môi trường biển là một đề tài vô cùng rộng, với tác động của con người, các rạn san hô của chúng ta bị đe dọa nghiêm trọng. 99% các rạn san hô viền của Việt Nam nằm trong báo động đỏ về sự thoái hóa. Vấn đề không phải là dọn và xả, chúng tôi hướng đến sự lan tỏa cộng đồng, nâng cao nhận thức chung và xây dựng kết nối chặt chẽ hơn với tự nhiên. Trong những năm tháng hoạt động, chúng tôi đã có một mạng lưới tình nguyện viên khắp miền Trung và các đảo tại Việt Nam. Nhiều người địa phương đã trở thành thành viên của Sasa. Với Sasa, các nghiên cứu và thực nghiệm của chúng tôi có thể giúp từng người một trở thành những người tái tạo rạn san hô.

đội cứu hộ đại dương

Công việc tình nguyện viên chiếm nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và điều này có ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của mỗi thành viên trong nhóm không?

Với chúng tôi đây không phải là công việc tình nguyện, đây là công việc chính, là sự nghiệp cũng như là đam mê lớn nhất của chúng tôi. Mọi việc khác đều là việc phụ. Có những người đêm đi phục vụ bàn, sáng và chiều ra biển nghiên cứu, thực hành khoa học. Có những người đi làm cật lực 6 tháng để cống hiến 6 tháng cho đại dương. Nghe thì có vẻ vô thực nhưng đại dương luôn cho chúng tôi câu trả lời. Và thêm nữa các thành viên của Sasa luôn sống với nhau như một gia đình, luôn chăm sóc và hỗ trợ nhau lúc cần thiết. Ví dụ những người có khả năng tài chính sẽ hỗ trợ những người làm khoa học, nghiên cứu. Những người làm khoa học sẽ chia sẻ hướng dẫn, tập huấn và cung cấp giải pháp cũng như đề tài nghiên cứu cho anh em…

Nhóm thực hiện

Bài: H.Ton

Ảnh: Sasa Team 

Nguồn: Phái đẹp ELLE 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more