Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Voice] DOP Nguyễn Phan Linh Đan: “Tôi cố chấp với tính nữ trong mình”

Là cô gái hiếm hoi chọn dấn thân vào câu lạc bộ “cánh mày râu” của làng điện ảnh, DOP Nguyễn Phan Linh Đan lại càng trân quý tính nữ trong mình.

Câu lạc bộ cánh mày râu” là một cách ví von về nghề đạo diễn hình ảnh (DOP/cinematographer), bởi lĩnh vực này gần như vắng bóng phụ nữ. Đây là thực trạng đang diễn ra trong ngành điện ảnh toàn cầu. Vậy nhưng, từ Việt Nam, có một cô gái đã quyết định dấn thân vào sân chơi nhiều thách thức ấy. Đó là Nguyễn Phan Linh Đan, nữ DOP nuôi một ý chí và khát vọng lớn lao ẩn giấu trong vẻ ngoài nhỏ bé.

Linh Đan sớm nhận ra niềm đam mê với nghệ thuật thị giác, bắt đầu từ những bộ phim hoạt hình thuở nhỏ đến chiếc máy ảnh tuổi thiếu thời. Trong những năm theo học ngành phim tại New York University (NYU) – Tisch School of the Arts, cô xác định được vị trí mình thuộc về là phía sau chiếc máy quay. Từng bước, Linh Đan theo đuổi sự nghiệp của một đạo diễn hình ảnh. Ở tuổi 20, cô từng phải vượt qua nhiều trở lực từ gia đình, trường lớp và xã hội để đứng vững với lựa chọn của mình. “Ngay cả thầy chủ nhiệm lớp quay phim tại trường đại học cũng không khuyến khích tôi theo nghiệp này”, cô kể lại. Khó khăn tôi rèn nghị lực, sau nhiều năm cố gắng, Linh Đan đã gặt hái được những thành tựu điện ảnh đáng kể trong nước và quốc tế.

DOP Nguyễn Phan Linh Đan và tính nữ trong lĩnh vực bản thân
Nguyễn Phan Linh Đan: “Tôi cố chấp với tính nữ trong mình”

Từ khi nào Linh Đan nhận ra điện ảnh chính là phương thức kể chuyện toàn diện và phù hợp nhất với mình?

Từ khi mới lớn, tôi đã nhận ra mình thích dùng hình ảnh kể chuyện hơn câu chữ. Tôi trưởng thành cùng 3 thứ tiếng (Việt, Pháp, Anh), vậy mà vẫn có lúc thấy thiếu từ ngữ để diễn tả trọn vẹn cảm xúc. Trong khi đó, ngôn ngữ hình ảnh không có biên giới, giúp kể ra được những tâm tư khó nói thành lời. Giữa nhiều loại phương tiện giao tiếp, tôi thấy đây là phương tiện phù hợp với mình nhất. Còn nhớ lúc nhỏ, tôi được một người quen của gia đình cho xem phim Spirited Away của Ghibli bản tiếng Nhật. Tôi chỉ hiểu bập bõm nội dung, còn lại phải tự tưởng tượng ra toàn bộ thoại phim trong tâm trí. Dù gặp rào cản ngôn ngữ, nhưng chính tác phẩm này đã truyền cảm hứng để tôi muốn làm việc trong ngành điện ảnh.

Linh Đan có thời gian khá dài học tập và làm việc tại nước ngoài, tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế như Cannes và Busan. Những trải nghiệm này có ảnh hưởng gì lên tầm nhìn sáng tạo của bạn?

Tôi thấy rằng, khi nhắc đến Việt Nam, bạn bè quốc tế thường nghĩ ngay tới chiến tranh. Tôi mong có thể góp phần bổ sung vào góc nhìn đó, đưa những hình ảnh khác của Việt Nam ra thế giới. Ngoài việc là người Việt Nam, tôi cũng là người châu Á, cụ thể hơn là Đông Nam Á. Nếu có cơ hội, tôi muốn làm việc cùng những nhà làm phim khác trong khu vực, triển khai các dự án mang tiếng nói chung. Khi liên kết lại, chúng ta có thể tạo ra cơ hội phát triển xuyên biên giới tốt hơn cho tất cả mọi người.

Nguyễn Phan Linh Đan nữ DOP của điện ảnh việt
Ảnh: Dân Việt

Ngành điện ảnh rộng lớn có muôn vàn lối rẽ, tại sao bạn lại chọn DOP chứ không phải con đường nào khác?

Tôi trở thành DOP cũng do cái duyên đưa đẩy. Ban đầu, tôi chọn học ngành phim hoạt hình chứ không phải quay phim. Đến giờ tôi vẫn yêu phim hoạt hình, nhưng phải chấp nhận là mình không đủ kiên nhẫn để vẽ từng khung hình tỉ mỉ. Sau đó, tôi nhận ra công việc của một DOP về bản chất cũng giống như một người họa sĩ. Khi quay phim, tôi cũng đang “vẽ tranh”, phải làm chủ được khung hình và ánh sáng. Điểm khác biệt là, so với ảnh tĩnh, ánh sáng của điện ảnh có yếu tố thời gian, có sự chuyển động và nhịp điệu để tạo ra cảm xúc. Sự thay đổi về ánh sáng sẽ thay đổi sự chú ý của khán giả. Thử thách lớn nhất và cũng thú vị nhất của công việc DOP là chỉ được dùng hình ảnh để kể chuyện. Tôi có niềm đam mê đó, nhờ vậy mà tôi mới có thể quyết tâm theo đuổi công việc dù nhiều khó khăn.

Theo Linh Đan, khó khăn lớn nhất đối với phụ nữ muốn theo nghề DOP là gì?

Về bản chất sáng tạo, công việc DOP không phân giới tính. Thế nhưng, do định kiến xã hội lâu đời, phụ nữ ít được trao cơ hội và khuyến khích theo nghề. Tôi nghĩ, khó khăn lớn nhất là chứng minh bản thân để giành lấy cơ hội đầu tiên. Bạn phải sẵn sàng bị từ chối khoảng 10 lần thì mới được “qua cửa” (cười).

Khách quan mà nói, môi trường làm việc khắc nghiệt của nghề DOP đúng là không dễ dàng với phụ nữ. Cái dễ thấy nhất là thiệt thòi về hình thể. Tôi từng phải mang bốt cao gót, chạy liên tục hàng giờ đồng hồ trên trường quay, bất chấp đau mỏi chỉ để tự tin hơn trước các đồng nghiệp cao lớn. Hầu hết thiết bị hỗ trợ việc quay phim đều được tạo ra cho hình thể đàn ông. Ngoài ra, vì tính chất đặc thù của công việc, còn nhiều khó khăn khác cản bước một DOP nữ. Bạn phải chắc chắn mình có đam mê và quyết tâm mạnh mẽ mới vượt qua được những trở ngại này. Nếu không, tôi phải nói thật rằng bạn sẽ rất khổ.

Nhưng chắc hẳn phụ nữ vẫn có những lợi thế trong nghề. Như bạn nói, về bản chất sáng tạo, công việc này không hề phân giới tính.

Đúng vậy. Nếu có cơ hội làm nghề, nhà sáng tạo nữ cũng kể chuyện bằng hình ảnh tốt không kém các đồng nghiệp nam. Lợi thế của phụ nữ là khả năng quan sát tinh tế và tỉ mỉ. Hơn nữa, sự dịu dàng tự nhiên cũng là một điểm mạnh, giúp chúng ta kết nối với mọi người tốt hơn. Cá nhân tôi luôn cố gắng không to tiếng khi làm việc. Mọi người từng nói tôi hiền quá, sẽ khó điều hành buổi quay. Nhưng càng làm việc lâu ở sân chơi trội tính nam này, tôi càng cố chấp với tính nữ trong mình.

điện ảnh DOP nữ Việt Nam Nguyễn Phan Linh Đan
Ảnh: Báo Phụ Nữ

Linh Đan có nghĩ việc bổ sung tính nữ sẽ giúp một sản phẩm sáng tạo được cân bằng và gần với hiện thực hơn?

Tôi đồng ý! Có thêm góc nhìn và tiếng nói của phụ nữ, câu chuyện điện ảnh sẽ trọn vẹn, cân bằng, thực tế hơn. Phụ nữ có thể đưa vào khung hình những cảm xúc rất đặc trưng và riêng tư. Nhớ khi quay phim Cô Gái Từ Quá Khứ, vì có sự đồng cảm, tôi mới khắc họa được nội tâm một người phụ nữ đang tưởng tượng ra nhân cách khác của mình. Bộ phim của nhà sáng tạo nữ đã truyền cảm hứng cho tôi là Lost in Translation. Tính nữ trong phim được khắc họa rất tinh tế mà lại gần gũi với đời thường nên tạo cho khán giả sự tin tưởng.

Thời đi học tại NYU, bạn là cô gái duy nhất trong lớp quay phim căn bản. Ngành điện ảnh toàn cầu xưa nay luôn thiếu DOP nữ. Những năm gần đây, bạn thấy tình hình có chuyển biến không?

Khi chuyển hướng sang học quay phim, tôi càng hiểu rõ định kiến giới trong nghề này. Thầy chủ nhiệm lớp lúc ấy rất khắt khe với sinh viên nữ, thậm chí không cho tôi cơ hội đứng máy. Thế nhưng, có một sự thật thú vị là NYU đã đào tạo ra khá nhiều nữ DOP thành danh. Trong đó có nữ DOP đầu tiên được đề cử Oscar cho hạng mục đạo diễn hình ảnh cách đây vài năm (Rachel Morrison). Chắc là càng chông gai thì người ta càng nỗ lực chứng tỏ mình! Tôi không nắm được toàn cảnh nghề, nhưng từ quan sát cá nhân, tôi thấy tình trạng chênh lệch giới tính cũng đang được cải thiện.

Vậy với trải nghiệm riêng của Linh Đan thì sao? Được biết, mới năm ngoái bạn vẫn không được phép ngồi lên hộp ống kính trong trường quay vì lý do kiêng kị…

Hiện tại tôi được ngồi rồi (cười). Chuyện nhỏ thôi nhưng tôi vui lắm vì cuối cùng cũng được ngồi trên hộp ống kính như các anh khác trong tổ quay phim. Ngày mới về nước, tôi là một nhân tố lạ trong nghề. Xưa nay, mọi người không quen với hình ảnh một cô gái mang vác máy quay. Hồi đầu, mỗi khi tôi cầm máy lên là các anh sẽ ào ào chạy ra đỡ cùng, giờ thì hết rồi. Những thay đổi nhỏ xíu như thế với tôi còn có ý nghĩa hơn cả thắng giải. Nhờ chúng, tôi thêm tin là mình đã lựa chọn đúng và nỗ lực của mình có ý nghĩa thực tế. Ít nhất, từ nay trở đi, việc một cô gái cầm máy quay hay đi thuê thiết bị quay phim cho đoàn cũng không còn là xa lạ nữa.

Cảm ơn Linh Đan đã chia sẻ cùng ELLE Việt Nam!

Nhóm thực hiện

Bài: Hải Âu

Minh họa: Thanh Ngân

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)