Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Voice] “Dù có chọn lại, tôi vẫn chọn ngành y”

"Không phải tất cả các siêu anh hùng đều mặc áo choàng" - Dean Cain.

câu chuyện của nhân viên y tê trong đai dịch Covid

ELLE kết nối với Phương Linh khi chị vừa tan ca làm về phòng trọ và kết thúc cuộc trò chuyện với các con qua điện thoại. Mắt chị còn hơi hoe đỏ. Tôi đoán chị đã phải kìm nén cảm xúc bởi chị đã xa nhà mấy tháng nay dù chỉ cách nhau vài cây số. Công tác tại Viện Tim TP.HCM, chị là một trong số những nhân viên y tế tuyến đầu đang ngày đêm góp sức giúp thành phố vượt qua cơn bạo bệnh. Chia sẻ câu chuyện của mình với ELLE, chị không cho rằng mình đang hy sinh vì bất kỳ điều gì. Đơn giản, chị chỉ đang là một nhân viên bình thường gắn bó với nghề và đang hết sức làm tất cả những gì có thể để hoàn thành công việc của mình. Khoảng thời gian này vô cùng đặc biệt, vì chị phải xa gia đình, cận kề với nguy cơ nhiễm bệnh nhưng ngược lại, nó cũng mang lại cho chị những bài học lớn lao về cuộc sống, vốn dĩ quá vô thường.

Trong vai trò là một điều dưỡng, có lẽ khó khăn càng tăng lên gấp bội tại thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng. Chị có thể chia sẻ đôi chút về những khó khăn mà chị và đồng nghiệp đã, đang trải qua?

Tôi công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu Nội tim mạch Viện Tim TP.HCM với nhiệm vụ là một điều dưỡng. Có lẽ không chỉ mình Viện Tim, mà tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế trong thời điểm đại dịch diễn biến phức tạp đều gặp muôn trùng khó khăn. Khi các cơ sở điều trị COVID-19 quá tải, viện chúng tôi bắt đầu tiếp nhận cấp cứu các bệnh nhân COVID-19 có bệnh lý nền về tim mạch. Bệnh nhân khá đông nên các nhân viên y tế tuy được huấn luyện rất nghiêm ngặt về quy trình khử khuẩn và bảo hộ nhưng vẫn không tránh khỏi lây nhiễm chéo trong quá trình tiếp xúc. Dịch kéo dài và ngày càng phức tạp, bác sĩ, nhân viên y tế khi phơi nhiễm đều phải cách ly ở một khu riêng trong khoảng thời gian quy định dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự và tăng thêm áp lực cho các nhân viên còn lại. Tuy vậy, chúng tôi cũng cố gắng thu xếp ổn thỏa để quy trình điều trị cho bệnh nhân luôn được liên tục và tốt nhất có thể.

y tế câu chuyện của nhân viên điều dưỡng

Đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm nhưng vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ, tâm lý có phải là một trở ngại lớn của các nhân viên y tế và điều dưỡng không?

Có lẽ, các đồng nghiệp công tác tại các bệnh viện, cơ sở chuyên điều trị cho bệnh nhân COVID-19 sẽ gặp áp lực lớn hơn nhiều. Có những người, nhất là còn trẻ tuổi đã phải chịu những cú sốc lớn trong đời mà có thể sẽ ám ảnh họ cho đến mãi sau này. Ở Viện Tim, số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 không nhiều và được điều trị ở một khu riêng biệt. Dĩ nhiên, nhân viên y tế vẫn luôn đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao, nhất là trong thời điểm đỉnh dịch. Nhưng đối với chúng tôi, đó không phải là vấn đề lớn, bởi chúng tôi đều nắm được thông tin và tiêm vaccine đầy đủ. Chúng tôi cũng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho những điều xấu nhất.

Hằng ngày, việc phải chứng kiến những mất mát đau lòng là không thể tránh khỏi. Nhưng, đây cũng là một phần của công việc, một trải nghiệm không mong muốn mà cuộc đời làm nhân viên y tế đều phải trải qua. Sau cùng, chúng tôi đều phải xốc lại tinh thần, tiếp tục công việc mà cho dù thế nào cũng phải hoàn thành. Điều chúng tôi có thể làm được cho mình, là tự bảo vệ bản thân tránh trở thành nguồn lây nhiễm cho người nhà, đồng nghiệp và các bệnh nhân khác.

Các đồng nghiệp nơi chị công tác đã động viên và giúp đỡ nhau cùng vượt qua như thế nào?

Chúng tôi trao đổi liên tục. Nếu như có ai gặp phải ca nhiễm, người đó sẽ ngay lập tức báo cáo lại cho cấp trên và đồng nghiệp để điều chỉnh, sắp xếp, chỉ một người được ở lại chăm sóc bệnh nhân, các nhân viên còn lại ở vòng ngoài hỗ trợ thuốc men và các thứ cần thiết khác. Sau mỗi ca trực, chúng tôi đều cùng nhau đánh giá tình hình, chia sẻ kinh nghiệm đã gặp phải để các đồng nghiệp không phạm phải những sai lầm đó và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong viện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên động viên nhau, nhất là đối với những người đang phải cách ly hoặc xa gia đình. Vào những lúc này, khi gia đình là nguồn động viên từ xa thì đồng nghiệp trở thành những người bạn quan trọng, luôn ở bên cạnh, đồng cảm, thấu hiểu và cùng nhau vượt qua.

Điều trăn trở nhất của chị đối với gia đình khoảng thời gian này là gì? Chị làm sao để điều chỉnh và cân bằng cảm xúc của mình?

Phần lớn các nhân viên ở viện đều là có gia đình. Điều mà chúng tôi trăn trở và lo ngại nhất là bản thân có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho các thành viên trong nhà. Dù đã được tiêm vaccine đủ liều, bất kỳ ai cũng có khả năng trở thành người lành mang trùng và lây nhiễm cho người khác, nhất là người có bệnh nền, người già và trẻ em. Để giảm thiểu nguy cơ, bệnh viện có cơ chế cho nhân viên được ở lại, hoặc chúng tôi có thể chọn ở riêng tại khách sạn hay nhà trọ. Dịch càng kéo dài thì thời gian xa gia đình càng lâu. Đã mấy tháng rồi, tôi chỉ có thể nói chuyện với chồng con qua điện thoại. May mắn hơn các đồng nghiệp có con còn nhỏ, hai con trai của tôi cũng đã lớn, có thể tự học online, lại có bà nội và ba chăm sóc từng bữa cơm nên yên tâm phần nào. Nhưng đôi lúc, tôi không ngăn được nỗi nhớ con, muốn được hít hà mùi quen thuộc của chúng, được chuẩn bị món ăn chúng thích, được dạy chúng học. Hồi đầu vì nhớ quá, tôi từ bệnh viện về nhà, nhưng không dám vào trong mà chỉ đứng ngoài nhìn vào. Chồng tôi mở hé cửa, mẹ chồng và các con thì đứng ở cầu thang nhìn ra, vẫy tay chào nhau. Tưởng gần vậy mà hóa ra xa quá. Cảnh này chắc tôi không thể nào quên được.

Công tác tại bệnh viện nhiều năm, từng chứng kiến nhiều sự ra đi vì bệnh tật nhưng chưa bao giờ, chúng tôi nhận thấy lằn ranh giữa sự sống và cái chết lại mong manh đến thế. Nỗi đau của người ra đi nhân thêm nỗi đau cho người ở lại. Có những lúc lau vội nước mắt nhưng phải giữ tâm trạng bình thản để bệnh nhân và người nhà của họ cảm thấy tích cực hơn mà yên tâm điều trị.

Sau giờ làm việc về đến nhà trọ, cả cơ thể và tinh thần đều mệt rã rời, chúng tôi sẽ đối mặt với nỗi cô đơn và nhớ nhà. Tuy nhiên, nỗi lo lắng đã giảm hơn khi các thành viên trong gia đình lần lượt được tiêm vaccine đầy đủ. Cả nhà cũng không để tôi phải một mình mà thường xuyên gọi điện hỏi han động viên, để tôi được giải tỏa những cảm xúc đã phải kìm nén trong suốt một ngày. Tình yêu thương của mọi người giúp chúng tôi có thêm sức mạnh để trở lại với công việc và vượt qua những cảm xúc tiêu cực.

y tế Phương Linh công tác tại viện tim

Có lúc nào chị cảm thấy nản lòng mà muốn rời bỏ công việc không?

Nếu nói không nản thì chắc là nói dối, nhất là khi dịch bệnh nguy hiểm, phải liên tục chứng kiến nỗi đau và sự mất mát quanh mình. Nhưng để đến nỗi bỏ việc thì không. Đây là thời điểm cả nước kỳ vọng vào ngành y tế. Công tác trong ngành này, chúng tôi không cho đó là sự hy sinh mà là trách nhiệm của mình. Đã là công việc, là trách nhiệm thì phải hoàn thành dù có thế nào đi nữa.

Nếu được chọn lại, tôi có chọn ngành này không ư? Chắc chắn là có, bởi vì cả cuộc đời, tôi chỉ biết mỗi nghề này, nó khiến cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn. Tính đến nay, cũng không hẳn là nhiều, tôi đã gắn bó với ngành điều dưỡng được 20 năm. Bao nhiêu khó khăn, vui buồn đan xen nhưng sau cùng, cái nghề này và tôi vẫn đồng hành cùng nhau và tôi nghĩ rằng, sẽ tiếp tục cho đến khi tôi không thể nữa.

Chị sẽ làm gì đầu tiên khi Sài Gòn hết dịch và chị được trở về nhà?

Tôi, đồng nghiệp và có lẽ tất cả mọi người đã luôn mong chờ ngày này mau đến. Khi bệnh viện không còn F0, tôi sẽ chạy ngay về nhà, tắm rửa sạch sẽ và ôm các con thật chặt. Đứa lớn vừa vào cấp 3, đứa nhỏ vẫn học cấp 2 nhưng với tôi chúng còn nhỏ lắm. Tôi sẽ ôm chúng thật lâu và cảm giác rằng, tôi sẽ không muốn rời xa chúng thêm giây phút nào nữa.

Quả thật không điều gì có thể diễn tả được nỗi nhớ của một người mẹ xa con. Sau đại dịch này, chị có nghĩ rằng mình sẽ thay đổi nhiều so với trước đây?

Sống chậm và yêu thương nhiều hơn. Trân quý hơn những thứ mình đang có. Tôi đã chứng kiến quá nhiều mất mát nên cảm thấy may mắn khi bản thân và gia đình mình vẫn còn mạnh khỏe, các thành viên trong nhà đã thấu hiểu và cảm thông với nhau nhiều hơn. Tôi nghĩ sau đợt dịch này, mọi người sẽ thay đổi thói quen đó là giữ khoảng cách khi gặp nhau và đảm bảo an toàn vệ sinh. Khoảng cách về vật lý thôi, chứ trái tim thì vẫn gần nhau, phải không?

Nhóm thực hiện

Bài: Hương Tôn Ảnh: NVCC Nguồn: Tập chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)