[ELLE Voice] Stacy Do – Đam mê thôi chưa đủ

Đăng ngày:

Những chia sẻ của Stacy Do, Trưởng phòng Technology – Transformation của công ty tuyển dụng Robert Walter giúp độc giả ELLE có góc nhìn đa chiều hơn về một công việc lý tưởng trong mảng công nghệ.

Công nghệ đang trở thành một trong những ngành nghề “hot” nhất tại Việt Nam trong những năm gần đây và sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Do đó, nhu cầu của các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực này ngày càng tăng, đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh giữa các ứng viên ở những vị trí cấp cao cũng khắc nghiệt không kém. Những chia sẻ của Stacy Do, Trưởng phòng Technology – Transformation của công ty tuyển dụng Robert Walter giúp độc giả ELLE có góc nhìn đa chiều hơn về một công việc lý tưởng trong mảng công nghệ.

Là một nhà tuyển dụng, Stacy chắc không lạ gì với từ “dream job” (thường được gọi là công việc trong mơ hay công việc lý tưởng). Stacy có thể chia sẻ góc nhìn của mình về định nghĩa “dream job”?

Từ phía tôi, một công việc lý tưởng có lẽ hội đủ năm yếu tố. Thứ nhất, đó nên là một công việc mà bạn yêu thích và có ý nghĩa với bạn, và từ đó tạo ra những giá trị giúp ích cho xã hội, cộng đồng. Chẳng hạn trong lĩnh vực công nghệ, nhiều người tỏ ra rất hứng thú với công việc Chăm sóc sức khỏe (Healthcare Technology). Thứ hai, công việc đó phải phù hợp với những kiến thức và kỹ năng mà bạn có. Thí dụ như một bạn có năng lực với Digital Product sẽ thích hợp để theo đuổi công việc phát triển sản phẩm số (Digital Product Development). Yếu tố thứ ba theo tôi rất quan trọng đó là người quản lý trực tiếp của bạn phải có khả năng lãnh đạo và tầm nhìn rộng. Các ứng viên thường hay chia sẻ với tôi rằng họ rất quan tâm đến việc có thể học hỏi nhiều từ sếp của mình. Yếu tố tiếp theo quan trọng không kém đó là văn hóa công sở và đội ngũ mà bạn sẽ làm việc cùng. Một team năng động, minh bạch, có đam mê với công việc và hỗ trợ nhau được đa số các ứng viên ưu tiên hơn.

Yếu tố sau đó, tôi cho rằng đó là cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Đa phần mọi người làm việc trong mảng công nghệ rất sáng tạo. Họ luôn tìm kiếm cái mới và không ngừng phát triển bản thân nên sẽ không tham gia vào những công ty mà họ không thấy rõ tương lai hay không thể học hỏi được thêm. Và cuối cùng, tất nhiên là lương bổng.

công việc và đam mê

“Follow your passion” dường như là lời khuyên phổ biến nhất từ trước đến nay. Theo Stacy, chỉ cần có “passion” (đam mê) là đủ hay một công việc lý tưởng không nhất thiết phải có “passion”?

Tôi cho rằng nếu chỉ có đam mê (passion) thôi thì không đủ để cấu thành một công việc lý tưởng. Tất nhiên, nó được xem là một yếu tố quan trọng để tạo nên thành công nhưng trên thực tế, nó cần nhiều hơn thế nữa. Khi tôi chia sẻ với các ứng viên, mọi người đều cho rằng “passion” rất quan trọng. Bởi nếu như bạn chỉ đi làm vì tiền lương mà không yêu thích công việc, bạn sẽ dần mất đi sự gắn kết với công việc và không còn động lực để phát triển bản thân. Tôi đồng ý với điều đó.

Mặt khác, đam mê có thể đến sau chứ không nhất thiết phải có ngay lập tức. Chẳng hạn như có một số ứng viên nhận việc mà họ chưa thật sự mặn mà, nhưng sau thời gian thử việc, họ học hỏi được nhiều thứ và nhận ra được giá trị cũng như ý nghĩa công việc họ đang làm, từ đó tăng thêm hứng thú, đam mê được hình thành. Rất nhiều người có kinh nghiệm làm việc lâu năm, thậm chí làm vị trí quản lý đôi khi vẫn không biết được mục đích họ đối với công việc hiện tại là gì. Hơn nữa, nó còn thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời.

công việc và định hướng tương lai

Stacy hãy cho biết thêm về thị trường công việc thuộc lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam hiện nay. Đó có phải là một trong những “Top dream jobs”?

Thật ra, tôi không dám nói công nghệ là một trong những nghề hot nhất Việt Nam, bởi như vậy thì hơi thiên vị quá. Nhưng gần đây, câu nói tôi nghe được nhiều nhất là “Technology is future”. Điều này cũng tương đối rõ ràng bởi đây là thời đại công nghệ 4.0, hay còn gọi là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nó sẽ tác động tới tất cả mọi khía cạnh và mọi người trên thế giới. Bên cạnh đó, nhiều người quan tâm đến ngành này nhiều bởi mức lương hấp dẫn, có thể cao gấp 3, 4 lần so với mặt bằng chung lương tại Việt Nam. Thật không quá ngạc nhiên khi mức lương cao ngất ngưởng này lại thu hút rất nhiều sự chú ý của những người thuộc mảng khác.

Các bạn mới ra trường từng theo học ngành nghề không mấy liên quan, nếu muốn cũng có thể chuyển hướng sang lĩnh vực này. Chẳng hạn như bạn từng học về Kinh tế, Tài chính nếu muốn dấn thân sang Công nghệ có thể bắt đầu bằng vị trí Business Analyst (Chuyên viên phân tích nghiệp vụ) hoặc Data Analyst (Chuyên viên phân tích dữ liệu). Ở hai vị trí này, bạn có thể được đào tạo, huấn luyện bởi những người đi trước nhiều kinh nghiệm. Với những vị trí khác, bạn hoàn toàn có thể đăng ký học những khóa học ngắn hạn và tự tìm hiểu thêm. Song, bạn cần có sự hứng thú nhất định và sự kiên nhẫn, dám đương đầu thử thách để thay đổi và kiên trì theo đuổi một ngành nghề hoàn toàn mới. Tất nhiên, các công ty công nghệ mà bạn muốn ứng tuyển cũng cần sẵn sàng mở lòng để đón nhận “những đứa con ngoại đạo” và cam kết đào tạo, bồi dưỡng thêm cho bạn.

Cũng có thể nói, công nghệ là một trong những chủ đề nóng hổi nhất trên thị trường nói chung, bởi nó đi theo sự “số hóa” của hàng loạt công ty, thậm chí cả những công ty truyền thống như bất động sản… Sự chuyển đổi đó kéo theo nhu cầu về nhân sự tăng lên bởi suy cho cùng, nhân sự chính là một trong những mấu chốt mang đến sự thành công của cả doanh nghiệp.

công việc những điều cần thiết khi phỏng vấn

Theo Stacy, khoảng 5-10 năm tới, những công việc nào trong lĩnh vực công nghệ sẽ trở thành xu hướng mới?

10 năm thì hơi xa, nhưng những nghề này hiện đang hot và vẫn sẽ bùng nổ trong vài năm tới, đó là Application & Development, Digital Product & UX, Cloud Infrastructure va Big Data. Trong đó những kỹ năng thuộc về MIC Data các công ty chắc chắn sẽ cần, nhất là hai vị trí Data Analyst và Data Scientist (Chuyên viên Khoa học dữ liệu).

Nguồn nhân lực ở những vị trí nhân sự cấp cao trong lĩnh vực Technology tại Việt Nam hiện tại ra sao? Mức độ cạnh tranh giữa nhân sự trong nước và nhân sự từ nước ngoài về như thế nào?

Tất nhiên sẽ có một sự chênh lệch nhất định. Vì đặc thù của ngành nghề, thông thường các công ty công nghệ lớn có yêu cầu rất khắt khe, họ ưu tiên những ứng viên có background từ chuyên viên có tay nghề giỏi đi lên. Ở Việt Nam cũng có nhiều người giỏi nhưng những người đã có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, nhất là từng được mài giũa qua môi trường khắc nghiệt từ những tên tuổi lớn sẽ dễ dàng tạo được sự chú ý từ phía tuyển dụng hơn.

công việc ngành công nghệ

Để có thể ứng tuyển thành công một công việc lý tưởng thuộc ngành Công nghệ, ứng viên cần hội đủ những yếu tố nào?

Theo tôi, yếu tố đầu tiên quan trọng nhưng lại không được nhiều người quan tâm, đó là hồ sơ ứng viên (CV). Một ngày nhà tuyển dụng có thể phải đọc và sàng lọc hàng chục bộ hồ sơ, vì vậy bạn phải biết cách để hồ sơ của bạn ấn tượng nhất, thể hiện được những ưu thế, điểm mạnh của bạn. Tại Việt Nam, lỗi thường gặp là trong CV, các bạn có xu hướng liệt kê các trách nhiệm hay những việc phải làm mỗi ngày, thay vì viết ra những thành tựu bạn đã đạt được. Lưu ý rằng những thành tựu này không chỉ được kể ra chung chung, mà phải chi tiết bằng con số, dữ liệu, thời gian biểu nhất định.

Tiếp theo, để chuẩn bị cho vòng phỏng vấn, bạn cần tìm hiểu thông tin về công ty bạn ứng tuyển, thông tin về những người sẽ quản lý bạn càng nhiều càng tốt. Hãy vận dụng hết kỹ năng “research” vốn có, kể cả cần phải sử dụng các mối quan hệ xung quanh… Nếu được, bạn cũng có thể gọi điện trực tiếp đến phòng Nhân sự của công ty để hỏi thêm thông tin. Một sự chuẩn bị tốt bao giờ cũng có cơ hội cao hơn.

Nhóm thực hiện

Bài: Hương T

Ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more