Đàn ông làm việc nhà là một chuyện rất đỗi bình thường. Bình thường đến mức không ai trong số chúng tôi lại đem nó ra kể trong lúc trà dư tửu hậu. Nếu tôi kể, sẽ chẳng ai trong số đám bạn bè của tôi hưởng ứng hoặc tán dương, vì với chúng tôi, đó là một việc hết sức bình thường chẳng có gì đáng để khoe.
Vậy nhưng, gần đây tôi thấy rất ngạc nhiên khi những chuyện như vậy xuất hiện với tần suất dày đặc trên mạng xã hội, trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh cãi. Thậm chí trở thành mạch dẫn chuyện trong các video clip quảng cáo, kiểu như một ông ngồi đần thối nhìn vợ nấu nướng trong bếp, minh họa bằng câu “80% đàn ông Việt Nam vẫn tin rằng bếp núc là chuyện của phụ nữ…”. Thật là một ý tưởng tồi tệ, nghèo nàn và cũ kỹ. Nói gì thì nói, rửa bát là một công việc mà không người đàn ông nào thích cả. Chẳng phải tự nhiên mà một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của văn hóa Hy Lạp cổ đại – Discobolus – lại mô tả một ông lực sĩ thân hình vạm vỡ, mặt mày tập trung cao độ, đang khom mình vào tư thế để chuẩn bị ném cái đĩa đi.
Với một người đàn ông thì có nhiều lý do để làm việc nhà. Đối với tôi, làm việc nhà là một cách để kiểm soát được không gian sống của mình, và tối ưu hóa nó. Tôi hâm mộ những ngôi sao nhạc rock, những người cực kỳ khắt khe trong việc đưa yêu cầu về hậu kỳ cho ban tổ chức. Ví dụ như Don Henley, tay trống kiêm ca sĩ của nhóm The Eagles, khi đi lưu diễn ông ta yêu cầu ban tổ chức không để bất cứ ai không có liên quan đến việc biểu diễn và sản xuất đi vào khu vực hậu trường, vì điều đó có thể làm cho ông ta thấy bất an, dẫn đến việc mất hứng thú biểu diễn. Nghe thì có vẻ khắt khe, nhưng không quá đáng một chút nào, vì hậu trường là nơi người nghệ sĩ lớn trú ẩn, lấy lại cân bằng cho bản thân, tái tạo năng lượng trước khi đối diện với ánh đèn sân khấu và hàng chục nghìn khán giả phấn khích, hò hét.
BÀI LIÊN QUAN
Tôi đồng ý với quan điểm đó của họ. Đối với tôi, ngôi nhà, không gian sống cũng là một thứ hậu trường, và vì không có ban tổ chức, tự tôi phải làm công việc dọn dẹp, sắp xếp và duy trì cái hậu trường ấy, để khai thác tối đa hiệu quả của nó. Tôi rất không đồng ý với những quý ông thường xuyên về nhà muộn trong trạng thái say xỉn, cởi quần áo, giày tất vứt lung tung rồi bò lên đi-văng nằm ngủ. Đấy là cách người ta sinh hoạt khi ở cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà trọ, chứ không phải ở nhà của mình.
Để cho cái hậu trường của mình luôn chuẩn chỉnh, tôi luôn giữ hai thói quen đơn giản: Một là biết cái gì để ở đâu. Hai là thấy cái gì không đúng ở chỗ nào thì phải đưa về đúng chỗ của nó. Thói quen thứ nhất giúp tôi có thể định vị và tìm bất cứ thứ gì tôi muốn. Thói quen thứ hai rèn cho tôi tính tự giác khi làm việc nhà, vì tôi xác định rằng một đống bát đĩa bẩn, cũng như một chậu quần áo chưa giặt, có thể phá hỏng hứng thú của tôi nếu tôi bỗng nhiên nhìn thấy chúng trong lúc đang chuẩn bị ngồi vào laptop để chạy theo một cảm hứng bất chợt.
Quên mất từ nãy đến giờ tôi ít nhắc đến vợ tôi, trong khi nhẽ ra ở mọi cuộc tranh luận về đề tài làm việc nhà thì đều phải có đủ hai vai vợ – chồng. Không phải vì tôi ngại tranh luận, mà là vì như tôi đã nói ở đầu bài viết – đây là một việc rất đỗi bình thường, nên nói về nó như một thứ mà tự nhiên chúng ta đã phải làm, không phải một thứ đao to búa lớn kiểu như san sẻ trách nhiệm cho nhau. Suy ra cho cùng, với tư cách một người trưởng thành, bạn còn nhiều việc quan trọng hơn để san sẻ trách nhiệm, đúng không?
—
Xem thêm:
Là một cặp vợ chồng trẻ, bạn cần lưu ý điều gì khi đi mua căn hộ chung cư?
Xúc động với hình ảnh cặp vợ chồng cùng chống chọi với bệnh ung thư
Nhóm thực hiện
Bài: Phạm Nguyên Hải Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE