[ELLE Voice] Dr. Pepper – Hãy xây một khu vườn tâm trí thật đẹp

Đăng ngày:

[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 12/2018] Mạng xã hội vốn không phải là điều tiêu cực trong cuộc sống. Chỉ có chúng ta biến chúng trở nên phức tạp hơn.

Hiện nay, mạng xã hội là công cụ giao tiếp, giải trí gần như không thể thiếu đối với mỗi người nhưng cũng gây ra không ít vấn đề cho cuộc sống của chúng ta. Theo chị, mạng xã hội thường tác động đến đời sống, tâm lý và sức khỏe con người như thế nào?

Vừa rồi, Đại học UCLA ở Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu về sự thay đổi của não và hormone khi chúng ta sử dụng mạng xã hội. Kết quả cho thấy chúng ta thực sự bị ảnh hưởng trên nhiều phương diện. Chỉ cần sử dụng mạng xã hội, xem tivi hoặc đọc thông tin trên internet 10 phút mỗi ngày, liên tục trong 1 tuần, não của chúng ta đã có khả năng thay đổi hướng phát triển, cụ thể là thay đổi hướng suy nghĩ. Bản thân mỗi người có thể tự nhận biết thông qua “nhịp tập trung” của mình. 10 năm trước, nhịp tập trung của con người có thể lên đến 12 phút/lần. Còn bây giờ, theo nghiên cứu mới nhất, nhịp tập trung của chúng ta chỉ còn 5 giây/lần thôi.

Bên cạnh “nhịp tập trung”, hoạt động tiết hormone của cơ thể cũng có nhiều thay đổi, ví dụ như hormone oxytocin – một trong những hormone tạo ra niềm tin, sự mạnh mẽ, tình yêu thương, cảm giác hạnh phúc, xây dựng mối liên kết… Hormone này chỉ có thể tiết ra khi chúng ta mặt đối mặt, tay chạm tay, nhìn nhau bằng ánh mắt, nói chuyện, tương tác trực tiếp với nhau; khi chúng ta chạm vào những chiếc lá, vào nước, vào cát… Các nghiên cứu cho thấy, khi chúng ta online liên tục trong 5 tiếng đồng hồ hay một ngày phải kiểm tra email đến 30, 40 lần, oxytocin sẽ không tiết ra nữa, thay vào đó, hormone gây stress sẽ được tiết ra nhiều hơn. Khi chúng ta đọc phải những tin tức tiêu cực hoặc đơn giản là thấy một người mình không thích đăng ảnh đẹp, đi chơi sung sướng, trong lòng mình nảy sinh cảm giác ghen tị… thì cơ thể sẽ tiết ra chất này. Nó gây ảnh hưởng rất nhiều về mặt tâm lý và thể chất, tạo ra những suy nghĩ tiêu cực, mất tập trung, dễ hiểu lầm và có cái nhìn sai lệch về cuộc sống.

mạng xã hội 1

Những ảnh hưởng về mặt tâm lý đó đã dẫn đến những thay đổi trong đời sống thật như thế nào?

Công bằng mà nói, mạng xã hội có thể tạo ra sự kết nối rộng lớn. Chúng ta có thêm nhiều bạn mới, tìm lại được những người bạn đã lâu không gặp. Chúng ta có thêm người chia sẻ, có thêm lời khuyên. Chúng ta có thêm kênh giải trí và dễ dàng tiếp cận với thông tin, kiến thức… Mạng xã hội có thể làm cho bạn tự tin hơn, nhận được nhiều sự quan tâm hơn, nhất là khi bạn là người nhút nhát, không dám kết nối, không dám liên hệ trực tiếp với người khác. Tuy nhiên, dần dần, bạn chỉ tự tin trên mạng xã hội mà lại mất đi sự tự tin trong cuộc sống thật. Về mặt bệnh lý tâm lý, chúng ta gần như không nhận ra mình đang ở đâu, với ai. Chúng ta sẽ đánh mất nhiều khoảnh khắc trong cuộc sống với những người quan trọng. Sự tương tác giữa mình và người đối diện giảm hẳn chất lượng. Bạn cộc tính hơn, thiếu tập trung, giảm trí nhớ; sự chịu đựng đối với con người và hoàn cảnh kém dần đi; khả năng tư duy hay xử lý tình huống không còn nhanh nhạy… Tất cả những điều đó chính là lời cảnh báo đầu tiên để bạn biết mình đang bị lệ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội. Nếu không thay đổi, các mối quan hệ sẽ đổ vỡ từ từ và hậu quả thực tế là chính bản thân các bạn sẽ cảm thấy tổn thương, mất mát, chơi vơi. Thật ra, mạng xã hội không chủ động tác động hay thay đổi đời sống, tâm lý, sức khỏe của bạn. Bạn lấy gì và không nên lấy gì, mục đích sử dụng mạng xã hội của bạn là gì, tất cả đều là lựa chọn của bạn.

mạng xã hội 2

Mạng xã hội không chủ động tác động hay thay đổi đời sống, tâm lý, sức khỏe của bạn. Bạn lấy gì và không nên lấy gì, mục đích sử dụng mạng xã hội của bạn là gì, tất cả đều là lựa chọn của bạn.

Một vấn đề mà những người dùng mạng xã hội thường hay gặp phải là so sánh mình với người khác. Vậy, làm sao để mỗi người, nhất là phụ nữ, luôn là chính mình khi sử dụng mạng xã hội?

Để luôn là chính mình, giữ được lập trường của mình khi sử dụng mạng xã hội, bạn phải biết mục đích sử dụng mạng xã hội của mình là gì. Nếu mục đích của bạn là mang những điều tốt đẹp đến cho bản thân và cho người khác thì cái gì đẹp, mình nhận, cái gì không đẹp, không đúng, mình không nhận. Còn nếu bạn đang cảm thấy không có tự do, cảm thấy quá bị ảnh hưởng bởi người khác, phải chăng là chính bạn đã chọn điều đấy? Phải chăng mục đích của bạn khi sử dụng mạng xã hội là để so sánh, ganh tị; để cảm thấy khó chịu với những gì người khác có, khó chịu vì những điều bạn chưa có? Nếu các bạn nhìn vào những gì người khác có và nghĩ rằng mình sẽ sống thật tốt để một ngày nào đó cũng được như vậy, bạn sẽ thấy mạng xã hội là một nơi rất tuyệt vời.

mạng xã hội 3

Dr. Pepper tên thật là Phan Thị Huyền Trân. Chị là tiến sĩ Tâm lý Trị liệu Hôn nhân, Gia đình; là người sáng lập và giảng viên chính thức của trường Vương quốc Hạnh phúc dành riêng cho phụ nữ. Dr. Pepper được rất nhiều phụ nữ Việt Nam tin tưởng, yêu mến bởi tư duy hiện đại, thẳng thắn cùng lối chia sẻ “mộc”, dễ hiểu và vô cùng hài hước. Những triết lý sâu sắc và kiến thức tâm lý chuyên sâu đều được Dr. Pepper chia sẻ một cách gần gũi để mọi phụ nữ đều cảm nhận được. Các phương pháp trị liệu, bài giảng của Dr. Pepper được thiết kế dựa trên nền tảng tâm lý học hiện đại kết hợp với sự thấu cảm sâu sắc tâm lý phụ nữ Việt Nam nên không lý thuyết, giáo điều, giúp học viên dễ dàng áp dụng và cải thiện chất lượng sống của bản thân.

Theo chị, những thông tin nào nên và không nên đưa lên mạng xã hội để tránh gây ảnh hưởng đến bản thân và người khác?

Thật ra, Pepper nghĩ như thế này, thông tin mình đưa lên, share trên mạng xã hội của mình thì đó phải là những thứ mình thích. Vậy thì, bạn thích cái gì, bạn chia sẻ cái đấy. Hãy cố gắng chia sẻ những điều đẹp đối với bạn và đẹp khi người khác nhìn vào. Đôi khi sẽ có người nghĩ rằng mình khoa trương, nhưng cũng có sao đâu, vì đó là lựa chọn cá nhân mà. Cố gắng làm sao để nhìn dưới góc độ bình an, mình sẽ nhận ra thế giới vẫn chuyển động theo cách của nó, tất cả mọi thứ đều có quy luật, đều hợp lý theo lẽ tự nhiên. Với những tin không mấy tích cực, mình hãy cố gắng suy nghĩ nhiều lần trước khi đăng, để xem nó có thật sự đúng như vậy không, có thật sự chán nản như vậy không. Cuộc đời này nếu không có mạng xã hội thì vẫn có tội phạm, vẫn đầy những rủi ro, vẫn không thiếu những vấn đề trong đối nhân xử thế…Hãy luôn nhớ rằng, nếu tiếp cận những điều tốt, cơ thể sẽ tiết ra hormone hạnh phúc, vui vẻ, ngược lại sẽ là hormone tiêu cực. Bởi vậy, chúng ta hãy đón lấy cái đẹp và biến khu vườn tâm trí của chúng ta thành một nơi thật đẹp.

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ với độc giả của ELLE Việt Nam.

Xem thêm:

6 trang blog du lịch tạo cảm hứng xách ba lô lên đường cho phụ nữ khắp thế giới

Tại sao những người nổi tiếng này lại từ bỏ mạng xã hội?

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc

Ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more