[ELLE Voice] Gap year là đánh đổi thời gian và cơ hội
Gap year vừa là cơ hội tốt để trải nghiệm, vừa là quá trình tuyệt vời để mài giũa tinh thần và thiết kế cuộc đời theo cách mình muốn.
Quỳnh Anh từng có những trải nghiệm Gap year đáng nhớ, bạn có thể chia sẻ với độc giả ELLE?
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi từng đi một chuyến Gap year 3 tháng, qua 5 quốc gia: Nhật, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, và Lào. Tôi đặt tên cho chuyến đi đó là “Hăm hai (22) bụi đời”. Khởi đầu chỉ là một ít tiền dành dụm với niềm mong muốn được “rung lắc cuộc đời”, bằng cách tự quăng mình đến những đất nước khác và xem chuyện gì sẽ xảy ra, sẽ xoay xở ra sao.
Năm đó tôi là một trong 25 sinh viên Việt Nam được chọn tham gia chương trình trao đổi văn hóa tại Nhật (JENESYS – batch Journalism). Tôi cùng các bạn đã có một tuần được trải nghiệm cuộc sống bản địa cùng gia đình Nhật Bản. Quãng thời gian này đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp và mở mang tầm mắt về đất nước mặt trời mọc, cùng với hành trình Fukushima vực dậy sau thảm họa hạt nhân.
Sau khi trở về nhà ăn Tết cùng gia đình 2 ngày, tôi lại mang ba lô lên đường đến các địa điểm tiếp theo. Chông gai, thử thách và trải nghiệm phải xoay xở làm sao để “sống còn” được trong 3 tháng ở đất khách với 1.000 USD bắt đầu từ đây.
Vì chi phí rất ít ỏi mà tham vọng tương đối to lớn, tôi phải tìm mọi cách để có thể cắt giảm hết mức có thể. Một trong những cách để có thể đi lâu và đi xa là tìm các chương trình tình nguyện hoặc các dự án homestay, nơi mình có thể “lao động” và đổi lại sẽ nhận được chỗ ở và thức ăn. Với chiến lược đó, tôi đã dành ra 1 tháng để tình nguyện tại Tiger Temple ở Thái Lan với công việc chăm sóc các bé hổ cùng các loài thú khác, và hướng dẫn đoàn khách du lịch ghé thăm chùa. Sau đó, tôi cũng có một kỷ niệm thú vị khác, đó là một tuần trải nghiệm làm nông dân tại Mindful Farm, Chiang Mai. Đây là nơi mọi người có thể sống cùng gia chủ, ngày ngày làm nông, nấu ăn, thiền và tập yoga.
Quả là một hành trình thú vị, nhưng vì sao khi đó bạn quyết định đi Gap year?
Nhiều anh chị đi trước thường rỉ tai tôi về cuộc sống của người lớn và cái “dilemma” (bi kịch) là: khi còn trẻ, họ muốn đi du lịch trải nghiệm, có năng lượng, sức khỏe nhưng không có tiền và thời gian. Đến khi già rồi, có tiền và thời gian lại không còn năng lượng hay sức khỏe để đi nữa. Những lời tâm sự đó bỗng dưng hình thành trong tôi một nỗi sợ, rằng mình sẽ già đi trong nhàm chán mà không kịp trải nghiệm cuộc sống. Tôi nghĩ Gap year là giải pháp: Trước khi cam kết vào kế hoạch dài hơi, như việc xây dựng sự nghiệp, mình nên tận dụng khoảng thời gian chuyển giao giữa việc đi học và đi làm để làm điều mình thích.
Nhiều người hiểu lầm cứ Gap year là phải đi đâu đó thật xa, thật lâu, phải đi nước ngoài hay phải đi hẳn 1 năm mới là Gap year. Với tôi, du lịch không phải là phương pháp Gap year duy nhất, và thời lượng không nhất thiết phải là 1 năm. Với Gap year, bạn có thể làm bất kỳ điều gì bạn muốn, toàn thời gian, trong bao lâu cũng được, tùy sức mình.
Một lý do nữa khiến tôi hứng thú với Gap year là vì quãng thời gian 4 năm đại học khá trầy trật. Tôi quyết định gom hết tiền tiết kiệm để lên đường như một phần thưởng cho những cố gắng của mình. Tiền thì kiếm lại mấy hồi, nhưng thời cơ thì phải chớp lấy ngay lập tức.
Bạn đã trải qua những khó khăn như thế nào?
Khó khăn lớn nhất với tôi có lẽ là chi phí 1.000 USD. Sống ở Sài Gòn trong 3 tháng cũng đã là vấn đề, huống gì lại còn là đi chơi xa, và là đi một mình. Tôi đã tìm đủ mọi cách để làm sao có thể ăn ở với chi phí thấp nhất, đổi lại là sẽ không được “sang chảnh”, trải nghiệm sẽ không được lung linh, và đôi lúc cũng phải đánh đổi bằng cả sự an toàn.
Khó khăn thứ hai là trong phần lớn chuyến đi, tôi đi một mình. Không có bạn đồng hành, có đôi lúc cũng thấy cô đơn, nhớ nhà và lo sợ. Nhưng tôi để cho bản thân trải nghiệm, tin bản năng sinh tồn sẽ định hướng cho mình vào những lựa chọn đúng đắn. Tôi may mắn gặp rất nhiều người tốt trên đường. Họ giúp đỡ, chia sẻ cùng tôi những kỷ niệm đẹp, và vẫn là bạn cho đến tận bây giờ.
Có lẽ Gap year phải mang ý nghĩa lớn với bạn lắm?
Gap year có lẽ là điều tuyệt vời nhất tôi đã làm được, và là kỷ niệm đẹp nhất của những năm 20 tuổi cho đến giây phút này. Nó thay đổi tôi từ trong ra ngoài, truyền cảm hứng cho rất nhiều “triết lý” mà tôi tự rút ra và theo đuổi đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra, những câu chuyện hấp dẫn có lẽ đã làm tôi trở nên “cool” hơn trong mắt mọi người. Tôi tự nhận thấy bản thân mình thực sự cởi mở (open minded) hơn, và sống hết mình.
Sau chuyến đi, với tôi, giá trị của tiền bé đi và tỷ lệ nghịch với giá trị của trải nghiệm. Câu hỏi quan trọng để mở đầu chuyến đi, hay bất kỳ chuyện gì, không phải là “bạn có những gì”, mà là “bạn có muốn không”. Chỉ cần có mong muốn và niềm tin đủ lớn, cứ buông, cuộc đời sẽ tự mở, hay nói theo tiếng Anh là “watch the world unfold”. Tôi học được bài học đừng quá trông đợi mọi thứ theo ý mình để rồi bực dọc, cáu bẳn hay buồn bã khi chuyện không như ý. Lên kế hoạch bao nhiêu cũng là không đủ vì người tính không bằng trời tính. Thay vào đó, cứ thoải mái thả lỏng và để bản thân đón nhận những bất ngờ.
Gap year đã rất phổ biến ở phương Tây, nhưng còn lạ lẫm ở Việt Nam. Theo bạn vì sao?
Tôi nghĩ có hai lý do chính. Thứ nhất, Gap year vẫn là một cụm từ mới mẻ, mà không phải ai cũng phù hợp. Phong trào Gap year cũng bắt đầu râm ran ở Việt Nam một thời gian ngắn trở lại đây thôi, và không phải nghe xong, thích thì làm ngay được. Chính bản thân tôi khi được truyền cảm hứng về Gap year cũng đã mất khá nhiều thời gian để chuẩn bị sẵn sàng về tư tưởng và tài chính.
Tôi thấy phần lớn các bạn ở Việt Nam vẫn sống cùng ba mẹ, việc phải tự lập, sinh hoạt ở một nơi xa trong thời gian tương đối dài là điều không phổ biến. Đi Gap year khác với đi du lịch thông thường. Để đi được lâu như thế, điều kiện cần không chỉ là chi phí mà còn là ý chí. Bạn phải sẵn sàng lao động, sẵn sàng đối mặt với nhiều điều kiện sống khác nhau, với nhiều người xa lạ.
Thứ hai, Gap year là một sự đánh đổi về thời gian và cơ hội. Nhiều bạn ở Việt Nam bị cuốn vào tư tưởng tốt nghiệp xong phải đi tìm việc ngay, nếu không sẽ chậm chân hơn bạn đồng trang lứa, và nỗi sợ sẽ “thất nghiệp”. Nhưng với tôi, Gap year là một khoảng thời gian cho phép bản thân được trải nghiệm cuộc sống mà mình mong muốn và là hành trình tìm cảm hứng. Chính những trải nghiệm trong Gap year sẽ giúp bạn định hướng tương lai tốt hơn. Tôi không sợ thất nghiệp, chỉ sợ làm sai việc.
Vậy theo bạn, Gap year có thực sự cần thiết cho giới trẻ?
Tôi không cho rằng giới trẻ “cần thiết” phải Gap year, vì như tôi cảm nhận, Gap year không dành cho tất cả mọi người. Gap year có những trải nghiệm hay ho, nhưng cũng đi kèm với những đánh đổi mà không phải ai cũng có thể đáp ứng được. Gap year sẽ là một lựa chọn tồi nếu bạn không giỏi thích nghi và sẽ rất nguy hiểm nếu bạn không chuẩn bị kỹ.
Có sự so sánh nào giữa các bạn trẻ Việt và nước ngoài trong hành trình Gap year không?
Các bạn phương Tây Gap year từ rất sớm. Họ nghĩ Gap year như một lựa chọn tất nhiên và cần thiết. Phần lớn các bạn đều rất quen với việc sống ở một nơi xa xôi, gom cả thế giới trong chiếc ba lô, sống tối giản trong một vài bộ quần áo. Các bạn không ngại va chạm, không ngại hỏi, trong khi tôi nhiều khi vẫn ngại việc phải hỏi người lạ và sợ bị phán xét. So sánh bản thân mình (một người trẻ Việt) với họ, thấy các bạn nhỏ tuổi nhưng rất tự lập, chủ động và năng động. Các bạn ấy không bị bó buộc trong những kế hoạch cuộc đời khuôn mẫu thông thường, mạnh dạn thiết kế cuộc sống một cách sáng tạo, và ưu tiên việc tìm hiểu xem bản thân mình muốn gì lên trên hết. Thay vì sống theo kế hoạch người khác, các bạn ấy chọn Gap year như một tuyên ngôn “tôi đang sống cho bản thân”.
Bài: Q.Hương
Ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE