[ELLE Voice] Hành trình “trở về” của người Việt trẻ

Đăng ngày:

[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 11/2018] ELLE Voice sẽ có hai cuộc trò chuyện với những người Việt trẻ để tìm hiểu thêm về hành trình trở về của họ.

“Cách tốt nhất để giữ chân nhân tài tại bất kỳ quốc gia nào chính là nhân tài phải được nhìn nhận, tưởng thưởng xứng đáng. Để làm được điều đó, cần phải có một hệ thống pháp lý mạnh mẽ, một nền giáo dục tốt và khả năng khởi nghiệp dễ dàng. Không ai muốn từ bỏ nếu họ nhìn thấy cơ hội ngay trên chính quê hương mình” – Barack Obama.

Đó là câu trả lời của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi trò chuyện tại TP.HCM cách đây 2 năm khi được một bạn người Việt trẻ đặt câu hỏi: “Làm sao để Việt Nam không chảy máu chất xám?”. Thời điểm đó, theo số liệu của Bộ Giáo dục & Đào tạo, có khoảng 130.000 công dân Việt Nam đang học tập tại nước ngoài và đến 70% chọn ở lại nước sở tại để học hoặc làm việc tiếp, khiến cho số chất xám “thất thoát” lên đến 87.500 người. Ví dụ đơn giản nhất chính là sân chơi trí thức Đường lên đỉnh Olympia. Trong số 16 nhà vô địch được cấp học bổng du học từ sân chơi này, chỉ có 2 người chọn trở về nước.

người Việt trẻ 1

Giờ đây, mọi người vẫn nói đùa một cách chua chát và mỉa mai rằng đây là chương trình “tuyển nhân tài cho nước Úc”! Chưa kể, bên cạnh số tiền 4 tỷ đô mỗi năm mà nhà nước chi trả cho các học bổng, có đến 90% sinh viên du học theo diện tự túc, khiến tổng số chi phí du học chiếm tới 1% GDP cả nước, gây thiệt hại cả về nhân lực lẫn vật lực cho quốc gia, nhất là trong giai đoạn nỗ lực rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trong khu vực.

Không phải vì không muốn về

Trong nhiều năm qua, “chảy máu chất xám” vẫn là vấn đề gây tranh cãi với hai luồng ý kiến trái chiều. Tất nhiên, trong xu thế hội nhập, người Việt trẻ hướng đến môi trường giáo dục ưu việt hơn là điều cần thiết, nhất là khi hoạt động giáo dục – đào tạo trong nước còn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người. Không chỉ gồm các học sinh đã tốt nghiệp THPT hay nghiên cứu sinh, du học sinh ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều học sinh khá, giỏi đã đi du học ngay từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông hoặc trung học cơ sở. Bên cạnh đó, việc những nhân viên có năng lực và trình độ cao “nhảy” sang nơi có lương cao và chế độ đãi ngộ tốt là một hiện tượng bình thường, xảy ra thường xuyên trong thị trường lao động và là điều kiện không thể thiếu của sự phát triển lành mạnh.

Nhưng điều này sẽ trở thành vấn đề nếu nhiều nhân tài, kể cả các cán bộ được cử đi đào tạo ở nước ngoài hay du học sinh, sau khi tốt nghiệp đều chọn ở lại quốc gia đó. Họ không những đóng thuế cho nước khác, tiêu tiền ở nước khác, thúc đẩy nền kinh tế cho nước khác mà còn sử dụng trình độ, kỹ năng lao động cao của mình để giải quyết các vấn đề của nước khác chứ không phải quê hương mình. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, đối với một số ngành nghề đặc thù như IT, trí tuệ nhân tạo (AI), nghiên cứu khoa học… Việt Nam không chỉ thiếu chuyên gia đầu ngành mà còn thiếu cả cơ sở vật chất, kỹ thuật để phát triển, buộc các cá nhân theo học những ngành này phải lựa chọn làm việc ở các trung tâm nghiên cứu trên thế giới và đóng góp cho nước nhà qua những dự án cá nhân.

người Việt trẻ 2

Thế nhưng, vài năm trở lại đây, có vẻ như tình hình đang trở nên khả quan hơn khi số lượng du học sinh cũng như người Việt trẻ trở về nước lập nghiệp đang tăng dần. Theo tổ chức phi lợi nhuận VietAbroader, nhiều người vẫn mong muốn về Việt Nam để đón đầu cơ hội ở những ngành nghề mới nổi như chuỗi cung ứng, công nghệ, tài chính, giáo dục hoặc khởi nghiệp. Còn Robert Walters – một công ty hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực tư vấn và tuyển dụng nhân sự cấp cao – sau 2 năm triển khai chiến dịch “Come Home Phở Good” đã kết nối với hơn 5.000 nhân sự người Việt ở nước ngoài, trong đó, có 1.200 người chia sẻ mong muốn quay trở về quê hương để làm việc. Không ít cá nhân sau khi quyết định về nước đã xây dựng được sự nghiệp và truyền cảm hứng cho các thế hệ sau, đơn cử như doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang hay Shark Thái Vân Linh…

Ưu thế của người Việt trên đất Việt

Hiện nay, các công ty, tập đoàn lớn ở Việt Nam đang có xu hướng tuyển người Việt trẻ từng sống và du học ở nước ngoài cho các vị trí cấp cao thay vì tuyển hẳn người nước ngoài như trước kia. Bên cạnh kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và tư duy quốc tế có được sau thời gian sống và làm việc ở nước ngoài, những cá nhân này sở hữu một lợi thế lớn là có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, hiểu được văn hóa của người Việt, và ít nhiều có lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Việc đồng nhất ngôn ngữ và văn hóa có thể khiến công ty vận hành suôn sẻ, thuận lợi hơn, trong khi vẫn có thể hướng đến mục tiêu quốc tế hóa trong xu thế hội nhập hiện nay. Không những vậy, việc chọn người Việt đứng đầu tổ chức còn chứng minh rằng năng lực của người Việt Nam không hề thua kém người nước ngoài, hoàn toàn có thể đại diện, trở thành bộ mặt cho cả tập đoàn, công ty.

người Việt trẻ 3

Thế nhưng, không phải cứ là du học sinh hay người từng sống ở nước ngoài trở về nước sẽ ngay lập tức có được vị trí cao, lương trên trời. Cách đây vài năm có thể là vậy, nhưng bây giờ, người Việt trẻ ở trong nước cũng rất giỏi, thậm chí giỏi hơn những người có cơ hội đi ra nước ngoài. Tính cạnh tranh tăng cao khiến cho việc tuyển dụng nhân sự được đánh giá bằng thực lực nhiều hơn là bằng cấp, cơ hội được phân chia đồng đều hơn. Điều này cùng với một số khác biệt về văn hóa công sở, cơ sở vật chất và nhiều khó khăn khác khiến cho những người Việt trẻ chọn trở về nước phải lưỡng lự. Tuy nhiên, may mắn là họ vẫn quyết định trở về. Có thể vì họ thích môi trường sống, văn hóa ở Việt Nam; có thể vì họ muốn gần gũi với gia đình; có thể vì họ muốn tìm kiếm cơ hội; cũng có thể vì họ đơn giản chỉ là muốn đóng góp gì đó cho đất nước. Dù vì lý do gì, quyết định trở về này cũng thật đáng quý.

Trong chuyên đề lần này, ELLE Voices có cơ hội trò chuyện với hai người phụ nữ là những người Việt trẻ từng đi du học nhưng đều lựa chọn trở về nước lập nghiệp. Mỗi người có đóng góp ở một lĩnh vực khác nhau, nhưng trên hết, họ đều có niềm tin vào quyết định của mình, có niềm tin vào tương lai của đất nước và thể hiện những góc nhìn tích cực đối với môi trường làm việc ở Việt Nam.

Xem thêm:

Thế hệ trẻ và căn bệnh thèm khát sự nổi tiếng

Chính những lời bào chữa sau đã ngăn bạn tận hưởng trọn vẹn tuổi trẻ của mình

Nhóm thực hiện

Tổ chức chuyên đề: Quỳnh Hương

Bài: Đông Quân

Ảnh: Tư liệu

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more