[ELLE Voice] Cát Thảo Nguyễn: “Hãy xem AI là vũ khí”

Đăng ngày:

Cát Thảo Nguyễn, nhà đồng sáng lập và cựu Chủ tịch của Tổ chức Đối thoại Lãnh đạo Việt – Úc, trong thời gian qua đã được biết đến như một doanh nhân thành công ở mảng phát triển kỹ năng lãnh đạo. Với kinh nghiệm được tiếp xúc với những cá nhân tiên phong, đầu ngành tại các tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước, chị đã chia sẻ góc nhìn về trí tuệ nhân tạo và những lời khuyên dành cho giới trẻ ngày nay.

Chào chị Cát Thảo. Những năm gần đây, sự phát triển của AI đang là vấn đề rất được quan tâm. Theo chị, điều này có ý nghĩa thế nào với con người hiện đại?

Theo tôi, sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo càng làm nổi bật hơn bao giờ hết tầm quan trọng của việc tìm hiểu ý nghĩa của việc làm người. Nếu mình không chữa lành cho những tổn thương được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, nền tảng đạo đức sẽ mờ nhòe đi. Nếu thiếu đạo đức, những công nghệ mới như công nghệ AI sẽ bị lạm dụng để tạo thêm bất công cũng như khai thác quá mức con người và thiên nhiên.

Tôi tin rằng mỗi người trên Trái đất này đều có giá trị. Không có giá trị của ai tốt hơn hay câu chuyện của ai hay hơn người khác. Nếu tất cả chúng ta đều sống trong câu chuyện của riêng mình, chúng ta sẽ có một hệ sinh thái lành mạnh. Trong thiên nhiên, con ong nhỏ bé vậy thôi nhưng nếu chúng biến mất, hệ sinh thái sẽ mất cân bằng ngay lập tức. Một xã hội lành mạnh là nơi mỗi cá nhân đều khỏe mạnh, hạnh phúc, bình an và sống hết tiềm năng với câu chuyện của mình. Công nghệ AI có thể được dùng để tìm hiểu chính câu chuyện đó và để cống hiến cho xã hội.

Không thể phủ nhận rằng hiện nay, một số nghề đang dần bị thay thế bởi trí tụê nhân tạo. Đâu là “vũ khí” để người trẻ có thể “chiến thắng” trong cuộc đua này?

Tại sao không xem công nghệ AI như chính “vũ khí” của mình? Hãy xem nó đơn thuần chỉ là công cụ chứ không phải là lực lượng chiếm đoạt sinh kế của mình. Bà tôi nấu cơm bằng củi. Sau nhiều năm, bà đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm và cảm nhận sâu sắc hơn để nấu cơm ngon hơn. Bây giờ, chúng ta có nồi cơm điện, nhưng nếu không biết những kiến thức cơ bản về cách nấu cơm, bạn cũng chẳng thể nào có một nồi cơm ngon (và cũng không có cơm cháy!). Với công nghệ AI, chúng ta có thể lựa chọn sáng tạo hơn và dùng nó để đạt được sự bình an, nhưng nếu không có nền tảng vững vàng về kiến thức, mục tiêu sống và đạo đức thì công nghệ, vốn có thể làm cuộc sống tốt hơn, sẽ trở thành công cụ gây ra đau khổ.

“Đau khổ” là từ thường xuyên được nhắc đến trong thời gian qua. Khi có cơ hội được làm việc cùng những người tiên phong, đầu ngành của các tập đoàn lớn, có phải tất cả đều thành công không, thưa chị?

Điều đầu tiên chúng ta cần hiểu rõ là “thế nào là thành công?”. Tôi có cơ hội được làm việc với nhiều cá nhân ở các vị trí lãnh đạo. Họ có nhiều trách nhiệm, quản lý ngân sách lớn và có thu nhập rất cao. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nhiều người trong số này không thật thành công. Họ làm việc quá sức đến mức dù nghĩ mình có thể có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng không có thời gian đi kiểm tra. Họ căng thẳng đến mức không thể ngủ và không thể ngừng suy nghĩ. Họ sống mỗi ngày như một bóng ma, bị ám ảnh bởi lịch trình bận rộn của mình… Họ không thực sự sống. Thế nhưng, cũng có những người ở cùng vị trí nhưng thực sự hạnh phúc và bình yên. Họ có mối quan hệ lành mạnh với bản thân, gia đình và công việc. Họ thực sự yêu thích những gì mình làm và lúc nào cũng tràn đầy năng lượng.

công nghệ ai buổi ra mắt sách

Với AI, chúng ta có thể lựa chọn sáng tạo hơn và dùng nó để đạt được sự bình an, nhưng nếu không có nền tảng vững vàng về kiến thức, mục tiêu sống và đạo đức thì công nghệ, vốn có thể làm cuộc sống tốt hơn, sẽ trở thành công cụ gây ra đau khổ.

Vậy đâu là những “bí quyết” của người thành công?

Theo tôi quan sát, những người thành công là những người yêu công việc họ làm, yêu những người họ làm việc cùng và có cuộc sống cân bằng để các mối quan hệ trở nên lành mạnh và bản thân khỏe mạnh. Những người này thường sở hữu một số phẩm chất chung như có người cố vấn truyền cảm hứng xuất sắc, có sự tự nhận thức sâu sắc và hiểu điều gì phù hợp với bản thân, có lòng can đảm, sự khiêm tốn và quyết tâm để luôn soi vào bên trong mình, để chữa lành bất kỳ vết thương nào và không bị tác động bởi sự công nhận bên ngoài. Và bởi không cần sự công nhận từ phía bên ngoài nên họ có thể nói “không” hoặc từ chối nếu thấy điều gì đó không phù hợp. Họ quan tâm đến người khác và cộng đồng, thực hành lòng biết ơn và có tư duy tích cực.

Làm sao để đạt được sự cân bằng hay luôn cảm thấy “đủ” mà không cần sự công nhận từ bên ngoài?

Bạn phải tự đánh giá đâu là chất độc mà mình tiêu thụ khiến cho bản thân cảm thấy không đủ? Là nội dung trên mạng xã hội, ti vi, các cuộc trò chuyện, bạn bè, công việc? Sau đó, bạn nên ngừng hoặc hạn chế tiếp xúc với chất độc đó. Hãy đọc về những người hiểu “đủ” và gặp những người sống “đủ”.

Song song đó, bạn cũng phải có mong muốn và động lực sâu sắc để được khỏe mạnh và bình an. Nếu bạn muốn thay đổi mình, bạn cần xem liệu bạn có đủ can đảm không. Đáng tiếc, nhiều người không có những điều trên và họ sẽ khổ sở suốt phần đời còn lại vì chẳng bao giờ cảm thấy “đủ”. Nếu bạn xác định rằng mình là một trong số ít người có can đảm, bạn sẽ chủ động tìm những cuốn sách đúng đắn để đọc, những video thích hợp để xem và những người cùng tần số để gặp.

Khi học trò sẵn sàng, người thầy sẽ đến. Điều này là vì tư duy của bạn đã sẵn sàng để đón nhận trí tuệ và kiến thức phù hợp. Có thể có những cuốn sách, trước đây bạn không thể đọc hết và rất khó để hiểu. Nhưng với tư duy đúng đắn, khi bạn sẵn sàng, bạn có thể tiếp thu rất dễ dàng. Điều đó có nghĩa là đến đúng thời điểm, sự chuẩn bị của bạn sẽ chín muồi. Với đau khổ cũng vậy, nó phải lớn đến mức làm cho bạn bị kích động và muốn thay đổi để hướng đến một cuộc sống khác. Khi đó, hãy biết cảm ơn nỗi đau.

Cuối cùng, chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ để chọn nghề và học nghề hiệu quả trong bối cảnh hiện nay không?

Trước hết, tôi nhận thấy điều này không hề dễ dàng. Có nhiều người trong hoàn cảnh khó khăn và cần chọn một nghề nghiệp để nhanh chóng phụ giúp gia đình, chẳng hạn như bản thân tôi trong quá khứ, hay như nhiều người trẻ ở Tây Ninh quê tôi hiện nay đã học tiếng Trung để làm việc trong các nhà máy sản xuất giày và quần áo gần đó. Với những người trẻ này, tôi hy vọng các bạn tìm được cách để vẫn thể hiện bản thân dù rất khó khăn. Những gì bên trong bạn là một loại năng lượng cần được thể hiện cũng như chuyển hóa.

Còn với những người may mắn hơn một chút, hãy cố gắng hiểu điều gì phù hợp với mình. Bạn càng hiểu bản thân mình, đặc biệt là trong tình trạng căng thẳng, bạn càng có thể chọn điều phù hợp. Sau khi đã có dữ liệu về chính mình, bạn nên tiếp xúc với các trải nghiệm khác nhau để hiểu thực tế của các môi trường khác nhau. Và cuối cùng, nếu bạn chọn điều gì đó để học, nơi nào đó để làm việc nhưng bạn vẫn không được là chính mình, hãy nhớ, bạn vẫn có thể thay đổi. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn hiểu được sự khác biệt giữa không phù hợp và không kiên trì vượt qua thử thách.

Xin chúc tất cả các bạn bình an và hạnh phúc. Xin cám ơn chị Cát Thảo về cuộc trò chuyện nhiều cảm hứng này!

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Thuận Phát

Ảnh: NVCC

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more