Trước tiên ta cần chấp nhận rằng đánh giá mức độ sáng tạo là một điều gì đó rất chủ quan, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật hay thẩm mỹ. Một bức vẽ nguệch ngoạc hoặc một bộ đồ cắt may phá cách có thể khác biệt, nhưng có sáng tạo không thì chưa chắc. Những ai đã từng đi bảo tàng nghệ thuật đương đại có thể hiểu được điểm này. Hãy nghĩ về những bản giao hưởng kinh điển, những bức họa trường tồn với thời gian, hay những lý thuyết khoa học định hình thế giới, đều là những sáng tạo đột phá ở thời chúng được tạo ra. Điểm chung của chúng là chứa đựng rất nhiều yếu tố khác biệt – nốt nhạc, màu sắc, công thức – được đồng nhất và kết hợp hài hòa để thể hiện suy nghĩ của người sáng tạo. Như vậy, nếu không đơn giản là khác biệt, thì sáng tạo là gì? Có thể nói sáng tạo chính là khả năng hiểu, phát triển và thể hiện mối tương quan giữa các khái niệm trong một trật tự mới; là tìm kiếm sợi chỉ xâu chuỗi tất cả.
Bộ não của người sáng tạo có gì?
Não bộ là một bộ phận phức tạp chằng chịt hệ thống dây thần kinh, dày đặc như một khu rừng, bao gồm các bộ phận khác nhau chuyên đảm nhiệm các hoạt động khác nhau, như hồi hải mã đảm nhiệm các chức năng học tập và trí nhớ, hay hạch hạnh nhân chi phối cảm xúc. Quá trình sáng tạo khiến khác khu vực não bộ ít làm việc cùng nhau được đồng kích hoạt và giao tiếp. Vậy thì, quá trình này diễn ra như thế nào?
BÀI LIÊN QUAN
Ươm mầm hạt giống sáng tạo
Chúng ta thường ít khi cho rằng chuẩn bị là một phần của quá trình sáng tạo dù nó rất quan trọng, vì nó chứa đựng toàn bộ quá trình chúng ta nhận thức sự vật, sự việc, trang bị kiến thức và kỹ năng vững vàng trong một lĩnh vực nào đó cho sự đột phá sau này. Trước đó có nhiều ý kiến cho rằng IQ cao đi đôi với sáng tạo. Thế nhưng, có rất nhiều loại thông minh, và bài thi IQ chỉ kiểm tra dựa trên logic và sự tích lũy kiến thức đã học được chứ không thể đo nổi sáng kiến. Trí thông minh là hiểu được viên gạch dùng để xây nhà, còn sáng kiến là dùng nó để tạo ra bức tranh. Tất nhiên chúng ta cần một lượng kiến thức nhất định thì mới có thể xâu chuỗi các yếu tố khác nhau để đạt tới sáng tạo như đề cập phía trên. Nhưng chỉ thế thôi thì không đủ.
Mỗi cá nhân đều có trí thông minh khác nhau, và việc chúng ta thuần thục một lĩnh vực hay kỹ năng nào đó sẽ dẫn đến sáng tạo. Ví dụ như nhà vật lý học Albert Einstein, người khi còn nhỏ gặp rất nhiều vấn đề về ngôn ngữ do phần thùy đỉnh bên bán cầu não trái của ông ít nơ-ron thần kinh hơn người bình thường, nhưng bù lại ông sắc bén trong tư duy về không gian, thứ vốn được chi phối bởi bán cầu não phải. Chúng ta không phải là Einstein, và không phải lúc nào cũng biết được não của người bình thường sẽ chuyên biệt về tư duy gì, nhưng cũng không khó để vận dụng việc chuyên môn hóa này vào đời sống bình thường.
Nếu ta tập trung khai thác một kỹ năng nhất định trong một lĩnh vực nhất định, các vùng não bộ và mạng lưới nơ-ron liên quan sẽ liên tục hoạt động và tương tác với nhau, và lâu dần mối liên kết này sẽ trở nên càng mạnh mẽ và nhạy bén. Thậm chí, nếu luyện tập từ lúc sớm, khoa học còn cho rằng chúng ta có khả năng thay đổi phần nào cấu trúc của vỏ não. Lấy âm nhạc chẳng hạn, trẻ em học nhạc từ sớm sẽ phát triển vỏ thính giác tốt hơn các bạn không học nhạc, và nếu trui rèn liên tục, các chức năng khác như thị giác (để đọc nốt nhạc) hay cử động (để chơi đàn) cũng sẽ tương tác trơn tru hơn. Và đây cũng là giai đoạn cho thấy rõ nhất sự cộng hưởng giữa môi trường sống và gen. Sự nuôi dưỡng phù hợp với năng khiếu sẽ mở đường cho sức sáng tạo sau này. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp IQ cao, hiểu biết rộng, môi trường nuôi dưỡng tốt nhưng không có sự nghiệp sáng tạo. Vì thế vẫn chưa đủ.
Khát vọng với cái mới
Khi Galileo cho rằng trái đất có hình tròn, ông đã bị trừng phạt bởi Nhà Thờ vì dám đi ngược lại với niềm tin thời bấy giờ. Xã hội thường khuyến khích sự đồng nhất và ổn định, nên những gì khác biệt và có khả năng thách thức nguyên trạng đều bị ghét bỏ. Nhưng chính cái tư duy phân nhánh – sự dũng cảm thoát khỏi vòng an toàn – lại là con đường dẫn lối cho sáng kiến sau này. Như đã nói ở trên, kiến thức là biết được công dụng của một vật, nhưng sáng tạo là dùng nó theo nhiều cách khác nhau. Với một chiếc giày, ngoài việc xỏ vào chân, ta còn dùng để làm gì nữa? Người có thể nghĩ ra càng nhiều cách sử dụng khác nhau trong một khoảng thời gian cho phép cho thấy khả năng sáng tạo cao hơn, và sẽ thường chọn nhưng công việc nghiêng về sáng tạo hơn.
Chủ trì cho tư duy phân nhánh trong não là thùy trán, nơi kiểm soát các chứng năng quan trọng ở con người, ví dụ như năng lực chú ý. Ngoài mạng lưới kiểm soát nhận thức, những nghiên cứu gần đây cho thấy tư duy phân nhánh còn được chi phối bởi mạng lưới chế độ mặc định (Default Mode Network- DMN), được kích hoạt khi chúng ta không chú ý tới một việc hay hoạt động nhất định, trong trạng thái tỉnh táo nhưng không chú tâm, khi ta hướng về những hình ảnh và suy nghĩ bên trong. Khi ta bận rộn với công việc bên ngoài, DMN sẽ giảm hoạt động và ngược lại, tăng lên khi không có nhu cầu suy nghĩ. Sáng tạo được cho rằng kết hợp cả hai luồng suy nghĩ, tự phát từ DMN khi ta lên ý tưởng, và kiểm soát từ thùy trán khi đánh giá chúng. Có thể thấy rằng, tìm kiếm bên trong chính mình cũng là một cách để tìm tới sáng tạo.
BÀI LIÊN QUAN
Những người có sức sáng tạo cao thường mê đắm cái cảm giác khi ý tưởng mới nảy ra trong đầu họ – cái khoảnh khắc Eureka sau bao ngày mong ngóng. Sự sung sướng này cũng tương tự như việc dùng chất kích thích, có lẽ cũng vì vậy mà các nhà nghệ thuật hay sáng tạo có xu hướng sử dụng chúng. Tuy nhiên, chất kích thích không giúp tăng khả năng sáng tạo bất kể cảm giác nó mang lại cho người dùng. Nên nhớ, sáng tạo là cả một công trình nơ-ron phức tạp bao gồm cả nhận thức lẫn tiềm thức, và rất tốn năng lượng.
Sức mạnh của sự liên tưởng
Sáng tạo là kết hợp nhiều yếu tố khác nhau một cách hòa hợp. Nhưng trước tiên, ta phải tìm ra được những yếu tố kết hợp được với nhau. Đây là khả năng liên tưởng. Liên tưởng giúp chúng ta nhìn ra mối liên hệ giữa những thứ tưởng chừng như không liên quan tới nhau về nhiều mặt. Người có sức liên tưởng rộng, khi nhìn thấy “cái bàn”, sẽ nghĩ tới “đồ ăn” hay “cái chân” – những khái niệm rất xa, còn người có sức liên tưởng hẹp, thường sẽ nghĩ tới những gì gần hơn như “gỗ” hay “ngồi”. Quá trình này liên hệ mật thiết với mạng lưới và bộ nhớ ngữ nghĩa trong não bộ. Khi một liên kết không điển hình xảy ra, như “cái bàn” và “chân”, một lối tắt được tạo ra trong mạng lưới này và hình thành một sự nhận thức mới, có khả năng xáo trộn cấu trúc những gì sẵn có. Liên tưởng tới từ mọi nơi trong não bộ, vì các khái niệm có thể tồn tại dưới hình thức khác nhau như âm thanh, hình ảnh hay ý tưởng trừu tượng, được não bộ lưu trữ trong bộ nhớ lâu dài. Cách để ta tiếp cận kho tàng này là thả lỏng, để tâm trí lang thang mọi ngóc ngách, và hoan nghênh những ý nghĩ mới lạ. Và cũng như việc trui rèn kỹ năng, ta cần tập cách quan sát, tiếp nhận thông tin mới, tìm cách liên kết với nền tảng kiến thức sẵn có.
Tâm lang thang
Những ai làm công việc sáng tạo chắc đã từng trải qua việc ý tưởng đột nhiên nhảy ra trong phòng tắm, hoặc sau khi chán nản bỏ cuộc thì giải pháp chợt đến với mình. Khi chúng ta tập trung lực chú ý, đó là khi ta hoạt động một cách có chủ đích, và những mạng lưới kiểm soát nhận thức sẽ nhảy vào. Đây là lúc chúng ta vật lộn với nhiều yêu cầu và rào cản của công việc, tìm tòi và nghiên cứu. Nhưng lúc ta thả lỏng, thì DMN nhảy vào, với những gì ta có được từ khâu chuẩn bị, là thời điểm lý tưởng để tạo ra ý tưởng mới mẻ và phù hợp nhất.
Không những thế, việc chúng ta nghỉ ngơi và thả lỏng cũng rất có ích cho việc sáng tạo. Đặc biệt là khi ta hòa mình vào thiên nhiên, trong sự yên tĩnh và không khí trong lành. Bạn có biết Issac Newton đã phát hiện ra trọng lực như thế nào không? Là khi Đại học Cambridge phải đóng cửa vì bệnh dịch, và ông quay về nông trại của mẹ và nằm nghỉ ngơi dưới bóng cây táo.
Thật khó để nói rõ về bản chất của sáng tạo. Chúng ta thấy được rằng bẩm sinh, môi trường, thói quen và hành vi đều quan trọng, và ngay cả văn hóa, điều bài viết chưa đề cập đến, cũng ảnh hưởng rất nhiều lên việc chúng ta có đưa ra một cái gì đó vừa mới, vừa hòa hợp, vừa hữu dụng hay không. Trong quá trình này, có thể chúng ta đã luôn vô tình bỏ qua tiềm năng của bản thân và dùng di truyền để làm cái cớ. Thế nhưng, bộ não tuyệt vời ở tính mềm dẻo, có thể thay đổi và thích nghi theo hoàn cảnh, và ta hoàn toàn có cơ hội để trui rèn nó và khai phá óc sáng tạo của chính mình. Có một điểm chắc chắn, dù ít hay nhiều, mỗi con người đều là một cỗ máy sáng tạo, vì chúng ta đã hình thành xã hội hiện đại bằng chính tư duy đột phá, dũng cảm đi ngược đám đông và khát khao cái mới.
Nhóm thực hiện
Bài: Anne Võ Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE