[ELLE Voice] Hòa giải với AI

Đăng ngày:

Bài viết này và cả hình minh họa đã được tạo ra nhờ sự giúp đỡ của công nghệ AI, và vì vậy, tôi mong bài viết này sẽ giúp cho người trẻ thấy họ cần phải là ai.

Khi quyết định sẽ viết về các thách thức của việc lựa chọn con đường sự nghiệp trong bối cảnh công nghệ AI đang ngày càng phổ biến và công nghệ đằng sau nó cũng phát triển mau chóng, tôi đã hỏi chatGPT: “Những thử thách về việc làm trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo là gì?”. Và những tiêu đề phụ được in đậm dưới đây, dù không phải tất cả, nhưng có đến từ các gợi ý của AI.

Là một giảng viên chuyên về mảng truyền thông nghe nhìn ở bậc đại học, tôi đã chứng kiến sự “xâm lăng” thần tốc của AI trong lĩnh vực mình nghiên cứu giảng dạy. Trước đây, khi có các hoạt động thảo luận trong lớp, sinh viên sẽ phải tra cứu tại chỗ, làm việc nhóm, tập hợp thông tin, xác định quan điểm. Còn bây giờ, các em sẽ dùng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trước đây, một bài viết yêu cầu sinh viên phải chuẩn bị dàn ý, xác định cấu trúc và thực hiện viết, thì bây giờ, các em có thể yêu cầu AI làm hết. Trước đây, khi các em lên kế hoạch cho loạt ảnh chụp hay thực hiện sản xuất một video quảng cáo thương mại, các em sẽ phải tự nghiên cứu và tìm các hình ảnh tương tự để làm “mockup” (bản nháp tham khảo) phù hợp, thì lúc này, các em có thể dùng AI để làm tất cả.

hình ảnh AI

Ảnh: AI Generated Stock Image

Ở Việt Nam, phần lớn trường đại học trong thời điểm này đều bối rối không biết nên làm thế nào với sự xuất hiện của công nghệ AI. Khác với “đạo văn” thông thường, sản phẩm tạo ra từ AI rất khó để xác định và xác nhận. Dù có những thông tin là hiện giờ đã xuất hiện các công cụ kiểm tra nội dung AI trong bài tập của sinh viên, nhưng trên thực tế, không có công cụ nào đáng tin cậy.

Sự linh hoạt và khó xác định đó của AI hẳn khiến cho rất nhiều bạn trẻ vui mừng vì từ nay sẽ chẳng phải vất vả làm bài nữa! Tuy nhiên, tôi vẫn nửa đùa nửa thật mà nói với các em: “Vui thôi, đừng vui quá!”.

ảnh minh họa AI

Sự thay đổi khốc liệt trong cơ hội việc làm

Sự trỗi dậy của công nghệ AI đang làm thay đổi mạnh mẽ thị trường lao động toàn cầu. AI – với cơ chế là tự động hóa và máy tính tự học – đã tối ưu hóa thời gian và cả nhân lực trong rất nhiều quy trình. Thế nên, nhiều loại công việc đang dần mất đi. Một bài viết được đăng tải trên trang Diễn đàn Kinh tế Thế giới, dẫn lại nghiên cứu của Bộ Lao động Mỹ, cho thấy AI sẽ tác động đến 40% tổng giờ lao động của các ngành nghề trên toàn thế giới. Trong đó, đứng đầu là các ngành nghề mà chúng ta vẫn tin rằng sẽ mang lại thu nhập cao và ổn định như ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng, quản lý vốn đầu tư hay truyền thông đại chúng…

Bên cạnh đó, khi tham gia vào các hội thảo nghề nghiệp, tôi cũng nhận ra rằng ở ngay tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu ráo riết tìm cách sống chung với AI. Một luật sư thuộc một công ty luật lớn nói với chúng tôi rằng câu hỏi không còn là có sử dụng AI trong tư vấn luật hay không, mà là công ty nào sẽ có ứng dụng này sớm nhất. Tương tự, khối ngành chăm sóc sức khỏe và y tế cũng đang bước vào cuộc đua sử dụng AI trong chẩn đoán.

AI thay thế người lao động

Ảnh: Gold Penguin

Tất nhiên, các vị trí cốt lõi trong các doanh nghiệp sẽ không thể thay thế. Tuy nhiên, người trẻ cần một quá trình học tập, học nghề, rèn luyện và nếm trải mới có thể tiến bước lên các nấc thang sự nghiệp. Hiếm có ai ở độ tuổi 20 mà đã có thể trở thành lãnh đạo lớn trong một tổ chức hay doanh nghiệp. Đáng tiếc là, rất nhiều công việc dành cho người trẻ, mới ra trường, sẽ không còn dành cho họ vì máy tính đã có thể thay thế. Tương tự, rất nhiều nghề nghiệp yêu cầu các kỹ năng đơn giản cũng sẽ không còn mở cửa cho con người, dù họ ở độ tuổi nào.

Thế nên, ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, người trẻ phải sẵn sàng để trở thành một chuyên gia để có thể làm việc cùng công nghệ AI. Vậy câu hỏi tiếp theo là họ phải làm gì?

Sự nghiệp đi cùng AI

Tôi đã hỏi chatGPT rằng người trẻ cần làm gì để cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến? AI đã khuyên rằng (trích nguyên văn): “Khi AI đảm nhận các nhiệm vụ thường nhật, con người nên tập trung phát triển các kỹ năng sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và giải quyết vấn đề phức tạp. Xác định nghề nghiệp trong bối cảnh này có nghĩa là tập trung vào việc phát triển các kỹ năng mà AI không dễ dàng sao chép”.

Nghe cũng hợp lý quá, phải không? Tuy nhiên, hiện thực lại không đơn giản như vậy. Không phải ai sinh ra cũng có những năng lực vượt trội trong sáng tạo, trong việc quản lý phát triển trí tuệ cảm xúc và không phải ai cũng có đủ môi trường để học cách nhận diện, phân tích và xử lý các vấn đề phức tạp. Vậy nên, trên thực tế, khi bất kì bạn trẻ nào đặt cho tôi câu hỏi ở trên, tôi đều mượn lại triết lý Ikigai của người Nhật.

Ikigai thường được dịch ra là “lý lẽ của việc sống”, và triết lý này giải thích rằng hạnh phúc của chúng ta đến từ sự cân bằng giữa bốn phương diện: được làm điều chúng ta yêu thích, làm điều mà chúng ta có năng lực, làm điều mà thế giới cần đến, làm điều mà bạn có thể nhận thù lao nuôi sống bản thân. Dù bối cảnh có thay đổi nhanh chóng, nhưng triết lý này chưa bao giờ lỗi thời. Tất nhiên, thực hiện được triết lý này cũng không phải là dễ dàng. Để có thể đạt tới sự cân bằng, một con người không chỉ cần hiểu mình yêu thích điều gì hay mình cần thu nhập bao nhiêu để sống, mà còn cần liên tục quan sát, tìm hiểu để biết thế giới này đang phát triển thế nào và nó cần gì ở mình.

Điều này dẫn đến một yếu tố cốt lõi hơn nữa, đó là duy trì nhu cầu “học”. Tôi vẫn còn nhớ đầu bếp sushi nổi tiếng Jiro đã nói câu này trong bộ phim tài liệu về ông, “không ngày nào tôi không thấy mình vẫn cần phải học”. Khi nói câu ấy, ông đã 85 tuổi. Hằng năm, các phát minh để sản xuất món ăn bằng máy móc vẫn liên tục xuất hiện. Chúng có thể phân tích độ tươi của nguyên liệu, xác định mức nêm nếm gia vị hay nhiệt lượng cần thiết, nhưng có lẽ còn xa nữa, chúng mới có thể thay thế được một con người, nếu người đó không ngừng tự học và không ngừng tự phản tỉnh bản thân. Và điều này không chỉ đúng với riêng ngành ẩm thực.

Mỗi ngày đi trên đường, tôi liên tục nhìn thấy những sản phẩm truyền thông quảng cáo chuyên nghiệp có sự can thiệp của công nghệ AI. Vậy nên, ngay ở trong lĩnh vực giảng dạy, việc cấm đoán sinh viên sử dụng AI thực ra chẳng có ích lợi gì. Sau những băn khoăn ban đầu, một trường đại học nơi tôi giảng dạy đã quyết định tự phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo của riêng mình và cho phép sinh viên sử dụng AI trong giới hạn, miễn là các em minh bạch về việc sử dụng chúng. Xét cho cùng, chúng ta không thể từ chối được sự thật là AI sẽ ở đó, chúng ta sẽ phải học cách để hòa giải với nó.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Thủy

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more