“Nào, hãy gom những vỡ tan mang đến cho tôi lúc này”
Có một bản nhạc mà tôi thường nghe vào khoảnh khắc giao thừa, chính là bản nhạc này của Leonard Cohen, Come Healing, bản biểu diễn trực tiếp năm 2012 ở Dublin. Để làm gì? Để khi năm mới bước qua thềm cửa, nó có thể nghe thấy giai điệu ấy – như một ly cocktail chào mừng.
Nghe có vẻ lẩn thẩn quá, nhưng mà đúng là vậy. 2024, nếu là một con người, tôi mong người đó sẽ nghe được bản nhạc của Cohen. “Nào, hãy gom những vỡ tan”.
Bài hát ấy sẽ thay cho một cái vỗ vai, một lời động viên, một lời cảm ơn vì đã đến. Sau rốt, người khách trọ 2024 cũng đã ở ngưỡng cửa, thay cho người khách cũ 2023 đang sửa soạn rời đi, dù ta chẳng biết trong chiếc vali dày cộm của người khách mới có gì đáng mong chờ hơn của người khách cũ không – những lớp sơn để trang hoàng lại cho thế giới, những cuộn chỉ để khâu vá những vết thương, một chiếc chổi để gom những vỡ tan, hay cũng chẳng có gì hơn cả. Nhưng vì chưa biết, nên ta lại có quyền hy vọng.
Cũng có khoảnh khắc tôi tự hỏi mình rằng, liệu như vậy có quá bất công cho năm mới 2024 hay không? Cớ sao lại bắt vị khách ấy, trong quãng thời gian tá túc bên ta, phải sửa chữa hết tất cả những đổ vỡ mà vị khách trọ cũ gây ra? Xét cho cùng, cũng như yêu đương vậy, ta không thể (và cũng không nên) mong chờ người mới phải chữa lành tất tần tật những tổn thương mà người cũ gây nên.
Tôi đồ rằng mình sẽ luôn có lý do để phàn nàn về thế giới, dù là 2024 hay là 2084 thì cũng vậy mà thôi, chừng nào ta còn ở trên Trái đất này thì vẫn còn những khổ ải để đương đầu, những điều khó chịu để không hài lòng và bất mãn – nhưng ít ra, ta vẫn đang có mặt ở trên Trái đất này để đương đầu, để không hài lòng và để bất mãn, chẳng phải đó là điều quan trọng nhất hay sao?
Cuộc sống luôn có những điều tồi tệ và ảm đạm. Dù có lấy hết giấy trên thế giới ra cũng không thể liệt kê bằng hết ngần ấy điều tồi tệ và ảm đạm đang diễn ra từng ngày từng giờ ở mọi ngóc ngách, nhưng mỗi khi sắp sửa chìm vào cảm nghĩ ấy thì hãy bước ra khỏi cửa.
BÀI LIÊN QUAN
Kìa, ta có thấy cái cây trước ngõ vẫn rất xanh, rất giản đơn và rất kiêu sa – khi đó, hãy ngâm nga câu thơ của Szymborska: “dưới tán cây vô minh về thiện ác / nên thân cành xúc động rung rinh […] / dưới tán cây thờ ơ với mọi điều sẽ đến trong đời, từng chiếc lá run lên vì kiên nhẫn”? Và quán cà phê gần nhà vẫn đang mở cửa – hãy tin rằng không nỗi ấm ức nào mà một ly cold brew không thể xoa dịu được. Rồi những cuốn sách nữa? Làm sao có thể đọc hết sách hay trên đời này – nghĩa là còn quá nhiều điều hạnh phúc và tốt lành vẫn đang ở ngay đây quanh ta, chỉ đợi ta kiễng chân, với lấy, mở ra, hít hà, tận hưởng. Có bao nhiêu điều bất như ý thì cũng có bấy nhiêu điều như ý thôi mà.
Không, tôi không muốn đặt bất cứ áp lực nào lên năm mới – vị khách trọ mới tới – rằng nó phải làm được những gì, năng suất ra sao, hoàn thành những gạch đầu dòng nào trong danh sách “mục tiêu” ngày một dài ra, bù đắp được chuyện này chuyện kia thay cho người anh đã lùi vào dĩ vãng của nó, rằng nó phải trở nên tốt hơn và hiền từ hơn. Năm mới 2024 đã tới – và chỉ tới thôi đã là tốt rồi. Tôi chỉ muốn đón vị khách trọ ấy một cách hồ hởi nhất và vô tư nhất, dù cho vị khách ấy gọn gàng hay bề bộn, dù vị khách ấy sẽ giúp tôi dọn dẹp lại cuộc sống của mình hay càng bới tung nó lên. Không sao cả, chỉ cần mỗi ngày được xé đi một tờ lịch đã qua, và biết rằng vẫn còn có ngày mai để mà chờ đợi.
Và rốt cuộc, đây là thi sĩ Rilke muôn vàn yêu quý của tôi đã viết: “Có lẽ tất cả những con rồng trong đời ta thực ra là những nàng công chúa đang đợi chờ được xem ta, dù chỉ một lần thôi, hành động bằng cái đẹp và lòng can đảm. Có lẽ mọi thứ khiến ta sợ hãi, trong cốt tủy của mình, là một điều gì đó thật bơ vơ đang mong muốn tình yêu của chúng ta”.
Vậy thì, những chú rồng với lớp da sần sùi và đôi mắt sáng quắc đang ẩn nấp đâu đó trong tương lai, hãy cứ hiện ra, hãy cứ lao đến và phun lửa, và để ta rộng lòng đối đầu với ngươi bằng tất cả những gì ta có trong tay mình.
Nhóm thực hiện
Bài: Hiền Trang