Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Voice] Vì một môi trường biển không rác thải

ELLE Việt Nam đã có cuộc trò chuyện vô cùng ý nghĩa với những người phụ nữ tiên phong của dự án “Vì một môi trường biển không rác thải”.

Giảng viên Phùng Hoa Miên – Đại học mỹ thuật công nghiệp Hà Nội – Họa sĩ dự án tranh vẽ

Lý do gì để chị quyết định tham gia dự án và kêu gọi các họa sĩ, sinh viên của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cùng chung tay với dự án này?

Mỗi người đều có một trái tim để yêu thương, tôi đã dành một phần tình yêu đó cho mây trời, sông nước và động, thực vật… Tôi cũng biết rằng trong vũ trụ bao la chưa thể tìm thấy hành tinh thứ hai có sự sống như trái đất, chính vì vậy việc giữ gìn thiên nhiên vô cùng xinh đẹp, sự sống vô cùng hiếm hoi mà chúng ta đã may mắn có được, đó là trách nhiệm của mỗi con người. Đáng tiếc, sau thời gian khi mọi thứ được thiên nhiên ban phát quá đủ đầy, với lòng tham vô đáy, con người không chỉ khai thác một cách tuyệt diệt mà còn quay lại ứng xử vô tình với thiên nhiên (xả rác, khí thải…).

Mối hiểm họa ô nhiễm ngày một nặng nề. Tôi đã lặng người khi nghe thông tin rằng cá voi đã đói và khát mà không thể ăn, rồi không thể sống vì trong bụng chứa hàng trăm kilôgam chất thải nhựa. Nó cũng là sinh vật sống có linh hồn và cảm xúc mà! Con người sao lại ứng xử như vậy? Với tình yêu và trách nhiệm, tôi luôn mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé, đồng thời vận động đồng nghiệp – nhất là các sinh viên, thế hệ tương lai cùng chung tay với dự án kêu gọi mọi người hãy bảo vệ sự sống cho thiên nhiên, cũng là sự sống cho chính chúng ta.

môi trường 1

Thông điệp mà chị và nhóm họa sĩ muốn thể hiện qua chùm tranh là gì?

Bằng ngôn ngữ hình ảnh cô đọng, truyền cảm và dễ hiểu, tôi muốn truyền tải thông điệp về vấn đề ô nhiễm biển bởi rác thải. Nếu chúng ta vứt rác thải ra biển, các loại sinh vật biển sẽ vô tình nuốt hoặc vướng phải sẽ dẫn đến những cái chết bi thương. Nguy hiểm hơn, rác thải nhựa sẽ biến thành các hạt vi nhựa, tôm cua cá sẽ là vật trung chuyển đến con người. Vậy là con người sẽ hứng chịu hậu quả do chính mình gây ra, biển chết con người cũng khó sống. Còn ngược lại, nếu rác thải được bỏ đúng nơi quy định, chúng ra sẽ có đại dương xanh đầy sức sống vô cùng đẹp. Con người cũng sẽ giữ gìn được cái nôi duy nhất để tồn tại một cách bền vững.

Chị Đào Thu Hà – Giám đốc điều hành Eureka Linh Trường Resort Thanh Hóa

Là người gắn bó với vùng biển Linh Trường, nơi sẽ diễn ra sự kiện chính đầu tiên của dự án “Vì một môi trường biển không rác thải”, chị đã chứng kiến sự thay đổi của biển như thế nào trong những năm qua?

Vào năm 2011, khi đặt chân đến đây để hình thành nên khu nghỉ dưỡng Eureka Linh Trường, tôi may mắn được gắn bó với nơi này ngay từ những ngày đầu tiên và chứng kiến sự đổi mình của cả một vùng biển. Được thiên nhiên ưu ái nên biển rất êm đềm với bờ cát mịn, dài và thoải. Hồi đó, biển còn hoang sơ và đẹp lắm. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, khi cả vùng biển ngày một phát triển, du khách đến ngày một đông, hoạt động đánh bắt cá ngày một tấp nập hơn, vấn đề rác thải du lịch và sinh hoạt cũng ngày một nghiêm trọng. Nếu trước đây sóng biển đánh vào bờ cát chủ yếu là bèo và cành cây khô thì hiện nay, đội vệ sinh bờ biển của chúng tôi phải vất vả hơn nhiều để dọn vệ sinh, rác thải từ con người như túi nylon, chai nhựa… và ngày một nhiều hơn.

môi trường 2

Chị mong muốn điều gì khi quyết định cùng tham gia với dự án ý nghĩa này?

Tôi cảm thấy rất may mắn và tự hào khi khu nghỉ dưỡng Eureka Linh Trường được lựa chọn là nơi diễn ra sự kiện chính đầu tiên của dự án. Tôi hy vọng, dự án sẽ góp phần nâng cao ý thức của tất cả các du khách cũng như những người kinh doanh dịch vụ du lịch trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Việc tham gia vào dự án đầy ý nghĩa này cũng là một sự cam kết và khẳng định của chúng tôi trong việc cùng chung tay với cộng đồng giữ gìn sự trong sạch của bờ biển Linh Trường, để du khách muôn nơi khi đến vùng biển này sẽ luôn cảm nhận một môi trường biển xanh, sạch, đẹp.

môi trường 3
Triển lãm ảnh từ chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc với thông điệp “Hãy bảo vệ động vật biển”.

Chị Bùi Minh Nguyệt – Nghệ sĩ đại diện dự án Mô hình nghệ thuật sắp đặt từ rác thải

Ngoài chùm tranh vẽ trực tiếp ngay trên kè biển, hoạt động nhặt rác bãi biển để dùng chính những nguyên liệu ấy tạo nên những tác phẩm sắp đặt quả thật vô cùng ấn tượng. Chị có thể bật mí một chút về những tác phẩm sẽ được tạo hình trong ngày sự kiện chính chứ?

Chúng tôi cùng với các họa sĩ và các bạn sinh viên tình nguyện trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội tạo mô hình con cá, được làm từ cây khô, với bụng là hàng nghìn mảnh nhựa được thải ra trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày và được lượm lặt từ chính bãi biển Linh Trường… Bên cạnh đó, rác không phân hủy được dựng thành tượng như một lời nhắc nhở: Nếu vứt rác bừa bãi, những thứ xấu xí đó sẽ luôn ở quanh ta, ngày càng nhiều hơn và gây hại hơn. Bờ đê được tô vẽ thành bức tranh tươi sáng, đẹp đẽ cùng thông điệp ý nghĩa. Từ đó, người dân và khách du lịch sẽ không nỡ vứt rác bẩn và luôn có ý thức bảo vệ môi trường.

môi trường 4

Chị sẽ tiếp tục đồng hành cùng BTC cho những dự án làm sạch môi trường biển ở các tỉnh thành khác chứ?

Chúng tôi mong muốn dự án không chỉ dừng ở bờ biển Linh Trường, mà sau này nhóm hoạt động xã hội tình nguyện của chúng tôi sẽ còn triển khai ở nhiều vùng biển khác nữa để lan tỏa thông điệp của chương trình. Đó cũng là lời cam kết về trách nhiệm của con người: Cần hành động trước môi trường sống đang ngày bị đe dọa ô nhiễm nghiêm trọng.

môi trường 5
Các nữ doanh nhân thành phố Hà Nội bên mô hình con cá làm từ rác thải.

• Việt Nam có khoảng 126.000 tàu cá với gần 1 triệu ngư dân, trong đó mỗi ngày có 10.000 tàu hoạt động trên biển với khoảng 80.000 lao động cũng là tác nhân phát sinh lượng lớn rác thải xả xuống biển.

• Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1989 đến nay, cả nước có hơn 100 vụ tràn dầu do tai nạn hàng hải, đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu.

• Theo báo cáo của LHQ, mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nhựa dùng một lần được sử dụng.

• Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu.

• Một chiếc túi nylon có thể được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất và cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy cần từ 500 – 1.000 năm.

• Giới phân tích đánh giá nếu nhịp độ sử dụng sản phẩm nhựa tiếp tục tăng nhanh như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và như vậy sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương.

• Mỗi năm có 1,5 triệu động vật trong đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa và đe dọa hơn 700 loài sinh vật biển rơi vào tình trạng tuyệt chủng.

(Nguồn: Tổng hợp từ SOS Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc).

Nhóm thực hiện

Bài: Ngọc Anh Ảnh: Nguyễn Thùy Vân, Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)