[ELLE Voice] Trần Thị Thanh Trà – Đừng quá khắt khe với đất nước của mình
[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 11/2018] Là một cô gái được tiếp cận nền giáo dục và môi trường quốc tế từ sớm, liệu đâu là lý do khiến Thanh Trà quyết định quay trở về quê hương?
Chào Trà, tại sao bạn không lập nghiệp ở nước ngoài mà lại quyết định về nước ngay sau khi học xong?
Thật ra, ngay từ lúc bắt đầu đi du học, tôi đã xác định sẽ quay về Việt Nam. Về đây đi làm rồi thì thực sự không muốn trở lại Mỹ nữa. Hầu hết những người chọn trở về cũng là vì cảm thấy sống ở Việt Nam thoải mái hơn nhiều. Là người Việt Nam nên ở trên đất Mỹ, tôi vẫn có cảm giác mình không thuộc về nơi đó.
Thường thì các bạn đi du học ban đầu đều nói rằng sẽ trở về, nhưng sau một thời gian học tập và làm việc lại thay đổi suy nghĩ và lựa chọn ở lại…
Trường hợp đó sẽ đúng với những bạn học và làm những công việc mang tính chuyên môn như nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ sư phần cứng… mà Việt Nam chưa có điều kiện phát triển. Tôi học về kinh tế và cũng đã trải nghiệm môi trường làm việc ở Mỹ. Ở các nước phát triển như Anh hoặc Mỹ, hệ thống kinh tế của họ đã được xây dựng rất lâu đời và vận hành vô cùng chặt chẽ, mình chỉ là một mắt xích rất nhỏ, làm công việc chuyên môn hóa, biết được một phần nhưng không biết được toàn thể. Ngoài ra, là người Việt Nam, ít nhiều mình vẫn cảm thấy sự phân biệt, không có lợi thế so với người bản địa và cơ hội phát triển cũng không cao. Trong khi đó, nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển rất nhanh và mạnh, sẽ có nhiều cơ hội để mình thể hiện năng lực hơn. Đây là một thị trường rất tiềm năng, giống như môi trường của start-up vậy. Mọi thứ đều đang trong quá trình xây dựng nên mình có thể đóng góp những thứ đã học được ở nước ngoài.
Hơn nữa, ở đâu cũng thế thôi, đều có thuận lợi và khó khăn. Là người Việt Nam, sao mình không trở về đóng góp cho đất nước? Nghe có vẻ đao to búa lớn, nhưng mỗi người chỉ cần có những suy nghĩ nhỏ như vậy thì càng ngày suy nghĩ đó sẽ được nhân rộng lên. Cái quan trọng nhất khi về Việt Nam là phải thích ứng linh hoạt và có suy nghĩ cởi mở. Nếu cứ so sánh đất nước mình với những nước phát triển thì sẽ thấy rất khó để thích nghi. Mà sự thật là mình không nên so sánh nước mình với nước bạn vì mình đi sau người ta rất lâu. Là người Việt Nam, đừng nên quá khắt khe với đất nước của mình. Thay vì chỉ tập trung vào những điều không tốt, chê bai những thứ tiêu cực, sao mình không nhìn vào những điểm tích cực, nhìn vào những cơ hội để làm điều gì đó có ý nghĩa hơn?
Lúc mới trở về, Trà có mất nhiều thời gian để làm quen với môi trường làm việc ở Việt Nam không?
Tôi đi du học năm 16 tuổi, gần như chưa có va chạm gì với xã hội, sau đó lại sống 6 năm ở một đất nước hoàn toàn khác, với một văn hóa hoàn toàn khác nên lúc trở về chắc chắn sẽ bị sốc văn hóa. Văn hóa công sở nước mình có nét đặc trưng là mọi người rất quan tâm đến đời sống của nhau, không như nước ngoài, ra khỏi công ty thì gần như không biết gì về nhau, mọi người cũng không quá quan tâm đến đời sống cá nhân của người khác. Tuy nhiên, cá nhân tôi thích có sự gắn kết giữa đồng nghiệp với nhau hơn nên thích nghi khá nhanh. Khó khăn lớn nhất có lẽ là vì tôi đã quen với cách vận hành tự động hóa ở nước ngoài, khi về nước, những việc nhỏ nhặt nhất như nhập số liệu, in văn bản cũng phải làm bằng tay nên ban đầu cũng hơi nản. Lúc đó cứ nghĩ, sao mình đi du học về lại phải làm những việc như thế này. Mất khoảng vài tháng để mình làm quen và dần học cách nghĩ khác đi. Chuyện gì cũng có hướng giải quyết của nó cả, không làm cách này thì mình làm cách khác.
Về Việt Nam, Trà vẫn làm việc trong những công ty, tập đoàn lớn, và cũng chỉ là một “mắt xích” trong toàn bộ hệ thống thôi, đúng không? Vậy khác biệt ở đây là gì?
Thật ra, những dự án tôi tham gia đều là dự án mới. Mặc dù làm việc cho một hệ thống lớn, nhưng so với các nước khác thì nó vẫn chưa có cấu trúc cụ thể, vẫn cần hoàn thiện và có thể phát triển hơn. Những công ty tôi làm việc vẫn đang chuyển mình từng ngày. Nhiều người không thích làm việc trong một môi trường có quá nhiều thay đổi, nhưng tôi thì khác. Càng va chạm nhiều, mình sẽ càng học được nhiều cái mới, và cũng mang lại những giá trị mới. Ở Việt Nam, làm vị trí gì cũng cần phải am hiểu toàn bộ quá trình. Nếu là “mắt xích” trong một công ty ở Mỹ, bạn chỉ cần biết 1 và chỉ chuyên tâm vào 1, nhưng nếu là “mắt xích” trong một công ty ở Việt Nam, bạn phải biết từ 1 đến 10 mới có thể làm việc được. Đó là sự khác biệt.
Được biết, Trà đang làm công việc tuyển dụng nhân sự cấp cao từ nước ngoài cho các công ty, tập đoàn lớn. Vậy tại sao các công ty đều muốn tuyển nhân sự là người nước ngoài hoặc đã đi du học cho các vị trí cấp cao mà không chọn nhân sự trong nước?
Thứ nhất, các công ty, tập đoàn lớn đều có xu hướng quốc tế hóa, họ cần tuyển những người có tư duy quốc tế (international mindset) làm ở vị trí cao để có thể vận hành bộ máy đi đúng hướng. Bản thân những người này đều có một thời gian dài sinh sống và học tập ở nước ngoài nên sẽ có góc nhìn khác, đa chiều hơn, cởi mở hơn, đồng thời có thể áp dụng những mô hình hoàn thiện mà họ từng được trải nghiệm ở công ty nước ngoài. Thứ hai, có những vị trí cao ở các lĩnh vực mà người Việt Nam chưa phát triển hay đẩy mạnh đào tạo như IT, trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng, kỹ sư xe hơi… thì mình buộc phải tuyển dụng nhân sự từ nước ngoài. Ngoài ra, có nhiều chức năng lúc trước chưa được chú ý đến nhưng bây giờ lại trở nên cần thiết như làm thế nào để tăng năng suất và hiệu quả làm việc của nhân viên, đội ngũ bán hàng… Những người giỏi cho vị trí đó, ở Việt Nam, cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vậy còn những người ứng tuyển, họ thường kỳ vọng như thế nào về công việc ở Việt Nam và điều gì khiến người Việt Nam quyết định về nước làm việc?
Thường thì có hai nguyên nhân: Lợi ích kinh tế và văn hóa. Người Việt Nam nhìn thấy cơ hội phát triển, vị trí phù hợp, mức lương và mức sống hợp lý, chắc chắn họ sẽ trở về. Còn về văn hóa, quan trọng nhất vẫn là bản thân phải tự linh hoạt để thích nghi thôi. Tôi luôn quan niệm rằng nếu chưa thay đổi được toàn thể thì phải thay đổi bản thân mình trước. Nếu ứng viên đòi hỏi môi trường làm việc giống như ở Anh, ở Mỹ, tôi cũng sẽ nói thẳng là Việt Nam không thể giống như Anh hay Mỹ được. Nhưng quan trọng là đích đến của bạn. Nếu bạn muốn phát triển bản thân hơn, thì ở đây có rất nhiều cơ hội cho người Việt Nam.
Có bao giờ Trà bắt gặp một CV tốt và thuyết phục được họ trở về dù họ không có ý định về nước không?
Hiện tại thì chưa vì những người như vậy thường đã có công việc ổn định ở nước ngoài. Hơn nữa, tôi quan niệm là mỗi người đều phải có trách nhiệm với quyết định của cuộc đời mình. Nếu họ chưa có ý định về mà tôi cứ thuyết phục, lỡ như môi trường ở đây không phù hợp với họ thì sao. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ liên lạc, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình kinh tế ở Việt Nam cho các cộng đồng du học sinh, người Việt Nam ở nước ngoài để khi muốn về nước, họ có thể chủ động hơn. Nhưng cũng có trường hợp tôi tuyển được những người quá giỏi, các công ty sẵn sàng tạo ra một vị trí mới vì không muốn bỏ lỡ người tài như vậy. Bây giờ các công ty trong nước cũng đã cởi mở hơn, môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn, nhân tài được trọng dụng hơn, nên về nước thực sự là một lựa chọn đáng để cân nhắc.
—
Xem thêm:
Hélène Kling – Người vẽ chân dung Việt Nam
Mẹo giới thiệu bản thân gây ấn tượng cho câu hỏi: “Công việc của bạn là gì?”
Bài: Đoàn Trúc
Ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE