[ELLE Voice] Nguyễn Thị Hồng Nga – Nhà truyền thông vì môi trường
ELLE Việt Nam đã có cuộc trò chuyện vô cùng ý nghĩa với những người phụ nữ tiên phong của dự án “Vì một môi trường biển không rác thải”.
Là một “nhà truyền thông vì môi trường” với nhiều dự án ứng phó biến đổi khí hậu, đánh giá của chị ra sao về thực trạng rác thải tác động tới môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng?
Thực trạng về môi trường của Việt Nam đang rất tệ. Nó thể hiện qua tỷ lệ người mắc bệnh ung thư, bệnh truyền nhiễm, bệnh tiêu chảy… Thật buồn, bệnh lao tưởng đã xóa được nay lại tái phát. Ô nhiễm nguồn nước, không khí cộng với ô nhiễm thực phẩm là nguyên nhân chính gây bệnh ở nước ta. Với môi trường biển, Việt Nam xả rác thải nhựa ra biển nhiều thứ tư trên thế giới theo công bố của Chương trình Môi trường LHQ tháng 12/2018. “Vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ra đại dương đang là vấn đề cấp bách. Nó ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, hệ sinh thái, tác động đến sự phát triển kinh tế, cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh lương thực” – Trích lời ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường.
Nhận thức của cộng đồng với vấn đề đáng “báo động đỏ” này đang ở đâu, thưa chị?
Dịp lễ vừa qua, gia đình tôi đi nghỉ ở đảo Cát Bà, Cát Hải. Đứng trên thuyền, chúng tôi có thể nhìn thấy từ xa một khoảng rộng toàn rác nổi lềnh phềnh: chai nhựa, túi nylon, hộp xốp, váng dầu… Anh Toàn – người phụ trách toàn bộ hoạt động trên mặt nước của huyện đảo Cát Bà – cho biết họ có đội thu gom rác nhưng không xuể. Cứ ngẫm, một nơi phong cảnh đẹp và nổi tiếng vậy mà rác vẫn thoải mái xả ra biển thì môi trường biển Việt Nam ở những nơi khác ô nhiễm trầm trọng như thế nào. Rất nhiều tổ chức xã hội, hội nghị, hội thảo, hoạt động đề cập đến vấn đề rác thải biển nhưng hiệu quả của nó vẫn như muối bỏ biển. Khi nhận trách nhiệm phụ trách hoạt động Trách nhiệm xã hội CSR của HNEW vào cuối năm 2018, tôi và một số chị em HNEW rất trăn trở sẽ làm gì để hoạt động có ý nghĩa và phát triển bền vững. Chính vì thế, ý tưởng làm dự án cộng đồng với chủ đề “Vì môi trường biển không rác thải” đã ra đời tháng 12/2018 tại bãi biển Linh Trường huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
• Theo công bố của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc tháng 12/2018, hơn 50% tổng lượng chất thải nhựa thải ra đại dương là từ các nước nằm trong khu vực Biển Đông như: Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Trong đó, Việt Nam là nước có lượng chất thải nhựa xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương 6% tổng lượng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới).
• Vùng ven biển Việt Nam (bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển) là nơi nguồn thải từ lục địa bị đưa ra biển, chiếm tới 60 – 70% ô nhiễm biển, trong đó nhiều nhất là rác thải nhựa.
• Việt Nam có 2.345 con sông dài trên 10 km, mỗi năm đổ ra biển khoảng 880 km3 nước cùng hàng trăm triệu tấn vật chất, trong đó có không ít là rác thải, rác thải nhựa.
Bài: Ngọc Anh
Ảnh: Nguyễn Thùy Vân, Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE