Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Voice] Nội trợ – Vai trò thuộc về phụ nữ hay đàn ông?

[Tạp chí Phái đẹp ELLE - số tháng 10/2018] Trong thời đại tân tiến, nội trợ đã không đơn thuần là việc làm chỉ dành cho phụ nữ.

Bốn giờ ba mươi phút chiều, Ngọc Anh, một nhân viên văn phòng vội vàng hoàn thành nốt báo cáo tài chính để đến trường mẫu giáo đón cô con gái năm tuổi. Sau đó, cô cũng chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Cô phải nấu bữa tối, cho con ăn, tắm cho con, chuẩn bị cho ngày đi học tiếp theo. Hơn bảy giờ tối, chồng cô cuối cùng cũng đi làm về và ăn tối với vợ, rồi ra phòng khách nằm chơi điện tử. Trước khi ngủ, cô còn phải hoàn thành nốt công việc nội trợ của mình khi dọn dẹp bếp và cọ qua nhà tắm, vừa làm vừa nghĩ tới chuyện phải tìm ra cho người giúp việc theo giờ đáng tin cậy. Câu chuyện về buổi tối của Ngọc Anh có thể nhìn thấy trong vô số gia đình trẻ ở đô thị Việt hiện nay, khi cả hai vợ chồng đều đi làm toàn thời gian, và người vợ vẫn phải quán xuyến việc nội trợ.

nội trợ 1
Nếu trong thời điểm vài thập kỷ trước, khi nói về vai trò nội trợ, đương nhiên người ta sẽ mặc định đó là công việc dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng hiện đại, lối sống ngày càng tân tiến, suy nghĩ và vai trò của người vợ hay chồng trong cùng một gia đình cũng có xu hướng xoay chiều.

Việt Nam là một trong những nước có chính sách bình đẳng giới tiến bộ. Có thể lấy ví dụ ở việc vợ chồng được đồng đứng tên sở hữu tài sản, hay chính sách lao động thông cảm với phụ nữ và trách nhiệm làm mẹ hơn nhiều nước khác.

Một nghiên cứu của Grant Thornton năm 2013 cho thấy số lượng phụ nữ nắm vị trí lãnh đạo ở Việt Nam đã tăng đáng kể và có tỉ lệ cao hơn hẳn tỉ lệ trung bình của thế giới (30% so với 19%). Điều đó có nghĩa là phụ nữ giờ đây không còn muốn bó mình vào vai trò của người chăm sóc gia đình chính như trước đó nữa. Tuy nhiên, liệu điều đó có đồng nghĩa với việc đàn ông Việt cũng cởi mở hơn với việc không cần phải là trụ cột kinh tế và sẵn lòng chăm con, làm việc nhà hay không? Một nghiên cứu khác cùng giai đoạn, từ năm 2013 đến 2015 của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội chỉ ra rằng phụ nữ vẫn làm 12 đến 14 nhiệm vụ nội trợ, chăm sóc gia đình, từ nấu ăn đến chăm sóc người già. Còn đàn ông vẫn chỉ làm việc sửa chữa đồ đạc hay đại diện gia đình khi cần giao tiếp bên ngoài. Vậy hóa ra, phụ nữ thời gian vừa làm việc và thăng tiến, vừa phải ôm hầu hết trách nhiệm chăm sóc gia đình.

nội trợ 2
Ảnh: Unsplash

Vậy nên, không có gì khó hiểu trên các trang báo dành cho phụ nữ và các hội nhóm chị em trên mạng xã hội, một trong các chủ đề nổi bật là làm sao để chồng đỡ đần việc nội trợ. Những người phụ nữ có được người chồng cùng tham gia nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm lo cho con thường coi đó là niềm tự hào, và sự may mắn. Những người khác không có điều ấy thì cũng chọn cùng một diễn đàn để bày tỏ sự ấm ức của mình. Sự ấm ức ấy cũng không có gì khó hiểu, vì nhiều phụ nữ cũng đi làm toàn thời gian, thu nhập như chồng, nhưng khi tan sở họ vẫn phải làm thêm vô số công việc không tên khác, không còn thời gian nghỉ ngơi trong khi chồng có thể đi uống bia, chơi thể thao. Sự có mặt của người giúp việc theo giờ hay các thiết bị điện tử gia đình trong gia đình không có nghĩa là trách nhiệm nội trợ của họ giảm bớt. Sự ấm ức dồn nén này dần thể hiện ra bằng sự cằn nhằn, bất mãn, mâu thuẫn nhỏ dẫn đến mâu thuẫn lớn trong gia đình.

nội trợ 3
Ảnh: Shape Singapore

Giải pháp của vấn đề này thực ra đến từ sự thay đổi nhận thức. Khi bàn về gia đình hiện đại, từ phim ảnh tới truyền thông đang tập trung quá nhiều về những thay đổi trong vật chất, về một hình ảnh đầy đủ tiện ích. Dù có nhiều tổ chức và chương trình giáo dục về quyền bình đẳng cho phụ nữ thì định kiến phụ nữ phải là người chăm sóc gia đình chủ lực vẫn còn đó. Cùng lúc đó, khi bàn về thành công với nam giới, người ta cũng nói rất nhiều về thành tựu trong sự nghiệp hay thu nhập mà ít khi nói về thành công trong việc thấu hiểu và hỗ trợ các thành viên khác trong gia đình. Đã đến lúc chúng ta cần định vị lại hình ảnh của một gia đình hiện đại, khi các thành viên trong gia đình có cơ hội phát triển cá nhân và cả trách nhiệm với những công việc không tên trong gia đình ngang bằng nhau. Và trong nỗ lực thay đổi đó, sự tham gia của nam giới vào những cuộc đối thoại là bắt buộc.

Xem thêm:

ELLE lắng nghe bạn: Khôn khéo trong hôn nhân & công việc

7 điều bạn nên biết trước khi quyết định tiến đến cuộc sống hôn nhân

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Huyên Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)