Cầm trong tay tấm bằng Cử nhân Văn học Pháp tại Đại học Sorbonne; Thạc sĩ về Quản lý Nghệ thuật & Văn hóa tại L’INSEEC – Pháp, Họa My về Việt Nam và bắt đầu thực hành thể loại sân khấu tái hiện. Cô tham gia Life Art, sau đó là ATH – Sân khấu kịch cho trẻ em tại Hà Nội. Mới đây, My là nghệ sĩ đại diện cho Việt Nam được chọn tham gia Festival kịch cho trẻ em lớn nhất tại châu Á (TYA-Theater for Young Audiences) được tổ chức tại Nhật Bản.
Chuyện đời trên sân khấu tái hiện
Công chúng ưa thích kịch Việt Nam hẳn không còn xa lạ với hình thức kịch phổ biến nhất từ trước tới nay là kịch nói, tức kịch có kịch bản. Mục đích sâu xa của kịch nhằm tạo ra việc trao đổi cảm xúc và góc nhìn giữa con người và con người, con người với chính mình một cách “thơ” hơn, dễ dàng hơn. Dựa vào cái gốc của kịch chính là việc “đối thoại” và “nhận thức”, kịch đương đại đã phát triển thêm nhiều thể loại kịch độc đáo khác. Một trong số đó là kịch không có kịch bản, hay còn gọi là kịch ứng tác. Sân khấu tái hiện (playback theater) hiện là xu hướng kịch đương đại của thế giới. Thể loại này đã và đang phát triển tại hơn 60 nước, điển hình là 3 quốc gia gồm Mỹ, Nhật Bản và Úc. Tại Việt Nam, nghệ sĩ trẻ Họa My đang ngày ngày tìm tòi và nghiên cứu để biến ước mơ “Nghệ thuật kịch làm thay đổi cộng đồng” (Drama for social change) dựa trên nền của sân khấu tái hiện thành sự thật tại Việt Nam vào một ngày không xa.
Một trong những vấn đề Họa My nhận thấy rõ ràng nhất ở văn hóa Việt Nam là sự thiếu trao đổi. Người Việt Nam thường bắt đầu mọi cuộc đối thoại bằng thái độ thiếu tích cực. Họ khó chấp nhận ý tưởng của người khác. Cô lấy một ví dụ nhỏ như từ tiếng Anh “critical” khi được dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “phê phán”. Việc dịch nghĩa này vô hình trung đã tác động không đúng đắn tới góc nhìn của người dùng từ và cả người suy nghĩ vấn đề. Thực chất, nghĩa của từ “critical” là “phản biện”. Việc “phản biện” chính là xây dựng câu chuyện theo cách triệt để và tích cực trong đối thoại. Và “phản biện” đối với My là nguyên tắc hay nhất của sân khấu tái hiện dựa trên sự “lắng nghe“ và “chấp nhận” ý kiến của người khác. Việc thực hành này đầu tiên đã giúp ích cho chính cuộc sống của My. Sau đó, từ chính sự thực hành thường xuyên này đã xây dựng cho cô một thói quen và giúp ích cho mọi cuộc thảo luận sau này được đi sâu hơn.
Họa My áp dụng nguyên tắc này một cách triệt để vào những buổi biểu diễn của playback theater. Nó giúp cô tái hiện lại một cách rõ ràng nhất những câu chuyện của người khán giả. Khán giả từ đó được thu hút bởi họ nhìn thấy chính họ qua sân khấu tái hiện với góc nhìn của một người ngoài cuộc. Chỉ khi đứng ra ngoài câu chuyện của chính họ, họ mới có thể nhìn ra sự việc đó một cách khách quan hơn, sâu hơn. Tái hiện lại câu chuyện đã một lần nữa soi chiếu rõ hơn quá khứ của khán giả. Từ đó, việc hiểu được chính bản thân mình cũng trở nên thật dễ dàng.
BÀI LIÊN QUAN
Không chỉ là “trị liệu”
Không muốn nói nhiều về bản thân mình, Họa My chỉ muốn tập trung vào nghệ thuật, thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật để thể hiện tâm hồn và những trăn trở của mình. Cô nói: “Chính vì nhận ra việc khán giả có thể hiểu được bản thân hơn sau mỗi lần thực hành, My lại càng muốn phát triển hình thức nghệ thuật này nhiều hơn và sâu rộng hơn nữa”. Nhưng My nhận ra rằng hiện tại ở Việt Nam tồn tại song song hai thái cực riêng rẽ: Một là sử dụng kịch ứng tác như một hình thức giải trí đơn thuần, hai là nhìn nó với con mắt trị liệu. Đối với My, cả hai điều này đúng nhưng vẫn chưa đủ. My muốn làm sao có thể phát triển được cả hai yếu tố này, và cô muốn sử dụng yếu tố thứ hai như một cách nhìn thực địa nghiên cứu xã hội hơn là một phương pháp “trị liệu”. Với My, thay vì áp dụng những cuộc khảo sát hay phỏng vấn khô khan, cô thực sự mong muốn kết hợp với cộng đồng nghệ sĩ kịch ứng tác nhằm tạo tiền đề xây dựng chính sách cho xã hội. Đây chính là một hình thức sử dụng tiếng nói từ chính cộng đồng đang nghiên cứu mà không phải từ những người hoạch định chính sách.
Họa My – đúng như tên gọi một loài chim có tiếng hót được ví như “nghệ sĩ của rừng xanh”, My từng bước một đem sân khấu tái hiện vào đời thường để thay đổi xã hội, làm đẹp cho đời. Đối với My, playback theater vừa là một loại hình nghệ thuật biểu diễn giải trí, vừa là một phương pháp nhằm giúp con người trao đổi và nhận thức tốt hơn. My chia sẻ: “Chất lượng nghệ thuật của một playback theater chỉ đạt tới đỉnh điểm khi tái hiện thành công một câu chuyện và tìm ra nốt trầm chung của tất cả những khán giả chia sẻ câu chuyện. Mỗi một khán giả đều có những câu chuyện hoàn toàn khác nhau, nhưng họ luôn luôn có những cảm xúc chung như niềm vui, nỗi buồn, sự thất vọng… Hiểu được nội tâm, lột tả được mong muốn và ước mơ của mỗi khán giả (hay người kể câu chuyện của chính họ) là phần thưởng vô giá đối với người nghệ sĩ”. Khi sự tương tác tạo ra nghệ thuật hay ngược lại, nghệ thuật có tính tương tác, đó chính là lúc nghệ thuật phát huy mạnh nhất ý nghĩa của chính nó.
—
Xem thêm:
PV nhà thiết kế trẻ Nuchsuda – Tâm hồn đam mê nghệ thuật
Lý Trần Quỳnh Giang & Trần Nhật Thăng – Nghệ thuật và cái đẹp
Nhóm thực hiện
Bài: Linh An Ảnh: Nhân vật cung cấp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE