Chị có thể chia sẻ một chút về công việc hiện tại không?
Tôi có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh – chuyên ngành Khai vấn, Cố vấn & Lãnh đạo – Đại học York St John, Vương quốc Anh và Cử nhân Quản trị kinh doanh – Học viện Cao học Glion, Thụỵ Sĩ. Công việc này ban đầu đến từ niềm đam mê, thích lắng nghe, chia sẻ. Tôi nhận ra rằng, không tìm được hạnh phúc và an yên trong tâm trí dẫn đến việc so sánh là một vấn nạn chung đối với rất nhiều người hiện nay, đặc biệt là phụ nữ. Vì vậy, tôi muốn biến sở thích này trở thành công việc chính. Tôi cảm thấy trọn vẹn khi có thể giúp ai đó hạnh phúc hơn.
Trong 3 năm kể từ thời điểm bắt đầu công việc này cho đến nay, chị đã thấy sự thay đổi gì đáng kể từ các học viên và từ chính mình?
Đó là sự thay đổi từng ngày. Nhờ công việc này, tôi được chứng kiến sự biến chuyển tâm lý của các học viên, khoảnh khắc khi họ vỡ òa và thoát khỏi bế tắc. Kể từ khi đó, bản thân tôi cũng thay đổi. Tôi tin một cách mãnh liệt rằng mỗi con người sinh ra, chúng ta không đơn giản chỉ đi vào một vòng tròn lặp đi lặp lại. Phụ nữ Việt Nam từ xa xưa đã được dạy phải hy sinh bản thân, sống an phận theo chu kỳ được định sẵn. Họ trói buộc mình trong định kiến của xã hội, của những người xung quanh, và của cả những người xa lạ trên mạng. Họ cần phải can đảm thoát ra, tự tạo và nắm giữ hạnh phúc của chính mình.
Theo chị, những trở ngại tâm lý mà phụ nữ thường mắc phải nhất là gì?
Trở ngại phổ biến nhất tôi thường thấy ở các học viên, đó là hay so sánh bản thân mình với người khác. Nhưng thực ra, điều này lại xuất phát từ bản năng của con người. Ai sinh ra cũng mong muốn được trở nên tốt đẹp hơn. Vì luôn được bản năng này thúc đẩy nên chúng ta vô tình tạo ra mặt tiêu cực, đó là không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những thứ mình có và từ đó hình thành sự so sánh hậu trường của bản thân với sân khấu của người khác. Tôi thường hay chia sẻ với các học viên rằng chúng ta nên tập trung vào phần đủ, là những gì chúng ta đang sở hữu, để phát triển và hoàn thiện nó, biến nó thành ưu điểm. Bởi chẳng ai hoàn hảo cả. Hãy nhớ rằng, chúng ta vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người trên thế giới này.
Nhưng làm sao để khắc phục một khi nó đã trở thành căn bệnh cố hữu?
Tôi nghĩ quan trọng nhất đó là hãy tập trung vào phần tốt đẹp của mình và nhìn nhận những điểm sáng trong mọi hoàn cảnh. Nhiều người hay trách cuộc đời bất công nhưng chính họ lại đang đối xử không công bằng với bản thân. Ai cũng có mặt tốt, nhưng sự tự ti khiến những mặt tối nảy nở và làm lu mờ tâm trí. Mỗi câu chuyện đều có rất nhiều mặt. Có khi những gì chúng ta thấy không phải là mặt duy nhất. Vì vậy, phụ nữ hãy biết tự đặt những câu hỏi thông minh và sâu sắc để định hướng lại suy nghĩ của bản thân và tránh tình huống so sánh không đáng có. Trong tâm lý học, phương pháp này được gọi là coaching (khai huấn).
Phương pháp này có giống những workshop dạy kỹ năng mềm phổ biến hiện nay không?
Đây là hai phương pháp khác hẳn nhau. Coaching không đưa ra bất kỳ lời khuyên nào mà hướng dẫn bạn đặt ra những câu hỏi mở, từ đó tư duy để tự tìm ra vấn đề và giải pháp cho mình. Phụ nữ luôn có xu hướng cảm thấy bất công khi thấy những thành tựu của người khác còn mình thì không. Tuy nhiên, bạn có bao giờ tự hỏi rằng, bạn dám hy sinh bản thân hay trả giá để có được những thành công đó hay không? Chìm trong những suy nghĩ chỉ trích hay phán xét chỉ khiến bản thân thêm mặc cảm, tự ti và bế tắc, thậm chí làm tổn thương đến lòng tự trọng của chính mình. Những câu hỏi thông minh sẽ giúp bạn thoát khỏi trạng thái tiêu cực, bình tâm suy nghĩ về nguồn gốc của vấn đề và tìm ra mục tiêu, ý nghĩa thật sự của cuộc sống.
Thật ra “suy nghĩ tích cực” là một vấn đề muôn thuở, nói thì dễ nhưng làm mới khó. Những câu nói hay trên mạng chỉ tác động nhất thời ở một mức nào đó, nếu như không có kỹ năng và tư duy thấu hiểu, bạn sẽ nhanh chóng quay về trạng thái cũ.
Ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội, sự so sánh về vẻ bề ngoài càng trầm trọng hơn. Có cách nào để tránh rơi vào bẫy của mạng xã hội?
Theo khía cạnh của tâm lý học, ngày nay, mạng xã hội như một nơi để đắm chìm vào đó mà quên đi thực tại cuộc sống nhàm chán của mình. Lâu dần cuộc sống của chúng ta chỉ xoay quanh những hình ảnh hoàn hảo của người khác. Chúng ta khao khát được sống như họ nhưng lại không thể trở thành họ. Và đương nhiên, sự ngầm so sánh sẽ hình thành.
Theo tôi, tâm trí của chúng ta có ba trạng thái: Thứ nhất là ở quá khứ, thứ hai là ở hiện tại và cuối cùng là ở tương lai. Khi bạn lo lắng có nghĩa bạn đang nghĩ về tương lai. Khi bạn đau khổ, buồn bã, chắc chắn bạn đang sống trong quá khứ. Giây phút duy nhất bạn cảm thấy bình yên thực sự, vô tư vô nghĩ là ở thời điểm hiện tại. Tôi nghĩ, nếu có thể, mọi người nên tập thiền. Thiền là một phương pháp khoa học giúp não bộ được tĩnh lặng, tâm trí thông suốt và thanh thản, sức tập trung đẩy lên cao độ hơn. Thiền không chỉ khoanh chân ngồi thở mà là khi bạn tập trung vào bất cứ việc gì. Chẳng hạn như khi bạn lướt điện thoại trong một thời gian nhất định cũng được gọi là thiền. Nếu bạn chỉ xem những tin tức tiêu cực, cảm giác sau cùng sẽ chỉ là mệt mỏi buồn chán mà thôi. Nhưng nếu thay thế bằng cách đặt điểm tập trung của mình vào một bối cảnh tươi đẹp, bình yên, tâm trạng sẽ vui tươi và lạc quan hơn.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Nhóm thực hiện
Bài: H.Tôn Ảnh: Karsten Dang, Bá Duy Stylist: Nhật Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE