Trở thành vận động viên (VĐV) điền kinh, một bộ môn cần sức bền, thể lực tốt, Lan đã đến với lựa chọn này như thế nào? Bạn thấy có những thiệt thòi, rào cản gì khi nữ chọn thể thao chuyên nghiệp?
Từ bé, Lan đã rất thích chạy theo các anh trên đường làng và hay đi theo anh trai (VĐV điền kinh Quách Công Lịch) ra sân tập. 15 tuổi, Lan đã cao 1m68 nên có lợi thế về thể hình. Năm 2011, trong một cuộc thi cho lứa trẻ ở Nghệ An, Lan được giải nhất và được tuyển chọn thẳng vào đội tuyển trẻ quốc gia. Sau lần đó, cơ duyên đến và Lan lại được chọn xét tuyển vào đội tuyển điền kinh của tỉnh Thanh Hóa. Càng tiếp xúc, Lan lại càng cảm thấy thêm gắn bó, yêu thích môn thể thao này và quyết định đi theo chuyên nghiệp.
Lan cũng cảm thấy một chút thiệt thòi khi mình không có nhiều thời gian chăm sóc bản thân như những cô gái khác. Ví dụ, đến hiện tại Lan cũng không thực sự biết cách trang điểm. Nhưng với Lan, nhờ trở thành một VĐV chuyên nghiệp, Lan có cơ hội rèn luyện và trải nghiệm vượt qua giới hạn bản thân, đại diện cho quốc gia thi đấu, đạt được những thành tích bước đầu trong sự nghiệp thể thao và nhận được rất nhiều tình cảm của người hâm mộ. Lan luôn cảm thấy tự hào về điều này.
Điều gì là quan trọng nhất với một VĐV nói chung và một VĐV điền kinh nói riêng trước khi thi đấu?
Với Lan, ý chí là yếu tố quan trọng nhất. Trong điền kinh, vận động viên sẽ gặp rất nhiều thời điểm không thể vượt qua được giới hạn bản thân, từ tập luyện cho đến thi đấu và nhất là đối diện với chấn thương. Một kỷ niệm Lan nhớ nhất, đó là khi Lan bị chấn thương khá nặng trước khi SEA Games 30 (năm 2019 ở Philippines) diễn ra 2 tháng. Đối với VĐV như Lan, SEA Games là giải đấu không thể không có mặt vì đời VĐV rất ngắn, và SEA Games hai năm mới có một lần. Cuối cùng Lan được ban huấn luyện chọn chỉ vài tiếng trước khi bước vào chung kết môn thi cuối, môn thi 4x400m hỗn hợp. Và may mắn, Lan cùng đồng đội đã không làm mọi người thất vọng: đạt HCV và phá kỷ lục Quốc gia.
Đi thi đấu giữa bối cảnh thế giới đang chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19, Lan đã vượt qua những khó khăn ấy như thế nào?
Do đại dịch, rất nhiều kế hoạch tập huấn, thi đấu của Lan đã bị xáo trộn. Việc tham gia các giải đấu quốc tế để lấy chuẩn chính thức cũng không thể thực hiện. Với VĐV, chỉ có trong thi đấu mình mới nhận ra và khắc phục các điểm yếu về tâm lý, nhất là môn điền kinh cự ly ngắn, mọi cuộc thi chỉ diễn ra trong vài phút. Vài phút đấy có thể quyết định cả sự nghiệp của mình.
BÀI LIÊN QUAN
Việc chỉ “tập chay” khiến Lan thiếu đi cảm giác thi đấu quốc tế, khó có thể đánh giá phong độ của bản thân so với các đối thủ. Lan may mắn có anh trai là VĐV chuyên nghiệp đồng hành, làm đối thủ cho mình tập luyện hàng ngày. Việc được tham dự và thi đấu tại Olympic theo suất đặc cách cũng là một may mắn với Lan. Lan đến với Olympic Tokyo 2020 với tâm thế thoải mái, không bị đặt nặng về thành tích nhưng tự xác định phải có một cột mốc nào đó từ giải đấu trong mơ này. Theo chỉ dẫn của chuyên gia và ban huấn luyện, kỹ năng và tâm lý của Lan cũng được cải thiện từng ngày. Dù chưa phải là phong độ tốt nhất có được nhưng Lan đã tập trung và cố gắng hết sức trong khả năng của mình.
Lan thấy áp lực từ mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý của các VĐV như thế nào?
Sau mỗi giải đấu, luôn có người khen, người chê. Đôi lúc, Lan nghĩ rằng bản thân Lan và các VĐV khi đọc được những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội ít nhiều sẽ có những phút cảm thấy rất tủi thân, thậm chí là ấm ức vì bọn mình đã rất cố gắng để luyện tập, thậm chí cắn răng chịu đựng chấn thương để thi đấu, dù cho kết quả đôi khi không như mọi người mong muốn.
Tuy nhiên, thay vì tập trung vào những chỉ trích hay giữ lại những năng lượng tiêu cực, Lan chọn để tâm nhiều hơn đến những người yêu thương mình. Vẫn luôn có rất nhiều những lời động viên, cổ vũ, bình luận tích cực gửi đến. Đây chính là động lực để bọn mình lấy lại tinh thần và cố gắng hơn nữa trong các giải đấu tiếp theo.
BÀI LIÊN QUAN
[ELLE Voice] Phụ nữ & Thể thao
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Anh Hình ảnh: NVCC Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE