[ELLE Voice] Tâm sự Gen Z

Đăng ngày:

Vài năm gần đây, chúng ta đã nói nhiều về Gen Z ở một khía cạnh sôi nổi và tràn đầy hy vọng – một thế hệ bùng nổ sáng tạo, tự do và cởi mở, liên tục thiết lập xu hướng mới và tạo ra những thay đổi bước đầu trong đời sống xã hội. Nhưng, không phải chỉ là một “thế hệ vượt sướng” như nhiều người vẫn nghĩ, Gen Z cũng có những trăn trở, lo lắng riêng, như bất kỳ ai đi qua cánh cửa tuổi trẻ cũng phải đối mặt.

Dương Thảo Vy, 22 tuổi (2001), Bạc Liêu

Những vấn đề về sự trưởng thành và khả năng tự lập luôn khiến em cảm thấy nặng nề mỗi khi nghĩ đến. Trong đó, khó giãi bày nhất có lẽ là những vấn đề liên quan đến sự nghiệp và công việc. Đặc biệt, đối với Gen Z – một thế hệ đã quá quen với những thuận tiện của cuộc sống hiện đại – chúng em luôn phải cố gắng “vượt sướng” chứ không phải là “vượt khó” như những thế hệ trước. Thú vị là “vượt sướng” lại khó hơn gấp trăm lần. Khi nghĩ về tương lai, em luôn lo lắng rằng liệu mình có thể kiếm được nhiều tiền để trang trải cuộc sống, lo cho bản thân, gia đình và cả những hoạt động xã hội mà mình quan tâm. Mọi người thường nghĩ rằng “Gen Z là một thế hệ ăn chơi”. Thực tế là chúng em luôn phải đối mặt với rất nhiều thách thức của cuộc sống hiện đại, của sự phát triển công nghệ, phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt diễn ra từng giây từng phút để chí ít cho một tập thể biết rằng sự hiện diện của mình có ý nghĩa như thế nào với họ.

Tăng Thúy Ngọc, 19 tuổi (2004), TP.HCM

Em thường cảm thấy buồn về bản thân mình, buồn vì đôi lúc mọi người xung quanh không hiểu và quan tâm mình. Khó giãi bày nhất có lẽ là cảm giác cô đơn. Đôi lúc em cần tâm sự về một vấn đề nào đó, điều em nhận lại chỉ là những câu trả lời không liên quan cùng thái độ không quan tâm và thực sự lắng nghe em. Mỗi khi nghĩ về tương lai, em thường lo rằng liệu sau này mình có kiếm được nhiều tiền để giúp đỡ gia đình hay không, nếu bây giờ em không cố gắng thì sau này sẽ ra sao, hoặc cố gắng như thế nào… Đối với em, tương lai là một điều gì đó rất mơ hồ.

cô bé gen Z ngồi trên bãi cỏ

Ảnh: Unsplash/Huynh Nhu

Phạm Huỳnh Đan Thanh, 22 tuổi (2001), Cà Mau

Dạo gần đây, em thường buồn vì không biết nên làm gì với tương lai. Em có nhiều dự định và ước mơ, nhưng không chắc bản thân muốn chọn con đường nào. Nhiều trong số chúng buộc em phải từ bỏ những thứ quan trọng của mình để có thể theo đuổi, nên khiến em buồn lòng và bức bối rất nhiều. Mỗi thế hệ khác nhau có những vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, em nhận thấy nhiều người có xu hướng quy chụp và xem thường các vấn đề mà Gen Z đang gặp phải. Họ cho rằng thế hệ chúng em đang nghiêm trọng hóa vấn đề, thiếu trải nghiệm, thiếu lý tưởng. Họ cũng thường lập luận rằng thế hệ ông cha ta đã phải trải qua nhiều khó khăn và vất vả, nên việc chúng em sống trong thời đại phát triển ngày nay nhưng vẫn mắc các bệnh về tâm lý cho thấy chúng em quá yếu ớt và nhạy cảm. Em tin rằng đây là một hình thức của “thượng đẳng thế hệ” – kiểu tư duy ích kỷ, thiếu đồng cảm và đang khiến sức khỏe tinh thần của mọi người trở nên trầm trọng hơn.

Phạm Phương Thảo, 22 tuổi (2001), Bến Tre

Ở mỗi độ tuổi khác nhau, em sẽ có những lo lắng khác nhau. Nhưng ở giai đoạn sắp tốt nghiệp thế này, em chỉ quan tâm đến vấn đề duy nhất là làm thế nào để không trở thành gánh nặng của gia đình. Có thể vì ở thời đại của tụi em, đa số đều được bố mẹ chăm sóc kỹ hơn, được ăn sung mặc sướng từ nhỏ nên mọi người thường nghĩ rằng tụi em sống chỉ tận hưởng mà chẳng lo nghĩ đến tương lai. Thực ra tụi em có nghĩ chứ, nghĩ nhiều là đằng khác, chỉ là cách tụi em lo lắng, quan tâm khác với thế hệ trước mà thôi.

Hai cô bé Gen Z ngồi trò chuyện

Ảnh: Unsplash/Antonella Vilardo

Phạm Thái Châu, 22 tuổi (2001), Tiền Giang

Hiện tại, ở tuổi 22, em lo lắng tương lai sẽ không được như ý muốn vì em đặt ra rất nhiều mục tiêu. Em cũng đang phấn đấu nhưng điều quan trọng là em phải tự tạo động lực để thực hiện các mục tiêu mà mình đề ra. Em thường tìm nhiều lý do khách quan để biện hộ cho việc mình không làm được một điều gì đó, nhưng sâu trong thâm tâm, em hiểu vấn đề là do chính bản thân em. Và điều này gây ra cảm giác lo lắng, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của em. Em hay nghe mọi người nói rằng “Gen Z sướng quá rồi”, “mấy đứa nhỏ bây giờ đâu hiểu được cảnh ngày xưa đói khổ như thế nào”. Chúng em sinh ra trong điều kiện đầy đủ và bình yên hơn thì tất nhiên sẽ sướng hơn thế hệ trước, nhưng rồi sẽ có các vấn đề khác phát sinh cho riêng thế hệ chúng em, ví dụ như sức khỏe tinh thần, khủng hoảng dân số, việc làm, môi trường…

Kris Tran, 24 tuổi (1999), Gia Lai

Em nghĩ điều mọi người hiểu lầm nhiều nhất về thế hệ của em là “đây là một thế hệ yếu đuối”. Mỗi thế hệ đều có những nỗi đau và mối âu lo riêng, em nghĩ chúng ta không nên lấy thước đo của thế hệ này để so sánh với thế hệ khác, vì nó khập khiễng và nông cạn. Nếu cho phép em dùng một từ đúng hơn để tạm khái quát về thế hệ của mình, đó sẽ là “vulnerable”. Gen Z không phải là một thế hệ yếu đuối, hèn nhát mà là một thế hệ nhạy cảm và dễ bị tổn thương, một thế hệ sẵn sàng dỡ bỏ những bức tường quanh mình để trưng ra bộ dạng mong manh ấy, để thành thật và đón nhận mọi thứ.

Lê Hồng Bảo Quỳnh, 20 tuổi (2003), TP.HCM

Bố mẹ em là giảng viên đại học và em thường xuyên nghe họ nói về thế hệ của mình với những định kiến như: các bạn trẻ quá đầy đủ về vật chất, cái tôi của các bạn quá cao, không thể làm việc dưới môi trường nhiều áp lực vì các bạn rất mau nản… Gen Z bị đóng khung không mấy đẹp đẽ trong mắt mọi người nhưng em nghĩ, thế hệ nào cũng có cái tốt và cái chưa tốt. Em đồng ý rằng Gen Z chính là thế hệ được trang bị đầy đủ phương tiện để tiếp cận với những lối sống sôi động, đa văn hóa, điều này cho chúng em một cái nhìn cởi mở hơn về thế giới, thế nên, hầu hết Gen Z đều đi học đại học chứ không đi làm sớm như những thế hệ trước. Nhiều người cho rằng Gen Z không tự chủ về tài chính, ỷ lại bố mẹ quá nhiều nên không biết được giá trị của đồng tiền. Em không đồng ý với ý kiến này, sự “tự chủ” của một người không xét trên thang đo tài chính và công việc, quan trọng là mỗi người tự chủ được cảm xúc và dám theo đuổi những điều họ đam mê.

hai cô gái đi dạo cùng nhau

Ảnh: Unsplash/Clarisse Meyer

Như Quỳnh, 22 tuổi (2001), Đà Nẵng

Em thường cảm thấy buồn vì những tổn thương từ quá khứ và một số trăn trở trong công việc. Vì ở tuổi 22, vừa mới tốt nghiệp và bước chân hoàn toàn vào môi trường làm việc, mình sẽ khó tránh khỏi cảm giác thấy “ngợp” và mệt mỏi, đôi khi là bị “burn out”. Bên cạnh việc phải xử lý những bất đồng quan điểm với ba mẹ do khoảng cách thế hệ, điều em lo lắng nhất trong tương lai vẫn là định hướng phát triển bản thân. Em nghĩ đó là tâm lý chung khó tránh khỏi của thế hệ mình, khi phải đấu tranh giữa việc tìm thấy bản sắc cá nhân và khẳng định tài năng trong lúc xã hội có khá nhiều biến động. Chẳng hạn như việc các bạn đồng niên của em đã phải đối mặt với COVID-19 trong suốt thời gian học đại học, dẫn đến việc một số trải nghiệm về nghề nghiệp đã không bằng với các khóa trước vì phải chịu ảnh hưởng của giãn cách xã hội. Hoặc là vừa ra trường đã đối diện với khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, mọi người phải liên tục “chạy” để không bị bỏ lại phía sau, và điều đó có thể dẫn đến một số vấn đề về tâm lý.

Võ Thùy Châu, 19 tuổi (2004), Quảng Nam

Em thường cảm thấy buồn về những vấn đề như gia đình, học hành, bạn bè, tình cảm, gánh nặng bố mẹ vô ý áp đặt. Trong số đó, khó nói nhất là áp lực từ phía bố mẹ. Em cũng lo lắng rất nhiều điều về tương lai, sợ rằng tương lai sẽ đi chệch khỏi những điều em đã tính toán sẵn. Khi nói đến thế hệ của em, mọi người thường áp đặt quan điểm rằng Gen Z là thế hệ độc hại, những thanh niên mang tâm hồn nhạy cảm, sẵn sàng chống lại hay làm tổn thương người khác để bảo vệ quan điểm của bản thân, nhưng đấy là một phần nhỏ thôi ạ, ít nhất những bạn em gặp đều rất điềm đạm và lịch sự.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Đ.T

 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more