Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Voice] Giá trị văn hóa là ngôi sao phương Bắc

Tôi gặp Kim và Vanessa (mà Kim trìu mến gọi là em Vân) ở một tiệm cà phê nhỏ, thuộc tầng trệt của một chung cư cũ, ngay gần chợ Thị Nghè. Lựa chọn đó không phải là ngẫu nhiên. ELLE muốn cùng Kim và Vanessa dành vài tiếng đồng hồ dạo quanh một góc phố thật Sài Gòn - với nắng nóng, hơi ẩm và những tán cây xanh, với khu chợ lâu đời và những hàng quán bình dân, với người Sài Gòn nhiều thế hệ và thật "om sòm" - như cái tên OMSOM mà các cô đã chọn cho thương hiệu của mình.

omsom thương hiệu mì và nước sốt

Omsom, thương hiệu mì và nước xốt châu Á, đã có mặt trên kệ của những chuỗi siêu thị bao gồm WholeFoods, Target cũng như kênh bán lẻ trực tiếp. Khó ai có thể tin được Omsom chỉ mới ra mắt từ năm 2020. Việc có mặt tại các hệ thống siêu thị thực phẩm uy tín và chọn lọc nhất của nước Mỹ cho thấy sự thành công cả về mặt kinh doanh và thương hiệu của Omsom. Thật may mắn, tôi đã có cuộc trò chuyện với Kim và Vanessa về ước mơ, tham vọng của họ và cả những nỗi niềm phía sau thương hiệu đang rất “om sòm” tại thị trường Mỹ này.

Chào Kim và Vanessa, Omsom đang được xem là ngôi sao mới của giới khởi nghiệp mảng thực phẩm, nhưng những gì chúng tôi biết về hai nhà sáng lập – hai chị em bạn còn ít lắm. Liệu các bạn có thể chia sẻ một chút về hành trình của mình trước khi thành lập Omsom được không?

Kim: Có lẽ phải bắt đầu từ thời thơ ấu của chúng tôi nhỉ? Tôi và em Vân sinh ra, lớn lên ở một thị trấn nhỏ thuộc phía Nam Boston, bang Massachusetts. Đó là một thị trấn có 98% dân số là người da trắng, khá bảo thủ và chủ yếu thuộc tầng lớp lao động trung lưu và bình dân. Tuổi thơ của chúng tôi rất tươi đẹp và bố mẹ đã làm việc vất vả để mang lại cho chúng tôi những gì chúng tôi muốn. Tuy nhiên, lớn lên ở một nơi không có nhiều người giống mình cùng với sự thiếu vắng các hình mẫu gốc Á trong văn hóa đại chúng quả là một thách thức lớn. Chúng tôi đã nếm trải cả sự phân biệt chủng tộc và âm ỉ mang theo cảm giác xấu hổ về gốc văn hóa của mình. Trong suốt nhiều năm, tôi thấy xấu hổ vô cùng về chuyện ăn nước mắm, nhà mình có mùi của nước mắm. Phải, cảm giác xấu hổ đã bao phủ lên tuổi thơ của tôi, cho đến tận khi tôi vào đại học và có sự “phục sinh” về căn tính người Mỹ gốc Á của mình. Khi đó, tôi biết ơn cha mẹ vô cùng, vì trong quá trình tôi loay hoay tìm cách hòa giải và thoải mái với bản dạng văn hóa của mình, cha mẹ đã ở đó, giữ gìn gốc rễ văn hóa của chúng tôi qua những bữa tối gia đình.

omsom thương hiệu của người Việt

Vanessa: Phải vậy đó, khi còn bé, việc tìm kiếm cộng đồng hòa hợp với mình vô cũng quan trọng. Chúng tôi học được rằng phải đặt căn tính văn hóa của mình sang một bên để tồn tại và hòa nhập vào xã hội. Bởi vậy, khi trưởng thành, chúng tôi lại dành phần lớn thời gian cho việc tìm lại căn tính văn hóa đó. Phải đến khi vào đại học, tôi mới học được cách thoải mái là chính mình, và khi đó tôi mới thực sự tự hào về chuyện mình là một người Mỹ gốc Á. Thức ăn là con đường trở về của tôi. Mẹ tôi nấu ăn ngon lắm, và cũng rất coi trọng bữa cơm có đầy đủ cả nhà. Dù cha tôi có đi làm về muộn, cả nhà vẫn phải ăn tối cũng nhau. Bữa ăn trở thành một nghi lễ, là cách cha mẹ tôi giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa và cả tinh thần gia đình, bảo vệ chúng tôi trước những khác biệt bên ngoài.

Vậy đó có phải là lý do mà hai bạn bắt đầu khởi nghiệp với Omsom không?

Kim: Ồ, chắc phải nói về con đường sự nghiệp của chúng tôi trước đã. Từ khi còn bé, cha tôi đã nuôi dạy chúng tôi bằng những câu chuyện chứ không phải bằng kỷ luật khắt khe. Cha mẹ tôi không đi theo phong cách phụ huynh nghiêm khắc, mà luôn cho phép chúng tôi được là chính mình. Cha tôi nói rằng, cha mẹ tới Mỹ là để tôi và Vanessa được trở thành phiên bản độc lạ nhất của chính mình. Và vì thế, từ năm 16 tuổi, tôi đã sớm tham gia xây dựng thương hiệu và cộng đồng cho các công ty khởi nghiệp. Tôi luôn muốn được là người xây dựng cái gì đó từ số 0. Và tôi luôn nghĩ mình sẽ làm cái gì đó với Vanessa, nhưng tôi phải đợi em tôi sẵn sàng cho điều đó.

Cuộc bầu cử năm 2016 khiến tôi cảm thấy thế giới này đang đi theo một chiều hướng không như mình mong muốn, và tôi cảm thấy rất ít hạnh phúc trong một thế giới như vậy. Tôi cảm thấy có chút bất lực và tự hỏi, làm thế nào để tôi có thể, theo cách bé nhỏ, trong lối đi của mình, tạo ra sự thay đổi mà tôi muốn thấy.

Vanessa: Con đường của tôi hơi khác của chị Kim một chút. Chứng kiến cha mẹ tôi lao động chăm chỉ hết mình để nuôi dạy con khôn lớn và nghe những câu chuyện cả gia đình đã lao động vất vả như thế nào, tôi cảm thấy mình cần tiếp nối truyền thống ấy. Tôi luôn cố gắng để làm cho cha mẹ phải thấy thật tự hào, và có lẽ cũng là vì tôi cần có được sự công nhận từ xã hội bên ngoài nữa. Cha mẹ không bao giờ ép tôi đâu, nhưng tự tôi cảm thấy mình phải cố gắng hết mức. Tôi vào học Harvard, rồi sau đó đi làm cho công ty tư vấn quản lý Bain & Company, có lẽ vì đó là công việc khó giành được nhất. Tôi biết ơn những trải nghiệm đó, vì chúng đã dạy cho tôi tư duy, khả năng quản lý. Nhưng, tôi dần tái định nghĩa lại thành công trong cuộc sống của mình, và tôi quyết định đã tới lúc phải làm gì đó thể hiện được giá trị văn hóa của bản thân.

Tôi thực sự rất muốn xây dựng một cái gì đó phản ánh giá trị của mình và điều tôi muốn thấy trong thế giới này. Tôi cũng muốn xây dựng một nền tảng cho chính mình. Là một phụ nữ Mỹ gốc Việt, tôi cảm thấy có rất ít người Đông Nam Á ở vị trí lãnh đạo tại Hoa Kỳ tạo ra được sự ảnh hưởng lên cách mọi người nghĩ và hình dung về văn hóa châu Á. Xây dựng một công ty sẽ là cách tuyệt vời để thử làm điều này. Nếu tôi chọn tiếp tục tại các tập đoàn lớn, tôi có thể thành công, nhưng mất rất nhiều thời gian và cả sự đánh đổi từ bản thân mình nữa. Tôi thấy mình có chị Kim, một người thông minh, sáng tạo, luôn biết cách tận dụng mọi nguồn lực, và tôi đã mở lời.

Kim: Chúng tôi đã đi leo núi cùng nhau, và em Vân nói rằng chúng ta nên khởi nghiệp cùng nhau đi, chị nhỉ?

Vannesa: Và Kim hồ hởi đáp lại: Chị đã chờ em nói câu này suốt bao lâu nay đấy.

Kim: Chúng tôi có con đường trưởng thành khác nhau, nhưng cuối cùng lại giao nhau vào thời điểm phù hợp. Giá trị văn hóa chính là ngôi sao phương Bắc của chúng tôi. Chúng tôi có chung câu hỏi về tầm quan trọng của căn tính, trăn trở về sự thiếu vắng các hình mẫu gốc Á và nhiều khía cạnh khác nhau của văn hóa châu Á trong xã hội Mỹ. Và chúng tôi đã bắt đầu từ đó.

omsom nhà sáng lập vanessa

Và hẳn khởi nghiệp bằng thực phẩm là một lựa chọn hiển nhiên cho hai bạn?

Kim: Không đâu. Thực ra chúng tôi có ý tưởng làm chung điều gì đó, nhưng phải mất rất lâu mới có thể xác định được thứ mình có thể làm tốt nhất. Nhưng rồi tôi và em Vân đã thấy được rằng mình có thể tạo ra được sự ảnh hưởng trong mảng ẩm thực. Và vì vậy, chúng tôi đã bỏ việc, dù thực sự chưa biết Omsom cụ thể sẽ là cái gì, nhưng biết rằng, chúng tôi sẽ làm điều gì đó để giúp tái hình dung và tái sáng tạo cách người Mỹ nhìn nhận, không chỉ về ẩm thực châu Á mà còn về cộng đồng và văn hóa châu Á.

Văn hóa đại chúng Mỹ thường quy văn hóa châu Á thành một dạng thể hiện đơn nhất, trong khi thực tế lại rất đa dạng, phức tạp và bí ẩn. Chúng tôi muốn dùng ẩm thực để đưa ra thông điệp giáo dục về sự đa dạng và phức tạp, tôn vinh văn hóa và cộng đồng châu Á. Chúng tôi cũng muốn khôi phục lại những câu chuyện, những hồi ký và những hương vị châu Á thực sự mà chúng tôi cho rằng đã bị pha loãng, mai một trong các siêu thị ở Mỹ.

Vanessa: Chúng tôi chọn bắt đầu Omsom bằng xốt gia vị và năm nay ra mắt thêm mì, vì chúng tôi muốn xây dựng thương hiệu để tôn vinh cộng đồng của mình. Chúng tôi muốn sáng tạo những món ăn ngon để bạn có thể dễ dàng nấu tại nhà mà vẫn có hương vị như được nấu bởi một đầu bếp thượng hạng. Khách hàng có thể dùng sản phẩm mì của chúng tôi như một bữa ăn tiện lợi và tròn vị, nhưng họ có thể sáng tạo cùng với những nguyên liệu của họ để tạo ra một bữa ăn trọn vẹn, mang hương vị tươi ngon của các gia vị châu Á.

Kim: Hơn thế nữa, Omsom phải là một thương hiệu văn hóa trước khi là một thương hiệu thực phẩm. Chính vì thế, trên các kênh truyền thông mạng xã hội, chúng tôi thường xuyên đăng tải các đoạn hướng dẫn nấu ăn cùng sản phẩm của chúng tôi, để khách hàng không chỉ tiêu dùng mà còn có cơ hội thực sự học về ẩm thực châu Á, hương vị và triết lý của châu Á.

omsom nhà sáng lập kim

Điều thú vị ở hướng tiếp cận của Omsom là các bạn chọn những kênh siêu thị thực phẩm lớn chứ không phải ở các siêu thị châu Á, hẳn phải có lý do nào đó cho lựa chọn của các bạn?

Kim: Chúng tôi muốn tạo ra ảnh hưởng lớn, không chỉ về mặt người mua hàng, mà cả sự lan tỏa của văn hóa. Chúng tôi muốn bất kể một người Mỹ nào, dù gốc văn hóa từ đâu, đều có thể dễ dàng nhìn thấy sản phẩm của Omsom trên một siêu thị phổ biến của người Mỹ. Từ đó, họ sẽ có một lựa chọn tốt hơn và sự thông hiểu về ẩm thực châu Á. Ví dụ nhé, thay vì dùng xốt BBQ cho bữa ăn chào mừng ngày Độc lập (4/7) thì một người mẹ Mỹ có thể chọn xốt sả BBQ của Omsom chẳng hạn.

Vanessa: Và ngay từ đầu, tôi đã trình bày cơ hội thành công của Omsom cho nhà đầu tư thông qua những con số thống kê, cho thấy sự tăng lên của cả cư dân Mỹ gốc Á lẫn mức độ quan tâm đến văn hóa châu Á trong đời sống xã hội, từ văn hóa, giải trí, phim ảnh đến các sản phẩm thường nhật khác. Đó là một quá trình thuyết phục không chút dễ dàng, nhưng chúng tôi đã chỉ ra được vị trí độc đáo của Omsom và những tác động của nó đối với đời sống đại chúng Mỹ.

Cảm ơn Kim và Vanessa rất nhiều, và mong là chúng tôi, những người sống tại Việt Nam, có thể sớm thưởng thức các sản phẩm của thương hiệu Omsom.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Huyên

Ảnh: Đại Ngô

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)